Tự trọng nghệ sĩ

Thứ Ba, 02/06/2015, 06:00
Tự trọng trong mỗi con người, với tôi đó như là một thứ luật lệ của cá nhân. Giữ được mình không vượt qua những luật lệ do chính mình đề ra, thì phần nào đó đã có thể tránh được những rủi may ngoài dự kiến. Hoặc chí ít, cũng không tự thấy hổ thẹn với chính mình.

Mấy câu chuyện cũ

Thật lòng, tôi rất xúc động khi biết được thông tin gia đình một cố diễn viên, người mẫu đã từ chối nhận tiền giúp đỡ của đồng nghiệp, người hâm mộ vì bác sĩ đã thông báo tình trạng bệnh của nam ca sĩ, người mẫu là không thể cứu chữa.

Trong làng giải trí vốn có quá nhiều thứ nhộm nhoạm này, vốn có quá nhiều cá nhân chấp nhận đánh đổi này, thì đó là một điểm sáng của sự hy vọng.

May mắn, đó không phải là duy nhất.

1. Vài năm trước, tôi có viết ký chân dung về một nghệ sĩ rất nổi tiếng của sân khấu. Nghệ sĩ gặp vấn đề về sức khỏe, mắt cần phải mổ nhưng cứ dùng dằng vì gia đình không đủ tiền chữa trị.

Báo in, một Mạnh Thường Quân muốn tặng nghệ sĩ 100 triệu để chữa bệnh. Vì đơn giản, chồng của Mạnh Thường Quân là người ái mộ nghệ sĩ.

Tôi đưa cô sang nhà nghệ sĩ, cô cầm theo một xấp tiền mặt đúng 100 triệu. Nghệ sĩ tiếp cô rất trọng thị, chân tình. Nhưng cuối câu chuyện, nghệ sĩ từ chối nhận tiền, bởi nhẽ theo nghệ sĩ thì nghệ sĩ còn cố được. Mà cũng theo nghệ sĩ thì còn rất nhiều trường hợp khác cần đến sự giúp đỡ này hơn nghệ sĩ. Lần gặp gỡ này, đã để lại trong tôi rất nhiều ý niệm tươi đẹp.

Ở Hà Nội, có người diễn viên gạo cội. Ông sinh sống trong căn nhà chật hẹp, buôn bán tạp hóa. Khi truyền thông loan tin về hoàn cảnh của ông, rất nhiều khán giả hâm mộ đã tìm đến để chia sẻ. Nhưng rồi, ông từ chối toàn bộ. Lý do đơn giản thôi, như ông nói là: “Tôi vẫn đang rất ổn”.

Lại vài tuần trước, tôi có viết bài về một nghệ sĩ lừng danh khác, anh đang khó khăn nhiều thứ. Đặc biệt là vật chất, tôi muốn giúp anh vô cùng nhưng tôi chỉ là một nhà báo, ráo mồ hôi là cạn tiền, sự giúp đỡ vì vậy không đáng là bao. Tôi viết bài với hy vọng bạn đọc sẽ tìm đến anh, và nhờ đó anh bớt vất vả phần nào.

Anh gặp tôi, trách. Anh nói, chuyện đó thì đưa lên báo làm gì. Mình khổ nhưng mình còn chân tay, không xoay kiểu này thì xoay kiểu khác, cố gắng gượng qua ngày cũng xong. Mình có bệnh tật hay khiếm khuyết cơ thể gì đâu mà phải ngồi chờ sự giúp đỡ của khán giả.

Anh lớn tuổi rồi, anh biết là anh đang khó, tôi biết là anh đang khổ. Tuy nhiên, cái tính nghệ sĩ đã hình thành như vậy, có cố thay đổi cũng không cố được.

2. Tôi rất đồng ý với quan điểm, cá nhân hoàn toàn có quyền tận hưởng sự cung phụng mà đám đông dành cho tài năng của mình.

Tôi lại càng đồng ý hơn với quan điểm, một cá nhân xinh tươi tham gia làng giải trí và được một đại gia nào đấy bao bọc.

Tôi vẫn đồng ý với quan điểm sau khi được cung phụng, sau lúc được bao bọc vẫn tự hào khoe để truyền thông loan tin như một kỳ tích mà mình đã đạt được.

Không sao cả, cuộc sống vốn dĩ luôn rộng lớn và cá nhân nào cũng sẽ có phần của riêng mình.

Quan trọng hơn, muốn có tự trọng nghệ sĩ thì phải có khí chất thật sự của một nghệ sĩ. Đó là khí chất tự nhiên, không phải khí chất của sự gượng ép hay cố tỏ ra là có khí chất của nghệ sĩ.

Thêm nữa, tự trọng luôn có sẵn trong mỗi cá nhân. Nhưng để giữ được tự trọng trong suốt một kiếp người thì cần có sự tu dưỡng. Sự tu dưỡng ấy đơn giản thôi, vật không phải do mình làm ra thì không đón nhận.

Tất nhiên là không có tự trọng người ta vẫn có thể mưu cầu những thứ mà cá nhân mong muốn sở hữu. Thậm chí, là còn mưu cầu rất thuận tiện.

Bởi không phải lúc nào y phục cũng xứng với kỳ đức và ngược lại. Mỗi người có một cuộc sống riêng, một suy nghĩ, một tư duy, một quan điểm riêng, rất không nên áp đặt.

Lại nữa, như tôi vừa trình bày ở phần trên, cuộc sống vốn dĩ luôn rộng lớn và cá nhân nào cũng sẽ có riêng phần của nhau.

Thêm nữa, tự trọng nghệ sĩ không chỉ gói gọn trong hai chữ, hiện kim.

Ca sĩ Ngọc Ánh: Cọp chết để da, người ta…

- Ai cũng cần có lòng tự trọng, nhưng với người nghệ sĩ thì càng phải thế bởi họ là người của công chúng, là thần tượng của nhiều khán giả. Chị đồng ý chứ?

- Đã là người của công chúng, là nghệ sĩ thì phải xác định nhất cử nhất động của mình đều được quan tâm. Vì thế mọi hành động, phát ngôn nên có sự dè dặt một chút. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh mình. Gần đây tôi thấy có những bạn trẻ vừa thành danh đã tự làm hư mình, làm mất hình tượng, mất khán giả, uổng phí những phiếu bầu của khán giả.

Có lòng tự trọng hay không là do ý thức của mỗi người. Khi còn nhỏ thì nền tảng giáo dục của gia đình và nhà trường là yếu tố quyết định hình thành nên hành vi, ý thức tự trọng.

- Lòng tự trọng của một số nghệ sĩ trẻ hiện nay đang có dấu hiệu thiếu hụt mà điều dễ thấy nhất đó là có nhiều bạn đã chọn con đường tai tiếng để “nổi tiếng”. Họ lột đồ khoe thân, phát ngôn phản cảm chẳng hạn… Chị nghĩ sao về nhận xét này?

- Nếu nói có những bạn trẻ đánh đổi lòng tự trọng để được nổi tiếng nhanh, thì chúng ta cũng phải nhìn lại sự công nhận của khán giả, của truyền thông báo mạng. Nếu được khán giả, truyền thông công nhận thì những bạn trẻ mới nổi tiếng chứ; ngược lại những nhân vật scandal đó không được ai chấp nhận, thì làm sao nổi tiếng nhanh được, dù có làm bất kì chiêu trò gì.

Tôi cũng không chấp nhận những nhân vật scandal đó và không xem những bạn đó là nghệ sĩ. Bởi dù bạn theo hình thức nghệ thuật biểu diễn nào thì đều phải đưa ra được chất “nghệ thuật” của mình trong những sản phẩm.

Ca sĩ Ngọc Ánh.

- Đang có các nhân vật scandal “sống tốt” trong giới showbiz này, họ vẫn có cátsê cao, nhiều show diễn. Điều đó cho thấy dẫu sao thì những nhân vật đó cũng còn phù hợp với chuẩn mực nghệ thuật của một cộng đồng nào đó. Nghe chua chát phải không chị?

- Sự thật thì nếu khán giả không đi xem, bầu show không mời những nhân vật scandal đó lên sân khấu thì làm sao những bạn đó có show diễn được?! Và tôi vẫn hay hỏi là tại sao những nhân vật đầy scandal mà vẫn được mời lên sóng truyền hình quốc gia? Còn cộng đồng mà bạn nói, tôi nghĩ đa số là khán giả trẻ, họ tiếp thu nền văn hóa nghệ thuật trên Internet, nhưng thật ra đó chỉ là nghệ thuật “ảo” mà chỉ giới đó chấp nhận thôi. Còn nghệ thuật thật sự là những người nghệ sĩ đứng trên thánh đường sân khấu thì không có những chuyện nhố nhăng, phản cảm hay scandal ở đó.

- Phải chăng ngày nay, sự cạnh tranh và áp lực nổi tiếng khiến một số bạn trở nên vội vàng trên con đường nghệ thuật mà dễ dàng đánh mất lòng tự trọng?

- Có lẽ những bạn đó học tập lối sống ảo trên mạng nên mới có những suy nghĩ là dùng mọi chiêu thức để nổi tiếng. Có những bạn không thể làm đĩa, không thể diễn trên sân khấu thì các bạn ấy tự làm ở nhà, tự quay clip, sao cho càng sốc càng dễ được chú ý, rồi họ tự up lên Facebook hoặc Youtube. Mà những sản phẩm đó không ai duyệt, không ai kiểm soát cả nên cứ thế lan tỏa.

Và đa số đó là các bạn trẻ, nên bản thân các bạn đó chưa đủ ý thức để biết rằng mình làm như vậy là mất tự trọng. Còn nếu có ý thức về nghề nghiệp thì họ sẽ đi bằng con đường khác, vô cùng chính đáng như thi thố tài năng ở các cuộc thi chẳng hạn.

- Với những sản phẩm nghệ thuật mà khi ra đời bị công chúng chê nhảm, dở tệ hay phản cảm thì tôi cho rằng đó cũng là một biểu hiện của sự thiếu tự trọng của nghệ sĩ, thưa chị?!

- Người nghệ sĩ làm một sản phẩm nghệ thuật cũng giống như sinh một đứa con vậy, đó là đứa con tinh thần. Vì thế, họ phải chắt chiu, phải khắt khe với chính mình để làm sao đưa ra một sản phẩm thật hay, thật giá trị để cống hiến đến những người hâm mộ. Những sản phẩm đó phải được đầu tư kĩ lưỡng về công sức, trí óc và tiền bạc. Còn những sản phẩm nhảm nhí đang tràn lan trên mạng thì dường như nó nằm ngoài sự kiểm soát. Bởi bản thân người làm ra nó không ý thức được về lòng tự trọng hay đạo đức nghề nghiệp thì không ai kiểm soát nổi.

- Cuối cùng, nếu một người nghệ sĩ có tâm với nghề thật sự thì tôi nghĩ mọi suy nghĩ hành động của họ sẽ rất cân nhắc để không làm ảnh hưởng đến mình, rồi đến cái danh, cái nghề của mình, phải không chị?

- Khi đã đứng trên sân khấu thì việc chính là hát, là diễn. Và nghệ sĩ là người phải mang ơn cái nghề vì nó đã nuôi sống bản thân, gia đình mình, đã mang mình đến với tất cả khán giả, biến mình trở thành người nổi tiếng. Thế nên mình phải giữ gìn hình ảnh, công trình của mình xây dựng chứ không phải vì điều gì đó mà làm vấy bẩn lây cho cả làng nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải luôn giữ cái tâm với nghề, làm việc hết sức, cực lực vì đam mê, giữ hình ảnh để xứng đáng với lòng yêu mến của khán giả. Có câu, “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, nghệ sĩ phải làm sao để khi không còn hoạt động nghệ thuật nữa thì mọi người vẫn nhớ đến mình bằng sự tôn trọng và yêu mến. Đó mới là người nghệ sĩ thực thụ!

MC Trấn Thành: Nghệ sĩ không phải là người hoàn hảo

- Có ý kiến rằng, lòng tự trọng của một số nghệ sĩ trẻ ngày nay đang dần thiếu hụt, biểu hiện là những chiêu trò, những scandal xuất hiện ngày càng nhiều. Và nguyên nhân một phần được xác định là áp lực vì danh vọng, vì sự nổi tiếng. Quan điểm của anh như thế nào?

- Lòng tự trọng người nghệ sĩ sẽ được định nghĩa theo từng thời điểm và trường hợp khác nhau, bất cứ ai cũng có lòng tự trọng, đó là mặt cơ bản của con người.

Về trường hợp một số bạn chỉ biết nổi tiếng bằng những scandal mà không tạo ra sản phẩm nghệ thuật nào thì đối với tôi họ không phải là nghệ sĩ, họ chỉ là nhân vật giải trí mà thôi. Do vậy, ta không thể xếp họ vào trường hợp để xem có lòng tự trọng của nghệ sĩ hay không. Bởi vì họ chưa biết cách làm thế nào để trở thành một nghệ sĩ thì làm sao họ có lòng tự trọng của người nghệ sĩ được.

Hiện nay, trong ngành giải trí Việt Nam có nhiều nhóm, nhóm nghệ sĩ hàn lâm, nhóm nghệ sĩ của công nghệ, bên cạnh đó là nhóm những nhân vật giải trí. Và nhóm này chỉ có giá trị là để giải trí, họ chỉ đến với công chúng qua một số hình thức, chiêu trò thôi. Còn để trở thành người nghệ sĩ thì điều đầu tiên là bạn phải có sản phẩm nghệ thuật. Và sản phẩm đó được định hình, đánh giá và công nhận dựa trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định và nó được công chúng chấp nhận.

Cũng có trường hợp là một số bạn trẻ đã có sản phẩm nghệ thuật rồi, nhưng không được công nhận và sau đó họ bị cuốn vào những scandal để tạo dựng tên tuổi, gây sự chú ý. Trường hợp này tôi cũng không nghĩ nó thuộc về lòng tự trọng mà phần lớn đó là sự cuốn hút bởi những cám dỗ của sự nổi tiếng. Và một phần, đó là giá trị nhận thức của mỗi một con người. Còn khi ai đó đã có thành tích rồi nhưng sau đó họ phản bội lại thành tích của mình để làm những chuyện tệ hơn thì đó mới là vấn đề lòng tự trọng của nghệ sĩ.

MC Trấn Thành.

- Hiện trong showbiz cũng có những trường hợp là những nghệ sĩ có thành tích nhưng họ bị công chúng phản ánh tiêu cực liên quan đến vấn đề phát ngôn, cách cư xử, ăn mặc… Như anh nói, đó là nghệ sĩ thiếu tự trọng?

- Nghệ sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, may mắn hơn là họ được nhiều người chú ý. Cũng vì thế mà bất cứ việc làm gì của họ cũng bị đưa ra bàn tán, có những ý kiến trái chiều. Sẽ có ý kiến tích cực kiểu đóng góp xây dựng, ủng hộ cho họ và cũng sẽ có những ý kiến chỉ trích rằng họ làm điều đó là không đúng. Bản thân tôi nghĩ đơn giản là điều họ nói và làm có thể hợp với người này và không hợp với người kia mà thôi. Chưa chắc điều đó là sai và cũng chưa chắc là họ đúng khi được ủng hộ, khen ngợi.

Và nghệ sĩ cũng không thể hoàn hảo được, họ chắc chắn sẽ có những sai lầm và vấn đề là những sai lầm phạm phải một cách vô tình hay cố ý mà thôi. Rồi sau đó, sự nhìn nhận cũng như sửa chữa lỗi lầm đó là như thế nào. Có những nghệ sĩ họ vô tình làm sai và họ quyết tâm sửa sai thì đó cũng là điều hết sức bình thường, đáng trân trọng. Còn trường hợp cố tình làm sai theo kiểu có tổ chức, có hệ thống, có đầu tư thì đó mới là những người nghệ sĩ càng ngày càng mất chất. Và dĩ nhiên cái gì cũng có tỷ lệ tương ứng của nó, nếu bạn làm càng tệ hơn thì sự từ chối của công chúng sẽ đến nhanh hơn, sớm hơn.

Vấn đề phát ngôn của nghệ sĩ còn “vướng” ở chỗ là người tiếp nhận, tức công chúng chỉ đọc được phát ngôn đó bằng văn viết trên báo. Còn giá trị thật sự của lời nói nằm ở chỗ người nói là ai và ở thái độ nào. Chưa kể công chúng tiếp nhận phát ngôn của nghệ sĩ theo cảm xúc yêu, ghét của họ khi đó chứ không phải là thái độ của người phát ngôn… Bản thân tôi luôn ủng hộ người nghệ sĩ có chính kiến, dẫu dễ làm mất lòng. Nhưng tôi không thích những nghệ sĩ cứ luôn như con bù nhìn và chỉ biết nói những lời hoa mỹ, sáo rỗng theo một khuôn khổ, nguyên tắc được cho rằng sẽ làm vừa lòng mọi người.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng cố đi ngược lại với mọi người để làm người có chính kiến, đó là “làm nổi” nhiều hơn.

- Chắc Trấn Thành cũng thừa nhận với tôi một điều là hiện tại trong giới showbiz có không ít những gương mặt nổi lên từ scandal đang hoạt động rất rầm rộ, thậm chí là còn hơn cả những người nghệ sĩ chính thống! Phải chăng là công chúng đang dễ dãi?

- Tôi lại không nghĩ tự nhiên công chúng quá dễ dãi mà nguyên nhân sâu xa là do truyền thông hiện nay dễ dãi trước. Bây giờ chúng ta chưa có một hệ thống kiểm tra chặt chẽ về công nghệ, về giá trị thành phẩm nghệ thuật nên người ta hoàn toàn được tự do, miễn phí khi tiếp cận. Xã hội có nhiều tầng lớp khác nhau, lượng người tiếp nhận những sản phẩm “trôi nổi” đó còn nhiều. Họ càng xem thì càng bị tiêm nhiễm và trở nên dễ dãi hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đồng họ với những khán giả cần thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật thật sự. Họ là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau.

Bây giờ, các trang mạng nhiều quá, đúng có, sai có, nhảm cũng vô số kể. Rất khó cho công chúng hiểu và chắt lọc đâu là thông tin đúng. Đó cũng chính là bài toán thách thức cho nhận thức của khán giả.

- Sản phẩm nghệ thuật cũng phản ánh lòng tự trọng của người nghệ sĩ, anh đồng ý chứ?

- Tác phẩm nghệ thuật phải được đánh giá đầu tiên theo tiêu chí thẩm mỹ. Đã là nghệ sĩ, là con người của cảm xúc thì phải tạo ra cái đẹp. Nếu chưa tạo ra cái đẹp thì chưa thể được gọi là nghệ sĩ. Và sản phẩm cũng nói lên rất rõ nhận thức của con người, giá trị sống của con người đó.

Tất cả mọi người chứ không riêng vì nghệ sĩ cần có lòng tự trọng vì nó là một trong những cái bệ phóng của chính kiến, khiến chúng ta không dễ bị xuôi theo. Chúng ta phải hiểu mình đang làm gì, đúng hay sai và điều đó mang lại giá trị gì cho danhh dự của con người. Thì lúc đó lòng tự trọng được thúc đẩy.

- Và tôi nghĩ, lòng tự trọng có hay không, nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cái tâm, lòng yêu nghề của người nghệ sĩ đó. Bởi nếu thật sự yêu nghề thì làm gì họ cũng phải cân nhắc kỹ càng!?

- Tôi thì thấy lòng đam mê hay yêu nghề chỉ mang yếu tố bổ trợ cho lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Nó giúp cho lòng tự trọng của ta trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn chứ không phải là yếu tố quyết định. Tôi nghĩ lòng tự trọng trước tiên phải xuất phát từ khả năng nhận thức của con người. Khi con người ta có nhận thức đúng thì họ sẽ biết tự trọng là gì và áp dụng cho đúng.

Và tự trọng cũng khác với độc tài và ngông cuồng. Đôi khi những sự nhường nhịn, cam chịu, hy sinh cũng đầy tự trọng.

Ca sĩ Dương Quốc Hưng: Ai cũng cần có tự trọng

- Là một người trẻ, chắc Dương Quốc Hưng đã từng chứng kiến cảnh một số người trẻ xung quanh Hưng muốn nổi tiếng nhanh mà họ có thể bất chấp mọi thứ, kể cả tự trọng?

- Hưng nghĩ vấn đề mong muốn nổi tiếng bằng mọi cách đang tồn tại và thậm chí tăng nhanh trong những năm gần đây. Hưng cũng đã chứng kiến những sức hút mãnh liệt của sự muốn nổi tiếng từ những người xung quanh Hưng, họ bất chấp mọi chuyện để xuất hiện, để mọi người biết đến. Hưng thấy họ thật đáng thương! Một số người trong đó cũng có tài năng nhưng vì sự nổi tiếng họ đã không nghĩ đến lòng tự trọng và họ không bản lĩnh để tự mình chứng tỏ bản thân mình bằng tài năng.

Và thú thật là Hưng cũng đã có lần muốn bất chấp mọi chuyện nhưng cảm thấy nó không phải là mình nên những suy nghĩ đó nhanh chóng trôi qua trong dòng suy nghĩ. Cám dỗ của sự nổi tiếng với người trẻ là có thật nhưng quyết định thế nào là do ý thức của cá nhân!

Ca sĩ Dương Quốc Hưng.

- Theo Hưng, phải chăng ngày nay sự phản ứng của công chúng quá yếu ớt hay nói đúng hơn là một bộ phận công chúng đang quá dễ dãi nên hiện tượng nghệ sĩ thiếu tự trọng có chiều hướng tăng?

- Hưng thấy công chúng bây giờ khá nhiều người dễ dãi với sự thưởng thức và chấp nhận thưởng thức nghệ thuật. Nhưng cũng không thể trách họ vì họ có quyền lựa chọn cho sự thỏa mãn về tinh thần của họ. Tuy nhiên, ở khía cạnh người làm ra sản phẩm thì rất cần những người có tâm, có tự trọng để có thể mang đến cho công chúng nhiều món ăn tinh thần ý nghĩa.

- Những hành vi như lột đồ khoe thân, phát ngôn, hành động gây sốc để được chú ý, đó rõ ràng là biểu hiện của sự thiếu hụt lòng tự trọng đang xảy ra không ít trong giới showbiz?

- Có thể nhiều người chưa hiểu rõ về giá trị của lòng tự tôn và tự trọng nên lấy sự quan tâm của một bộ phận người hâm mộ là bàn đạp cho sự nổi tiếng và kiếm tiền cho mình. Những hành động phản cảm, phát ngôn gây sốc thiếu văn hóa cần phải được công chúng, truyền thông lên án và tẩy chay. Bởi rõ ràng đã mang danh là nghệ sĩ thì không thể thiếu hụt văn hóa, tự trọng và cái đẹp được.

- Tôi nghĩ, một ai thật sự yêu nghề thì không thể nào thỏa hiệp với chuyện vì điều gì đó mà làm xấu mình, làm cả giới bị mang tiếng lây được! Hưng đồng ý chứ?

- Mỗi người nghệ sĩ đều có suy nghĩ và cái tôi riêng biệt, nên đôi khi trong cuộc sống có người cũng bị thỏa hiệp với chính mình mà không hề biết mình đang đánh mất lòng tự trọng! Tuy nhiên, nghệ sĩ cũng là con người, họ có cảm xúc và tất nhiên cũng có những sai lầm. Quan trọng là họ có nhìn ra những sai lầm để điều chỉnh mình hay không?! Còn với những người đang bất chấp mọi chuyện để nổi bật trên mặt báo, Hưng thấy họ thật lố bịch! Và không thể liệt kê họ vào danh sách nghệ sĩ được! Nhưng Hưng nghĩ khán giả bây giờ cũng đủ tinh tế để nhận ra ai là nghệ sĩ, ai là người “mượn danh” nghệ sĩ. Vẫn có rất đông khán giả chỉ đón nhận những gì thuộc về nghệ thuật thật sự, họ tẩy chay những gì nhố nhăng, phản cảm. Và đã là nghệ sĩ thì Hưng nghĩ ai cũng xác định được rằng, cái tồn tại được với thời gian, với khán giả đó chính là sự cống hiến bằng tài năng với những sản phẩm tốt và chất lượng.

- Nói đi cũng phải nói lại rằng, không phải ngày nay hoàn toàn vắng bóng những người nghệ sĩ đầy tự trọng. Như một nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn quyết tâm tự mình vượt qua mà từ chối sự kêu gọi, vận động giúp đỡ của mọi người; một bạn diễn viên, ca sĩ trẻ từ chối những lời mời khiếm nhã; một anh diễn viên ngày đêm nghiên cứu kịch bản một vai diễn, dù rất nhỏ để làm sao thể hiện cho tốt nhất…

- Đúng là như vậy, hiện nay vẫn còn có rất nhiều những nghệ sĩ chân chính muốn mang nhiều điều tốt đẹp đến mọi người. Bản thân Hưng cũng muốn mình hoàn thiện hơn nữa để cống hiến những cái hay đến với công chúng.

Và không riêng gì giới nghệ sĩ, ai cũng cần có lòng tự trọng của bản thân, đó là giá trị cơ bản của con người!

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.