AUKUS: Vết rạn trong lòng phương Tây

Thứ Năm, 30/09/2021, 12:41

Những cảm giác hồ hởi và lạc quan gần như ngay lập tức bị xóa nhòa sau khi hiệp định an ninh quốc tế AUKUS ra đời, cả ba nước thành viên là Mỹ - Anh - Australia phải liên tục cố gắng xoa dịu cơn thịnh nộ của Pháp - một trong 2 quốc gia lãnh đạo châu Âu, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng là một trong các trụ cột của toàn thế giới phương Tây.

AUKUS là gì?

Viết tắt của Australia - United Kingdom (Vương quốc Liên hiệp Anh) và United States (Hợp chúng quốc Hoa Kỳ), AUKUS là một thỏa thuận hợp tác quốc phòng được công bố ngày 15-9. Theo đó, ba nước sẽ chia sẻ những thông tin, kiến thức và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cả công nghệ mạng, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống dưới nước và năng lực tấn công tầm xa. Thậm chí, như tạp chí Politico hé lộ theo những nguồn tin không chính thức, chương trình này còn liên quan đến cơ sở hạ tầng phòng thủ hạt nhân.

CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Hôm nay, chúng ta đã có một bước đi lịch sử, để làm sâu sắc hơn và chính thức hóa quan hệ hợp tác giữa ba nước, vì chúng ta đều có nhận thức chung về động lực bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong dài hạn". Ông cũng tuyên bố, thông qua AUKUS, nước Mỹ muốn xác lập lại chiến lược đối ngoại của mình: “Đầu tư vào điều quý giá nhất - đó là các mối quan hệ đồng minh thân hữu”.

AUKUS: Vết rạn trong lòng phương tây -0
AUKUS là sự cụ thể hóa mối quan hệ mật thiết về mặt lợi ích giữa Mỹ - Anh - Australia.

Phản hồi từ Canberra, Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Australia - ông Neil James viết trên tờ The Guardian: "AUKUS là bước đột phá để Australia ra khỏi cái kén ổn định chiến lược". Ông nhấn mạnh: "Vấn đề cốt lõi với Australia và các láng giềng khu vực của chúng tôi vẫn là khả năng quản trị rủi ro một cách thận trọng, không tô vẽ, không phóng đại nhưng cũng không coi thường hay chối bỏ những rủi ro chiến lược".

Bên cạnh đó, khi đã chính thức tái khởi động tiến trình “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” còn dang dở từ nhiệm kỳ người tiền nhiệm đảng Dân chủ Barack Obama, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng cũng cần gấp rút củng cố những mắt xích quan trọng. Sau sự định hình của nhóm “bộ tứ” QUAD (diễn đàn an ninh 4 bên Mỹ - Australia - Ấn Độ và Nhật Bản), AUKUS ra mắt như một “phòng tuyến” nữa trên biển, gần sát với những điểm nóng tiềm tàng, như eo Mallaca, Biển Đông hay biển Nhật Bản.

Tóm lại, AUKUS là một sự kết hợp và xác nhận những khả năng hợp tác quan trọng, nhằm phục vụ cho chính lợi ích cốt lõi của từng quốc gia thành viên.

“Giữa hai làn đạn”

Vấn đề là, điều khoản trọng tâm tại bước cụ thể hóa đầu tiên dành cho AUKUS lại đang khiến Đại Tây Dương dậy sóng, khi nó động chạm trực tiếp đến lợi ích (cả hữu hình lẫn vô hình) của Pháp.

Một phần của AUKUS là việc Mỹ sẽ giúp Australia trang bị công nghệ chế tạo tàu ngầm năng lượng nguyên tử. Điều này khiến Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lo ngại, rằng: “Mỹ và Anh có thể dễ dàng đưa vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm lên các tàu ngầm của Australia, nếu họ thấy điều đó là cần thiết". Họ cũng không quên cảnh báo: “Điều này có thể sẽ khiến Australia trở thành mục tiêu cho một vụ tấn công hạt nhân. Bởi vì khi đó các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc và Nga đối diện trực tiếp với mối đe dọa từ các tàu ngầm hạt nhân của Australia - vốn phục vụ nhu cầu chiến lược của Mỹ".

AUKUS: Vết rạn trong lòng phương tây -0
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian không che giấu cơn giận dữ của Paris.

Tuy nhiên, với mục đích khai sinh của mình, AUKUS có thể không đếm xỉa gì nhiều đến những phản ứng đó. Ngược lại, điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia đang phải đau đầu lại là những hệ lụy của câu chuyện: Vì đã có cơ hội sở hữu tàu ngầm năng lượng nguyên tử từ công nghệ Mỹ nên Canberra rút lui khỏi một hợp đồng khổng lồ, trị giá tới 36,5 tỷ USD, để mua 12 tàu ngầm của Pháp.

Nước Pháp không che giấu cơn giận dữ. Ngay trong ngày 16-9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Yves Le Drian thẳng thừng: "Đây thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia và lòng tin cậy này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng. Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau!". Song song, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng không ngại ngần công kích Washington: “Chúng tôi (nước Pháp) sẽ mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh của họ ra sao!”.

Ở đây, vấn đề sẽ không chỉ là 36,5 tỷ USD. Số tiền ấy rất lớn nhưng những gì Paris cảm thấy mình bị tước đoạt còn quan trọng hơn gấp bội. Với vị thế của mình, nước Pháp - cũng như cả khối EU - xem như đã bị “ra rìa” tại “cuộc chơi lớn” mà Mỹ đang điều phối tại Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, một khu vực trọng tâm hàng đầu trong thế kỷ XXI này.

Sự tình đã trở nên xấu đến độ, theo phản ứng dây chuyền mà tờ The Economist đề cập, không ít nhà lãnh đạo châu Âu đã cảm nhận được rõ rệt rằng những đánh giá của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về mối quan hệ quốc phòng với nước Mỹ, từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, là “hoàn toàn có cơ sở”. Và bà Florence Parly nhấn mạnh: “Về mặt địa chính trị, điều này thật sự nghiêm trọng”, đồng thời làm rõ thêm về “sự tự chủ chiến lược của châu Âu”, rằng “không có cách đáng tin cậy nào khác (ngoài sự tự chủ ấy) để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng ta trên thế giới, bao gồm cả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Thấp thoáng, giới quan sát quốc tế đã lại thấy trỗi dậy, một cách nghiêm túc, ý tưởng về một “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO - điều nước Mỹ luôn cố xoa dịu để tránh né.

Có thể Tổng thống Mỹ Joe Biden chú trọng đến việc “đầu tư vào các mối quan hệ đồng minh” nhưng hiện tại, điều ông đang nhận được là nguy cơ rạn nứt trong nội bộ thế giới phương Tây, với sự lạnh nhạt từ một trong những đồng minh truyền thống thân cận nhất.

Bởi vậy, không ai ngạc nhiên khi liên tiếp trong những ngày qua, sau khi AUKUS được ký kết, các nhà ngoại giao phương Tây phải hoạt động tất bật.

Ngày 16-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra một quyết định cứng rắn, do “tính nghiêm trọng đặc biệt của tuyên bố được Australia và Mỹ đưa ra hôm 15-9": Triệu hồi Đại sứ Pháp tại Mỹ (lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ năm 1778) và Australia về Paris để tham vấn.

Lập tức, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhanh nhẹn “đăng đàn” tại Nghị viện Anh: "Quan hệ ngoại giao và quân sự của chúng ta với Pháp vẫn vững như bàn thạch. Anh và Pháp vẫn vai kề vai với Pháp tại các điểm nóng trên thế giới”. Đồng thời, ông cũng kín đáo nhắn nhủ: “Điều quan trọng là Nghị viện phải hiểu rằng AUKUS không có ý định đối đầu với bất cứ cường quốc nào khác... mà thuần túy phản ánh quan hệ mật thiết của Anh với Mỹ và Australia."

AUKUS: Vết rạn trong lòng phương tây -0
Australia hy vọng nâng cao năng lực quốc phòng với công nghệ tàu ngầm năng lượng nguyên tử mà Mỹ cung cấp.

Ngày 18-9, Bộ Ngoại giao Australia khẳng định: Australia “coi trọng quan hệ với Pháp. Chúng tôi vẫn mong đợi can dự với Pháp trong nhiều vấn đề cùng chung lợi ích và dựa trên những giá trị chung”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: Pháp “là đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất” của Mỹ và rằng Washington “đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này”. Washington cũng hy vọng sẽ thảo luận với Pháp về vấn đề gây căng thẳng hiện nay ở cấp cao trong những ngày tới, kể cả trong thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cố gắng “hạ nhiệt” căng thẳng: “Có thể có những tác động hoặc hậu quả nhưng vào lúc này tôi không thấy việc này sẽ có tác động đến sự gắn kết trong nội bộ NATO”.

Và ngày 19-9, Bộ trưởng Quốc phòng Australia - Peter Dutton tiếp tục “giãi bày”, rằng Australia lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch và rằng: "Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm".

Song, có thể tin chắc, chỉ với những sự xoa dịu thuần túy bằng ngôn ngữ ngoại giao như thế, những rạn nứt sẽ hầu như không thể được hàn gắn, khi một trong những cường quốc lãnh đạo phương Tây - cũng chính là đồng minh giúp nước Mỹ lập quốc trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ Anh - vẫn cảm thấy rằng họ đang trở thành vật hy sinh...

Đông Phong
.
.