Bạo lực vị thành niên

Thứ Sáu, 12/04/2024, 09:35

LTS: Nhiều năm qua, chúng ta nói quá nhiều về bạo lực học đường, với quá nhiều câu chuyện cụ thể. Nhưng chúng ta đã quên mất một thực tế rộng hơn, nguy hại hơn là vấn nạn bạo lực tuổi vị thành niên.

Bạo lực và cái ác tuyệt đối

Cuối tháng Ba vừa rồi, vụ một nam sinh lớp 8 bị đánh chết não vì mâu thuẫn trên sân bóng rổ tại Hà Nội lại đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về động cơ của bạo lực. Thoạt nhìn, ai cũng có thể kết luận ngay: thiếu niên đánh chết não nam sinh là một kẻ ác.

Bạo lực vị thành niên -0
Cháu Đ hiện vẫn “thập tử nhất sinh” trong bệnh viện.

1. Nhưng đầu đuôi câu chuyện thì phức tạp hơn thế. Ban đầu, cháu TVK, học sinh lớp 6, bị nam sinh NHĐ tát vào mặt. Cháu K chạy đi gọi anh trai là TVM đến giải quyết mâu thuẫn. Trong quá trình xô xát, TVM đã đấm NHĐ chấn thương sọ não, và hiện tiên lượng tình trạng của cháu là rất xấu.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Evil: Inside Human Violence and Cruelty” (1999, tạm dịch: Tội ác: Đằng sau bạo lực và sự tàn nhẫn), nhà tâm lý học Roy Baumeister cho rằng hầu hết mọi người đều tin rằng những kẻ ưa bạo lực là độc ác, luôn tận hưởng niềm vui từ sự đau khổ của những nạn nhân vô tội.

Đặc biệt đối với những tội ác tàn bạo nhất, chúng ta không thể không coi các thủ phạm là những kẻ “xấu xa”, những con quỷ vô nhân đạo thiếu tình cảm đạo đức cơ bản. Baumeister gọi hiện tượng này là “truyền thuyết về cái ác thuần khiết”. Một truyền thuyết vì nó… không đúng.

Tất nhiên, đây là một trong những quan điểm gây tranh cãi, nhưng nếu tạm bỏ qua tính đúng sai của nó, thì nghĩ về cái ác là động cơ duy nhất của bạo lực như thế không giúp gì cho chúng ta khi cố hiểu về nó.

2. Năm 2007, nhà tâm lý học C Nathan DeWall tại Đại học Kentucky và đồng nghiệp đã công bố kết quả của một thí nghiệm quan trọng về bạo lực. Họ chọn ra một tập mẫu là các sinh viên chưa từng có vấn đề gì về đạo đức, rồi khiêu khích các sinh viên này bằng cách buộc họ phải cưỡng lại một món tráng miệng hấp dẫn, hoặc làm gì đó khiến các đối tượng thử nghiệm phải ức chế.

Kết quả? Các sinh viên bị ức chế đã trở nên hung hăng hơn trong nhận định và hành vi kế tiếp của họ. Ví dụ, họ có xu hướng nói lớn tiếng hơn và gay gắt với những người xung quanh.

Mục đích của các nhà nghiên cứu là làm cạn kiệt khả năng tự kiểm soát của các đối tượng thử nghiệm, rồi đưa họ vào một tình huống đời thường. Đa số đã phản ứng một cách thái quá, không giống con người của họ thường ngày.

DeWall gọi đây là thuyết “mất kiềm chế”, giải thích rằng ngay cả những người bình thường cũng có những cảm xúc bạo lực thường được kiềm chế. Khi ý thức đạo đức bị suy yếu hoặc cản trở, họ bị cuốn vào mặt tối của bản ngã bên trong mình. Hãy tưởng tượng một người đàn ông biết rằng đánh vợ là sai nhưng sau một ngày làm việc dài và mệt mỏi tột độ, anh ta mất kiểm soát và đánh vợ. Liệu anh ta có phải là là một chân dung điển hình của tội phạm hay không?

Trong các vụ bạo lực vị thành niên gây nhức nhối xã hội, các bậc phụ huynh hay nói một câu khá quen của khi biết tin con mình vừa phạm tội là “cháu ở nhà ngoan lắm”. Đây có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên: trong điều kiện bình thường, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể tốt đẹp.

3. Nhưng những người còn quá trẻ sẽ là các đối tượng dễ bị suy giảm kiềm chế nhanh và nhiều hơn bất kỳ ai, trong những tình huống mà người lớn nhìn vào sẽ chỉ nghĩ là chuyện trẻ con. Trong khi đó, với kỹ năng kiềm chế kém, con em chúng ta, ngoài việc là nạn nhân của bạo lực, cũng có thể trở thành thủ phạm, trong một cảnh huống khác.

Các phụ huynh thì vẫn hoàn toàn chủ quan với những gì đã và đang diễn ra, còn xã hội sẽ không ngừng diễn đạt các câu chuyện kiểu này bằng một sự lên án tuyệt đối với cái ác thuần túy. Nhưng cách nhìn này dường như không hiệu quả, nếu chúng ta cần tìm một phương thức tiếp cận với bản chất của bạo lực vị thành niên.

Còn nếu nhìn nó như một sự bất toàn của con người, chúng ta sẽ có ngay các giải pháp. Cái ác tuyệt đối là một sự thừa nhận gián tiếp rằng bạo lực là một thực trạng không thể cứu vãn.

Phạm An

Những cơn sóng ngầm

Làm thế nào để bảo vệ con mình khỏi Internet, khi trên đó đầy rẫy những nội dung bạo lực?

Bạo lực vị thành niên -0

Trước câu hỏi đó, Craig Good, một nhà biên kịch đang làm việc tại hãng hoạt hình Pixar trả lời: “Bạn không bảo vệ con mình khỏi việc ra đường, đúng không? Bạn dạy nó cách qua đường an toàn. Tương tự với Internet. Bạn không bảo vệ con mình khỏi nó, bạn dạy chúng cách sử dụng”.

“Cách dùng Internet” không phải việc biết dùng trình duyệt, vào YouTube, gõ từ khóa vào ô tìm kiếm; không phải cách dùng Grab để đặt xe từ trường về nhà; cũng không phải cách thanh toán tiền mua đồ ăn vặt ở cửa hàng tiện lợi. Kỷ nguyên mạng xã hội đang đặt ra những áp lực mới, mà không phải bậc cha mẹ nào cũng nhận thức được.

Internet không phải là thứ bạn đang nhìn thấy trên màn hình của mình. Nó có chỗ cho những không gian hoàn toàn mở, đề cao tuyệt đối tự do của người sử dụng và chủ đề thảo luận của họ.

Bạn đã bao giờ đọc một thảo luận, từ một người trẻ Việt Nam, rằng cô ta/anh ta thích hành hạ thú vật, thích nhìn thấy máu và rất muốn làm đau người khác? Có thể là chưa. Nhưng nó có tồn tại, trên Reddit, một mạng xã hội khổng lồ và đang được nhiều người trẻ Việt Nam tìm đến.

Bạn đã bao giờ xem một video clip hài hước, chế nhạo vụ tự tử của một nam sinh cấp 3 tại Hà Nội? Có thể là chưa: nó sẽ bị xem là một nội dung vô nhân tính ở hầu hết các bối cảnh. Nhưng nó có tồn tại, trên Facebook, trong một nhóm kín nào đó dành riêng cho các bạn trẻ thích đùa và thích “tự do tư tưởng”.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một đoạn rao vặt, của một nữ sinh thích bị hành hạ thể xác, bạo hành tình dục, đi tìm… chủ nhân của mình? Một cô bé, vì lý do nào đó (mà rất có thể là chính từ các nội dung trên Internet), hình thành nhu cầu bị hành hạ, đối xử hạ đẳng (họ dùng một danh từ riêng cho việc đó, là “slave”, nghĩa đen là nô lệ) chủ động đăng tìm một gã đàn ông lớn tuổi cho nhu cầu đó. Có thể bạn chưa gặp: nó không xuất hiện trên màn hình điện thoại của bạn hôm nay. Nhưng nó có tồn tại, trên một diễn đàn mở về các xu hướng tính dục, cũng đang được nhiều người trẻ Việt Nam tìm đến sinh hoạt.

Tất cả những nội dung đó, đều có thể tạo ra trong đầu những đứa trẻ các suy nghĩ tăm tối, lệch lạc, tạo ra những bi kịch ngoài đời, từ bạo lực với người xung quanh cho đến bạo lực với chính bản thân, chỉ để rồi phụ huynh phải thốt lên câu: “Ở nhà cháu ngoan lắm”.

Internet trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 rất khác so với những gì bạn, một phụ huynh thuộc lứa tuổi 7x hoặc 8x biết đến. Không chỉ là mấy công cụ giao tiếp công việc, cập nhật đời sống, đăng ảnh đi du lịch hay chốt đơn hàng online nữa. Sự phát triển của các mạng xã hội đã tạo ra không gian thảo luận về bất kỳ chủ đề gì con người có thể nghĩ đến, hợp pháp hay không hợp pháp, lành mạnh hay không lành mạnh. Trong nhiều nền văn hóa đề cao tự do, “lành mạnh” hay không chỉ là một quan niệm. Họ chấp nhận bạo lực như một phần của cuộc sống, thậm chí như một chủ đề văn học, một chất liệu vui cười. Còn bạn, vị phụ huynh nuôi một đứa trẻ đang làm quen với cuộc đời, không chấp nhận nổi điều đó.

Điều này đồng nghĩa với việc các phụ huynh chỉ đứng trước hai lựa chọn: hoặc tìm cách kiểm soát và ngăn chặn hoàn toàn các nội dung này đến với con em mình; hoặc thẳng thắn đối mặt và tìm cách định hướng chúng giữa những cạm bẫy đó. Lựa chọn thứ nhất có vẻ như sẽ dễ hơn trong vài năm trước, khi văn hóa sử dụng Internet để dạy học chưa phổ biến. Nhưng ngày nay, lũ trẻ sẽ phải sử dụng máy tính cho nhiều mục tiêu chính đáng và cha mẹ nếu muốn kiểm soát chỉ có thể giám sát 24/24.

24/24, vì sự tò mò có thể sẽ bắt một cô bé hay cậu trai mới lớn mò dậy vào lúc 2h sáng, mở thiết bị trong gia đình (nhà ai giờ cũng có thiết bị thông minh nối mạng) và đọc, xem, nghe những chủ đề cô cậu đang thích. Bạn sẽ phải sống trong tâm trạng đề phòng thường trực, mà vẫn đối mặt với nguy cơ ngã ngửa khi biết con mình xem những gì.

Lựa chọn thứ hai, cũng không dễ dàng. Nó đòi hỏi một bậc phụ huynh phải học cách sử dụng mạng như một đứa trẻ, xông vào những góc tối tăm nhất, biết được mọi rủi ro mà con mình có thể đối mặt. Cũng như cách chúng ta dạy chúng bơi, ta phải lao xuống bể. Sẽ rất dễ dàng, cho một người lớn, chủ quan tin rằng họ “lạ gì môi trường mạng”. Họ sử dụng mạng để kiếm sống hàng ngày, tổng thời gian online từ 6 đến 10 tiếng đồng hồ. Nhưng nếu bạn chưa từng đọc các ví dụ tôi nêu ở đầu bài viết này, hiểu biết đó có thể là ảo ảnh.

Lựa chọn thứ hai, đối mặt và định hướng, còn đòi hỏi một khả năng lắng nghe đặc biệt. Nghe xem con trẻ đang nói về chuyện gì, đoán định suy nghĩ và những mầm tư duy đang hình thành trong chúng. Chúng càng nói những chuyện mà bạn cho là vớ vẩn, bạn càng phải nghe kỹ hơn (thay vì nạt “Đừng có nói vớ vẩn”).

Những cơn sóng ngầm trên Internet đang đặt một áp lực khổng lồ lên thế hệ phụ huynh đương đại. Mọi đúc rút về giáo dục từ các thế hệ trước đều có thể trở nên vô nghĩa: chưa bao giờ, trong lịch sử loài người, một người có thể thảo luận về các hành vi bạo lực cực đoan công khai, cho cả triệu người tiếp cận. Có lẽ, nó là cái giá phải trả cho sự tiện lợi mà mạng Internet đã mang đến cho cuộc đời chúng ta. Chỉ là, ai dũng cảm đối mặt để trả cái giá đó, ai nhu nhược lẩn tránh bằng những mệnh đề “cháu ở nhà ngoan lắm”; “tôi quản cháu kỹ lắm” hay “tôi lạ gì bọn trẻ ngày nay”.

Đức Hoàng

Sự thừa nhận của người lớn

“Nhân chi sơ, tính bản thiện” nhưng mỗi con người lại mang một tâm tính khác nhau, thiện ác khó lường. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” nhưng mỗi đứa trẻ vốn dĩ “chi sơ bản thiện” lại lớn lên trong những bối cảnh khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, theo những cách khác nhau. Tập hợp những cá thể khác nhau và đa dạng đó tạo ra xã hội và chúng ta miệt mài nghiền ngẫm về xã hội loài người nói chung nhưng nhiều khi lại bỏ qua xã hội của trẻ em nói riêng.

Bạo lực vị thành niên -0

Thanh thiếu niên luôn sống trong một thế giới khác chúng ta, nhiều khi là khác biệt rất lớn, trong khi người lớn chúng ta lại luôn mặc định thế giới như một công thức. Chúng ta ít hiểu người trẻ, hay nói đúng hơn là nhiều khi từ chối hiểu người trẻ. Chúng ta luôn định ra một quan niệm rằng “thời chúng tôi trẻ còn vất vả hơn nhiều” để mặc nhiên xem nhẹ những trăn trở của những đứa trẻ non nớt ấy.

Nhiều năm nay, chúng ta đọc được, xem được rất nhiều câu chuyện xoay quanh cái gọi là bạo lực học đường. Xót xa, căm phẫn, quy kết mọi nguyên nhân cho hiện tượng đó nhưng cuối cùng chúng ta không thể lý giải được nó cũng như không thể loại trừ nổi nó. Thực tế thì chúng ta bỏ quên một thứ rộng hơn thế. Đó chính là bạo lực vị thành niên. Bạo lực học đường chỉ là một biểu hiện rất nhỏ trong tổng thể bạo lực tuổi vị thành niên mà thôi. Chẳng qua, khi ta mặc định rằng môi trường giáo dục luôn cần trong sáng, thơ ngây, thanh sạch, ta xem trọng việc giải quyết nạn bạo lực học đường mà quên mất rằng vấn nạn bạo lực vị thành niên mới đáng được giải quyết rốt ráo hơn nhiều. Dễ hiểu, chính bạo lực vị thành niên ngoài xã hội đã và vẫn là một chiều kích rất mạnh để bạo lực học đường nảy sinh.

Nếu thống kê lại, chúng ta có thể nhận ra càng cách xa vùng lõi trung tâm đô thị, mật độ bạo lực vị thành niên, bạo lực học đường càng cao. Đa số các vụ bạo lực học đường thường xảy ra ở các trường học địa phương, trường học ngoại thành, ven đô. Và cái lõi trung tâm ấy là gì? Đơn giản, như với Hà Nội, nó là khu vực quanh quanh Hoàn Kiếm - Ba Đình và một phần Hai Bà Trưng còn với TP Hồ Chí Minh, ấy lại là khu vực quanh quanh các quận sầm uất, giàu có như quận 1, 3, 5, Phú Nhuận…

Không vội nói đến khoảng cách mức sống, lối sống giữa thành thị và nông thôn, hãy chỉ nhìn vào khác biệt nội đô - ngoại thành ở ngay các đô thị lớn, chúng ta sẽ có thể có một điểm tựa để bắt đầu cuộc tìm hiểu về đời sống thanh thiếu niên. Đầu tiên, phải khẳng định rằng, xu hướng phạm pháp, thanh thiếu niên ở các khu lao động, nhất là các khu ngoại vi, luôn có xu hướng bạo lực hơn các thanh thiếu niên ở khu vực nội đô. Sự khẳng định này không phải là một kỳ thị. Sự khẳng định này càng không phải là một khu biệt hiện tượng chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nó thực tế là tình trạng ở toàn cầu. Bất kể một quốc gia văn minh nào, ở ngay các đô thị vĩ đại nhất của họ, vấn nạn bạo lực vị thành niên ở các khu lao động, khu ổ chuột, khu dân cư ngoại vi… luôn là một vấn đề xã hội nhức nhối. Cơ bản, ở đó, đời sống rất khác và những đứa trẻ vì thế cũng lớn lên theo cách rất khác so với bạn bè cùng trang lứa ở những khu nhà giàu.

Ở TP Hồ Chí Minh, chỉ cần so sánh nội trong quận 7 thôi, chúng ta cũng đã nhận ra các khác biệt quá lớn. Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình khá giả ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng có cách hành xử khác hẳn những đứa trẻ ở trong những hẻm nhỏ tại những phường khác. Đó chính là câu chuyện của môi trường sống. Có quá nhiều chênh lệch giữa các môi trường sống khác nhau trong một đô thị chứ chưa nói đến chuyện giữa một đại đô thị với một địa phương vùng xa.

Đã từng có một thời, nhiều người đến TP Hồ Chí Minh rất ngại sang quận 4. Ngày nay, khi quận 4 đã được quy hoạch lại, khang trang hơn, thêm những lớp dân mới từ nhiều nơi đến với phong cách sống khác hơn, quận 4 đã trở nên an toàn hơn rất nhiều. Nhưng đâu đó, trong các hẻm hóc của nó, vẫn còn lại diện mạo của quận 4 ngày nào qua những gương mặt những đứa trẻ. Chúng đen nhẻm vì phơi nắng bụi đường phố và có thể khiến cho người đối diện phải sợ, tránh va chạm bởi tính hung hăng có thể bộc phát ra bất kỳ lúc nào. Và tôi mới vừa chứng kiến hai đứa trẻ, chừng 12-14 tuổi, đã quắc mắt lên với một trung niên ngay giữa ngã tư khi bị người kia nhắc về chuyện vượt đèn đỏ. Hai đứa trẻ ấy đã dọa “chém chết mẹ mày giờ” trước sự e dè của cả một đám đông đứng đợi đèn dưới nắng.

Những người sinh ra ở Hà Nội khoảng thập niên 70-80 chắc chưa bao giờ quên câu chuyện bị trấn lột tiền khi lên làng Nghi Tàm mua cá cảnh hay khi đi vào làng Bình Đà mua pháo Tết. Những kẻ trấn lột chỉ trạc tuổi những người bị trấn lột, thậm chí có thể nhỏ tuổi hơn. Khác biệt duy nhất: những kẻ trấn lột có thể rút hung khí ra nện nạn nhân của mình thừa sống thiếu chết nếu chống cự. Và tôi tin, câu chuyện kiểu ấy không chỉ xảy ra ở Hà Nội. Nạn nhân có lẽ cũng mang mẫu số chung: những đứa trẻ hiền lành lớn lên ở trong một môi trường  hiền lành hơn.

Những đứa trẻ hôm nay có thể có cách thể hiện bạo lực khác với thế hệ cha anh đi trước, nhưng hoàn cảnh phát xuất bạo lực có lẽ không khác. Những đứa trẻ lớn lên ở các khu đô thị đẹp đẽ, với những hàng xóm, bạn bè hiền lành như mình, cùng lối sinh hoạt thường nhật như mình luôn có thể trở thành nạn nhân trong một vụ bạo lực vị thành niên nào đó mà thủ phạm là những đứa trẻ lớn lên ở một môi trường nhiều bụi bặm cuộc đời hơn. Ở những khu đô thị cao cấp, đứa trẻ có thể sẽ bơi, chơi bóng rổ, chơi bóng đá, hoặc học chơi nhạc cụ sau giờ học ở trường. Còn những đứa trẻ ở những khu lao động thì sao? Chúng cũng đã từng xuất phát điểm với những khát khao, sở thích, ước mơ tương tự nhưng điều kiện của gia đình, của môi trường sống không bao giờ cho phép. Chúng xích lại gần nhau, chơi chung với nhau và trò chơi của chúng cũng nhuốm màu đường phố hơn. Từ đó, một khác biệt lớn đã hình thành.

Nhưng nếu chỉ quy về nguyên nhân khác biệt “điều kiện lớn lên” như ở trên thì chưa đủ. Nhiều đứa trẻ có hành vi bạo lực đáng ngại không hề xuất phát điểm từ gia đình khó khăn về kinh tế. Thậm chí, gia đình của chúng còn giàu có nữa là khác. Đây là điểm chúng ta dễ nhận ra ở những đứa trẻ có môi trường sống ở các khu chợ búa phức tạp. Môi trường đó khiến bản thân cha mẹ chúng cũng nhìn nhận cách đối xử gai góc với xung quanh là chuyện bình thường. Từ gia đình, từ bạn bè láng giềng, tất cả đã tạo thêm một xung lực khác kích thích chúng lớn lên theo cách cũng chợ búa như thế, đúng kiểu cá lớn nuốt cá bé và thậm chí chúng còn tinh ranh hơn những đứa trẻ ngoại vi khốn khó bởi ngay từ bé, chúng đã hiểu thế nào là sức mạnh của đồng tiền. Đây cũng là điểm tạo ra một khác biệt giữa chúng với những bạn bè cùng trang lứa khác ở trường, ở ngoài xã hội…

Có một tâm thế của những người trẻ sống ở các khu lao động, khu ổ chuột, khu ngoại ô tại nhiều đô thị trên thế giới chính là tâm thế cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề của văn minh. Chính vì mặc cảm này, chúng đã phản ứng lại mạnh mẽ hơn, xù xì hơn và từ đó, thiên về xu hướng bạo lực hay phạm tội hơn.

Nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x ở Việt Nam đã từng lớn lên với cảm hứng từ những cuốn phim xã hội Hong Kong kiểu như “Người trong giang hồ” và có một bộ phận trong số họ đã trở thành người giang hồ, dân xã hội đúng như hình tượng Trần Hạo Nam mà họ tôn sùng. Chính cái lãng mạn hóa hình ảnh tội phạm trên phim ảnh này đã từng là một dạng “cần sa” khiến họ không thể đủ tỉnh táo nhận thức mà dứt ra khỏi vòng xoáy xã hội. Một người trưởng thành, đủ nhận thức, xem một cuốn phim như thế chắc chắn sẽ không học đòi cách hành xử như phim vì họ đủ năng lực tri thức để biết cái hệ quả của nó là gì. Nhưng tuổi 14-15 còn nguyên vẹn sự lãng mạn sẽ phản ứng theo kiểu khác, say mê theo kiểu khác. Chưa bao giờ người lớn nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc cả.

Hãy thử nhìn vào một bản rap ra mắt năm 2010 có tên “Khu tao sống” để chúng ta hiểu hơn. “Tao không gây hấn, nhưng hễ ai đụng là đập. Và hàng nguội nằm trong túi, làm cho quần thụng và thấp” là một câu rap trong bản ấy. Khi chương trình Rap Việt mùa đầu tiên ra mắt, hai tác giả và cũng là hai người trình diễn bản rap này được trọng vọng đặt lên ghế của huấn luyện viên, rồi lập tức trở thành thần tượng của rất nhiều đứa trẻ từ 8 tuổi trở lên. Có ai dám chắc trong số những đứa trẻ thần tượng hai “nghệ sĩ bạc tỷ” ấy sẽ hoàn toàn không có một đứa nào xem chuyện “đụng là đập” và “hàng nguội nằm trong túi” là chuyện bình thường, cần làm theo và thậm chí là thời thượng hay không? Chẳng ai dám trả lời câu hỏi này cả. Thay vào đó, chúng ta say sưa cổ xuý cho cái gọi là “mới mẻ, giàu sức sống tuổi trẻ” ấy. Rồi ngay cả trong cách nhiều người lớn viết về thế giới ngầm cũng sử dụng lối hành văn lãng mạn hóa cuộc đời của một tội phạm nào đó. Để rồi sau đó, chính họ thảng thốt không hiểu vì sao bọn trẻ thần tượng những Khá Bảnh, Phú Lê…

Câu hỏi ở trên thực ra không cần một câu trả lời. Chính người lớn (dù có thể là vô tình đấy) đã hồn nhiên thừa nhận cái đời sống bạo lực đó, thừa nhận những “giá trị quân khu”… bằng cách hồn nhiên tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tung chúng lên sóng truyền hình, lên các nền tảng, phương tiện truyền thông chính thống lẫn phi chính thống… để từ đó có một số những đứa trẻ xem đó là phương châm sống. Và khi chúng ta thừa nhận những thứ như thế, chúng ta không nên đổ lỗi cho ai, cho cái gì về câu chuyện bạo lực tuổi vị thành niên.

Khi những đứa trẻ vẫn thản nhiên hát kiểu như “Khu tao sống”, chúng ta nên nghĩ đến việc thu hẹp các khoảng cách văn hóa, khoảng cách sống giữa các khu vực với nhau trước khi băn khoăn “làm cách nào để triệt tiêu bạo lực học đường”.

Hà Quang Minh

.
.