Ám mùi thuốc Súng!

Thứ Ba, 15/02/2022, 09:57

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh Ukraine không phải là điều mới mẻ gì mà đã kéo dài suốt gần cả thập niên qua, đặc biệt là từ khi Crimea sáp nhập với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014...

Những nỗ lực ngoại giao thất bại

Châu Âu ám mùi thuốc súng và Ukraine đang trở thành một trong những điểm nóng nhất hành tinh nếu như căn cứ vào những tuyên bố của các quan chức Mỹ và động thái cứng rắn từ phía Nga.

Tình hình xung quanh Ukraine nóng lên từng ngày khiến các đại diện của Nga và phương Tây phải tiến hành cuộc "marathon ngoại giao" ngay trong những ngày đầu năm 2022 nhằm mục đích hạ nhiệt khủng hoảng. Ở Genève, Thụy Sĩ, trong ngày 9 và 10-1 diễn ra cuộc thảo luận cấp thứ trưởng ngoại giao Nga-Mỹ. Vài ngày sau là cuộc họp Hội đồng Nga-NATO, rồi tiếp đến cuộc họp của Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu mà cả Nga và Mỹ đều là thành viên. Hạ tuần tháng 1, vẫn ở Genève, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken gặp nhau cấp bộ trưởng... Trước, trong và sau những cuộc gặp này đã diễn ra những động thái gì?

Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken tuyên bố "Nga sẽ phải trả giá đắt, chịu nhiều thiệt hại lớn, kể cả về quân sự, nếu can thiệp vào Ukraine".

Ngay trước cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước ở Genève, Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng "Tổng thống Nga không muốn một cuộc chiến trên quy mô lớn" nhưng sẽ "trắc nghiệm phương Tây" bằng cách "tiến vào Ukraine bằng cách này hay cách khác". Theo ông Biden, nếu đó "chỉ là một vụ thâm nhập nhỏ" thì NATO có thể bị chia rẽ về cách thức phản ứng nhưng nếu Nga tiến hành với lực lượng họ đang có ở biên giới thì đó "là một thảm họa cho Nga" và tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo những "thiệt hại nặng nề về nhân mạng trên chiến trường".

Trong khi ấy, Nga và Belarus tập trận chung tại vùng biên giới sát với Ukraine, cũng là gần đường biên với EU, đồng thời khởi động hàng loạt chiến dịch tập trận trên biển, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương và cả trong khu vực Địa Trung Hải. Khoảng 140 tàu chiến và 10.000 binh sĩ được huy động tham gia các cuộc tập trận này. Nga cũng thông báo sẽ có các cuộc tập trận chung với Iran và Trung Quốc nhưng không nói cụ thể thời gian diễn ra. Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow "không đe dọa bất cứ ai nhưng đây là những lời cảnh cáo".

Có cảm tưởng là châu Âu đang bên bờ vực của một cuộc chiến.

Ám mùi thuốc Súng! -0
Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận. Ảnh: S.t

Nóng lên từng ngày

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh Ukraine không phải là điều mới mẻ gì mà đã kéo dài suốt gần cả thập niên qua, đặc biệt là từ khi Crimea sáp nhập với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014.

Từ tháng 3-2021, căng thẳng bùng lên với việc Nga tập trung khoảng 100.000 quân gần biên giới với Ukraine, đồng thời từ chối gia hạn lệnh ngừng bắn ở khu vực Donbas đã được thỏa thuận trước đó.

Ngày 24-3, Tổng thống Ukraine V.Zelensky ký đạo luật 117/2021, thông qua "chiến lược chấm dứt sự xâm chiếm và tái hội nhập" những vùng lãnh thổ bị Nga "chiếm đóng" ở Crimea và thành phố Sevastopol. Đến cuối tháng 3, chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine tiết lộ tin tức tình báo cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã tập kết với số lượng lớn với 28 lữ đoàn gần biên giới Ukraine để chuẩn bị cho cuộc tập trận Zapad 2021, coi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với Ukraine.

Đến ngày 22-4-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoygu rút một số đơn vị tác chiến gần biên giới với Ukraine trở về căn cứ, chỉ để lại các trang thiết bị quân sự ở căn cứ huấn luyện Pogonovo để chuẩn bị cho các cuộc tập trận với Belarus dự tính sẽ diễn ra trong tháng 9-2021.

Pha 2 của căng thẳng giữa Nga với phương Tây bắt đầu khi ngày 10-11-2021, ông D.Medvedev, người từng là Tổng thống rồi Thủ tướng Nga, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga công bố một bài báo trên tờ Kommersant, gọi Ukraine là một "chư hầu" của phương Tây, rằng Nga đã níu kéo những cuộc đối thoại vô nghĩa với các nhà lãnh đạo Ukraine mà bài báo mô tả là "yếu ớt", "dốt nát" và "không đáng tin cậy". Bài báo kết luận rằng Nga sẽ không làm gì Ukraine nhưng chờ cho đến khi một chính quyền Ukraine nào đó lên nắm quyền lực quan tâm thật sự đến việc củng cố quan hệ với Nga, thêm rằng "nước Nga biết cách chờ đợi. Chúng tôi là những người rất kiên nhẫn".

Ngày 21-11, người đứng đầu Cơ quan tình báo Ukraine, K.Budanov tuyên bố rằng Nga đã tập trung khoảng 92.000 binh sĩ ở khu vực gần biên giới cùng với một số bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Ông Budanov cáo buộc Nga đứng sau những cuộc biểu tình chống vaccine ở Kiev và các địa phương khác nhằm làm mất ổn định Ukraine. Ông Budanov cũng dự báo các hành động quân sự của Nga chống Kiev sẽ diễn ra vào khoảng thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2-2022. 

Ngày 1-12-2021, Nga cáo buộc Ukraine triển khai 125.000 quân (một nửa quân số lực lượng vũ trang của nước này) ở khu vực Donbas để chống lại các lực lượng ly khai tại đây. Người phát ngôn của điện Kremlin, D.Peskov bác bỏ khả năng Nga xâm chiếm Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev đang lên kế hoạch có các hành vi "gây hấn" để chống lại khu vực Donbas. Tổng thống Nga V.Putin còn chỉ trích Ukraine sử dụng các thiết bị bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để chống lại các lực lượng ly khai ở vùng Donbas. 

Cũng từ tháng 1-2022, Moscow bắt đầu sơ tán từ từ những nhân viên tại sứ quán Nga ở Kiev về nước, gây những đồn đoán lo ngại. Đến giữa tháng 1-2022, tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine đánh giá Nga đã hoàn thành bước cuối cùng của việc triển khai lực lượng quân sự trên biên giới Ukraine với 127.000 binh sĩ, trong đó có 106.000 thuộc lục quân, số còn lại thuộc hải quân và không quân.

Đấy cũng là thời điểm diễn ra các cuộc gặp đàm phán giữa đại diện Nga và Mỹ kết thúc trong thất bại và như để phụ họa tuyên bố của ông Medvedev trước đấy, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov, trong một tuyên bố, nói: "Chúng tôi rất kiên nhẫn nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi đã hết".

Ai có lợi?

Liệu có chăng một cuộc tấn công Ukraine như các phương tiện truyền thông và hàng loạt chính khách phương Tây đồng loạt cảnh báo trong thời gian qua?

Năm 2004, khi Estonia gia nhập thì NATO chỉ cách Saint Petersbourg của Nga có 2 giờ xe chạy! Nước Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Putin cảm thấy không thể lùi được nữa. "Lằn ranh đỏ", như cái cách mà phía Nga chuyển thông điệp cho Mỹ và phương Tây, thật ra rất đơn giản: NATO đảm bảo (bằng văn bản) sẽ không kết nạp Ukraine vào tổ chức quân sự này. Bởi, cứ thử tưởng tượng mà xem, một khi Ukraine trở thành thành viên NATO thì tổ chức này hoàn toàn có quyền đặt các bệ phóng tên lửa trên lãnh thổ thành viên của mình và điều đó có nghĩa là hiểm họa an ninh nằm ở ngay cửa ngõ của Nga.

Phía NATO đã dứt khoát trả lời "không" với đề nghị của Nga, coi đó đơn giản là không thực tế. Nên, Tổng thống V.Putin đã kết luận: "Người Mỹ đã làm ngơ trước mối quan ngại của chúng tôi".

Nhưng, liệu từ kết luận này có đi tới một cuộc xung đột tổng lực giữa Nga với Ukraine hay không?

Để trả lời câu hỏi này, lại phải trả lời một câu hỏi khác: một châu Âu mịt mù khói súng sẽ có lợi cho ai? Hẳn nhiên Ukraine sẽ là bên bị thiệt thòi nhất. Nhưng, xung đột vũ trang xảy ra cũng là một lựa chọn rủi ro cực lớn đối với Nga bởi những thương vong có thể có sẽ không tính đếm hết được. Việc Crimea sát nhập một cách hòa bình với Nga năm 2014 là có thể chấp nhận được nhưng nếu chiến tranh tổng lực xảy ra, đó sẽ là chuyện hoàn toàn khác.

Nếu một cuộc chiến tranh nổ ra ở ngay trung tâm lục địa châu Âu thì chỉ có những thế lực bên ngoài như Mỹ và một vài quốc gia phương Tây khác có lợi. Nó sẽ làm cho dư luận quên đi cuộc rút lui vội vã không kèn không trống của Mỹ khỏi Afghanistan cũng như các vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Mỹ sẽ có lý do để siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt hiện đang áp dụng đối với Nga, làm suy giảm sức mạnh của Moscow; nếu như Nga bị sa lầy lâu dài ở Ukraine, đó là cơ hội bằng vàng để Mỹ rảnh tay đối phó với những mối đe dọa an ninh khác của Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc.

Chẳng phải vô cớ mà cũng chính Tổng thống V.Putin đã cáo buộc Mỹ sử dụng Ukraine như một công cụ để lôi kéo Nga vào một cuộc xung đột vũ trang.

Nhưng, điều đó cũng không có nghĩa rằng Nga lẳng lặng chấp nhận để cho Mỹ và phương Tây phớt lờ "lằn ranh đỏ", cũng có nghĩa là nguy cơ an ninh đối với bản thân mình lớn lên từng ngày nếu Ukraine gia nhập NATO.

Hai vùng đất ly khai ở miền Đông Ukraine vẫn tồn tại từ nhiều năm nay và nếu như người dân ở hai vùng này - chẳng hạn lại thông qua một cuộc trưng cầu ý dân tương tự như năm 2014 ở Crimea - mà sát nhập vào Nga thì đó sẽ là một đòn chí mạng nhằm vào Ukraine.

Bản thân sự tồn tại lâu dài của hai vùng đất ly khai này cũng mang một ý nghĩa chiến lược mang tính sống còn đối với đòi hỏi của Nga: NATO không thể kết nạp một quốc gia làm thành viên trong khi ở tại quốc gia đó vẫn còn đang tồn tại những vùng lãnh thổ đang ly khai.

Các lối ra biển Azov và biển Đen của Ukraine, nếu bị phong tỏa cục bộ, cũng sẽ là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế của Ukraine, đồng thời đoạt khả năng tiếp cận biển của nước này. Vùng đất Crimea đang thuộc quyền kiểm soát của Nga nằm chẹn giữa hai biển này sẽ có một vị trí vô cùng lợi hại để hỗ trợ cho một lựa chọn như vậy của Nga.

Dường như người Nga không còn quá e ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây nữa mà đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài xung quanh vấn đề Ukraine. Họ vốn là những người kiên nhẫn, trong đàm phán và cả trong các toan tính chiến lược. Giờ đây, dường như mọi sự nằm trong quyền quyết định của Tổng thống Nga V.Putin.

Yên Ba
.
.