Vai trò của Nga trong đối đầu Trung - Ấn
Vào cuộc nhanh chóng
Ngày 15-6, một cuộc đụng độ không tiếng súng nhưng được gọi là "những cuộc đấu tay đôi đầy bạo lực" đã diễn ra giữa binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực thung lũng Galwan. Theo đó, các binh sĩ đã đấm và ném đá vào nhau (thậm chí lính Trung Quốc còn bị cáo buộc đã tấn công bằng gậy có đinh trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 tiếng).
Quân đội Ấn Độ cho biết đã có 20 binh sĩ của họ thiệt mạng, đồng thời xác nhận “có thương vong từ cả hai phía”. Trung Quốc thì cáo buộc quân đội Ấn Độ đã "vượt qua biên giới 2 lần, kích động và tấn công binh sĩ Trung Quốc, dẫn đến cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa lực lượng biên giới hai bên".
Đây là những diễn biến căng thẳng nhất từ trước đến nay trong cuộc tranh chấp kéo dài nửa thế kỷ qua giữa hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới, một diễn biến khiến cho cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại. Tuy nhiên, vì đây là cuộc xung đột có tính lịch sử rất khó phân định giữa hai nước lớn nên cộng đồng quốc tế ít khi có động thái can thiệp.
Nước Nga muốn đứng ra dàn xếp những căng thẳng giữa hai bên. |
Thế nhưng lần này, chỉ 2 ngày sau cuộc đụng độ, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo đầu tiên. Theo đó, một cuộc gặp giữa Đại sứ Ấn Độ Venkatesh Varma với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã được tổ chức, trong đó hai bên thảo luận về những gì vừa xảy ra trên thực địa cũng như phương án giải quyết. Phản ứng nhanh chóng này của nước Nga khiến giới quan sát quốc tế không khỏi ngỡ ngàng vì ngay cả Tổng thống Mỹ, người vốn nổi tiếng với cách tiếp cận vấn đề chớp nhoáng bằng những thông điệp ngắn, cho đến ngày 20-6, vẫn chỉ có thể dè dặt: “Chúng tôi đang liên hệ”.
Trong cuộc gặp đó, phía Nga đã công khai mong muốn được "tháo ngòi nổ" căng thẳng Trung-Ấn. Cụ thể hóa mong muốn này, ngày 23-6, Nga đã đứng ra chủ trì hội nghị Ngoại trưởng 3 bên Nga-Ấn-Trung (gọi là nhóm RIC) hòng mở ra kênh đối thoại tìm giải pháp cho vấn đề. Đây cũng là lần đầu tiên ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc “đối mặt" với nhau, dù chỉ là trong một cuộc họp trực tuyến.
Có thể thấy nước Nga đã rất chủ động, sốt sắng trong vụ việc căng thẳng lần này. Sau đó, cả hai bên đều đã có những động thái hạ nhiệt khi chủ động lui quân khỏi các vị trí tranh chấp. Cùng đó, việc hai bộ trưởng quốc phòng của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có mặt ở Nga để dự "Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng" hôm 24-6 cho thấy tiếng nói của nước Nga trong vấn đề này rất có sức nặng.
Vai trò của nước Nga
Trước khi những biến động trên thực địa bùng phát thành bạo lực thì một cuộc đối thoại về vấn đề này ở cấp trung tướng (hôm 6-6) cũng đã được Ngoại trưởng Ấn Độ Vardhan Shringla “cập nhật” với Đại sứ Nga Nikolay Kudashev. Xa hơn, trong cuộc khủng hoảng giữa hai bên vào năm 2017, các nhà ngoại giao Nga ở Bắc Kinh nằm trong số ít những người được Chính phủ Trung Quốc thông báo tình hình. Ở thời điểm đó, những thông tin này được giữ kín. Điều đó cho thấy, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chấp nhận Nga như một nhà quan sát gần gũi.
Để đánh giá đúng vai trò của nước Nga giữa quan hệ Trung-Ấn, cần phải nhìn nhận lại mối quan hệ song phương của Nga với từng nước. Mối quan hệ Nga-Trung vốn có một lịch sử phức tạp nhưng việc phương Tây trừng phạt Nga và có ý muốn cô lập Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy hai nước lại gần với nhau. Bất chấp những bất đồng, dựa trên những tính toán lợi ích chung, Nga và Trung Quốc đã hỗ trợ nhau không ít trong những vấn đề quốc tế để tạo nên một thế cân bằng chiến lược với Mỹ và Tây Âu.
Trong khi đó mối quan hệ Nga-Ấn lại có một lịch sử lâu dài tốt đẹp. Dù là nước theo mô hình "dân chủ phương Tây" nhưng Ấn Độ luôn là bạn hàng hàng đầu của Nga về vũ khí từ trước tới nay. Mối quan hệ chiến lược về quốc phòng này được duy trì từ thời Liên Xô nay mở rộng sang cả những lĩnh vực khác. Với việc là đối tác quan trọng của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, nước Nga vừa có tiếng nói vừa có lợi ích ở khu vực này để lên tiếng trong thời điểm hiện tại.
Dù vậy, nước Nga vẫn giữ cho mình một thái độ khá trung lập. Họ cũng không muốn làm mất lòng ai, bởi kẹp giữa một mối quan hệ nước lớn không bao giờ là điều dễ chịu. Chính vì thế, đồng thời với việc bày tỏ quan ngại về vấn đề này, đại diện của điện Kremlin vẫn tin rằng hai bên có đủ biện pháp ngăn chặn tình trạng trở nên xấu hơn.
Những tính toán của Moskva
Dĩ nhiên, nước Nga vẫn có những tính toán riêng của mình. Mối quan hệ tay ba Nga-Trung- Ấn luôn tiềm ẩn những rắc rối khó lường. Sự vươn lên mạnh mẽ cùng những động thái "hung hăng" của Trung Quốc trong những năm qua đã khiến cho thế giới phải dè chừng. Quan hệ Nga-Trung tuy đang được "duy trì ở mức tốt nhất từ trước đến nay" nhưng nước Nga cũng không mất cảnh giác. Những căng thẳng tiềm ẩn giữa Nga với Trung Quốc vẫn tồn tại, chính vì thế nếu định lượng mối quan hệ giữa Nga với Ấn Độ và Trung Quốc thì nước Nga có lẽ sẽ "ngả" về phía Ấn Độ nhiều hơn.
Không chỉ là khách hàng mua sắm vũ khí lớn nhất của Nga, Ấn Độ còn đang nhập khẩu số lượng lớn dầu, khí đốt và năng lượng hạt nhân từ Nga. Thị trường Ấn Độ - còn rất nhiều tiềm năng và đang khát nhiên liệu - càng trở nên quan trọng từ sau khi Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt. Bản thân Nga cũng cần giữ Ấn Độ ở bên mình độc lập với cả Mỹ lẫn Trung Quốc như đồng mình chiến lược trong khu vực.
Thực tế, dù có dân số và diện tích tương đương, tiềm lực của Ấn Độ vẫn thua kém nhiều so với Trung Quốc. Nước Nga, với tư cách là "đồng minh chiến lược" của Ấn Độ trong khu vực, chắc chắn không muốn thấy người bạn của mình lép vế. Thế "cân bằng chiến lược ở châu Á" luôn là điều được những nhà ngoại giao Nga nhắc đến trong những phát biểu liên quan đến căng thẳng lần này. Đây là điều cốt lõi mà nước Nga muốn giữ, nên họ đã nhanh chóng can thiệp khi tình hình có chuyển biến xấu. Nước Nga sẽ đứng giữa để bảo đảm thế cân bằng đó, tránh cho những lợi ích chiến lược mà họ có được trong khu vực bị đổ vỡ.
Cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn luôn là vấn đề nhạy cảm mà các bên thường né tránh. |
Thêm vào đó, một hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ USD về máy bay Su-57, tên lửa S-400 và những hệ thống lửa vác vai, súng trường tấn công, đạn dược đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ hối thúc phía Nga chuyển giao sớm cho mình. Rõ ràng Nga cũng thu được không ít lợi ích trong căng thẳng lần này.
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, nước Mỹ rút khỏi những điểm nóng, EU đang ngập trong những vấn đề nội tại của mình thì việc nước Nga tranh thủ cơ hội này để khẳng định vai trò quốc tế cũng là hoàn toàn hợp lý. Sự tham gia của Nga vào việc hòa giải Trung–Ấn, như vậy, cũng đã được tiến hành khá bài bản, với những sự cân nhắc kỹ lưỡng.