Bảo vệ người dám nghĩ dám làm

Thứ Sáu, 24/02/2023, 20:35

Vào những năm 1960, Singapore không những chỉ là một quốc đảo nhỏ bé thuộc khu vực thế giới thứ ba, không có tài nguyên, mà còn bị tổn thương nặng nề vì một vấn nạn không xa lạ với toàn cầu: tham nhũng.

Từ bài học Singapore

Lý Quang Diệu, trở thành Thủ tướng khi mới 35 tuổi, tự hỏi rằng liệu điều gì sẽ đưa đất nước tưởng như chẳng có lợi thế nào này đi lên? Câu trả lời của ông là THƯƠNG HIỆU. Ông quyết định rằng mình sẽ biến Singapore thành một đất nước trong sạch theo mọi nhẽ. Thời điểm ấy, ý tưởng về một quốc gia không có tham nhũng mang tính cách mạng, và độc nhất vô nhị.

anh 1 bai chinh.jpg -0
Lý Quang Diệu và chính sách bảo vệ người hiền tài đã thay đổi diện mạo của Singapore. Nguồn ảnh: Getty.

Đầu tiên, Singapore đặt ra những hình phạt rất khắc nghiệt với tội tham nhũng. Ngoài ra, Lý Quang Diệu có một ý tưởng táo bạo khác: làm thế nào để Singapore tìm được những quan chức trong sạch và trung thực để quản lý? Năm 1994, trong bài phát biểu trước Quốc hội Singapore, ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không làm điều gì đó ngay lập tức, nền công vụ sẽ cạn kiệt nhân tài và chuyện săn tìm những người đáng tin cậy, có năng lực để làm việc cho chính phủ sẽ không bao giờ chấm dứt”.

Ông kết luận rằng các chính trị gia cũng “là đàn ông và phụ nữ đích thực, giống như bạn và tôi, có gia đình và có khát vọng thực trong cuộc sống. Vì vậy, khi chúng ta nói về tất cả những động lực cao cả, cao thượng và cao quý, hãy nhớ rằng rốt cục thì rất ít người có thể sống như những mục sư”.

Đấy là năm mà Quốc hội Singapore đã thông qua “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”. Nó quy định rằng mức lương của bộ trưởng và công nhân viên chức cấp cao phải tương đương lương trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo quốc nội và tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhận mức lương cao nhất thế giới, lên đến 1,6 triệu USD/năm. Và thu nhập này cũng hoạt động với cơ chế giống như các tập đoàn tư nhân: mức lương sẽ được điều chỉnh theo GDP. Chẳng hạn vào năm 2009, lương của Tổng thống và Thủ tướng đã bị cắt giảm 19% do kinh tế suy thoái.

Chính sách dưỡng liêm của Singapore là một bài học cho thế giới, về mặt triết lý. Quản trị công tức là trực tiếp nắm trong tay những nguồn lực to lớn của quốc gia, và xứng đáng được “bảo vệ” bằng những nguồn lực tương tự. Lý Quang Diệu lập luận: “Chính phủ hiện tại, bao gồm các Bộ trưởng trong Nội các, Nghị viên, thư ký, tất cả mọi người – tiêu tốn 17 triệu USD một năm. Đấy là chi phí. Làm việc với GDP gần 90 tỷ USD với mức tăng trưởng 8% một năm. Nếu bạn chọn người sai, đấy sẽ là thảm họa”.

Trong nhiều năm, Singapore được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp vào danh sách một trong những quốc gia châu Á có mức độ tham nhũng thấp nhất. Tính trên GDP bình quân đầu người, Singapore xếp thứ 6 trên thế giới, với mức hơn 87 ngàn USD/năm.

Chính sách dưỡng liêm này bao gồm cả việc thử thách người tài, và bảo vệ để họ có thể làm việc một cách thuận lợi nhất. Singapore cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú nhất từ các trường đại học, dựa trên thành tích học tập và cả hoạt động ngoại khóa. Khi nhậm chức, họ được “bảo vệ” bằng 1) mức lương rất cao so với mặt bằng xã hội, như đã nói; 2) Cơ chế tự chủ, trao quyền và 3) Đánh giá hiệu quả công việc dựa trên các con số, mục tiêu cụ thể, như khối tư nhân.

Các quan chức và viên chức chính phủ Singapore được bảo vệ khá kỹ, khỏi sự sa ngã (nhờ mức lương), các mối đe dọa nhắm vào những người dám làm (nhờ chính phủ vận hành dựa trên hiệu quả, chứ không phải “đi dây” quan hệ), và cả sự… nhàm chán (họ sẽ phải cạnh tranh liên tục như các tập đoàn tư nhân nếu muốn thăng tiến). Họ không những có thể hành động theo pháp luật hiện hành, mà còn có thể xử lý các công việc mà pháp luật không/ chưa quy định, phù hợp với thực tế.

Chuyển biến tư duy

Đầu tháng Hai, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, cho biết Bộ Nội vụ đang xây  dựng nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cho dù nghị định sẽ còn mất một thời gian nữa mới được xây dựng xong và có thể mất lâu hơn để đi vào thực tế, nhưng đây là một bước chuyển biến lớn về triết lý quản trị công: lâu nay, những người tham gia xây dựng và thi hành quyền lực công, với tư cách một dạng quyền lực luôn cần bị hạn chế để tránh sự lạm dụng, được coi như những chủ thể phải bảo vệ người khác, thậm chí được cụ thể hóa bằng các từ ngữ như “công bộc”.

anh 2 bai chinh.jpg -0
Làn sóng công chức nghỉ việc trong hai năm qua nói lên rằng làm việc trong hệ thống nhà nước không hề dễ dàng. Nguồn ảnh: CAND Online.

Nhưng không ai nghĩ rằng chính họ cũng cần được bảo vệ, để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trên danh nghĩa, những “người nhà nước” ở Việt Nam đang làm việc với một mức lương rất thấp: trong 10 năm qua, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng khoảng… 440 ngàn đồng, bằng đâu đó mười bát phở. Trong các cơ quan, những người dám nghĩ, dám làm hay phải đối mặt với các “dây” quan hệ, “cánh hẩu”. Chưa kể những trường hợp cần phải sáng tạo những giải pháp khi pháp luật chưa có quy định nhưng thực tế đòi hỏi phải hành động.

Tư duy bảo vệ công chức là không phổ biến trong lịch sử, cho đến khi các lý thuyết gia quản trị công phát hiện ra rằng, một khi tham nhũng đi sâu vào hệ thống, nó có thể tạo ra một dạng dây mơ rễ má quyền lực có thể đè bẹp bất kỳ cá nhân đơn độc nào. Các học giả phương Tây lấy ví dụ về chính quyền của cựu Tổng thống Indonesia Suharto: ông này và nhóm thân cận bao gồm các tài phiệt, cố vấn và tướng tá đã phát triển một hệ thống bảo kê, tham nhũng suốt 32 năm.

Ngay cả sau khi ông từ chức vào năm 1998 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Tổ chức Minh bạch Quốc tế vẫn báo cáo rằng tiền vẫn chảy vào túi ông, và Suharto không hề bị ngắt kết nối với hệ thống này. Số liệu thống kê ở Việt Nam cho thấy rằng trong hơn 2 năm qua, gần 40 ngàn cán bộ, công chức, viên chức đã thôi việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao của cả hệ thống chính trị. Những con số cho thấy rằng làm trong khu vực nhà nước là không hề dễ dàng.

Trong các tham luận về đổi mới kinh tế và chính sách trên báo chí và các diễn đàn từ chính thức đến phi chính thức, Singapore thường được chúng ta nhắc đến như một điển hình hiệu quả về quản trị công và từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển vượt bậc. Nhưng từ ngưỡng vọng đến một nghị định là một chặng đường quá dài: từ chính sách tiền lương, cho đến hành lang pháp lý, chúng ta chưa bao giờ xếp “người nhà nước” vào đối tượng cần phải “bảo vệ” nghiêm túc.

Trong những ngày lịch sử này, khi rất nhiều quan chức lần lượt vướng vòng lao lý và làn sóng công chức bỏ việc vẫn đang diễn ra, thì một tiếng nói trên các diễn đàn chính thức rằng những người dám nghĩ dám làm cần phải được bảo vệ, thật sự có ý nghĩa. Cho dù đấy có vẻ là một mệnh đề hợp lý đến mức đương nhiên đi nữa, thì nó cũng đã đi một chặng đường rất dài để được nói ra.

Ban Cầm
.
.