Báo chí, hãy là người “gác cổng” (bài cuối)
Trong cuộc chiến chống tin giả, vai trò của báo chí rất quan trọng. Là người "gác cổng", báo chí cần thể hiện năng lực kiểm chứng thông tin và "dán nhãn" cho những tin giả để loại trừ nó ra khỏi đời sống tin tức. Trong cuộc chạy đua về tốc độ thông tin - nhanh nhất, sớm nhất để có lượng người truy cập cao nhất - hãy đừng quên, thông tin báo chí phải là thông tin gắn với sự kiện có thật...
Mối nguy hại khi tin giả được chính thức hóa trên báo chí
Đã từng có "một dàn siêu xe đeo biển xanh" từ trong gầm giường bước lên một tờ báo trong bài viết phản ánh về một dàn siêu xe Ferrari, Bentley…được mô tả là nằm dưới tầng hầm của một chung cư và đeo biển số xanh giả Cần Thơ. Sau này, mới vỡ lẽ, đó là những chiếc xe đồ chơi được ai đó chụp và post (đăng tải) lên một diễn đàn ôtô trên mạng xã hội và rồi được tờ báo kia lấy lại, biến thành siêu xe đeo biển xanh giả trong bài báo.
Cũng từng có một bài báo từng trở thành nguồn cảm hứng khơi dậy khát vọng học tập của biết bao người, trở thành trend (xu hướng) trên mạng xã hội nhưng sau này cũng chính bạn đọc đã phát hiện ra, nó được lấy lại từ một nguồn tin không chính xác. Đó là trường hợp của bài viết "Havard, 4 rưỡi sáng" trên một tờ báo điện tử. Nội dung là những trải nghiệm được coi là của một nhà báo đến từ Trung Quốc, rằng: "Khi chúng tôi đến đại học Harvard đã 2h sáng, điều khiến chúng tôi kinh ngạc là toàn bộ khuôn viên trong trường đều sáng đèn, đó quả thật là một ngôi thành không đêm. Trong nhà ăn, trong thư viện, trong phòng học đều có rất nhiều sinh viên đang đọc sách. Không khí học tập đã nhanh chóng lan truyền tới chúng tôi. Ở Harvard công việc học tập của sinh viên là không kể ngày đêm. Lúc đó, tôi mới biết, ở Mỹ, trường học danh tiếng như Harvard, áp lực của sinh viên là rất lớn". "Havard, 4 rưỡi sáng" ngay sau đó đã được nhiều người chia sẻ và những thông điệp kiểu "Sự khổ nhọc khi học chỉ là tạm thời, sự đau khổ vì không học đến nơi là mãi mãi" được lan tỏa mạnh mẽ, thậm chí trở thành trend trên mạng xã hội thời điểm đó. Tất cả chỉ dừng lại khi những thông tin trong "Havard, 4 rưỡi sáng" bị chính các sinh viên, trong đó có không ít sinh viên Việt Nam đang theo học tại ngôi trường danh giá này phản đối. Ngay tại Trung Quốc, nơi cuốn sách này ra đời, báo chí Trung Quốc cũng vạch trần đó là thông tin không đáng tin cậy như tít của một bài báo được Tân Hoa Xã dẫn lại "Harvard bốn rưỡi sáng" đã lừa bao nhiêu người?". Tiếc thay nó lại được dịch và giới thiệu trên một tờ báo điện tử tại Việt Nam.
Đó thực sự là những bài học kinh nghiệm cho báo chí trong việc kiểm soát nguồn tin và kiểm chứng thông tin.
Trên thế giới, ngay từ đầu thế kỷ XIX, theo một số nghiên cứu, đã xuất hiện hiện tượng tin tức giả mạo được chính thức hóa trên báo chí. Tuyến bài về sự sống trên mặt trăng được coi là mở màn cho lịch sử của tin giả trên báo chí hiện đại xuất hiện vào năm 1835 trên tờ New York Sun.
Tờ báo này, khi đó tuyên bố rằng, bằng một kính viễn vọng khổng lồ, con người đã tìm thấy sự sống trên mặt trăng. Loạt bài mô tả cuộc sống trên mặt trăng tươi đẹp như một thiên đường, loài người có cánh, bay nhảy, vui đùa, yêu nhau và vào rừng hái quả. Phát kiến lẫy lừng của New York Sun đã khiến nhiều người dân New York ôm mộng thoát khỏi trái đất chật chội và oi bức để tìm đường lên mặt trăng. Tuyến bài sau khi xuất bản đã gây chấn động thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng và lan tỏa rất nhanh qua nhiều châu lục, đưa New York Sun trở thành tờ báo ăn khách cùng với lợi nhuận khổng lồ. Cũng chính lúc này, một số nhà báo khác đã âm thầm tiến hành một cuộc điều tra về sự thật đằng sau tuyến bài ăn khách nhất thế giới của New York Sun. Cuối cùng thì chính tác giả của tuyến bài về sự sống trên mặt trăng nói trên đã thú nhận rằng, tất cả các bài báo liên quan đến con người và động thực vật trên mặt trăng đều là chuyện bịa đặt.
William Randolph Hearst, cuối những năm 1890, với tư cách là chủ bút của nhiều tờ báo in tại Mỹ đã từng cử Frederic Remington, một người vẽ tranh minh họa nổi tiếng tới Cuba, để đưa tin về diễn biến tại đó. Sau một thời gian dài ở Cuba, Remington báo cáo lại rằng thủ đô Havana hoàn toàn yên bình và tĩnh lặng, rằng chẳng có cuộc chiến nào ở đây cả. Nhưng khi Remington xin quay về Mỹ, Hearst đáp: "Hãy ở lại. Anh vẽ tranh minh họa và tôi sẽ vẽ chiến tranh". Cơ hội để Hearst "vẽ" chiến tranh đến vào ngày 15-2-1898, khi tàu chiến Mỹ Maine phát nổ một cách bí ẩn ở vịnh Havana, giết chết hơn 200 thủy thủ. Mặc dù chưa bao giờ người ta chứng minh được đó là một vụ phá hoại, nhưng báo chí của Hearst đã khẳng định điều này và kêu gọi chiến tranh chống lại Tây Ban Nha.
Đầu năm 2017, nhiều tờ báo của Đức và Nga đã chính thống hóa một tin tức giả mạo về vụ việc một bé gái gốc Nga bị một nhóm người tỵ nạn từ Trung Đông cưỡng hiếp tập thể tại Đức. Việc dẫn lại thông tin thất thiệt này của báo chí, cộng với nền tảng công nghệ quá thuận lợi cho việc chia sẻ, lan tỏa thông tin đã góp phần làm bùng lên làn sóng phản đối với hàng trăm người xuống đường có sự hậu thuẫn của các nhóm cực hữu và chống Hồi giáo.
Vai trò "gác cổng" của các cơ quan báo chí
Trong cuộc chiến chống lại nạn tin tức giả, nhiều giải pháp công nghệ đã được áp dụng như sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông ở Indonesia hay dự án "Cross Check" (Kiểm tra chéo) của 40 đơn vị truyền thông tại Pháp và nhiều nước trên thế giới….Hoặc những nỗ lực không ngừng nghỉ của Facebook khi đưa ra ứng dụng Tùy chọn báo cáo "It's a false news story" ("Đây là tin tức giả mạo") trên News Feed (năm 2016) rồi sử dụng Tính năng đánh dấu nội dung gây bàn cãi (năm 2017), sau đó đưa ra bộ hướng dẫn nhận biết tin tức giả mạo. Tương tự đối với Google, cùng với động thái giúp các trang web kiểm tra sự thật trở nên nổi bật và có cơ hội tiếp cận người dùng tốt hơn là chính sách "chỉ các nhà xuất bản được thuật toán xác định là nguồn tin có thẩm quyền" mới "có đủ điều kiện để được hiển thị".
Nhưng công nghệ dù hiện đại và tinh vi đến mấy cũng không thể hoàn toàn thay thế được con người.
Cho nên, tương tự đối với "đại dịch thông tin", cho dù những biện pháp thượng tầng là cần thiết và hiệu quả thì hàng rào đầu tiên và quan trọng để ngăn ngừa tin giả vẫn là từ công chúng. Sự phòng ngừa từ cá nhân nhưng nếu tích cực thì sẽ không còn mang tính chất đơn lẻ mà thực sự trở thành một biện pháp cần thiết không kém gì các biện pháp thượng tầng nếu xét về hiệu quả. "Thông hiểu truyền thông"- thuật ngữ chỉ khả năng tiếp cận, đánh giá, phân tích để nhằm hiểu rõ thông tin từ báo chí và mạng xã hội- đã đến lúc không chỉ của riêng nhóm công chúng thông tuệ. Sự thông hiểu truyền thông sẽ là rào chắn hữu hiệu để mỗi công chúng ngăn ngừa sự lây nhiễm những tin tức giả mạo trong vòng xoáy thật- giả của "đại dịch thông tin".
Mới đây nhất, vào ngày 27/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng". Đây là chương trình nằm trong dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024". Cẩm nang được coi là "bộ công cụ" được "trao cho cộng đồng, để mọi người đều nhìn thấy và cùng chung tay xử lý" tin giả.
Tuy nhiên, trong sự hỗn loạn của thông tin mạng, khi tỷ lệ công chúng "thông hiểu truyền thông" còn thấp, khi công chúng thời truyền thông mạng xã hội lên ngôi có thể hoặc chủ quan không kiểm định hoặc không đủ khả năng kiểm định lại thông tin mà họ tiếp nhận thì báo chí tuyệt nhiên không được dễ dãi và lười biếng.
Một trong những đặc tính chủ yếu của tin tức, tức là tính chất riêng có của nó nhằm khu biệt nó với các sự kiện cùng loại, đó là thông tin gắn với sự kiện có thật. Cho dù, một sự kiện (có thật) chỉ trở thành tin tức khi bản thân sự kiện đó có ý nghĩa xã hội và được con người nhận thức, tái hiện, loan báo trên các phương tiện truyền thông nhưng chắn chắn một điều rằng, nếu không có sự kiện thì sẽ không có tin tức báo chí. Công chúng không thể đến được tận nguồn để kiểm chứng thông tin và việc này được ủy quyền cho nhà báo. Đây là trách nhiệm xã hội của báo chí, đồng thời là một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội. Kiểm chứng thông tin luôn luôn được coi là một khâu quan trọng trong lao động báo chí ở mọi nền báo chí. Vì thế, trong cuộc chiến chống lại tin tức giả mạo, vai trò "gác cổng" của báo chí được nhắc đến nhiều như một giải pháp căn cốt. Từ khóa "kiểm chứng thông tin" đã, đang và sẽ như một bước dừng cần thiết trong cuộc chạy đua bất tận của thông tin, trong cuộc cạnh tranh gay gắt về tốc độ thông tin của các tờ báo. "Muốn nhanh thì phải từ từ", nhà báo, cùng với trách nhiệm đưa tin là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với công chúng, những người có quyền được tiếp cận với những thông tin chính xác nhất, khách quan nhất.
Để phòng chống việc chính thức hóa tin giả trên báo chí, đội ngũ sản xuất thông tin/biên tập/duyệt đăng báo/phát sóng tại các cơ quan báo chí cần phải xác định nguyên tắc kiểm chứng thông tin là bắt buộc. 4 bước kiểm chứng thông tin được đề xuất bao gồm:
Bước 1: Kiểm tra nguồn tin (bao gồm kiểm tra tác giả của thông tin và trang web đăng, phát thông tin) xem có rõ ràng và đủ độ tin cậy không? Tin giả thường không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; trang web đăng tải thường không thuộc các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Bước 2: Không chỉ đọc tít mà cần đọc toàn bộ nội dung thông tin để kiểm tra các dữ liệu thông tin, xác định các điểm bất hợp lý hoặc nghi ngờ. Tin giả thường hay giật tít kiểu giật gân, đề cập tới các thông tin có tính thời sự, gây chú ý trong xã hội.
Bước 3: Kiểm tra thời gian trong thông tin, hình ảnh minh họa, đường dẫn liên kết. Tin giả đôi khi thường sử dụng thông tin cũ, hình ảnh cũ gán cho sự kiện mới.
Bước 4: Kiểm tra thông tin qua các chuyên gia/cơ quan chức năng có liên quan.