Ấn tượng 2021

Thứ Sáu, 31/12/2021, 15:30

Năm 2021 đã qua. Và hãy cùng điểm lại những ấn tượng về một năm đầy biến cố ấy. Đó có thể là ấn tượng từ sự việc nào đó, nhưng cũng có thể từ những con người vốn dĩ rất bình thường…

Vị thánh khoác áo blouse trắng

Linh (*) là một bác sĩ, năm nay 29 tuổi, dự định đầu năm sau sẽ lấy vợ. Trước thời điểm dịch COVID-19, anh kiếm được khoảng 20 triệu/tháng từ công việc ở một bệnh viện tuyến đầu tỉnh và thu nhập ngoài từ phòng khám tư.

Trước dịch, mỗi tuần Linh vẫn tự chạy xe về quê, cách nơi làm việc khoảng 90 cây số, để thăm gia đình. Là người có năng lực, anh đang được xếp vào diện có thể được cử đi du học nâng cao tay nghề. Bố của Linh là nông dân ở một tỉnh miền Tây, đã không tiếc tiền nuôi con ăn học 6 năm trời để thành bác sĩ.

Ấn tượng 2021 -0

Từ đầu dịch đến giờ, Linh mới một lần về thăm nhà, trong suốt một năm làm việc tăng cường. Thu nhập anh giảm chóng mặt từ 20 triệu xuống còn… 3-4 triệu, do không còn thời gian đi khám phòng mạch nữa (và cũng không ai dám mở phòng mạch lúc dịch cả), chưa kể những khi phải nghỉ vì cách ly thì cũng coi như không có lương. Trong thời gian làm nhiệm vụ, nhiều lúc thiếu tiền tiêu, gia đình lại phải gửi "cứu trợ" cho anh.

Thu nhập giảm gần chục lần, nhưng lượng công việc thì nhiều gấp đôi gấp ba. Trong thời gian được điều đến công tác ở bệnh viện dã chiến, anh hầu như làm việc liên tục từ 6 giờ sáng cho đến 22h đêm. Không chỉ kiệt sức, Linh còn phải chứng kiến những khoảnh khắc mà anh hay kể với gia đình là "quá sức chịu đựng", khi lần lượt thấy nhiều bệnh nhân ra đi. Nhiều đêm về, anh nằm trằn trọc đến sáng, không ngủ nổi vì bị ám ảnh.

Có lẽ chân dung của Linh không phải là cá biệt, trong những ngày nước sôi lửa bỏng đã qua. Ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, đã có 16 y, bác sĩ của tuyến y tế thành phố viết đơn xin nghỉ việc. Mới đây, Sở Y tế Đắk Lắk công bố báo cáo về tình trạng hàng loạt y, bác sĩ tự nguyện thôi việc: từ năm 2019 đến cuối tháng 11-2021, tại BVĐK vùng Tây Nguyên có 70 viên chức (gồm 48 bác sĩ) nghỉ việc, trong đó có đến 32 bác sĩ trình độ sau Đại học và thậm chí có cả một Phó giám đốc bệnh viện. Rất nhiều người đã xác định bỏ luôn nghề, vì nghỉ trong thời gian chống dịch là một việc "nhạy cảm".

Hãy nói một chút về nghề thầy thuốc. Thật ngạc nhiên là cho đến thế kỷ 19, bác sĩ thường chiếm một địa vị khá thấp trong xã hội. Từ thời La Mã và trong suốt giai đoạn Trung Cổ, đôi khi họ còn phải nếm nước tiểu để chẩn bệnh, đến mức có biệt danh là "người thử nước tiểu", hay "tiên tri tiểu tiện". Nhưng công việc của họ nằm trong số những loại việc bị giám sát chặt chẽ và hà khắc bậc nhất, cùng với cảnh sát và quân đội (có lẽ không phải tự nhiên mà cả ba nghề đều phải đối phó với sự sống và cái chết thường trực).

Sự nghiêm khắc ấy bắt nguồn từ một thầy thuốc Hy Lạp cổ đại có tên Hippocrates (và có thể là các môn đồ của ông), người được cho là đã viết ra 60 y văn làm kim chỉ nam cho những người theo nghề chữa bệnh. Văn bản khắt khe đến mức nó góp ý cả chuyện ăn mặc của các bác sĩ, phải "trang nhã và đơn giản, không quá trau chuốt, nhưng đủ để tạo danh tiếng tốt, và thích hợp với việc chiêm nghiệm, xem xét nội tâm cũng như đi lại". Cho đến tận bây giờ, sự khắt khe này vẫn nguyên vẹn: Trường Y khoa Stanford yêu cầu các sinh viên ngành y phải "ăn mặc chuyên nghiệp và thận trọng", với áo khoác trắng "sạch, được ủi và phải mặc mọi lúc".

"Ân cần cạnh giường" (Bedside manner) là một phẩm chất mà y văn cổ của Hippocrates cũng nói đến, rằng "sự buồn tẻ là điều kinh khủng đối với cả người khỏe mạnh lẫn người bệnh", và gợi ý luôn rằng thầy thuốc nên là một người lịch sự, đảm đang, tỉnh táo, không dễ kích động hay tức giận, và tốt với bệnh nhân lẫn người nhà mà không để hiểu lầm sang “thích thú quá mức” hay cười nhạo. Bạn không nghe lầm, đây không phải chân dung về một vị thánh!

Các xã hội đã ca tụng những điều này suốt hàng thế kỷ, và nhận được sự đồng tình của số đông đến nỗi ngày nay, đôi khi những điều này trở thành gánh nặng với chính các bác sĩ. Đôi khi họ bị hành hung, bị lên án, chỉ vì thái độ chưa đúng mực với vài người, dù một ngày sẽ phải tiếp chuyện lẫn dò bệnh cho cả trăm người đi nữa. Vào tháng 9, Bộ Y tế thậm chí ra văn bản khuyến cáo có thể xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc trong thời gian diễn ra đại dịch. Họ có thể bị quy kết đơn giản là "thiếu y đức", nếu lỡ tỏ ra thiếu nhiệt tình.

Năm 1973, hai nhà tâm lý học xã hội Darley và Barton đã bày ra một thí nghiệm bằng cách tái hiện chuyện "Người Samaritan tốt" trong Kinh Thánh. Chuyện kể về một người Do Thái bị tấn công và nằm bên vệ đường. Một linh mục đã đi qua mà không chìa tay giúp đỡ. Một người Samaritan, vốn được cho là bài Do Thái, đã giúp kẻ bị nạn đi chữa trị.

Darley và Barton đã tập hợp 67 chủng sinh của trường đạo Priceton và yêu cầu họ tham gia thí nghiệm. Một nửa số sinh viên được yêu cầu nói về việc làm sau khi tốt nghiệp. Nửa còn lại sẽ phải chuẩn bị để thuyết trình về câu chuyện "người Samaritan tốt". Trên đường đi đến phòng thuyết trình, họ lại đưa cho các sinh viên 3 chỉ dẫn khác nhau:

1. Em trễ rồi, họ chờ vài phút rồi, nhanh lên

2. Người duyệt sẵn sàng rồi, em đến ngay đi

3. Cần vài phút chuẩn bị, nhưng em nên đến sớm

Trên đường, họ bố trí một thành viên của nhóm nghiên cứu nằm ở hành lang, trông như người bị nạn. Kết quả? 40% số sinh viên đã giúp người bị nạn, nhưng trong đó, chỉ có 10% những người nhận chỉ dẫn 1. đứng lại. Tương tự, 53% số sinh viên phải chuẩn bị về "người Samaritan" tốt đã dừng lại giúp, trong khi chỉ có 29% người phải nói về việc làm dừng lại.

Kết quả của thí nghiệm cho thấy một hiện tượng tạm gọi là phân bổ sai cơ bản (fundamental attribution error). Tức xu hướng con người luôn cho rằng bất kỳ quyết định nào của ai đó cũng là phản ánh tính cách, chứ không phải do hoàn cảnh. Bác sĩ mà có nhỡ thờ ơ, không kịp khám cho ai đó, hoặc lơ đễnh một chút, thì đấy hẳn sẽ là kẻ thiếu đạo đức và thiếu y đức. Dù các nhà nghiên cứu đã rút ra rằng, "xung đột, chứ không phải sự nhẫn tâm, đã ngăn một số người dừng lại để giúp đỡ".

Điều này có thể xảy ra hàng ngày trong các phòng khám và bệnh viện, trong bối cảnh đại dịch, khi các bác sĩ phải quyết định rất nhanh, và những gì họ chọn đôi khi có khả năng được kiểm soát hoàn toàn không phải bởi tính cách bác sĩ hay sự "tha hóa" của ngành y như những người chưa hiểu chuyện lên án, mà đơn giản là theo tình huống và hoàn cảnh.

Đến giờ, khi đại dịch đã bắt đầu bớt căng thẳng và chúng ta đã phần nào trở lại với cuộc sống bình thường, nếu để chọn ra một nhân vật của năm 2021 khốc liệt này, thì chắc chắn tôi sẽ chọn tất cả các bác sĩ đã tham gia vào cuộc chiến này. Họ không chỉ phải chống chọi với COVID-19, mà còn luôn luôn phải đưa ra những quyết định tức thì, trong bối cảnh những gánh nặng của một bản y văn hàng thế kỷ và hình tượng của một vị thánh nó tạo ra, vẫn đè lên từng lựa chọn của họ, với sự khắt khe tuyệt đối.

Nhưng đôi khi tôi cũng biết một vị thánh, như Linh chẳng hạn. Bố mẹ Linh thậm chí đã động viên anh bỏ việc để về nhà sống an toàn một thời gian (anh thậm chí còn chưa được tiêm mũi thứ ba), nhưng người bác sĩ này trả lời rất nhanh, dù chẳng có hoàn cảnh nào chi phối nổi anh lúc ấy: "Nhìn có nhiều người bệnh chết, con vẫn thương lắm".

Không một thí nghiệm tâm lý nào có thể lý giải được câu trả lời ấy.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi)

Phạm An

Chân dung người nông dân

Khi được yêu cầu viết về những con người ấn tượng nhất của năm 2021, tôi nhớ ra một hình ảnh: những người nông dân đi tặng rau.

Ba tạ rau giá bao nhiêu tiền? Nếu nhân với giá bán lẻ trong phần lớn năm 2021 - trừ một số thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng đột biến - có lẽ nó trị giá vài chục triệu.

Ấn tượng 2021 -0

Ngày 23-8-2021, một nhóm nông dân Huế chuyển 3 tạ rau xanh lên giữa đèo Hải Vân, thông qua chốt kiểm soát để gửi tặng vùng dịch Đà Nẵng. Món quà không hề lớn về giá trị vật chất: trong một năm mà xã hội huy động hàng chục nghìn tỷ đồng qua các kênh quyên góp để chống dịch, nó như bao chuyện thường nhật về tình người Việt Nam.

Nhưng 3 tạ rau ấy đến từ một ngôi làng mà chỉ hơn nửa năm trước, hoàn toàn trắng tay sau lũ. Đó là những người dân trồng rau ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Sau khi lũ rút cuối năm 2020, họ mất trắng ruộng vườn, và rất nhiều hộ hoàn toàn không còn khả năng làm lại: họ không có nổi vài triệu đồng trong nhà để mua cây con giống sản xuất trở lại. Một số vốn đã đang nợ Ngân hàng chính sách và không thể vay thêm.

Trong những lá đơn xin cấp vốn viết cho Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác xã hội (Huế), những người nông dân Quảng Thành viết những dòng giãi bày tràn cả ra lề: tôi xin được cấp vốn "mua 200 con gà 4 triệu đồng và 100 con vịt 2 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng tôi mua cá trê giống để thả lại". Phía dưới lá đơn, là dấu điểm chỉ.

Nhưng chỉ sáu tháng sau, ngay khi trồng lại được ruộng rau, tức là mới thoát khỏi cảnh khốn cùng - chứ chưa hề "đổi đời" - họ đã lại nghĩ đến việc đem rau đi giúp người.

Đó là chân dung của người nông dân Việt Nam, một trong những nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất vì đại dịch. Và chân dung ấy, thực ra là của nông dân Việt Nam suốt hai thập kỷ qua.

Đó là chân dung của những con người đã luôn gồng mình vượt qua nghịch cảnh, vượt qua cả thiên tai và nhân tai, để gìn giữ nền móng của cả một quốc gia. Không phải bây giờ họ mới chịu khốn khó. Không phải vì COVID, hay vì một trận bão cụ thể mà họ đứng trước nguy cơ trắng tay. Họ đã liên tục trải qua điều đó.

Vì một quy hoạch vùng trồng nông nghiệp sai, vì "khuyến nông" những cây không có giá trị kinh tế (mà người ký quy hoạch đến khi có hậu quả thì đã nghỉ hưu); vì biến đổi khí hậu ngày càng có xu hướng cực đoan - hạn hán, xâm nhập mặn và mưa lũ; vì không có chuỗi giá trị nên được mùa mất giá; vì bao vấn đề mà khuôn khổ của bài báo này, hay một tuyển tập hai nghìn trang không thể nói hết, người nông dân Việt Nam là đối tượng thoát "chân lấm tay bùn" chậm nhất trong các thành phần kinh tế.

Ở rất nhiều vùng nông thôn Việt Nam, người nông dân hoàn toàn không có khả năng vươn tới quy mô sản xuất hàng hóa. Suốt nhiều năm, tại khắp các vùng thuộc Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, ly nông và ly hương là câu trả lời cho những ai muốn đổi đời. Ở Thái Bình, có một dạo, người nông dân đua nhau viết đơn xin trả ruộng: họ không còn khả năng canh tác nữa, và không muốn chịu thuế phí liên quan đến mảnh ruộng. Những cánh đồng Thái Bình chỉ còn người già, trẻ con và cán bộ xã - như bao vùng trồng lúa đồng bằng sông Hồng khác. Người trong độ tuổi lao động đã đi làm thuê hết, mới mong kiếm được miếng ăn. Trồng lúa không giúp con người thoát nghèo nữa.

Tôi xuống Thái Bình những ngày tháng ấy, và kinh ngạc nhận ra họ là ai: những người già bây giờ run run ký lá đơn xin trả ruộng ấy, thực ra chính là những thanh niên ngày xưa đã từng tuyệt đối tin rằng "người cày có ruộng" là chân lý đổi đời. Hóa ra người cày có ruộng, nửa thế kỷ sau, chưa phải là câu trả lời.

Đại dịch ập đến, có những thời điểm để lại hậu quả khủng khiếp. Nhưng trong thâm tâm, người Việt Nam đều ngầm hiểu: cho dù bối cảnh giãn cách có tồi tệ thế nào, chúng ta không có nguy cơ mất an ninh lương thực. Bản thân trong hai chữ "Việt Nam" đã có sự yên tâm tuyệt đối ấy, và chẳng ai cần gọi tên nó ra. Và có được điều đó, là nhờ những người vẫn bám trụ với ruộng đồng, một nắng hai sương. Họ - giống như chân dung của những người trồng rau ở Quảng Điền kia - ngã rồi đứng dậy không biết bao lần trong cuộc đời, vẫn nghèo. Một cái nghèo lãng mạn trong mắt những nhà thơ.

Trên những sườn đồi Hàm Yên, Tuyên Quang và Cao Phong, Hòa Bình, vụ cam này, thấy lác đác những nông dân đã bắt đầu đi chặt cam. Cam hạ giá quá, mấy nghìn đồng một cân mua tại vườn, không bõ công chăm bón, họ không còn khả năng duy trì nữa. Họ lại quay về trồng ngô - còn có cái ăn.

Vài cây cam chín ủng còn lại trơ trọi trên đồi, không bị chặt, chỉ để làm chỗ trú nắng cho đàn bò. Khung cảnh những gốc ngô mới xơ xác và đìu hiu, trông rất gần với sự tuyệt vọng. Nhưng ai cũng biết, rằng họ vẫn sẽ sống, vẫn tồn tại: họ đã luôn sống như thế.

Bài viết này không thể đề ra một giải pháp, cũng không phải để than vãn vì chuyện đã thế bao năm. Nhưng ngay cả khi bối cảnh xã hội đầy rẫy khó khăn, ta vẫn không có quyền quên, rằng có một món nợ với người nông dân Việt Nam. Họ có thể vượt qua đẫn này, và đẫn khác. Nhưng họ không ổn. Việt Nam phải trở thành một quốc gia nông nghiệp giàu có và người trí thức hay các cư dân đô thị Việt Nam cần nhớ điều ấy. Đại dịch chỉ càng làm cho ta nhận ra rằng mình nên trả món nợ ấy ngay khi có thể.

Đức Hoàng

Nghĩ về tương lai

"Nào, bây giờ thì tắt ti vi, đi ngủ sớm. Sáng mai dậy sớm đến trường gặp cô giáo". Đó là một mệnh lệnh của một người cha, là tôi. Và lần đầu tiên mệnh lệnh ấy được tuân thủ răm rắp, không một chút mặc cả kỳ kèo, không một chút mè nheo nào từ cậu con trai út, 6 tuổi. Ngày mai là ngày đầu tiên nó đến trường tiểu học đúng nghĩa, sau khi đã nhập học được 3 tháng trời.

Chị của nó, 8 tuổi, học cùng trường, cũng năn nỉ xin đi cùng. Lý do của nó rất đơn giản: "Con nhớ trường con quá à". Và tất nhiên, đó là một cuộc mặc cả. Nếu ngoan, nó sẽ được hộ tống cậu em trai tới trường. Cuộc mặc cả ấy chóng vánh. Nó cũng răm rắp tuân theo mệnh lệnh y như cậu em trai.

Ấn tượng 2021 -0

"A, hôm nay là một ngày đặc biệt", cậu con trai út sau 1 đêm tuân lệnh nghiêm cẩn đã vùng dậy hò reo như thế sau tiếng đồng hồ báo thức. Tin hay không thì tùy. Nhưng đó là chuyện có thật hoàn toàn ở nhà tôi. Thay vì mỗi sáng, tôi là người dậy theo báo thức và gọi con dậy chuẩn bị sửa soạn để học online thì sáng nay, chúng lại là những người dậy trước cả tôi.

Buổi gặp mặt giáo viên của cậu con trai lớp 1 nhà tôi diễn ra thực sự ấm cúng, vui vẻ và tất nhiên… an toàn. Nhà trường lên lịch ngày hôm đó chỉ có duy nhất 1 lớp giáo viên gặp gỡ học sinh, chụp ảnh bên tấm bảng "Chào đón các em lớp 1 trường tiểu học Trần Quốc Thảo - Quận 3 - TPHCM niên khoá 2021/22". Và thời gian giãn rộng từ 8g sáng tới 11g trưa để phụ huynh đưa con tới không bị dồn cục. Nhìn con trai tôi tung tăng giữa sân trường chơi với bạn bè và những chiếc bong bóng đủ màu được cô chủ nhiệm cùng cô bảo mẫu tặng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều. Và tôi đoán chừng, qua ánh mắt, những phụ huynh đưa con đi gặp cô giáo chắc cũng cùng cảm giác.

Trước đó chỉ hai tuần, trong một cuộc trưng cầu ý kiến xem có nên để học sinh lớp 1 đến trường học thay vì học online hay không, chỉ có 2 trên tổng số 30 phụ huynh đồng ý. Nhưng hôm gặp mặt này, gần như không một học sinh nào vắng mặt cả. Nỗi sợ đã được dẹp bỏ bởi một khát khao lớn hơn: trò phải được gặp thầy.

Trong một năm quay cuồng vì đại dịch như năm vừa đi qua này, nếu chọn một sự kiện điểm nhấn, hoặc những con người ấn tượng, có lẽ không một ai không chọn COVID-19 làm sự kiện và lựa chọn những y bác sỹ, những chiến sỹ quân đội, công an làm nhân vật ấn tượng của năm. Tôi không bao giờ quên, trong một lần theo dõi một lần tranh luận trên diễn đàn của khu chung cư, khi bắt đầu có khá nhiều cư dân đòi hỏi Tâm, cảnh sát khu vực, phải làm cái này, làm cái nọ dù không phải chức trách của cậu ấy, tôi đã "ngứa miệng" ném một bình luận "Ở đây có ai biết là 4 tháng rồi Tâm nó chưa được về nhà hay không?". Và sau bình luận ấy, lập tức có những lời nhắn nhủ xin lỗi cậu cảnh sát khu vực trẻ tuổi bám cơ quan trong công tác chống dịch kia. Ấn tượng về những người như Tâm không thiếu. Sau đại dịch, thiện cảm của quần chúng dành cho lực lượng công an, quân đội đã tăng lên rất, rất nhiều lần.

Nhưng tôi lại chọn những nhân vật ấn tượng của năm là những đứa học trò, và thêm vào đó là cả thầy cô giáo của chúng nữa. Giáo viên vốn đã eo hẹp trong đời sống hàng ngày lại càng eo hẹp hơn trong mùa dịch. Học online là một giải pháp tích cực, và tiến bộ, đồng thời phù hợp hoàn cảnh. Nhưng những người ra mệnh lệnh phải học online không mấy nhớ rằng giáo viên đã được đầu tư đủ để thực hiện giảng dạy online hay chưa. Cô giáo tiểu học của con trai tôi là một điển hình. Cái máy tính của cô đã quá cũ và nó quá tải bởi những ngày online liên tục với những ứng dụng quá khổ so với bộ nhớ cũ kỹ. Đã có vài phụ huynh ngỏ ý muốn giúp cô một tay trong việc đầu tư máy mới nhưng cô đều tế nhị từ chối. Và cách duy nhất phụ huynh có thể giúp mà cô không bận lòng chính là sửa chữa mỗi khi hỏng hóc. Và cái giúp ấy thì diễn ra rất thường xuyên vì cái máy cứ trục trặc hoài. Rồi đến khi chính cô cũng nhiễm virus SARS-CoV- 2, phụ huynh càng hiểu hơn. Từ điểm cách ly tập trung điều trị, cô vẫn lên lớp mỗi sáng, không nghỉ bất kỳ một ngày nào. Nhiều lúc, nhìn đám học trò 6 tuổi chưa vào kỷ luật tiểu học ngày nào nhao nhao nói qua màn hình "Google Meet" nào là "cô ơi con mắc vệ sinh"; "cô ơi, con không nhìn thấy gì cả" vv và vv, tôi không hiểu bằng cách nào mà giáo viên có thể có được sự nhẫn nại đến thế. Và chắc chắn, không chỉ có một mình một giáo viên của con trai tôi phải trải qua từng ấy thách thức. Tất cả giáo viên ở Việt Nam những ngày tháng qua đều chung tình thế. Nhưng họ đều vượt qua, chưa một ai lên tiếng than thở hay đòi hỗ trợ gì.

Những đứa trẻ thì sao? Lứa học sinh lớp 1 lẽ ra đã và đang được cô giáo uốn nắn tận tay thì đang phải trải qua một học kỳ gần như "học cho có". Có những thứ cha mẹ không thể nào đủ mềm mại để uốn nắn và dẫn dắt con mình. Ví như viết chữ chẳng hạn. Chuyện tưởng như đơn giản ấy lại không đơn giản bởi tôi đoan chắc, tỷ lệ cha mẹ viết không đúng chuẩn mẫu chữ vỡ lòng luôn chiếm số đông.

Nhưng càng nhỏ thì càng vô tư nên cũng bớt đi những cái phải chịu đựng. Những đứa trẻ lớn hơn lớp 1 chắc chắn sẽ có suy nghĩ khác. Con gái tôi là một điển hình. Khi nói ra "con nhớ trường", điều đó chắc chắn là cảm xúc thật của nó. Và con tôi không phải ngoại lệ. Đa số những đứa trẻ khác đều nhớ trường, nhớ bạn. Bạn và trường là một cộng đồng mà chúng lớn lên ở trong đó. Chúng như những cái cây bị bứng khỏi môi trường sống quen thuộc của mình chỉ vì đại nạn COVID-19. Nhưng khi chọn lựa những nhân vật ấn tượng của năm chúng ta mấy khi nghĩ đến chúng, và sự kiên cường của chúng. Chúng ta nhìn vào cái thiết thực hơn, cái bây giờ chứ không phải cái tương lai.

Chắc chắn lớp học sinh thời COVID này sẽ có không ít em bị hổng một phần kiến thức. Sự học không đơn giản chỉ là có thầy đó, có trò đó, có phương tiện để chuyển tải kiến thức là đủ. Sự học của tuổi nhỏ luôn cần môi trường tương tác xung quanh, với bạn, với cô, với thầy. Và chúng vẫn kiên trì vượt qua được nghịch cảnh dịch bệnh để tiếp cận với việc học một cách tốt nhất thì rõ ràng ấn tượng về sức sinh tồn của chúng vượt qua mọi thang điểm thông thường rồi.

Và cuối cùng, trong một năm bấn loạn vì bệnh dịch, việc cuối năm chủ trương lâu dài được đặt ra là "Văn hóa" với câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch là "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” lại càng khiến chúng ta phải suy nghĩ hơn về trẻ thơ. Làm sao để phát triển được văn hóa, tạo ra sức mạnh nội tại của nền văn hóa để soi đường? Việc ấy phụ thuộc rất nhiều vào chuyện chúng ta chăm chút thế hệ tương lai như thế nào. Chính thế hệ ấy, chỉ chục năm nữa thôi, sẽ là bộ mặt của văn hóa đại chúng Việt Nam chứ không phải là thế hệ chúng ta nữa.

Với bạn, dấu ấn của năm là gì? Quyền lựa chọn của riêng bạn và lựa chọn ấy phụ thuộc vào cách nhìn cũng của riêng bạn. Còn với tôi, đó là thế hệ tương lai, và diện mạo văn hóa tương lai. Chính thế hệ ấy đã chứng minh chúng bền bỉ và kiên cường thế nào trong đại dịch. Chỉ có chúng ta, vì nghĩ quá nhiều đến hiện tại thiết thực mà bỏ qua cái bền bỉ và kiên cường ấy mà thôi.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.