Bầu cử Đức: Khi bà Merkel chuẩn bị rời chính trường
Kỷ nguyên của Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp kết thúc, khi cuộc bầu cử Quốc hội Đức diễn ra vào cuối tháng 9 này. Nhưng, với di sản khổng lồ mà bà Merkel để lại, đây chắc chắn không phải là một cuộc chuyển giao dễ dàng.
Di sản khổng lồ
Ngày 22-11-2005 là một ngày đặc biệt trong lịch sử nước Đức. Lần đầu tiên, một chính phủ liên minh giữa hai chính đảng lớn nhất đã được thành lập, sau những cuộc thương thảo kéo dài. Bất ngờ hơn, nắm giữ vị trí Thủ tướng Đức lại là một người phụ nữ - bà Angela Merkel. Không chỉ là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Thủ tướng Đức, bà còn là công dân đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ Đức cũ trở thành người lãnh đạo nước Đức thống nhất. Bà cũng đồng thời là vị Thủ tướng Đức trẻ tuổi nhất nhậm chức kể từ sau Thế chiến 2.
Khi cuộc bầu cử năm đó đi vào bế tắc, với khả năng hình thành một chính phủ liên hiệp, không ai nghĩ người phụ nữ đến từ Đông Đức ấy sẽ dành được đủ sự tín nhiệm để đứng ở vị trí quyền lực nhất nước Đức, vượt qua vị thủ tướng đương nhiệm là ông Gerhard Schroder - người có uy tín rất lớn cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Thế nhưng, sau hơn 15 năm nắm quyền, bà Merkel cho thấy mình xứng đáng với sự lựa chọn đó.
Sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền, bà Merkel để lại một di sản khổng lồ, định hình vị thế của mình trong lịch sử nước Đức. Đầu tiên, phải nói đến thành quả tuyệt vời của bà trong việc điều hành nền kinh tế Đức - điều được thể hiện rất rõ ở các con số cụ thể. Ở thời điểm năm 2005, khi mới lên nắm quyền, kinh tế Đức chỉ tăng trưởng khoảng 0,5% mỗi năm trong 5 năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 11%. Vậy mà, trong 15 năm qua, mức tăng trưởng bình quân của nền kinh tế là 1,6%, còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%, thấp nhất châu Âu. Cũng trong quãng thời gian đó, bà Merkel lèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu đi qua 2 cuộc khủng hoảng lớn và giữ vững vị thế đầu tàu EU trong suốt một thập niên qua.
Để so sánh, trong cùng quãng thời gian bà Merkel tiếp nhiệm, nền kinh tế Đức đang ở trạng thái trì trệ. Khi đó, Ý hay Tây Ban Nha đang là những nền kinh tế năng động đầy hứa hẹn trong EU. Vậy mà chỉ sau vài năm, tất cả đã đảo chiều. Nước Đức trở thành chỗ dựa của cả EU, trong khi những nền kinh tế từng là niềm hy vọng một thời kia lại chìm trong khủng hoảng.
Ngoài thành tích điều hành kinh tế, bà Merkel còn để lại nhiều di sản chính trị sẽ còn được nhắc tới rất lâu nữa, như việc "hiện đại hóa" nước Đức, loại bỏ nghĩa vụ quân sự, đấu tranh nữ quyền, giải phóng phụ nữ, đẩy mạnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ số cũng như thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo. Ngay trong quãng thời gian đại dịch COVID bùng phát vừa qua, nước Đức cũng trở thành điểm sáng đương đầu với đại dịch trên thế giới nhờ cách điều hành cẩn trọng, khoa học, rất lý trí nhưng cũng cực kỳ chân thành của bà. Bà Merkel đã rất khéo léo xây dựng được một liên minh cầm quyền vững mạnh gồm các chính đảng lớn nhất nước Đức để ủng hộ những quyết sách của mình. Sự ổn định đó là nguồn gốc của những thành quả mà bà đã đạt được.
Ở góc độ đối ngoại, bà Merkel trở thành một nhà lãnh đạo châu Âu giàu uy tín trong giai đoạn mới. Sự mạnh mẽ của bà đã nhiều lần lèo lái con thuyền EU qua những cơn sóng dữ. Trong khi đó, sự khéo léo của bà đã xây dựng được một chỗ đứng riêng của nước Đức, cân bằng trong mối quan hệ phức tạp giữa 3 siêu cường luôn so kè nhau là Mỹ - Nga - Trung Quốc. Đó cũng sẽ là thách thức lớn với bất kỳ ai kế nhiệm người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong thập niên qua.
Thách thức gian nan
Những thành quả đạt được càng lớn thì thách thức phía sau đó cũng càng nặng nề. Nước Đức của năm 2021 đã không còn là nước Đức của năm 2005 nữa. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu lúc này còn đang phải gồng gánh cả những nền kinh tế yếu khác trong EU, do chính những di sản chính trị mà bà Merkel để lại. Sự rời đi của nước Anh càng đẩy nước Đức lên một vị trí cao hơn và giờ họ không thể né tránh trách nhiệm của mình.
Sau một thập niên rưỡi thực hiện những cải cách sâu rộng, nước Đức đứng trước những thách thức mới. Nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Đức đang bị cạnh tranh quyết liệt ở chính những lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp cơ khí, hóa chất, điện tử hay dược phẩm. Nền chính trị vốn ổn định bắt đầu cảm nhận được thách thức đến từ lực lượng cực hữu và dân túy mới.
Sau cuộc khủng hoảng ở Syria và Iraq vào năm 2015, nước Đức đã mở cửa đón không ít người tị nạn đến cư trú. Người dân Đức, từ sự ủng hộ ban đầu, dần trở nên tiêu cực với nhóm người này. Nó kéo theo sự trỗi dậy của những nhóm cực hữu hay dân túy, khai thác sự tức giận của người dân Đức với người tị nạn. Các đảng cực hữu như AFD đã triển khai chương trình nghị sự bài ngoại, chống Hồi giáo và phân biệt chủng tộc, gia tăng được vị thế. Cùng với đó là những người theo chủ nghĩa phát xít mới hỗ trợ các phong trào này tạo ra sự chia rẽ trong xã hội Đức.
Vị thế cân bằng của nước Đức cũng đang lung lay, khi cuộc đối đầu giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn. Nước Đức đang ở một thời điểm vô cùng nhạy cảm khi vừa phải bảo vệ vị thế độc lập của mình cũng như EU, đồng thời phải chọn giữa lợi ích và trách nhiệm bên cạnh những đồng minh truyền thống. Đó là những thách thức đã làm bà Merkel phải đau đầu trong những năm cuối nhiệm kỳ của mình, đồng thời cũng là bài toán khó mà người sẽ thay thế bà trong thời gian tới cần đưa ra lời giải.
Ai là người được chọn?
Không dễ để tìm người kế thừa xứng đáng cho một nhà lãnh đạo với tầm vóc như bà Angela Merkel, nhưng đó là việc nước Đức phải làm. Vào ngày 29-9 tới, hơn 80 triệu cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đầu tiên mà không có đương kim thủ tướng ra ứng cử.
Những cuộc chuyển giao đã được dự báo, những ứng viên đã dần lộ diện. Liên minh Dân chủ Cơ Đốc (CDU/CSU) với vị Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, ông Armin Laschet, người được cho là sẽ tiếp nối đường lối ngoại giao khôn ngoan của bà Merkel, là ứng viên hàng đầu trong suốt cuộc đua. Trong khi đó, bà Annalena Baerbock, ứng viên của đảng Xanh, một người phụ nữ cứng rắn gây bất ngờ với việc chống lại nhiều dự án lớn đang được Chính phủ Đức theo đuổi (như Dòng chảy phương Bắc 2) cũng thu hút rất nhiều sự ủng hộ. Đây là hai đối thủ đã song hành trong suốt năm qua. Thế nhưng, trong cuộc thăm dò mới nhất, một cái tên mới lại xuất hiện.
Ông Olaf Scholz, một người bị đánh giá là tẻ nhạt và máy móc, bất ngờ vượt lên dẫn đầu cuộc đua trong giai đoạn nước rút. Với vai trò là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức trong chính phủ hiện tại, nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) ghi điểm nhờ kinh nghiệm làm việc trong chính phủ lâu dài với bà Merkel. Là người đề xuất gói hỗ trợ 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế Đức sau đại dịch, ông Scholz được hy vọng sẽ lèo lái con thuyền kinh tế Đức vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt này, như cách bà Merkel đã làm 15 năm trước.
Sau 16 năm cầm quyền liên tục, nền chính trị Đức đã bị trùm phủ dưới cái bóng quá lớn của bà Angela Merkel. Nhưng, người ta vẫn hy vọng rằng sau ngày 29-9 tới đây, sẽ lại xuất hiện một vị thủ tướng mới sẵn sàng cho thành công mới.