Australia và nỗ lực xây dựng “liên minh cho tương lai”
Nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thực hiện chuyến thăm Mỹ từ ngày 23 đến ngày 26/10. Tuy nhiên, đằng sau chuyến thăm này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nhắc tới.
Một chuyến thăm gấp gáp?
Chuyến thăm 4 ngày của Thủ tướng Anthony Albanese tới Mỹ cuối tháng 10/2023 đã được lên lịch từ lâu. Cụ thể, vào tháng 5/2023, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ở Tokyo, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có kế hoạch tới thăm chính thức Australia. Nhưng, cuộc khủng hoảng trần nợ công trong nước đã khiến ông Biden phải rút ngắn chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương và không đến Sydney như đã hẹn. Để "bù đắp" cho thiếu sót này, phía Mỹ đã chủ động mời Thủ tướng Albanese đến Mỹ trong một chuyến thăm cấp nhà nước, theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.
Giữa tháng 8/2023, các cơ quan ngoại giao hai nước đã đưa ra thông báo chính thức về chuyến thăm. Theo đó, ông Albanese sẽ đến Mỹ từ ngày 23 đến ngày 26/10 và có hội đàm chính thức với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 25/10. Lễ đón sẽ bao gồm cả quốc yến vào tối cùng ngày, theo thông báo từ Nhà Trắng. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Australia khẳng định, chuyến thăm của ông Albanese là cơ hội quan trọng giúp các bên trao đổi về mục tiêu khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch đầy tham vọng, cũng như hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "mạnh mẽ, an toàn và thịnh vượng".
Ngay từ đầu, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Albanese đã vạch ra 3 mục tiêu lớn. Thứ nhất là thúc đẩy việc hiện thực hóa các thỏa thuận trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Thứ hai là thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do nhằm nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 100 tỷ USD. Thứ ba là việc triển khai thỏa thuận mới về khí hậu, khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch. Với một chương trình làm việc rõ ràng, được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, chuyến thăm của ông Albanese đã kết thúc với nhiều tuyên bố ấn tượng. Trong khi ông Joe Biden nhấn mạnh Australia là "mỏ neo cho hòa bình và thịnh vượng" của Mỹ thì Thủ tướng Albanese khẳng định "linh hồn của mối quan hệ đối tác Australia - Mỹ" chính là "cam kết vì mục đích chung". Cả hai đều nhất trí thúc đẩy mối quan hệ đồng minh lên một tầm cao mới.
Dẫu vậy, chuyến thăm kết thúc vẫn để lại những vết gợn. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Albanese chỉ có 2 cuộc gặp mặt cấp cao với ông Joe Biden và tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Đây là lịch làm việc khá "thưa thớt", so với thời gian dài mà ông Albanese dừng chân tại Washington.
Thông thường, khi lãnh đạo một nước đối tác quan trọng đến thăm chính thức Mỹ, ngoài lễ đón và cuộc hội đàm với tổng thống, khách mời sẽ đến dự, có bài phát biểu tại Quốc hội (các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Ấn Độ, Israel đều đã làm vào đầu năm nay) và tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao khác với giới chức Mỹ. Bản thân ông Albanese trước khi tới Mỹ cũng công khai thể hiện mong muốn gặp gỡ nhiều nghị sĩ Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch mà chính phủ của hai nước đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, thời điểm ông Albanese đến Mỹ lần này vô cùng nhạy cảm. Về mặt đối ngoại, Israel, đồng minh thân thiết của Mỹ đang ở trong cuộc chiến với lực lượng Hamas có nguy cơ lan rộng thành xung đột khu vực. Về mặt đối nội, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ không có Chủ tịch Hạ viện trong hơn 20 ngày, gây ra tình trạng bế tắc chính trị. Chính vì thế, dù ở Mỹ 4 ngày, nhưng Thủ tướng Australia không thể thu xếp được những cuộc gặp gỡ như mong muốn. Đó là lý do khiến cho chuyến đi của ông bị đánh giá là chưa trọn vẹn.
Guồng quay hối hả
Mới lên nắm quyền từ tháng 5/2022 nhưng đây đã là lần thứ 9 ông Albanese gặp mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó có 5 lần chính thức. Riêng trong năm nay, ông Albanese đã gặp Tổng thống Joe Biden 3 lần. Chuyến đi tới Washington này là lần thứ 2 trong năm 2023 Thủ tướng Australia Albanese đến thăm chính thức Mỹ. Nhìn vào mật độ dày đặc các cuộc gặp, có thể thấy sự "sốt sắng" của nhà lãnh đạo Australia trong việc kết nối với chính quyền Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Anthony Albanese nhiệt tình đến Mỹ vào thời điểm này đến vậy. Thỏa thuận AUKUS được công bố tháng 9/2021 và được cụ thể hóa vào tháng 3/2023 sau cuộc gặp ở San Diego giữa lãnh đạo Anh, Mỹ với Australia là thỏa thuận quân sự lớn nhất trong lịch sử Australia. Khi thỏa thuận AUKUS lần đầu được công bố, ai cũng hiểu đó là nỗ lực của Mỹ nhằm vũ trang cho đồng minh của mình trong một cuộc cạnh tranh mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, thỏa thuận AUKUS cũng là cơ hội lớn nhất Australia từng nhận được từ Mỹ để gia tăng ảnh hưởng của mình.
Dưới góc nhìn chính trị - quân sự, một Australia có tàu ngầm hạt nhân sẽ gia tăng sức mạnh lên một tầm cao mới. Trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, ngoài Mỹ và Trung Quốc (đối thủ đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ) thì Australia chính là lực lượng quân sự duy nhất có cơ hội sở hữu vũ khí mạnh mẽ này. Tàu ngầm hạt nhân, với sức mạnh "tàng hình" bí ẩn sẽ đem lại khả năng răn đe lớn và nâng cao vị thế của Australia trong toàn khu vực cũng như trên trường quốc tế. Công nghệ tàu ngầm hạt nhân là công nghệ cao, ở dạng tối mật, rất ít khi được chuyển giao. Việc Mỹ đồng ý cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia là lần đầu tiên sau 60 năm, nước này tiết lộ công nghệ tối tân này cho đối tác bên ngoài. Điều này cho thấy, vai trò của Australia với Mỹ đã tăng lên rất nhiều.
Ở một góc nhìn khác, thỏa thuận AUKUS với tư cách sẽ là dự án quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Australia. Nó cũng mang đến triển vọng tạo việc làm lớn không chỉ ở Australia mà còn ở Anh và Mỹ. Ngày 14/3/2023, ngay sau khi trở về từ Mỹ, Thủ tướng Albanese đã cho biết AUKUS sẽ tạo ra "20.000 việc làm trực tiếp cho người Australia trong 30 năm tới". Ông Albanese cũng hé lộ: Australia sẽ nhận được khoản đầu tư 4 tỷ USD vào năng lực công nghiệp trong 4 năm tới để hiện thực hóa giấc mơ hạt nhân này. Một quan chức quốc phòng của Australia thì khẳng định: Dự án sẽ cần khoản đầu tư 245 tỷ USD cho tới năm 2055. Số tiền đó, tương đương với 0,15% GDP mỗi năm của Australia, sẽ là một "cú hích" với nền kinh tế. Ngay bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden khi công bố thỏa thuận AUKUS cũng đã khẳng định sẽ hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Australia để quốc gia này tự đóng được những chiếc tàu tiếp theo của mình. Đó chính là lý do mà Chính phủ Australia vô cùng sốt sắng với bản thỏa thuận này.
Tuy nhiên, hầu như tất cả những cam kết mà ông Albanese nhận được đều chỉ đến từ Tổng thống Biden. Phần quan trọng khác của thỏa thuận là tài chính - nằm trong quyền duyệt chi ngân sách của Hạ viện Mỹ - thì đang bị đình trệ. Việc Chính phủ Mỹ vượt trần nợ công, suýt phải đóng cửa vào tháng 9 vừa qua đã gây sức ép lên ngân sách quốc phòng của Mỹ. Cuộc khủng hoảng chính trị với liên tiếp 2 Chủ tịch Hạ viện từ chức trong 1 năm cũng làm chia rẽ cơ quan có vai trò quyết định vấn đề này. Thỏa thuận AUKUS, dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng kể từ khi được công bố hồi tháng 3/2023 tới nay đã bị đình trệ. Mới đây, việc Nhà Trắng đề xuất chi 3,4 tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp tàu ngầm đã bị nhiều nghị sĩ phản đối.
Do đó, dù có nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Tổng thống Joe Biden, có lẽ ông Albanese vẫn chưa thể cảm thấy yên tâm, khi thỏa thuận quan trọng bậc nhất trong nhiệm kỳ của mình còn đang chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Chính vì thế, trước khi rời khỏi nước Mỹ, ông Albanese vẫn cố dành thời gian gặp tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ngay khi ông này vừa được bầu vào vị trí mới. Trong cuộc gặp đó, ông Albanese đã thẳng thắn nói với ông Johnson: “Chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng quốc hội có thể thông qua đạo luật (liên quan tới AUKUS) trong năm nay". Chỉ có điều, câu trả lời của Hạ viện Mỹ thì vẫn còn bỏ ngỏ.