Và cuối cùng, bình minh cũng tới

Thứ Năm, 07/11/2019, 13:04
Không có gì quá lời khi giới quan sát quốc tế xem đó là một tuyên bố hòa bình lịch sử. Dù với bất cứ lý do nào, thỏa thuận ấy - được ký kết giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang đối lập ngày 21-10 - cũng là điều đất nước này đã khắc khoải chờ đợi từ rất lâu.

Cho một ngày bình yên

Cũng trong ngày 21-10 ấy, lần đầu tiên sau 8 năm, các khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Sudan (từ châu thổ sông Nil Xanh đến dãy Nuba và bao gồm cả thủ đô Darfour) chính thức được Chính phủ Sudan đồng ý mở quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo, theo lời ông Yasir Arman - phó thủ lĩnh liên minh các lực lượng vũ trang đối lập.

Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày ấy, ngày khu vực tự trị phía Nam của nước Sudan cũ tổ chức trưng cầu dân ý và quyết định tách ra thành một quốc gia độc lập non trẻ, mang tên Cộng hòa Nam Sudan. Đã 8 năm trôi qua kể từ khi những đường phố Juba (thủ đô Nam Sudan) tràn ngập các tấm biểu ngữ đầy phấn khích: “Chúng ta là Nam Sudan. Chúng ta là các tín hữu Thiên Chúa giáo!”.

Và đúng như rất nhiều nhà phân tích tiên liệu, đoạn tuyệt không có nghĩa là chấm dứt. Những mâu thuẫn chồng chất tích tụ hàng thập kỷ không hề biến mất nhờ cuộc chia ly đó. Ngược lại, nó còn trở nên khốc liệt và dai dẳng hơn. Hàng trăm nghìn người vẫn tiếp tục thiệt mạng.

Sudan - những nụ cười trở lại.

Hàng triệu người vẫn cứ phải bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn binh hỏa, để trở thành những thân phận không nơi trú ẩn. Sudan, thậm chí, còn bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố - một rào cản không thể vượt qua sập xuống trên những tiến trình nỗ lực phát triển đất nước.

Có lẽ cũng nên lật lại đôi dòng lược sử cận đại của miền đất ấy, để dễ dàng hình dung về bối cảnh phức tạp mà Sudan và Nam Sudan đã cùng nhau tạo nên. Thực tế, đó là hai phần tách biệt về rất nhiều phương diện mà việc bị bắt buộc phải “cùng chung sống dưới một mái nhà” của họ chỉ xuất phát từ ý chí áp đặt của thực dân Anh.

Miền Bắc Sudan (tức là Cộng hòa Sudan hiện tại), từ cổ xưa đã có những mối liên hệ gần gũi và mật thiết với nền văn minh Ai Cập. Rồi khi đế chế Ai Cập cổ đại suy tàn, Sudan tràn ngập bước chân truyền giáo của những giáo sĩ Hồi giáo, để trở thành một phần của đế quốc Hồi giáo, rồi một phần của đế quốc Ottoman cận đại.

Và rồi đế quốc Anh, khi Ottoman lụn bại, giành quyền kiểm soát Ai Cập. Đó cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi Sudan quật khởi, dưới sự lãnh đạo của Muhammad ibn Abdala Mahdi - một thủ lĩnh Hồi giáo đúng nghĩa. Có điều, đánh lên Bắc, ông bị quân Anh ở Ai Cập chặn đứng. Đánh về Nam, ông bị thực dân Bỉ (đang tiến quân vào Nam Sudan hiện tại) ngăn trở. Cuối cùng, liên quân Anh - Ai Cập tiến xuống, Sudan trở thành thuộc địa.

Ai Cập từng muốn sáp nhập Sudan trở lại lãnh thổ của mình, như thời xa xưa nhưng London từ chối. Năm 1954, quân đội Ai Cập đảo chính, phế bỏ vương thất, lập nền cộng hòa. Ngày 1-1-1956, Sudan được trao trả độc lập, trong sự bất lực của thực dân Anh. Có điều, những hệ lụy của thời thuộc địa thì vẫn còn nguyên vẹn.

Thực dân Anh để lại một đất nước bị chia rẽ về tôn giáo: Miền Bắc theo Hồi giáo và miền Nam là khu vực tập trung của những tín đồ Thiên Chúa giáo hoặc theo tín ngưỡng bản địa nguyên thủy (cũng gần giống như Ấn Độ với Pakistan). Về mặt chủng tộc, người Bắc Sudan gần gũi với người Arab Trung Đông, còn người Nam Sudan thực sự là những người da đen Trung Phi.

Hơn hết, về mặt lợi ích, miền Bắc “giàu” sa mạc hơn (nhưng lại có đường ra biển), còn miền Trung và miền Nam có một số mỏ khoáng sản đáng chú ý như vàng, bạc, đồng, kẽm, crom...

Và dầu mỏ.

Đó là lý do để khi vẫn còn là một quốc gia thống nhất, nước Sudan cũ từng trải qua 2 cuộc nội chiến dai dẳng (1955-1972 và 1983-2005). Đó cũng là lý do để khi tách đôi thành hai nửa, những cấn cá về lợi ích vẫn khiến giới quan sát quốc tế, ngay lúc đó, tin rằng thanh bình chưa thể có cơ hội được vãn hồi hoàn toàn trên mảnh đất này.

Nam Sudan ngày chia ly năm 2011.

Hòa bình trong tầm với

Có một bước ngoặt đã xuất hiện vào tháng 4-2019, để những quỹ đạo xoay chuyển của tình thế ở Sudan dần trở nên tươi sáng hơn: Cựu Tổng thống Sudan Omar al Bashir (một cái họ đậm màu sắc Arab), người cai trị đất nước theo phong cách cực kỳ cứng rắn, người góp phần quan trọng vào sự phân ly năm 2011 và cũng là người điều khiển nền kinh tế tệ hại đến nỗi giá bánh mỳ tăng lên gấp 3 lần vào cuối năm 2018, đã bị truất phế (sau khi đã nắm giữ quyền lực tối cao ở Sudan từ năm 1989).

Thủ tướng Abdala Hamdok lên nắm quyền vào tháng 9-2019, trong sự kỳ vọng lớn lao và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân. Ngay lập tức, ông và nội các của mình đã tỏ ra xứng đáng với những ước vọng được gửi gắm ấy, với những thành quả bung nở dồn dập trong thời gian gần đây.

Ngày 6-9-2019, Liên minh châu Phi (AU) hủy lệnh đình chỉ tư cách thành viên của Sudan (điều được ban hành ngày 6-6-2019, sau những cuộc đụng độ dữ dội của người biểu tình với cảnh sát), vì “Sudan đã thành lập được một chính phủ của nhân dân”. Ngày 9-9, bằng việc đe dọa sẽ trục xuất bất cứ ai bất hợp tác, Hội đồng lãnh đạo tối cao Sudan ép được một số bộ lạc cam kết chấm dứt xung đột sắc tộc và đồng ý chung sống hòa bình.

Dầu mỏ, phần “khó nói” trong mối quan hệ Sudan - Nam Sudan.

Ngày 11-9, Hội đồng Lãnh đạo tối cao Sudan thông báo rằng các cuộc đàm phán với những lực lượng phiến quân, tổ chức tại Juba (thủ đô Nam Sudan, nghĩa là ngay trong “đất địch”), đã thống nhất được hầu hết các vấn đề tồn tại mang tính then chốt. Ngày 12-9, các phe phái cam kết khôi phục hòa bình và ổn định. Ngày 24-9, những biện pháp khẩn cấp được thông qua, nhằm chấm dứt khủng hoảng nhiên liệu.

Ngày 16-10, Chủ tịch Hội đồng chủ quyền Sudan - Abdel-Fattah Al-Burhan - tuyên bố lệnh ngừng bắn trên cả nước. Ngày 18-10, Chính phủ Sudan và nhóm vũ trang đối lập chủ chốt Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan - chi nhánh phía Bắc (SPLM-N) thống nhất được lộ trình nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, với trọng tâm lần lượt là chính trị, các vấn đề nhân đạo và phương thức bảo đảm an ninh.

Cuối cùng, ngày 21-10, tại Juba, bản tuyên bố hòa bình lịch sử gồm 8 điểm đã được ký kết. Nam Sudan, dù sao, cũng vẫn là nơi quyết định thanh bình hay loạn lạc cho Sudan.

Có lẽ vẫn sẽ là quá sớm hoặc quá lạc quan để xem bản tuyên bố ấy là sự bảo đảm cho hòa bình lâu dài. Vẫn còn những mâu thuẫn về lợi ích cần được dàn xếp “rốt ráo”, vẫn còn những khác biệt, hiềm khích, xung đột... về nhiều mặt cần được giải tỏa (và nói một cách lạnh lùng, chúng - cũng như những khoảng trống quyền lực - cũng sẽ có thể được không ít thế lực bên ngoài “tận dụng” nhằm “khuấy nước bắt cá”). Giữa Sudan với các lực lượng đối lập đặt “căn cứ địa” ở Nam Sudan, cùng nhìn về một hướng chưa hẳn đã thực sự là sẵn sàng đi chung một đường.

Nhưng, tất cả đều cần một điểm khởi đầu. Ít nhất, không như sự cứng rắn đến cố chấp của chính quyền cựu Tổng thống Al Bashir, chính phủ do Thủ tướng Abdala Hamdok đứng đầu đã và đang chứng tỏ được thiện chí và cả năng lực thể hiện thiện chí đó bằng những hành động cụ thể, nhằm tạo nên những thay đổi tích cực. Chỉ cần như thế đã, chỉ cần tiếng súng không còn rền vang trên lãnh thổ, tiến trình tái thiết của cả Sudan lẫn Nam Sudan đều sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Bóng đêm bạo lực đã bao phủ cả miền đất cổ xưa - phần cực Nam của vương quốc Nubia này - quá lâu rồi...

Thiên Phong
.
.