Bài 2: Hiện tại là những câu chuyện được kể
“Có lẽ hơn cả một người kể - Abbas Kiarostami tự nói về mình, tôi là một người nghe chuyện. Tôi thực sự thích nghe những câu chuyện. Tôi ghi lại và lưu giữ chúng trong tâm trí. Tất cả các bộ phim của tôi là một tập hợp những câu chuyện nhỏ mà tôi đã được nghe kể”.
Chắc chắn không nhận xét nào chính xác hơn lời bộc bạch này của A. Kiarostami, về chính quan điểm và phong cách làm phim của ông. Sức mạnh và giá trị điện ảnh, với A. Kiarosatmi, không phải nằm ở hư cấu, tưởng tượng và bịa đặt một câu chuyện hấp dẫn, mà thuộc về khả năng nắm bắt, tái hiện những gì tai nghe mắt thấy. Thực tại cuộc sống, tự nó, đã là câu chuyện giàu tính nghệ thuật nhất.
1. Ba năm sau “Where is the friend's home?” hoàn thành, A. Kiarostami tiếp tục làm phim về vùng đất Koker. Nhưng lần này, bi thảm thay, nơi này đang chìm ngập trong tan hoang, đổ nát, nước mắt và chết chóc bởi trận động đất kinh hoàng vào năm 1990. Trên chiếc ôtô cũ kĩ, lấm lem bụi đất, A. Kiarostami theo hai cha con Farhad Kheradmand và Pouya, trở lại đúng nơi ngày xưa đoàn làm phim “Where is the friend's home?” lấy làm bối cảnh. Họ sốt ruột muốn biết cậu bé Ahmed năm nào liệu có may mắn sống sót không. Vẫn những con đường ngoằn ngoèo, hun hút lên xuống và những ngọn đồi trơ trọi đất đá, vẫn những người dân lam lũ, nheo nhóc mà thân thiện, nhưng từng bức tường ngôi nhà thì trống hoác, vỡ vụn. Farhad và cậu con trai Pouya không biết làm gì hơn ngoài hỏi chuyện người dân, và với cả những người trước đây là “diễn viên” trong phim “Where is the friend's home?”. Ống kính máy quay cứ thế đi theo hai cha con, không khác gì một nhà làm phim tài liệu bám chặt nhân vật trải nghiệm của mình, để bắt trọn và chính xác nhất tình cảnh bi thương. Không trau chuốt, không diêm dúa, những cú máy và trường đoạn dài (longtake) đã trung thành với góc nhìn trực diện vào thực tại. Ở đó, cái chết và tang tóc chưa nguôi ngoai nhưng cảnh sắc thiên nhiên và con người thì cũng đã bắt đầu gượng dậy, trở lại nhịp điệu thường ngày. Farhad muốn mọi người kể chi tiết hơn về đêm xảy ra động đất, còn người dân thì chỉ nhớ áng chừng, chẳng mấy ai thích hồi cố chuyện đau lòng. Sự tỉnh lược như một thủ pháp đó, cố tình làm mờ đi những gì khủng khiếp mà khán giả chưa nhìn thấy, sẽ được bù đắp bởi một thực tế đáng xem hơn: cuộc sống vẫn tiếp diễn, bất chấp họ đang phải chịu đựng nỗi đau tột cùng.
Là bộ phim về thảm họa thiên tai, A. Kirostami cũng thử tìm cách thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình trước sự thật mà ông đang chứng kiến. Tại sao những người dân hiền lành, thật thà lại bị tước đoạt quá nhiều thứ, và bằng cách nào để họ không bị ám ảnh mất mát làm suy sụp. Đạo diễn đã dựng hai cuộc đối thoại, tương tự như kiểu phỏng vấn tại chỗ, để tìm câu trả lời. Thứ nhất, khi một người phụ nữ kể với cậu bé Pouya rằng “Ba đứa ở đây với cô thì được cứu. Nhưng đứa lớn nhất ở với bố thì mất rồi. Chắc Chúa cần nó”, Pouya lập tức đáp lại: “Chúa không muốn bề tôi của mình chết”. Và bằng thứ kiến thức sách vở lẫn đời thường chắp nối tinh tế, cậu bé mười một tuổi này giải thích thêm: “Cháu đoán là cô đã nghe câu chuyện về Abraham, người đã dùng dao hiến tế con trai mình bởi Chúa ra lệnh. Khi con dao trong tay Abraham sắp đâm vào con trai mình thì các thiên thần hiện ra cùng một con cừu và nói: ông hãy hiến tế con vật này thay cho cậu ta. Chắc cô sẽ hỏi cháu là sao Chúa có thể để con gái cô chết khi chị ấy còn trẻ như vậy... Cháu tin là nếu người ta chết, và được đầu thai, họ sẽ trân trọng cuộc sống hơn. Và cháu cũng tin rằng những đứa trẻ còn sống sót cũng sẽ trân trọng cuộc sống hơn. Chúng sẽ tốt đẹp hơn và cần mẹ nhiều hơn”. Trong cái nhìn của Pouya, Chúa không muốn con chiên chết và ngay cả khi Abraham đã vâng mệnh, sẵn sàng hiến tế con trai, Chúa vẫn không tước đoạt hạnh phúc của Abraham. Chúa thử thách đức tin và lòng tuân phục nơi Abraham nhưng không phải vì thế mà giáng họa tàn nhẫn cho những con người khốn khổ. Bởi vậy, Pouya tin vào kiếp sau, tin vào sự sống sót và lòng trân trọng cuộc sống, như vị tổ phụ Abramham xưa, sau khi vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất của Chúa, đã có Issac nối dòng dõi “nhiều như sao trên trời, đông như cát ở biển”. Ý nghĩ tích cực và tràn đầy tươi tắn của Pouya, trái ngược với tinh thần hiện sinh bi đát từng xuất hiện sau mỗi bi kịch, là điều mà A. Kiarostami muốn đối thoại với các đức tín tôn giáo siêu hình. Không thể đổ lỗi cho Chúa khi thảm họa xẩy đến nhưng cũng chẳng đặt cuộc sống hằng ngày vào đấng tối cao không hiện hữu. A. Kiarostami muốn Pouya nói lên hy vọng bởi ông biết, chỉ những đứa trẻ mới nhìn thấy trong đống gạch đất chất ngất kia vẫn còn vài thứ đồ chơi chưa tan tành, và dưới mái nhà trống hoác, vẫn còn mảnh hiên nhỏ để vui đùa.
Ở cuộc đối thoại thứ hai, Farhad gặp chàng trai trẻ Hossein, người vừa mới cưới vợ ngay sau trận động đất. Hossein đã mất “65 người thân trong họ hàng” nhưng vẫn quyết định lập gia đình, bất chấp khó khăn và hủ tục ràng buộc. Gia sản Hossein chỉ còn vỏn vẹn“một cái ấm, một cái đĩa và hai cái thìa trong đống gạch vụn”. Nhưng với tư cách là người sống sót, Hossein nói rằng “chúng cháu tiếp tục sống và cùng xây dựng một gia đình. Có lẽ chúng cháu sẽ chết trong trận động đất tiếp theo”. Suy nghĩ có vẻ không lạc quan của Hossein, thực ra, cho thấy anh bình tâm với biến cố và dốc sức cho hiện tại hơn là nghĩ ngợi xa vời. Chưa biết bắt đầu từ đâu nhưng anh ta vui với người vợ và ngôi nhà cũ nát mượn tạm. Giản đơn như vậy là đủ để cuộc sống vẫn tiếp diễn, “And Life Goes On”, theo cái cách lặng lẽ và hùng vĩ của nó.
2. Nhưng dường như A. Kiarostami chưa hoàn toàn yên tâm với sự tái sinh ở Koker. Phim không cho biết Ahmed thực sự thoát nạn ra sao. Phải hai năm sau nữa, 1994, A. Kiarostami mới cho khán giả thấy ngọn đồi kia đã xanh bạt ngàn trở lại. Đó là những rặng cây ô-liu bao bọc ngôi làng Koker tuy chưa hết gian khó nhưng đã tươm tất phần nào. Người xem hẳn sẽ vỡ lẽ, mọi phép màu sự sống không phải bỗng chốc mà thành. Nó cần sức người và cả thời gian nữa. “Through the Olive Trees” (1994) đã kể một câu chuyện như vậy.
“Through the Olive Trees” sử dụng cách thức phim trong phim. Bộ phim bắt đầu với cảnh đạo diễn Mohamad Ali đang ở làng Koker để tuyển chọn diễn viên cho bộ phim của mình. Đó là anh chàng Hossein, một thợ xây, mù chữ và Tahereh, một nữ sinh trung học và là nạn nhân của vụ động đất, mất cha mẹ, phải ở với bà ngoại. Trên phim, họ vào vai vợ chồng mới cưới. Đây là chi tiết mà A. Kiarosatmi phát triển từ câu chuyện trong “And Life Goes On”. Kiểu cấu trúc câu chuyện theo dạng phát triển, tiếp nối tuyến truyện phụ (của phim trước) thành tuyến chính của phim sau, thường đảm bảo cho câu chuyện sáng rõ, hoàn thiện hơn. Đồng thời, bức tranh hiện thực được mở rộng, khai thác sâu thêm, và đặc biệt, sẽ cung cấp cho người xem cái nhìn tổng thể về cuộc sống, tính cách con người, vùng đất cụ thể.
Đóng vai vợ chồng nhưng ngoài đời thực, Hossein không được Tahereh đáp lại tình cảm, dẫu anh hết lòng si mê, chân thành. Lí do chủ yếu vì bà ngoại Tahereh không cho phép cháu mình yêu một chàng trai mù chữ, chưa có nhà, nghề nghiệp bếp bênh. Tranh thủ khoảng nghỉ giữa các cảnh diễn, Hossein giải thích rõ để Tahereh hiểu mình không khó tính, không hay cằn nhằn như nhân vật và nhất định sẽ đem lại hạnh phúc cho cô. Trường đoạn kết thúc phim kéo dài hơn sáu phút là cảnh Hossein đuổi theo Tahereh dưới rặng cây ô-liu và nói liên hồi, gần như “diễn thuyết”, những gì mình ấm ức, mong muốn và hứa hẹn. Rặng cây ô-liu kéo dài vô tận, chỉ tiếng gió và nhịp thở của Hossein thoát lên không trung. Còn Tahereh im lặng, mải miết đi về nhà.
Câu chuyện của Hossein và Tahereh, trước hết, là câu chuyện tình yêu bền bỉ trong một xã hội mà các thành kiến và phân chia giai tầng ngày càng sâu sắc. Một chàng trai thất học, nghèo khó như Hossein sẽ không dễ bước qua các định ước đòi hỏi về vị thế, gia sản xã hội để lựa chọn hôn nhân như mong muốn. Hiểu rõ giới hạn ngoài chủ ý của mình, Hossein đã lập luận với Mohamad Ali rằng, những người biết chữ nên kết hôn với người mù chữ, người giàu nên kết hôn với người nghèo, những chủ nhà nên lấy những người vô gia cư, vì bằng cách đó, con người có thể giúp đỡ lẫn nhau. Theo ước muốn của anh, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi chia sẻ những gì chúng ta có thay vì ích kỉ tận dụng các nguồn lực để sử dụng cho riêng mình. Bằng cách để Hossein dốc lòng tâm sự với Mohamad Ali, A. Kiarostami muốn khẳng định bản chất điện ảnh của ông là lắng nghe, nhìn thấy những uẩn khúc, nỗi đau ẩn giấu. Tài năng của người đạo diễn không gì khác là trục vớt, xâu chuỗi các câu chuyện có vẻ xoàng xĩnh, thường ngày trong những con người bình thường. Chính chúng mới mang lại sự thật, một sự thật mạnh mẽ, gai góc như trong thước phim tài liệu.
3. Hình ảnh đoàn làm phim và đạo diễn Mohamad Ali trong “Through the Olive Trees” không gì khác, là hình ảnh và cách thức làm phim của A. Kiarostami ngoài đời. Một ê-kíp làm phim tinh gọn, máy móc đơn giản, lựa chọn bối cảnh thực, diễn viên địa phương. A. Kiarostami khép lại giai đoạn rực rỡ và là hiện thân của điện ảnh Làn sóng mới Iran bằng bộ phim “The Wind will carry us” vào năm 1999. Đây cũng là sự kết thúc viên mãn, xác lập và hoàn thiện sâu sắc toàn bộ cảm quan và suy tư của A. Kiarostami về cộng đồng tộc người Kurd thiểu số trong đời sống xã hội Iran đương đại.
* Đón đọc bài 3: Hiện tại là vẻ đẹp văn hóa Ba Tư vĩ đại