ASEAN với ánh nhìn từ nước Mỹ

Thứ Bảy, 11/11/2023, 09:07

"Trong nhiều thập kỷ, các nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng chính trị đã công nhận tầm quan trọng của mối quan hệ bền chặt Mỹ_ASEAN đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dự luật Trung tâm Mỹ-ASEAN sẽ khởi động những nỗ lực mới, nhằm mở rộng hợp tác Mỹ-ASEAN và tăng cường thương mại cũng như niềm tin giữa khu vực của chúng ta", nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Joaquin Castro trả lời phỏng vấn Báo The Straits Times (Singapore), sau khi 2 dự luật mới được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ ngày 2/11, về việc tập trung mở rộng quan hệ Mỹ-ASEAN.

Mảnh ghép quan trọng trên tiến trình tái định hình thế giới

Đầu tháng 10 vừa qua, Hội nghị bàn tròn ASEAN lần thứ 38 diễn ra tại Singapore. Đây là hội nghị thường niên do Viện Nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak tổ chức, với sự tham dự của trên 200 nhà ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của quốc tế và khu vực, nhằm thảo luận về những biến chuyển trong môi trường địa chính trị khu vực và quốc tế cùng những tác động với trật tự thế giới hiện hành và với ASEAN, cũng như tìm kiếm những giải pháp cho ASEAN.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Giám đốc Viện ISEAS Yusof Ishak - ông Choi Shing Kwok nhấn mạnh: Hội nghị là diễn đàn thảo luận về vai trò của ASEAN trong việc định hình tương lai của Đông Nam Á, cũng như điều hướng trật tự toàn cầu có nguy cơ bị phân mảnh. Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, với các cường quốc triển khai các sáng kiến và cách tiếp cận của riêng họ đối với khu vực, như Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc hoặc các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau, tất cả đều có tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

ASEAN với ánh nhìn từ nước Mỹ -0
Quan hệ giao thương giữa Mỹ và ASEAN phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Cùng quan điểm ấy, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định: "Thế giới đang bị phân mảnh và tất nhiên đây cũng không phải là lần đầu tiên thế giới bị phân mảnh". Theo ông, điều rõ ràng là vai trò của ASEAN ngày nay đã lớn hơn nhiều so với những ngày đầu thành lập. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, cộng đồng ASEAN cần đoàn kết để khẳng định và duy trì vai trò, tầm quan trọng của ASEAN, trên tiến trình định hình một trật tự thế giới giúp mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

Theo chủ đề "ASEAN trong một trật tự thế giới phân mảnh", Hội nghị bàn tròn ASEAN lần thứ 38 đi sâu thảo luận về chính sách của các cường quốc với khu vực, khuyến nghị cách tiếp cận và điều hướng của ASEAN, cũng như đề cập tới những điểm nóng tiềm tàng tại khu vực.

Các chuyên gia nhất trí rằng trật tự thế giới đang đối mặt với sự phân mảnh ngày càng lớn do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Quá trình toàn cầu hóa, với những thành tựu đạt được trong 3 thập kỷ qua, đối diện nhiều nguy cơ mất mát về kinh tế, có thể cảm nhận được từ sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng hay các lệnh cấm xuất khẩu của nhiều quốc gia...

Song, cũng chính là trong sự phân mảnh tất yếu của quỹ đạo tái thiết lập một trật tự thế giới mới này, vị thế của khu vực Đông Nam Á cũng như cộng đồng các quốc gia ASEAN lại ngày càng được nâng cao. Không chỉ sở hữu vị trí địa lý cực kỳ quan trọng - tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca, bản thân khối ASEAN cũng đã và đang trở thành một khu vực kinh tế cực kỳ năng động, một thị trường rộng mở (hơn 600 triệu dân), một trong những động lực phát triển chính của guồng máy kinh tế toàn cầu. Theo những số liệu mới nhất, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong 4 khối mậu dịch quan trọng của thế giới. AEC hiện là nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu, với GDP đạt 3.100 tỉ USD.

Và, bởi lẽ đó, mọi cường quốc đều đang dõi ánh mắt về Đông Nam Á.

Cụ thể hóa một chiến lược

Như The Straits Times thông tin, 2 dự luật mới được đệ trình lên Hạ viện Mỹ bao gồm Dự luật Trung tâm Mỹ-ASEAN và Dự luật Mở rộng quan hệ đối tác Đông Nam Á. Các nghị sĩ Mỹ - những người phác thảo 2 dự luật này - hy vọng chúng sẽ sớm được thông qua để trở thành văn bản luật chính thức vào cuối năm 2023.

Siết chặt những mối dây liên hệ với ASEAN, từ một góc nhìn cao hơn, cũng là bước đi bắt buộc để đẩy mạnh hiện thực hóa chiến lược đối ngoại "xoay trục" về Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Washington (mà dấu ấn rõ nét nhất là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) được công bố tháng 5/2022). Từ tháng 2/2023, trả lời phỏng vấn của báo giới, ông John Goyer, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết: "Thật phấn khởi khi thấy Chính phủ Mỹ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN", thông qua đề xuất Dự luật Đối tác với ASEAN.

ASEAN với ánh nhìn từ nước Mỹ -0
Vai trò của ASEAN mỗi lúc một trở nên quan trọng hơn trên tiến trình tái định hình thế giới.

Tính tới thời điểm đó, các dữ liệu thương mại cho thấy nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN là 337 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu của Mỹ. Ông Goyer lưu ý, mức tăng trưởng nhập khẩu từng là 18% hằng năm, nhưng con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017. "Trung Quốc có thể là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nhưng chúng tôi là nhà đầu tư lớn nhất và khoản đầu tư đó cũng đang tăng rất nhanh", ông nhận xét.

Có lẽ, cũng cần đề cập thêm, việc thành lập Trung tâm Mỹ_ASEAN tại Mỹ đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Jakarta (Indonesia) vào tháng 9, với sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc thành lập trung tâm này, cần có sự cho phép chính thức từ Quốc hội Mỹ, trên căn bản là việc chấp thuận thông qua dự luật Trung tâm Mỹ-ASEAN.

Dự luật Trung tâm Mỹ-ASEAN xoay quanh việc thành lập Trung tâm Mỹ-ASEAN ở Mỹ để tập trung vào tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân; Dự luật Mở rộng quan hệ đối tác Đông Nam Á tạo điều kiện để Lầu Năm Góc mở rộng chương trình thí điểm hiện có về an ninh mạng tại Đông Nam Á. Các điều khoản của dự luật này hướng tới mở rộng quan hệ đối tác của Mỹ trong đào tạo và thực hành an ninh mạng, nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng của các đối tác trước các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài.

Một cách ngắn gọn, Dự luật Trung tâm Mỹ-ASEAN đặt trọng tâm vào việc tiếp tục xây dựng và mở rộng các nền tảng phát triển kinh tế. Trong khi đó, nối tiếp nó, Dự luật Mở rộng quan hệ đối tác Đông Nam Á phác họa những sự gắn kết chặt chẽ hơn về an ninh.

Nói như nghị sĩ Joaquin Castro: "Khi thế giới phải đối mặt với các mối đe dọa và cơ hội mới trong không gian mạng, sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia ASEAN có thể cải thiện an ninh mạng và khả năng phục hồi hệ thống trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Dự luật dựa trên thành công của chương trình thí điểm hiện có của Bộ Quốc phòng Mỹ và tạo ra cơ hội mới để tăng cường mối quan hệ của chúng ta ở Đông Nam Á".

Dù vậy, vì liên quan mật thiết đến Lầu Năm Góc, bất cứ nhà quan sát quốc tế nào cũng có thể liên tưởng: Sau an ninh, rất có thể, những đề xuất kế tiếp sẽ là sự xích lại gần nhau giữa nước Mỹ với ASEAN về quốc phòng. Cho dù chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn thì đây vẫn sẽ là một điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, để tránh bị cuốn vào những tính toán "tranh bá đồ vương" không liên quan tới mình, từ các đại cường.

Bối cảnh thế giới hiện tại lại càng tô đậm thêm đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 13 ngày 7/9/2023: ASEAN đã có những nỗ lực mang tính xây dựng, từ việc xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông đến quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, bằng cách kêu gọi ưu tiên đối thoại và thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, ít nhất là trong thời điểm này, mà ASEAN không thể từ bỏ, nếu muốn bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển.

Trong một thế giới phân mảnh, ASEAN lại càng phải là một thực thể đồng nhất, gắn kết và độc lập.

Thiên Thư
.
.