Bang giao Pháp - Mỹ qua những khúc quanh

Thứ Năm, 30/09/2021, 13:57

Lần đầu tiên trong lịch sử bang giao kéo dài 243 năm, Paris triệu hồi một đại sứ của mình tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, sau sự vụ liên quan đến hiệp định AUKUS và hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia ngày 15/9.

Và khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price – viết trên Twitter của mình một cách khẩn thiết, rằng: “Nước Pháp là đối tác tin cậy, cũng là đồng minh lâu đời nhất của nước Mỹ, và chúng tôi trân trọng mối quan hệ này của chúng ta ở mức cao nhất (France is a vital partner & our oldest ally, and we place the highest value on our relationship)”, điều đó thực sự cũng không hẳn chỉ là những lời đãi bôi mang tính ngoại giao. Tuy nhiên…

Vị cứu tinh của nền độc lập Hoa Kỳ

“Nước Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” – đó là thực tế không thể phủ nhận. Mối quan hệ gắn bó này được xác lập vào ngày 6/2/1778, bằng hai hiệp ước: Hiệp ước Thân thiện và Thương mại; cùng Hiệp ước Liên minh.

Cả hai bản hiệp ước này đều đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, để có thể nhanh chóng được thông qua. Theo đó, Hiệp ước Thân thiện và Thương mại công nhận Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập và khuyến khích thương mại giữa Pháp và Mỹ, trong khi Hiệp ước Liên minh thiết lập một liên minh quân sự chống lại Vương quốc Anh, quy định rằng việc công nhận nền độc lập tuyệt đối của Hoa Kỳ là một điều kiện cho hòa bình và rằng Pháp sẽ được phép chinh phục Tây Ấn (châu Mỹ, với cách gọi quen thuộc của ngành hàng hải thời đó, để phân biệt với Đông Ấn là các vùng đất ở châu Á)  thuộc Anh.

Những sợi dây liên hệ này được kết nối và siết chặt ngay trong quãng thời gian Chiến tranh cách mạng giành độc lập từ đế quốc Anh của 13 thuộc địa Bắc Mỹ - dưới sự chỉ huy của George Washington – đang diễn ra.

Dĩ nhiên, nước Pháp cũng có những mục đích riêng vì lợi ích của mình, khi hậu thuẫn cho quân đội thuộc địa Mỹ chống lại chính quốc. Paris, nhân lúc Luân Đôn đang bị cô lập về mặt ngoại giao ở châu Âu, muốn gia tăng vị thế ở Bắc Mỹ, tranh chấp các vùng ảnh hưởng, cố gắng làm suy yếu địch thủ truyền kiếp bên kia eo biển Manche, đồng thời báo thù thất bại trong chiến tranh Bảy năm.

Nhưng dù sao, nước Pháp cũng chính là quốc gia thân hữu đầu tiên thừa nhận nền độc lập mà nước Mỹ còn đang chiến đấu để giành lấy. Bên cạnh đó, ngay từ đầu, có một gần gũi rất lớn giữa lý tưởng khai phóng đang bừng nở trong lòng nước Pháp với những giá trị tự do mà quân nổi dậy Mỹ thể hiện. Bởi vậy, suốt từ năm 1775, triều đình Bourbon đã cụ thể hóa các cam kết của mình, với việc các khoản viện trợ bí mật của Pháp bắt đầu được chuyển vào các thuộc địa, ngay sau khi bùng nổ chiến sự.

Bang giao Pháp - Mỹ qua những khúc quanh -0
Không ít lần, hai đồng minh lâu đời Pháp – Mỹ nhìn về hai hướng khác nhau.

Đến tháng 6/1778, nước Pháp chính thức tuyên chiến với nước Anh. Paris nhìn nhận rõ rằng Washington và các cộng sự thiếu không ít những yếu tố cơ bản để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh chính quy, mà nổi bật là kỹ năng chiến đấu của binh sĩ nhà nghề và đặc biệt là những hạm đội hải quân đủ sức đối diện với Hải quân Hoàng gia Anh vô địch thế giới. Và bởi vậy, họ mở thêm một mặt trận, ép quân Anh phải chống đỡ với thêm một địch thủ hùng mạnh (thậm chí là thêm cả liên quân Tây Ban Nha – Hà Lan bị nước Pháp tác động, lôi kéo), chịu đựng thêm một cuộc chiến.

Nếu không có sự sát cánh của hải quân Pháp, có thể quân đội của Washington sẽ còn khó khăn gấp bội, tổn thất gấp bội và mất nhiều thời gian gấp bội mới có thể đạt đến được mục đích cuối cùng thành công đến vậy, chỉ sau tám năm chiến đấu.

Điển hình, trong chiến thắng Yorktown mang tính quyết định, phải nhờ hạm đội Pháp đánh bại các hạm đội Anh sẵn sàng tiếp cứu, Đô đốc Cornwallis cùng quân Anh mới thực sự bị vây chặt, thật sự bị đẩy vào tình thế thiếu thốn đến không còn sức chống đỡ, và buộc phải đầu hàng (ngày 17/10/1781).

Cũng không phải ngẫu nhiên, các hòa ước chấm dứt Chiến tranh cách mạng giành độc lập Mỹ được ký kết tại Paris.

Và một mối bang giao đầy trắc trở

Song, cũng như việc trong hiện tại, bất kể nước Pháp có giận dữ đến đâu và Washington sẽ phải nỗ lực thế nào để xoa dịu cơn thịnh nộ ấy, thì suốt chiều dài lịch sử mối quan hệ được xác lập kể từ năm 1778 đó, cũng đã không ít lần cả hai phía “cơm chẳng lành, canh không ngọt”, khi đều ưu tiên cho những lợi ích cốt lõi của riêng mình.

Thực tế, “sự vụ AUKUS” không phải là lần đầu tiên nước Pháp lo ngại về việc người Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân hoặc có quyền lực đối với năng lực hạt nhân của một quốc gia khác. Ngược dòng lịch sử, vào đầu thập niên 1960, khi Mỹ quyết định giúp Anh trang bị tên lửa Skybolt do Mỹ thiết kế như nền tảng cho toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình, Paris cũng đã tỏ ra cực kỳ “bất hợp tác”.

Một nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng thời đó là Dean Acheson nhận xét thẳng thắn: “Nỗ lực của Anh hướng tới vai trò quyền lực riêng biệt - tức là một vai trò ngoài châu Âu, một vai trò dựa trên mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, vai trò dựa trên việc trở thành người đứng đầu của một Khối thịnh vượng chung (Commonwealth of  Nations) không có cấu trúc chính trị hoặc sự thống nhất hay sức mạnh và có mối quan hệ kinh tế mong manh và bấp bênh - sắp được phát huy”.

Và sau đó, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle bỏ phiếu chống lại đơn xin gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC – tiền thân của Liên minh châu Âu EU) của Anh. Dưới góc nhìn của ông, nước Anh luôn có những kế hoạch không tương thích với các kế hoạch chung của châu Âu.

Bang giao Pháp - Mỹ qua những khúc quanh -0
Cựu Tổng thống Pháp De Gaulle - người chủ trương biệt lập với NATO và bảo vệ vị thế độc lập của nước Pháp.

Tổng thống De Gaulle cũng có những ác cảm đối với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho rằng cấu trúc NATO giống như một sự áp đặt đối với chủ quyền của Pháp. Là một cường quốc hạt nhân, cũng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, De Gaulle đòi hỏi Pháp phải có được tiếng nói bình đẳng trong chiến lược liên minh, giống như Mỹ và Anh, nhưng bị từ chối. Năm 1966, De Gaulle lệnh cho tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi nước Pháp, điều khiến trụ sở của NATO ngày nay đặt ở Brussels (thủ đô Bỉ), và tuyên bố rút khỏi NATO.

Trong những năm gần đây, sự rạn nứt và lạnh nhạt giữa hai quốc gia đồng minh lâu đời ấy lại càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là thời điểm nước Mỹ được lãnh đạo bởi cựu Tổng thống Donald Trump. Việc Washington, dưới thời ông Trump, không ngần ngại đòi hỏi các đồng minh châu Âu phải đóng góp thêm vào công tác an ninh – quốc phòng chung do NATO đảm nhiệm (bằng những ngôn từ có thể nói là không buồn mang tính ngoại giao) đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc đi nhắc lại ý tưởng thành lập một “Quân đội châu Âu” độc lập, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nước Mỹ.

Từ góc nhìn của người Việt, có lẽ câu than thở của tướng Henri Navare vào năm 1954, khi nước Mỹ tài trợ cho quân đội Pháp tới 80% chiến phí trong Chiến tranh Việt Nam (đồng thời cũng đang rải tiền tái thiết cả châu Âu thông qua Kế hoạch Marshall) là rất đáng chú ý: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của những kẻ đánh thuê đơn thuần cho người Mỹ”. “Ai chi tiền, người đó chỉ huy” – nước Mỹ từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai đã luôn tuyên bố như vậy. Nhưng không chỉ thế, bởi vì nước Anh và các thuộc địa Anh trong khối Commonwealth có sự gần gũi với nước Mỹ về ngôn ngữ, cũng như chưa từng đầu hàng trước Đức Quốc xã, nên có lẽ càng có thêm nhiều những khác biệt, xa cách.

Và hơn hai thế kỷ đã trôi qua, kể từ năm 1778, khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ còn chưa thực sự được khai sinh.

* Kết thúc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ từ đế chế Anh, dù đạt được các mục đích đề ra, song nước Pháp cũng đã phải chịu đựng những thiệt hại không nhỏ, và hầu như không thu được lợi ích gì đáng kể. Triều đình Pháp khi ấy đã phải vay nợ để phục vụ chiến tranh, và vấp phải khủng hoảng tài chính ngay ở cuối thập niên 1780 – yếu tố quan trọng dẫn đến Đại cách mạng tư sản Pháp. Trong khi đó, họ chỉ chiếm được thêm một vài vùng lãnh thổ nhỏ (Togo, Senegal, cùng vài khu vực ở Ấn Độ).

* Đến tận năm 2009, nước Pháp dưới quyền cựu Tổng thống Nicola Sarkozy mới tái gia nhập cơ chế chỉ huy chung của NATO. Trước đó, Paris chỉ cam kết sẽ thống nhất trở lại với tổ chức quân sự ấy, trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân (thời Chiến tranh Lạnh).

Thiên Thư
.
.