Từ “kích cầu du lịch” đến “văn hóa du lịch”

Thứ Hai, 10/08/2020, 12:15
Một cô gái bẻ vụn bánh vứt xuống gầm giường, bỏ dưới nệm trong phòng khách sạn. Cô gái trẻ vừa thực hiện hành động rất thiếu ý thức này, vừa cười nói, thậm chí còn văng tục. Và, cùng với cô, còn có một giọng nữ khác hùa theo. Là một người xem clip, cảm giác của tôi là vô cùng thất vọng về cách ứng xử của những người trẻ, có học hành này. 

Kính gửi Tòa soạn Báo ANTG GT - CT!

Câu chuyện mà tôi chia sẻ ở đây liên quan đến một nhóm các bạn trẻ đi du lịch ở Vũng Tàu. Có lẽ các anh chị ở Tòa soạn cũng đã xem clip lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội vào tối 19-7 về nhóm bạn trẻ này. 

Cụ thể, một cô gái trong nhóm đã bẻ vụn bánh vứt xuống gầm giường, bỏ dưới nệm trong phòng khách sạn. Cô gái trẻ vừa thực hiện hành động rất thiếu ý thức này, vừa cười nói, thậm chí còn văng tục. Và, cùng với cô, còn có một giọng nữ khác hùa theo.

Ai xem clip này đều thấy hình ảnh căn phòng trông không khác gì một bãi rác. Và tất cả những ai xem clip này có lẽ đều sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao họ sẵn sàng quay lại những cảnh tượng này rồi điềm nhiên tung lên mạng xã hội? Để xả những ức chế nào đó mà khách sạn đã gây ra cho họ? Để “dằn mặt” khách sạn? Hay đơn giản chỉ để “chơi trội”, biến mình thành tâm điểm của dư luận?

Là một người xem clip, cảm giác của tôi là vô cùng thất vọng về cách ứng xử của những người trẻ, có học hành này. Ở đây, tôi tuyệt đối không dám “vơ đũa cả nắm” nhưng quá trình xem clip, một câu hỏi cứ lởn vởn trong tôi: Có bao nhiêu người ứng xử tương tự như vậy trong quá trình đi du lịch?

Thưa Tòa soạn, do chúng ta chưa mở lại các đường bay quốc tế nên lượng khách du lịch quốc tế vào nước ta đã giảm sút kỷ lục. Vì vậy, thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để kích cầu du lịch nội địa. Và sau một thời gian “kích cầu”, quả nhiên là các chuyến bay nội địa đã dày đặc, các điểm đến du lịch nội địa đã đông khách nhưng với những hành động thiếu ý thức, thiếu văn hóa của nhóm bạn trẻ như trong clip nói trên thì phải nói rằng du lịch đồng nghĩa với thảm họa. Họ đang đi du lịch hay đang đi phá phách? Họ đang đi du lịch hay đang tự mình làm xấu bộ mặt của chính mình? Nếu du lịch một cách phi văn hóa như thế thì theo tôi, chẳng thà họ cứ ngồi yên ở nhà cho xong.

Tôi có đọc báo và biết rằng những nhóm bạn trẻ này trước đó có bất đồng với một người thu tiền ở quầy lễ tân khách sạn. Cô gái tên D - nhân vật chính trong clip kể rằng cô đã nộp đủ 2,2 triệu đồng tiền thuê phòng nhưng sau đó, người thu tiền đã lên phòng đòi thêm 200.000 đồng với lý do trước đó anh ta chỉ nhận được 2 triệu đồng. Có nghĩa, cô gái cho rằng và tin rằng mình bị ăn gian 200.000 đồng và đó có thể là nguồn cơn tạo nên ức chế, dẫn đến hàng loạt hành động bôi bẩn khó chấp nhận như những gì cô gái đã thể hiện trong clip. Ở đây, chuyện có bị nhầm lẫn 200.000 đồng hay không cũng mới chỉ được nói đến từ một phía, còn phải đợi xác minh thêm nhưng theo tôi, ngay cả khi chuyện nhầm lẫn là có thật thì nó cũng không thể là lý do chính đáng để cô gái bôi bẩn, phá phách phòng nghỉ trong khách sạn.

Tôi nghĩ rằng, sau khi mạng xã hội, báo chí phê bình gay gắt, nhóm bạn trẻ này chắc chắn đã rút ra một bài học lớn. Và hy vọng họ rồi sẽ có những sửa chữa thực chất trong những chuyến du lịch nay mai. Tuy nhiên, có lẽ qua sự vụ này, cần phải gióng lên một hồi chuông đủ mạnh để nhắc nhở tất cả những ai đi du lịch mà chưa hoặc không có văn hóa của người đi du lịch. Và theo tôi, vấn đề này càng phải được nhấn mạnh trong bối cảnh chúng ta đang ở giai đoạn kích cầu du lịch nội địa như hiện nay.

Không biết là Tòa soạn nghĩ gì về chủ đề này? Liệu đã đến lúc chúng ta phải có những đánh giá/nhìn nhận một cách thấu đáo về “văn hóa du lịch” của một bộ phận người trẻ (thôi thì cứ tin rằng mọi chuyện chỉ dừng lại ở phạm vi “người trẻ”) hay không?

Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Quý (Thành phố Hồ Chí Minh)

Kính gửi độc giả Nguyễn Quý!

Chúng tôi đồng tình với vấn đề mà độc giả đặt ra, đó là phải có những nhìn nhận thấu đáo về “văn hóa du lịch” của một bộ phận du khách hiện nay. Văn hóa du lịch được thể hiện ở cách mà người đi du lịch tương tác với các đối tượng khác nhau trong quá trình thực hiện hành trình của mình. Thực ra thì từ vài năm trước, khi những chuyến du lịch giá rẻ và những “chuyến bay 0 đồng” xuất hiện, báo chí đã ít nhiều đề cập tới câu chuyện này. Bởi lẽ, trên những “chuyến bay 0 đồng”, người ta chứng kiến nhiều cảnh đi đứng, ăn nói, ứng xử được cho là không phải lẽ của nhiều hành khách.

Chúng tôi nhớ là khi ấy một tờ báo thậm chí đã phải “giật” vấn đề cảnh báo: “Máy bay giá rẻ nhưng văn hóa không được rẻ”. Rồi cả việc khách du lịch vô tư xả rác trên bãi biển, vô tư ăn nói ồn ào trong các viện bảo tàng... - tất cả những biểu hiện đó cho thấy một thứ “văn hóa du lịch” có vấn đề của một bộ phận người tham gia du lịch.

Bây giờ lại xuất hiện câu chuyện những người trẻ, đã học xong đại học nhưng lại có những ứng xử thiếu chuẩn mực khi bức xúc với một khách sạn ở Vũng Tàu. Chúng tôi đồng tình với tất cả những suy nghĩ, phân tích và những cảnh báo mà độc giả đã đặt ra trong câu chuyện này. Đúng là trong bối cảnh ngành du lịch đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để “kích cầu du lịch nội địa” thì những biểu hiện như thế này là một điểm trừ, một điều đáng lên án. Vì vậy, chúng tôi thấy không cần phải nói thêm bất cứ điều gì về vấn đề này nữa.

Ở đây, chúng tôi muốn đề cập tới một khía cạnh khác của vấn đề, đó là trong bối cảnh “kích cầu du lịch” thì chính những đối tượng phục vụ du lịch cũng đã làm đúng, làm tròn, làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Ngay trong câu chuyện về một cô gái cố tình xả rác, vấy bẩn ở một phòng khách sạn ở Vũng Tàu, cũng đã làm “lộ” con số: nhóm cô gái này đã phải thuê phòng với giá 2,2 triệu đồng. Theo ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành du lịch, dịch vụ thành phố Vũng Tàu thì khách sạn đăng ký mức giá cho phòng này chỉ là 1 triệu đồng.

Do vậy sau khi đoàn kiểm tra xem xét, xác minh và thấy rằng nếu đúng là khách sạn đã tăng giá từ 1 triệu lên 2,2 triệu đồng như báo cáo của nhóm du khách thì chính khách sạn cũng sẽ bị xử phạt. Theo phản ánh của một tờ báo thì trong bối cảnh “kích cầu du lịch nội địa”, lượng du khách đổ về Vũng Tàu tăng cao, không riêng gì khách sạn này, nhiều khách sạn khác ở Vũng Tàu cũng có biểu hiện đẩy giá, tăng giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết.

Tất nhiên, giá cả phụ thuộc vào quy luật cung - cầu của thị trường nhưng nên nhớ rằng nhiều người đi du lịch thời gian này một phần cũng vì muốn chia sẻ khó khăn với ngành du lịch nói chung. Nếu coi “kích cầu du lịch” là một dịp để tận thu hoặc để bù lỗ cho quá trình dài không thể kinh doanh vì COVID-19 thì các khách sạn nói riêng và các đối tượng phục vụ nói chung có thể sẽ phải đối diện với những mất mát lớn trong tương lai.

Thưa độc giả, chúng tôi dùng đến cụm từ “các đối tượng phục vụ” là vì cũng trong thời gian này đã có rất nhiều lời kêu ca phàn nàn về các chuyến bay. Tình trạng những chuyến bay nội địa kín dần, giá vé tăng cao, sân bay tắc nghẽn, tình trạng hoãn chuyến, đổi chuyến... đang khiến nhiều khách du lịch choáng váng. Nó buộc những người chứng kiến đặt ra câu hỏi: mặc dù đã rất nỗ lực nhưng phải chăng ngành hàng không vẫn chưa đủ năng lực và các phương án hữu hiệu để phục vụ thượng đế trong thời điểm hết sức quan trọng này?

Chúng tôi rất đồng tình với nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đó là rốt cuộc các thượng đế cũng chỉ có hơn 1 tháng để thực hiện các chuyến du lịch nội địa xa gần. Các đối tượng liên quan đến ngành du lịch cũng chỉ có hơn 1 tháng để thực hiện công việc phục vụ của mình. Bởi đến cuối tháng 8, khi học sinh trở lại trường, mọi thứ sẽ lắng xuống và những chuyến du lịch vì vậy sẽ giảm dần đều. Do vậy, nếu không coi 1 tháng này là cơ hội để “ghi điểm” mà lại coi nó như cơ hội để “tận thu” thì cái mất của ngành du lịch nói chung sẽ là một cái mất lâu dài.

Thưa độc giả Nguyễn Quý! Như đã nói ngay từ đầu, chúng tôi đồng tình với lời cảnh báo của độc giả về thứ văn hóa du lịch yếu kém của một bộ phận khách du lịch hiện nay. Nhưng, cũng cần nhìn ở chiều còn lại, đó là các đối tượng phục vụ du lịch cũng phải xem lại suy nghĩ và cách thức phục vụ của mình. Việc xem lại cùng lúc, ở cả hai phía với một tinh thần xây dựng và thiện chí mới có thể tạo ra một thứ văn hóa du lịch “vui vẻ người đến - vừa lòng người đi” như những gì ngành du lịch luôn hướng tới.

Trân trọng cảm ơn độc giả đã chia sẻ một vấn đề đời sống hết sức thiết thực và cần thiết. Hy vọng tiếp tục nhận được những chia sẻ của độc giả trong thời gian tới.

Vương Trọng Tín
.
.