Từ thiện hay trò chơi quyền lực của các tài phiệt?

Thứ Bảy, 06/06/2020, 11:52
Câu chuyện về những cây ATM gạo dành cho người nghèo nhưng có những người không nghèo vẫn vô tư đến lấy gạo bỗng nhiên khiến cho ta hoang mang về tính hiệu quả của việc làm từ thiện. Nhân dịp đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về “từ thiện” và kết quả đem đến không ít bất ngờ.

“Từ thiện” có lẽ là một trong những ví dụ điển hình của việc ngôn ngữ là lồng giam tư duy của chúng ta như thế nào. Ít nhất là trong ngôn ngữ tiếng Việt, trong “từ thiện” có “thiện”, nghĩa là tốt. “Từ thiện” vì thế luôn được coi là một điều tốt. Tính trên bình diện cá nhân thì có lẽ điều đó đúng. Một người chia sẻ một phần của cải của mình cho người khác - đó là đạo lý được nhắc tới trong kinh lý của mọi tôn giáo.

Nhưng, từ thiện không chỉ là chuyện của một cá nhân kiểu như tiền tôi, tôi tiêu thế nào là quyền của tôi. Từ thiện, theo nhà chính trị học của Đại học Stanford, tác giả cuốn Cho đi: Tại sao từ thiện là sự dân chủ thất bại và làm thế nào để chúng trở nên tốt hơn?, nên được nghiên cứu trên cả bình diện xã hội và chính trị.

Vua thép Andrew Carnegie.

Cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói: “Không một khoản từ thiện nào trong việc tiêu tốn chừng ấy tài sản có thể bù đắp được những hành vi sai trái để tích lũy số tài sản ấy”. Và Roosevelt đã tuyên bố như thế để phản đối đề xuất về một quỹ từ thiện nhằm “tẩy trắng” của “vua dầu mỏ” John D. Rockefeller vào năm 1909.

Trước đó, Roosevelt cũng không mặn mà với quỹ từ thiện của “vua thép” Andrew Carnegie. Sau khi Carnegie bán lại doanh nghiệp của mình cho J.P.Morgan, ông đã thảo một lá thư gửi tới Nhà Trắng, bày tỏ với tổng thống niềm mong mỏi được chia sẻ khối tài sản của mình cho những công dân khác và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của quốc gia thông qua Học viện Carnegie.

Roosevelt tuy phản hồi hết sức tích cực, vậy nhưng, trong một lá thư gửi cộng sự, tổng thống lại thú nhận rằng: “Tôi đã rất cố gắng để thích Carnegie nhưng quả rất khó. Không có loại người nào mà tôi cảm thấy kinh tởm khinh miệt hơn...”.

Ông mỉa mai cả những nỗ lực của Carnegie nhằm đóng góp cho nền hòa bình thế giới: “Toàn bộ sự khốn khổ mà cuộc chiến tranh Tây Ban Nha gây ra chẳng thấm vào đâu so với những sự khốn khổ [...] của những người vận hành công việc ở doanh nghiệp thép Carnegie và của những chủ đầu tư nhỏ lẻ, trong khoảng thời gian Carnegie thu thập đống của cải của mình. [...] Sự bất chính của chiến tranh là một tội ác xấu xa nhưng tôi không chắc lắm rằng nó xấu xa hơn sự bất chính trong kinh doanh”. Là một nhà tư bản độc quyền, Carnegie làm giàu bằng cách chèn ép người khác, cướp đoạt nguồn lực từ những người khác và ông có thể cho chỉ vì trước đó ông đã lấy đủ nhiều.

1% số người giàu nhất thế giới nắm trong tay 44% của cải của thế giới này. Và từ thiện, với những người giàu, đôi khi chỉ là một trò chơi quyền lực. Nó không thay đổi gì trật tự thế giới, thậm chí, nó chỉ là một trong những công cụ để duy trì trật tự thế giới, duy trì thành trì bất khả xâm phạm với tầng lớp nắm vốn của xã hội. Thế giới khó mà tốt đẹp lên nhờ vào hoạt động từ thiện của những tỉ phú. Nếu chưa tin, hãy thử ngẫm nghĩ câu chuyện sau:

Phil Knight, một trong những nhà đồng sáng lập thương hiệu thời trang thể thao Nike từng nhận được sự hoan hô nhiệt liệt khi ông ủng hộ 12 triệu cổ phiếu với giá trị lên tới 990 triệu USD cho một tổ chức từ thiện. Ta sẽ cho rằng hành động của Phil Knight quá ư hào hiệp nếu như ta chưa từng xem những bộ phim tài liệu của BBC vào năm 2000 về cách mà Nike bóc lột sức lao động của những đứa trẻ và những người lao động ở thế giới thứ ba.

Những phóng viên của BBC đã khăn gói tới tận những nhà máy xập xệ ở Campuchia, nơi những đứa trẻ phải làm việc quần quật 7 ngày một tuần để làm ra những sản phẩm cho Nike hay Gap. Đó là lí do những người như Phil Knight có thể cho đi gần tỉ USD. Ông đã chiếm đủ nhiều và giờ đã đến lúc để tỏ ra mình là một anh hùng.

Nike không phải thương hiệu duy nhất làm giàu nhờ bóc lột sức lao động của trẻ em. Những thương hiệu đắt giá nhất thế giới như Apple, Samsung, SONY đều từng vướng phải cáo buộc liên quan tới lao động trẻ em. Để sản xuất ra những món đồ điện tử, các hãng trên cần một lượng lớn cobalt - nguyên liệu chính để làm pin. Phần lớn lượng cobalt đều được nhập từ Cộng hòa Dân chủ Congo và có khoảng 40.000 trẻ em phải làm việc trong những mỏ cobalt ở đất nước này. Khi bị buộc tội, họ đều tuyên bố họ chẳng biết gì về chuyện ấy và sẽ điều tra. Nhưng ai tin nổi họ không biết gì?

Và như thế, hoạt động từ thiện của những người giàu có nghĩa là giúp đỡ những người yếm thế bị chà đạp bởi hệ thống xã hội hiện hành nhưng hoàn toàn không đếm xỉa tới việc phải thay đổi hệ thống xã hội ấy. Nó tiếp tục củng cố hệ thống xã hội ấy. Nó tạo cho chúng ta cảm giác rằng, những người giàu chính là những người anh hùng cứu thế giới và những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại như nghèo đói, chiến tranh, biến đổi khí hậu chỉ có thể được giải quyết nhờ những người giàu có và quyền lực. Trong khi, chính những người giàu có và quyền lực là tác nhân thúc đẩy những vấn đề đó.

Cũng phải nói công chúng nói chung mê đắm những hình tượng như thế. Vị siêu anh hùng nào được hâm mộ nhất trong biệt đội siêu anh hùng? Người Sắt. Người Sắt - một vị tỉ phú giàu lên nhờ sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh và rồi trong một lần sang chiến trường Afghanistan, anh ta bị một đám khủng bố sử dụng chính vũ khí của công ty anh để khống chế và bắt giam. Sau khi thoát ra và trở về nước Mỹ, anh ta tuyên bố sẽ không sản xuất vũ khí nữa. Thay vì thế, anh sản xuất một bộ áo giáp đầy sức mạnh để chống lại những thế lực xấu xa. Một cốt truyện thực sự rất quen thuộc.

Chúng ta cũng không thể biết chắc số tiền mà các nhà tỉ phú tuyên bố sẽ đóng góp làm từ thiện thực chất rơi vào túi ai. Bill Gates - một trong những trí tuệ đáng ngưỡng mộ nhất trong thời đại chúng ta, vị tỉ phú tóc hoa râm điềm đạm, giản dị, thông minh, hóm hỉnh, hiểu biết, nhân ái - vào năm 2010, đã cùng vợ và tỉ phú Warren Buffet khởi xướng chiến dịch The Giving Pledge, kêu gọi những người cực kỳ giàu có đóng góp phần lớn số tài sản của mình. Bản thân vợ chồng Gates cam kết sẽ đóng góp 90 tỉ USD trong khối tài sản khổng lồ của mình.

Tỉ phú Bill Gates.

Nhưng, sự độc đáo của Gates không chỉ nằm ở số tiền mà ông đóng góp, mà nằm ở cách thức đóng góp. Năm 2008, Bill Gates tuyên bố rời khỏi công việc điều hành tại Microsoft để tập trung làm từ thiện. Ông tạo nên một mô hình từ thiện mới, trong đó số tiền quyên góp sẽ được chuyển cho các doanh nghiệp để họ sản xuất những sản phẩm có ý nghĩa đối với tiến bộ xã hội. Gates gọi cách tiếp cận này là “tư bản sáng tạo” và ông muốn nâng tầm “tất cả những công cụ của  chủ nghĩa tư bản” để “kết nối tiềm năng của từ thiện và sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân”.

Vậy nhưng, theo điều tra của tờ The Nation, một trong những tuần san lâu đời nhất ở Mỹ, từ hơn 19.000 khoản từ thiện trong 20 năm qua của Quỹ Gates, khoảng 2 tỉ USD được khấu trừ thuế để chuyển đến những doanh nghiệp tư nhân trong đó có những siêu tập đoàn như GlaxoSmithKline, Unilever, IBM hay NBC Universal Media để họ nghiên cứu thuốc mới, cải thiện vệ sinh ở các quốc gia kém phát triển, phát triển sản phẩm tài chính cho quốc gia Hồi giáo và truyền bá các thành tựu trên đến nhiều người. Hàng trăm triệu USD khác được Gates quyên góp cho các công ty mà ông có sở hữu cổ phiếu hay trái phiếu, như LG, Ericssons, Novartis, Philips,... Quỹ Gates cũng tiêu tốn khoảng 250 triệu USD cho các hoạt động truyền thông để quảng bá cho hoạt động từ thiện của mình.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Gates phải góp 19 triệu USD cho Mastercard để họ giúp những người trưởng thành nghèo túng ở Kenya sử dụng các dịch vụ tài chính điện tử trong khi bản thân Mastercard có thể thu được lợi nhuận từ việc biến những người đó trở thành khách hàng của mình? Và Mastercard lại là một doanh nghiệp rất rất lớn. Điều tưởng như khó hiểu ấy lại trở nên dễ hiểu khi ta biết Gates nắm cổ phần ở Berkshire Hathaway, một công ty đầu tư của Warren Buffet và công ty này lại có sở hữu một phần của Mastercard.

Và nữa, vì 19 triệu USD này là tiền từ thiện nên vợ chồng Gates được miễn trừ thuế. Bill Gates vẫn là một người vĩ đại với những đóng góp to lớn nhưng ông chưa chắc đã là một anh hùng lý tưởng như ta vẫn nghĩ và ông vẫn là đại diện cho một trật tự thế giới được xây nên bởi thứ chủ nghĩa tư bản đang bòn rút thế giới theo một cách tinh vi.

“Truyền cảm hứng để họ cho đi nhiều hơn nhưng không bao giờ nói với họ rằng hãy lấy ít đi”, Anand Giridharadas - một cây bút cũ của New York Times - viết trong cuốn Winner takes all (Người thắng chiếm đoạt tất cả). Đó có lẽ là câu nói thích hợp nhất để kết thúc lại bài viết này.

Hiền Trang
.
.