AZEC: Xây tương lai trên nền bền vững

Thứ Ba, 26/12/2023, 11:38

Ngày 18/12/2023, tại Tokyo của Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (Asia Zero Emission Community - AZEC)" đã chính thức diễn ra. Với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Nhật Bản và Australia, hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành bước đầu đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững mới, với sức lan tỏa trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngắn gọn và đi vào thực chất

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh AZEC được Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông tin vắn tắt, bao gồm các điểm chính: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu chung là “không phát thải ròng, thông qua nhiều con đường khác nhau” cũng như hướng tới cùng lúc đạt được “khử carbon, tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng”.

AZEC: Xây tương lai trên nền bền vững -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh AZEC.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nêu bật ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của AZEC được tổ chức lần này; khẳng định AZEC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ triển khai, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, linh hoạt, mạnh mẽ và đáng tin cậy; đồng thời mở rộng thị trường năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tình hình và điều kiện mỗi quốc gia; thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và hợp tác trong tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở khu vực.

Không chỉ vậy, ông còn đề cập đến hành động của Nhật Bản trong việc phát triển và giới thiệu công nghệ GX (chuyển đổi xanh) thế hệ tiếp theo, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm của Nhật Bản thông qua nền tảng AZEC. Cụ thể, ông đề xuất các hành động như điều phối chính sách thông qua “Trung tâm không phát thải châu Á” được thành lập tại ERIA (Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á), thiết lập chuỗi cung ứng xanh thông qua các dự án hợp tác bao gồm phát triển các khu công nghiệp không phát thải, sự hợp tác giữa các thực thể kinh doanh của “Nhóm vận động AZEC” và thúc đẩy tài chính chuyển đổi.

Lãnh đạo các nước đối tác AZEC đã bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi đối với khái niệm AZEC cũng như kỳ vọng cao vào các hoạt động của AZEC. Các nước ASEAN và Australia đều đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản và việc lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao; cho rằng AZEC là diễn đàn quan trọng để các nước thành viên chia sẻ thông tin về các nỗ lực của mỗi quốc gia, qua đó khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác khu vực để hỗ trợ các nước trong khu vực chuyển đổi năng lượng một cách phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia (vấn đề mang tính cốt lõi, vừa gây nên những cuộc tranh luận nảy lửa tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu/COP28); đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được cả 3 mục tiêu là giảm phát thải car_bon, bảo đảm an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại châu Á.

Ngoài ra, tiến độ trong các hoạt động hợp tác của AZEC đã được báo cáo và trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AZEC, “nêu rõ các nguyên tắc cũng như phương hướng hợp tác của AZEC đã được thông qua”. Cuối cùng, hướng đến 50 năm tới, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh rằng cùng với các nước đối tác AZEC, Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần đạt được mục tiêu khử cacbon ở châu Á và tăng trưởng bền vững toàn cầu thông qua các hoạt động trong khuôn khổ AZEC.

Như vậy, có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh AZEC lần đầu tiên đã diễn ra ngắn gọn (chỉ trong vòng một ngày làm việc), nhưng đạt được những kết quả rất đáng trông đợi, được kỳ vọng trở thành tiền đề cho những tiến trình hợp tác thực chất và rộng mở hơn trong tương lai gần.

Đây là cột mốc xác lập những cam kết về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn đã được phác thảo trong suốt cả năm 2023, bắt đầu từ Hội nghị Bộ trưởng AZEC, tổ chức ngày 4/3/2023, cũng tại Tokyo, theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tháng 1/2022 nhằm thúc đẩy việc cắt giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở châu Á. Tại hội nghị ấy, các đoàn đại biểu đã thảo luận về những thách thức mà các quốc gia châu Á đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, cùng các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này. Thông qua các cuộc thảo luận, các nước tham gia hướng tới đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng sạch, thu hút sự quan tâm tới việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới, cắt giảm chi phí triển khai các công nghệ mới thông qua sự hỗ trợ và điều phối chính sách, đồng thời tạo ra và gia tăng nhu cầu đối với các công nghệ khử carbon.

Và, ở đó, phái đoàn Việt Nam, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu, thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đồng thời, cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản dành cho mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, đào tạo và trao đổi nhân lực...

Cam kết từ Việt Nam

Đến Hội nghị thượng đỉnh AZEC này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ với chủ đề “Chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt hướng tới một châu Á phát triển phát thải ròng bằng 0”.

AZEC: Xây tương lai trên nền bền vững -0
Chương trình nghị sự ngắn gọn và đi vào thực chất.

Tham gia hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, do đó đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm và hành động thực tiễn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0; khẳng định trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt với nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới để thực hiện các cam kết tại COP26, nổi bật là việc xây dựng các chiến lược và quy hoạch quốc gia như Chiến lược Quốc gia biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo, phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ban hành Kế hoạch thực hiện JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP; đã và đang xây dựng thể chế và hoàn thiện khung pháp lý bao gồm các Luật Dầu khí, Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, phát triển điện sinh khối và bán tín chỉ carbon.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của AZEC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác thời gian tới cần tập trung vào nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo nguồn năng lượng sạch được tiếp cận rộng rãi, đáp ứng được khả năng chi trả tại khu vực châu Á; bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện của mỗi nước.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế tài chính khí hậu mới, hợp tác công - tư và hợp tác trong khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ, sự giúp đỡ tích cực hiệu quả của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, một châu Á phát thải ròng bằng 0 sẽ trở thành hiện thực, mang lại sự phồn vinh cho cộng đồng các quốc gia châu Á và tương lai bền vững trên toàn cầu.

Bởi vì, khi tiến trình biến đổi khí hậu - môi trường toàn cầu đang càng lúc càng tạo thêm nhiều hệ lụy cũng như những thách thức lớn lao đối với sự tồn vong của nhân loại, việc chung tay góp sức để nhanh chóng hạ thấp mức phát thải khí nhà kính nhằm chặn đứng đà tăng nền nhiệt của hành tinh đã trở thành một mệnh lệnh sinh tử và không còn thời gian để chần chừ.

Đông Phong
.
.