Ẩn họa sau các nhóm "rủ nhau bùng nợ"

Thứ Ba, 28/11/2023, 14:01

Gần đây xuất hiện rất nhiều hội nhóm như: “bùng nợ”; “rủ nhau bùng nợ”; “dạy cách bùng nợ”… Trên các hội nhóm này còn không ngại khoe khoang chiến tích bùng nợ của mình, lấy đó để quảng cáo, mời chào các thành viên sử dụng dịch vụ “hỗ trợ trốn nợ,  xóa nợ”,  hoặc thậm chí dẫn đến vay một app tín dụng đen khác với lãi suất cắt cổ.

Tràn lan các hội nhóm “bùng nợ”

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng nợ” sẽ xuất hiện một loạt hội nhóm với hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Những nhóm đáng chú ý như: hội “Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu (FE, Homecredit, app cho vay” có tới 132.000 thành viên, hay “Hội bùng app vay tiền và cách đối phó” có tới 107.000 thành viên; “Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó” (174.000 thành viên)…

2 .jpg -0
Chỉ cần gõ từ khóa “bùng nợ” trên mạng xã hội, có thể cho ra hàng trăm hội nhóm dạy nhau “bùng nợ”

Tại một nhóm có tên “Tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu” với 100.000 thành viên trên Facebook, các tài khoản người dùng vô cùng hào hứng chia sẻ với nhau về câu chuyện đi vay công ty tài chính, vay app online… rồi trốn nợ.

Một tài khoản có tên “Hùng Quân” tại nhóm này cho biết, mua trả góp điện thoại qua công ty tài chính hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên đã 2 tháng nay không trả nợ và thắc mắc “nếu không trả thì sẽ như thế nào?”. Ngay lập tức bên dưới bài đăng, hàng chục dòng bình luận khẳng định chắc nịch rằng: “không sao đâu”, “bùng thoải mái”, “càng trả càng nợ, bùng là hết nợ”… Thậm chí nhiều thành viên trong các hội nhóm không ngại khoe “chiến tích bùng nợ” của mình và lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên nhẹ dạ sử dụng dịch vụ “hỗ trợ trốn nợ, xóa nợ”.

Có thể thấy trong một cộng đồng, hội nhóm như vậy, việc bùng nợ, trốn nợ dường như đã trở thành một việc hết sức bình thường. Một số người còn tự hào đang vay nợ tại một loạt công ty tài chính nhưng không bị hề hấn gì mà còn xem đây là “cách kiếm tiền online”.

Rất nhiều đối tượng trong các hội nhóm sẽ lôi kéo người vay trả một khoản phí để sử dụng các dịch vụ như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, mua bán danh bạ điện thoại ảo… Đã có trường hợp chuyển tiền xong thì kẻ lừa đảo mất tích không để lại dấu vết.

Một tài khoản có tên “Minh Hòa” chia sẻ trên nhóm “Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ”: “Tôi có nợ một số tiền trên app, sau khi vào hội nhóm có thấy có dịch vụ xóa nợ nên đã nhắn tin cho một người nhờ xóa hộ. Khi ấy tôi nợ 20 triệu đồng, bên kia bảo phải chuyển khoản 10% giá trị nợ sau đó sẽ xóa cho. Sau khi chuyển 2 triệu vào tài khoản của anh ta thì anh ấy chặn luôn tin nhắn, không có cách nào liên lạc được. Tôi đã đăng trạng thái lên nhóm để bóc mẽ nhưng cũng chả có tác dụng gì”.

Tệ hơn, người dùng có thể bị lôi kéo vay tiền các app tín dụng đen. Những đối tượng lập ra các hội nhóm dạy cách bùng tiền có thể cũng chính là người lập ra các app cho vay tín dụng đen. Các App cho vay này thường có thủ tục vay rất đơn giản, công bố lãi suất và phí dịch vụ mập mờ khiến người dùng không lường được số tiền “khổng lồ” phải trả trong tương lai. Từ số tiền vay chỉ vài triệu đồng, chỉ sau thời gian ngắn, số tiền mà bạn nợ trên App cho vay online có thể nhân lên con số hàng trăm triệu. Nếu không trả được nợ, người vay có thể bị đòi nợ khủng bố, bị đe dọa về thể chất, tinh thần bởi các App cho vay tín dụng đen này. Cần lưu ý rằng, hình thức đòi nợ của các nhóm tín dụng đen sẽ không như các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép.

Qua tìm hiểu, hiện tượng “rủ nhau trốn nợ” trở nên nghiêm trọng khoảng hơn 1 năm trở lại đây khi nhiều cá nhân lợi dụng thông tin cơ quan chức năng kiểm tra một số công ty tài chính tiêu dùng để tung những thông tin không đúng bản chất lên mạng xã hội. Từ đó, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân. Đặc biệt, nhiều người đã đánh đồng công ty tài chính tiêu dùng với các app tín dụng đen để làm cái cớ trốn nợ mà không sợ bị pháp luật “sờ gáy”.

Các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn

Nhiều người tiêu dùng không biết rằng, các công ty tài chính tiêu dùng là tổ chức chính thống được hoạt động cho vay tiêu dùng và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Theo quy định hiện nay, hợp đồng vay giữa công ty tài chính với khách hàng là hợp đồng dân sự. Trong trường hợp người vay thật sự không có điều kiện trả nợ thì có thể bị khởi kiện ra Toà án dân sự và phải đóng án phí. Sau khi thua kiện, trường hợp vẫn không trả được nợ thì công ty tài chính sẽ yêu cầu thi hành án.

Ẩn họa sau các nhóm
Một người đăng trạng thái nhờ “bùng nợ”

Trong trường hợp có điều kiện để trả nhưng cố tình không trả thì người vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; với mức phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Vay tiền tại các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, nếu không trả nợ, người vay sẽ rơi vào nợ xấu, từ đó rất khó để có thể làm thủ tục vay tiền từ các công ty, tổ chức tài chính khác trong tương lai.

Do đó, người vay tiền không nên nghe theo những lời dụ dỗ của những thành viên trên nhóm bùng nợ để nảy sinh hành động quỵt nợ, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn vi phạm pháp luật. Trong trường hợp không trả được nợ, cần có sự trao đổi và thiện chí với phía công ty tài chính để có giải pháp. Người vay cũng cần tỉnh táo phân biệt công ty tài chính và các app cho vay tín dụng đen, hiện nay nhiều công ty tài chính vẫn đang triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, hồ sơ cho vay đơn giản, minh bạch, có lợi cho người tiêu dùng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong hoạt động thu nợ trước thực trạng “bùng nợ” ngày càng gia tăng.

Cụ thể, một số khách hàng đã cố tình dựa vào những việc cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các công ty tài chính và cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, dẫn đến chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Việc này dẫn đến tỉ lệ khách vay “không trả nợ” ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Xảy ra hiện tượng “rủ nhau bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng”.

Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng, việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, qua đó tác động trực tiếp đến người đi vay.

Trên thực tế, những hội nhóm này đã được thành lập và hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Thậm chí, một số bài đăng còn hướng dẫn sử dụng thủ đoạn để bùng nợ ngân hàng, lừa đảo bằng thế chấp tín dụng. Tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 6/11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết Cục đã rà quét được 47 nhóm trên Facebook chuyên hướng dẫn bùng nợ ngân hàng, lừa đảo bằng thế chấp tín dụng. Cục đã làm việc với Facebook và yêu cầu nền tảng này ngăn chặn vấn nạn trên. Facebook đã thực hiện ngăn chặn ngay với 43/47 nhóm. Trong khi đó, 4 nhóm còn lại được xác định là hành vi vi phạm chưa rõ ràng.

Theo Đại úy Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay tiền với số lượng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cao và xuất hiện các hội nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách chiếm đoạt tiền vay. Cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bởi trên thực tế, người cho vay tính lãi quá cao khiến người vay nợ không trả được nên tìm cách “bùng”. Còn người vay nợ vì thấy dễ dàng “bùng”, dễ dàng vay thì tìm cách vay nhiều để chiếm đoạt số tài sản đó. Từ đó mới dẫn đến việc những người khác bị vạ lây khi liên tục bị khủng bố, bôi nhọ, bắt phải trả nợ thay cho người vay.

Bảo Phương
.
.