Ánh bình minh của nữ quyền
19/9/1893, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, có một nơi mà phụ nữ nô nức đổ ra đường để thực hiện quyền bầu cử của mình như nam giới. Không phải nước Pháp, càng không phải nước Mỹ, bước đột phá đó được thực hiện tại một khu vực mà khi ấy vẫn còn chưa chính thức tuyên bố độc lập từ đế quốc Anh: New Zealand.
Dấu ấn Kate Seppard
Kate Seppard là cái tên nổi bật nhất, gắn liền với cả sự khai sinh lẫn những thành công vang dội của phong trào đòi hỏi quyền bầu cử dành cho nữ giới tại New Zealand.
Sinh ngày 10/3/1848 tại Liverpool (Anh), bà cùng gia đình di cư tới New Zealand vào năm 1868, và bắt đầu tích cực tham gia vào các tổ chức, các hoạt động xã hội. Cũng như tại các xã hội châu Âu, khi đó, tại New Zealand, phụ nữ không được phép tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào.
Điều này, nói một cách nghiêm túc theo cách nhìn của một số nhà nghiên cứu lịch sử, chính là bước lùi so với sự bình đẳng tương đối đã từng hiện hữu trong xã hội người Maori bản địa trước khi thực dân Anh xâm chiếm và làm chủ New Zealand. Phụ nữ Maori thường vẫn có những ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến cả cộng đồng, cho tới khi xã hội ấy bị đặt dưới cách người Anh cai trị.
Tuy nhiên, đến nửa sau thế kỷ XIX, những phong trào đòi hỏi quyền bầu cử cho nữ giới nở rộ, ở cả chính quốc Anh lẫn tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Đó là một xu hướng tất yếu, nhưng trước hết, quyền bình đẳng trong bầu cử là phương thức mà nhiều xã hội lựa chọn để củng cố hay bảo vệ đạo đức xã hội, trước những vận động mạnh mẽ tạo nên các thay đổi giá trị nghiệt ngã của chủ nghĩa tư bản.
New Zealand cũng không ngoại lệ, và Kate Seppard cùng các cộng sự cũng đã tiến hành những nỗ lực không mệt mỏi. Bà vừa cố gắng thiết lập các mối quan hệ với giới chính trị gia, vừa tổ chức các cuộc mít-tinh công khai, vừa chuyển tải các kiến nghị thông qua báo chí. Bà làm việc ở tờ Ruy-băng trắng – tờ báo đầu tiên do phụ nữ điều hành tại New Zealand. Bà viết những cuốn sách nhỏ nhưng hữu ích – vì đã đề cập chính xác đến các vấn đề trọng tâm – như “Phụ nữ có nên bỏ phiếu?” hay “Mười lý do tại sao phụ nữ New Zealand nên (được trao quyền) bỏ phiếu”.
Những nỗ lực bền bỉ này đã phải kéo dài trong suốt 20 năm, trong sự xung đột dữ dội của hai luồng dư luận, trùm phủ lên cả thế giới cận đại. Một phía cho rằng phụ nữ sẽ mang đạo đức vào chính trường dân chủ, và phía còn lại phản bác rằng chính trường nằm ngoài môi trường tự nhiên của phụ nữ là gia đình.
Tại New Zealand, phong trào đấu tranh do Kate Seppard dẫn đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của phụ nữ trưởng thành gốc Âu. Tuy vậy, để đạt được thành công cuối cùng, phong trào ấy vẫn phải chờ đợi đến lúc thời cơ thực sự chín muồi.
Gạch nối đến Jacinda Ardern
Từ năm 1887, Thủ hiến thứ tám của New Zealand là Julius Vogel đã cân nhắc việc thông qua một dự luật cho phép phụ nữ được hưởng quyền bầu cử. Song, nó không thuyết phục được các nghị viện và cơ quan thẩm quyền cấp trên.
Tuy vậy, động thái này cũng đã mở ra một thời kỳ hoạt động cực kỳ sôi nổi của phong trào đòi hỏi quyền bầu cử cho phụ nữ tại New Zealand, với những kết quả sâu rộng về mặt xã hội. Các nhà hoạt động đã liên tiếp đệ trình những đơn kiến nghị công khai lên Nghị viện. Vào năm 1891, đơn kiến nghị được tiếp sức với 9.000 chữ ký. Năm 1892, con số này tăng lên hơn gấp đôi, đạt khoảng 20.000 chữ ký. Và đến năm 1893 – năm mà về sau trở thành dấu mốc lịch sử, số người chấp thuận ký vào đơn kiến nghị lên tới 30.000.
Nhờ nhận được sự ủng hộ rộng rãi đến vậy từ công chúng, đơn kiến nghị đã tiếp cận được Nghị viện, để rồi một luật Tuyển cử mới được Hạ viện New Zealand thông qua, với đa số đồng thuận. Cả quyền bầu cử cho phụ nữ gốc Âu lẫn phụ nữ gốc Maori bản địa đều được ủng hộ, qua những cuộc tranh luận chính trường.
Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những đợt phản chấn từ một cộng đồng không nhỏ những người phản đối, mà tiêu biểu là các công ty sản xuất thức uống có cồn. Họ, dĩ nhiên, lo ngại rằng chuyện phụ nữ được tham gia vào chính trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của mình – điều thực tế là có quan hệ rất lớn đến mọi diễn biến chính trị. Họ vận động để Thượng viện New Zealand bác dự luật Tuyển cử mới, và bởi vậy, Thượng viện cũng trở nên chia rẽ.
Sau rất nhiều sóng gió chính trường, ngày 8/9/1893, dự luật được Thượng viện New Zealand thông qua với 20 phiếu thuận trên 18 phiếu chống – một khoảng cách rất sít sao. Trước đó, một vài động thái “thất thố” của Thủ tướng Richard Seddon nhằm ngăn chặn dự luật, đã trở nên phản tác dụng và khiến hai nghị sĩ – William Hunter Reynolds cùng Edwards Cephas John Stevens – “đổi phe”, chuyển sang ủng hộ dự luật. Hai nghị sĩ này từng phản đối quyền tuyển cử của phụ nữ, với lý do không bảo vệ quyền tuyển cử cho bỏ phiếu qua bưu chính – điều được nhìn nhận là cần thiết để cho phép toàn thể phụ nữ tại các khu vực nông thôn cô lập được bỏ phiếu, song lại bị các nghị viên đảng Tự do cho là khiến những người chồng hoặc người sử dụng lao động có thể lợi dụng trong bầu cử. Mười tám người bỏ phiếu chống cũng vẫn chưa bỏ cuộc. Họ tiếp tục cố gắng tác động đến tân thống đốc New Zealand – huân tước Glasgow. Song, đến ngày 19/9/1893, huân tước Glasgow vẫn ký sắc lệnh ban hành Đạo luật tuyển cử New Zealand 1893, theo đó trao quyền bầu cử cho toàn thể phụ nữ New Zealand.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý, vào thời điểm bước ngoặt đó, phụ nữ New Zealand vẫn chỉ mới được trao quyền bầu cử, chứ chưa có quyền ứng cử. Mặc dù vậy, những gì mà Thống đốc – huân tước Glasgow xác nhận và thể chế hóa bằng luật pháp vẫn là một tiền lệ rực rỡ, đi trước hoàn toàn so với mọi xã hội được đánh giá là phát triển hơn hẳn vào thời điểm ấy.
New Zealand, đến khi ấy, thậm chí còn chưa tự tuyên bố là một quốc gia tự trị trong lòng đế quốc Liên hiệp Anh. Song, sau bước khởi đầu này, New Zealand đã luôn tiến lên trong nhóm những quốc gia thực hiện bình đẳng giới rộng rãi nhất trên hành tinh, đặc biệt là về mặt chính trị.
Hiện tại, những câu chuyện về nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern – một “bà mẹ - thủ tướng” đúng nghĩa mang con đến dự họp ở chính trường mấy năm qua đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới hoạt động nữ quyền. Song, Jacinda Ardern cũng chỉ là nữ Thủ tướng New Zealand thứ hai trong lịch sử. Trước bà, từ năm 1997 đến 1999, vị trí nữ Thủ tướng đầu tiên của New Zealand đã thuộc về nữ chính trị gia Jenny Shipley.
Một thập niên trước đó nữa, năm 1989, Helen Clark là nữ phó Thủ tướng New Zealand đầu tiên. Chặng đường dài, đến cả trăm năm.
* Kate Seppard qua đời ngày 13/7/1934 tại Christchurch, New Zealand. Suốt cuộc đời, bà đã không nản lòng trước mọi sự châm biếm, mỉa mai mà những khuôn phép từ xã hội cũ áp đặt lên cuộc đấu tranh của bà cùng các cộng sự. Bà xác lập một mục tiêu cụ thể, trong rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ: Quyền bầu cử. Bởi, bà hiểu rằng: Chính trị là yếu tố định hướng cho mọi lĩnh vực của đời sống, và chỉ khi đã có quyền về chính trị thông qua bầu cử, phụ nữ mới có thể giành được các quyền lợi khác về mình.
* Cũng ngay trong năm 1893, Elizabeth Yates trở thành người phụ nữ đầu tiên trong đế quốc Anh trở thành thị trưởng. Bà giữ cương vị thị trưởng của thị trấn Onehunga – một khu vực tại Auckland, phía Bắc New Zealand, trong khoảng một năm. Đến tận cuộc tổng tuyển cử năm 1919, phụ nữ New Zealand mới bắt đầu có đại biểu được bầu vào Hạ viện. Và phải đến tận năm 1941, theo những vận động dữ dội của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nữ giới mới bắt đầu có đại biểu trong Hội đồng lập pháp – tức Thượng viện New Zealand. Hai đại diện đầu tiên được Chính phủ New Zealand bổ nhiệm vào Hội đồng lập pháp ấy là Mary Dreaver và Mary Patricia Anderson.