Trong vòng xoáy định kiến

Thứ Năm, 12/03/2015, 13:20
Năm tôi chưa ba mươi tuổi, tôi hoài nghi tất cả và thường có định kiến về những người có cuộc sống tiệm cận với giới thượng lưu. Sau ba mươi tuổi, tôi bắt đầu tập bỏ thói quen đó. Vì tôi hiểu rằng, định kiến như mê lộ.

Vì sao cần phải giữ gìn

Người Trung Quốc có câu thành ngữ rất hay: “Qua điền lý hạ” (điền: ruộng; lý: cây lý, cây mận; hạ: dưới; qua điền: ruộng dưa; lý hạ: dưới cây lý). Ý nói: “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan”. Nghĩa là: Nơi ruộng dưa thì không nên xỏ giày, dưới cây lý thì không nên sửa nón.

Đều có ý khuyên gìn giữ. Người càng có danh, càng dễ bị xét đoán, lại xét đoán rất cay nghiệt, nhất thiết càng phải biết giữ gìn.

1. Cô người mẫu uống rượu say tấn công lực lượng chức năng, tạo nên một trường sóng gió trên truyền thông.

Cô người mẫu này, tính khí vốn dĩ ngang tàng. Đã từng một mình chống lại giới người mẫu khi thẳng thắn nói với đại ý, người mẫu muốn giàu thì phải bán dâm.

Có người mẫu bán dâm không? Thưa, là có. Những vụ việc được loan truyền đã chứng minh điều đó. Nhưng, không phải là tất cả.

Cô người mẫu này cũng tấn công bằng ngôn luận với những sắp đặt của một chương trình truyền hình thực tế.

Chương trình truyền hình thực tế thì có sắp đặt không? Thưa, là có. Vì không ai dại đến mức bỏ tiền ra rồi để cho bạn mặc lòng chơi theo ý bạn được.

Cô người mẫu này, là một người rất có cá tính.

2. Phụ nữ có nên uống rượu say không? Thật ra, quan điểm mỗi thời mỗi khác. Những chuyện như cởi trần dạo phố, nam nhân làm được nhưng phụ nữ không làm được. Đi tiểu nơi công cộng, nam nhân làm được nhưng phụ nữ không làm được.

Còn lại, nam nhân làm gì phụ nữ cũng có thể làm theo.

Nam nhân hút thuốc, phụ nữ cũng hút thuốc.

Nam nhân chơi bài, phụ nữ cũng chơi bài.

Năm nhân có bồ nhí, phụ nữ cũng có bồ nhí.

Nam nhân uống rượu, phụ nữ cũng uống rượu.

Nam nhân uống rượu say, phụ nữ cũng uống rượu say.

Có điều, trong một đất nước mà quan niệm Á Đông vẫn đang bủa vây như đất nước của chúng ta thì chuyện tránh được rất nên tránh.

Đàn ông say xỉn quấy rối trật tự công cộng là đáng trách, phụ nữ say xỉn quấy rối trật tự công cộng cũng đáng trách tương tự.

3. Người có danh thì có được phép uống rượu say rồi quấy rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng chức năng không?

Chắc chắn là không rồi.

Người không có danh còn không được phép làm điều ấy huống hồ là người có danh.

Một xã hội phát triển là một xã hội thượng tôn pháp luật, tuyệt đối không chấp nhận chuyện chống lại lực lượng chức năng. Tất nhiên, bàn tay ngón ngắn ngón dài, ở đâu cũng có những cá nhân này cá nhân khác. Tuy nhiên, nếu lực lượng chức năng có sai, người bị xử lý có thể khiếu kiện theo luật định.

Chuyện đấm, đá, mắng chửi bằng những ngôn từ hè phố là điều rất không nên hiện hữu.

Người có danh, thị phi luôn chực chờ bủa vây.

Người có danh lại còn may mắn sở hữu kim tiền thì càng chịu nhiều điều tiếng vô hình. Đó là thứ điều tiếng có thể gọi là định kiến.

4. Người mẫu, vốn là nghề chịu sẵn định kiến của đám đông. Bởi, ai đắp chăn người nấy ấm, còn quyền của kẻ ngoài chăn là hồ nghi.

Thế nên đã theo nghề người mẫu, phải cố xóa định kiến của đám đông bằng những cách hành xử khác.

Còn nếu chọn lối hành xử bản năng, thì rất khó để hy vọng vào cái ngày đám đông thông cảm với nghề nghiệp.

Chuyện qua cũng đã qua, người không hay cũng đã nhận được sự bao dung và rộng lượng của các cơ quan chức năng.

Chỉ mong người có danh nhớ câu thành ngữ “Qua điền lý hạ”.

Có như vậy thì mới dần dần tháo bỏ được định kiến. Cũng hy vọng rằng, lấy chuyện người để soi chuyện mình, cá nhân khác cũng nhìn vào đấy mà lựa cho mình được cách hành xử đúng đắn hơn.

Giám đốc Công ty Người mẫu PL Tạ Nguyên Phúc: Sống chung với định kiến

- Là một người có tiếng trong lĩnh vực đào tạo người mẫu, anh suy nghĩ gì về vấn đề định kiến đối với nghề người mẫu hiện nay?

- Theo tôi, định kiến về nghề người mẫu là một điều tất yếu mà người mẫu phải đối diện khi theo nghề. Nghề này nhìn vào có vẻ đơn giản, người mẫu chỉ cần có chút chiều cao và nhan sắc, thậm chí xấu xấu chút cũng không sao; họ cứ việc đi tới đi lui vài bước là kiếm được nhiều tiền… Chính điều này sẽ khiến cho người đời nghi kị!

Tuy nhiên nghề nào cũng có cái khó khăn trắc trở riêng, nên tôi cho rằng người mẫu hãy cứ sống chung với định kiến và chứng minh những điều tốt đẹp ở bản thân mình. Từ từ, họ cũng sẽ thay đổi được những suy nghĩ cố hữu mang tính ganh ghét hơn là xây dựng ra khỏi thế giới thời trang.

- Nhưng có vẻ, những định kiến với người mẫu không chỉ đến từ những nghi kị bên ngoài, thưa anh?

- Đúng là ngoài nhận thức sai về công việc người mẫu thì còn có nguyên nhân “con sâu làm rầu nồi canh”, nhiều người mang danh người mẫu đi kiếm tiền bất chính, vi phạm pháp luật. Chỉ với 2 điều nhỏ đó thôi cũng đủ để mang lại định kiến không hay cho nghề nghiệp này rồi!

Danh xưng người mẫu hiện nay đang rất dễ dàng. Cô nào có chút ngoại hình cũng có thể trở thành “người mẫu” cả. Anh nghĩ sao về điều này?

Tạ Nguyên Phúc.

- Cái gì dễ đến thì cũng chóng đi, quy luật đào thải của nghề người mẫu chắc ai cũng biết, 26 tuổi là coi như “xong”, khó lòng theo nghề nữa trừ khi bạn duy trì được sự nổi tiếng.

- Còn kiểu tự xưng người mẫu hoặc suy nghĩ rằng mình sẽ trở thành người mẫu mà không cần ai dạy dỗ và tập luyện thì có ngày cũng sớm bị trả giá. Dễ thấy nhất là những nhân vật này sẽ được giới chuyên môn, báo chí dạy cho họ những bài học nhớ đời, góp thêm kinh nghiệm sống cho họ và giúp họ sớm rời khỏi giới chân dài mà não không ngắn!

- Tôi thấy vấn đề trình độ văn hóa, đạo đức nghề nghiệp của các người mẫu cũng tạo nên không ít thị phi bởi điều này rất dễ bị bỏ ngỏ trong quá trình đào tạo tại các công ty người mẫu. Anh nói gì về điều này, nhìn từ việc đào tạo tại chính Công ty PL?

- Từ khi làm nhóm người mẫu Hoa học đường năm 1995, tôi cũng đã quen với việc học trò của mình là sinh viên, học sinh nên hình như ai có đi học mới tìm đến tôi hay sao đó! Đôi khi, việc sắp xếp giờ giấc đi diễn cũng khá ảnh hưởng đến việc học nhưng rất nhiều học trò của tôi cũng khá thành công về mặt học vấn.

Tôi luôn nhắc nhở các người mẫu rằng, đừng để thiên hạ gièm pha mình bằng những câu đại loại như “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, và nếu theo dõi kỹ bạn sẽ thấy đa số người mẫu PL khi không theo nghề nữa đều có cuộc sống gia đình ổn định, điều đó chắc chắn là nhờ họ biết suy nghĩ và có kiến thức nhất định.

Qua đó, tôi muốn khẳng định rằng ngoài vẻ đẹp về hình thể, chuyên nghiệp về kỹ năng trình diễn thì người mẫu còn phải là người có tri thức, văn hóa đàng hoàng.

- Để tuyển chọn một người mẫu, anh đặt vấn đề về trình độ tri thức, văn hóa thế nào?

- Học thức đó là yếu tố quan trọng quyết định con đường dài, ngắn khi một người mẫu muốn nổi tiếng! Còn nếu chỉ muốn là “thợ diễn” thì không cần học cũng được. Tôi luôn quan trọng hóa vấn đề khi nhắc các học viên phải luôn duy trì việc học ở trường. Vì đó là con đường ngắn nhất để đến với vinh quang. Ví dụ một chuyện đơn giản, nếu không biết tiếng Anh làm sao bạn đi diễn hay thi cử trong môi trường quốc tế?!

Còn chuyện chân dài “cặp” với đại gia, vấn đề này cũng được nhắc đến, kèm theo những thị phi trong giới người mẫu nữ rất nhiều.

Đại gia là người thành công trong xã hội, họ tìm người yêu, hay vợ đẹp là chuyện đương nhiên. Ngày xưa, vua với uy quyền trong tay cũng tuyển cung tần mỹ nữ đẹp về hầu hạ mà...

Nhưng rõ ràng, cuộc sống của chúng ta nếu có tình yêu, tình cảm đích thực thì mới mang lại hạnh phúc. Còn nếu cô người mẫu nào lợi dụng đại gia hay ngược lại, cuối cùng cả 2 sẽ hứng chịu nhiều hậu quả ê chề, và quan trọng là họ đã làm tổn thương chính trái tim mình khi chọn tình cảm là mục đích mưu lợi vật chất phù du.

- Nói nghề người mẫu, nhất là mẫu nữ là nghề nhiều áp lực, mà quan trọng là áp lực từ những định kiến của dư luận xã hội, anh thấy sao? Anh đã bao giờ chứng kiến người mẫu trẻ bị áp lực bởi định kiến đến mức thoái lui khỏi nghề?

- Người mẫu nữ chịu nhiều áp lực về dư luận xã hội nên họ cũng được người trong nghề xem trọng và bao bọc nhiều hơn. Nếu siêng năng, họ còn kiếm được rất nhiều tiền bằng sự lao động chân chính, sự thành công của rất nhiều nữ người mẫu như Thanh Hằng, Anh Thư, Xuân Lan, Hương Giang… chính là sự chiến thắng những áp lực của cuộc sống.

Tôi cũng may mắn chưa từng gặp ai vì định kiến mà thoái lui khỏi nghề, chỉ thấy những bạn không đẹp, không chăm chỉ, ảo tưởng và sân si thì hay bỏ nghề thôi.

Hoa hậu Áo dài Lan Khuê: Tất cả do mình!

- Nói rằng, người mẫu nữ đang vướng phải những định kiến trong xã hội hiện nay. Lan Khuê cảm nhận như thế nào và có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

- Định kiến về nghề người mẫu thực ra không phải là một câu chuyện mới, mà đã có từ bao nhiêu năm nay. Và để phá bỏ nó là điều không đơn giản, cần rất nhiều thời gian và bản thân từng cá nhân làm nghề phải có ý thức, phải cố gắng và nỗ lực từng chút một thì từ từ mới có thể thay đổi được định kiến đó.

Theo tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại hay nhiều năm nữa thì định kiến đó ít nhiều vẫn sẽ còn tồn tại. Quan trọng là mỗi người mẫu sống như thế nào, đối diện với điều đó ra sao và cách thể hiện để mọi người nhìn nhận rằng dù cô ấy sống trong môi trường như vậy nhưng vẫn có thể vươn lên, tỏa sáng. Đó mới là điều quan trọng!

Hoa hậu Áo dài Lan Khuê.

- Lan Khuê nói gì về nguyên nhân tạo ra định kiến?

- Nghề người mẫu đã gắn liền với những cô gái đẹp, với vẻ ngoài hào nhoáng; chỉ điều đó thôi cũng đã khiến mọi người xì xào rằng nghề gì sướng quá, suốt ngày chỉ làm đẹp, lộng lẫy, hào nhoáng. Và từ đó mọi người có những thêu dệt, đồn đoán. Câu chuyện thêu dệt đó làm công việc này càng trở nên “bí ẩn” hơn... Chính vì vậy, đã làm nghề này thì không tránh khỏi thị phi. Ngoài ra, bản thân những người làm nghề, ít nhiều gì cũng có “lửa” thì mới có “khói”.

Theo tôi, ngành nghề nào cũng có thị phi riêng, nhưng do công việc  người mẫu gắn liền với những gì hào nhoáng, với ánh đèn nên thị phi của nghề người mẫu đặc biệt hơn, khác biệt hơn và trở thành miếng mồi ngon cho mọi người bàn tán!

- Có người mẫu đổ lỗi rằng nghề của mình có nhiều cám dỗ, nhưng rõ ràng là việc có bị cám dỗ hay không là do chính mình, không thể đổ lỗi cho môi trường công việc?

- Đối với tôi, dù trong công việc hay cuộc sống, tôi không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Dù là công việc gì, mình đã dấn thân nghĩa là đã lựa chọn và đó là lựa chọn của chính bản thân mình. Môi trường chỉ là một tác động thôi, bước tiếp hay dừng lại đều là do mình chủ động…

Nhưng thực ra, sau khi làm nghề một thời gian, tôi lại có suy nghĩ khác: Một người khi bước vào đường cùng, ngõ cụt, thì khi muốn tồn tại, họ không có lựa chọn nào khác là phải bấu víu vào tất cả những gì xung quanh. Có lẽ là mình nên suy nghĩ một cách thoáng hơn một chút, rằng biết đâu môi trường đẩy họ vào bước đường cùng, đôi khi để sống sót hoặc tồn tại, họ buộc phải lựa chọn không tích cực như thế…

Việc đánh giá, nhận xét về người khác thì không hề dễ dàng nếu không hiểu rõ con người, hoàn cảnh của họ. Theo tôi, không ai có đủ khả năng đánh giá, nhận xét bất kì người nào khác, là như thế.

- Lan Khuê nghĩ gì về người đẹp và tri thức - vốn là vấn đề từng tạo nên nhiều thị phi, định kiến của giới người mẫu!

- Khuê thấy, học cao chưa chắc đã hiểu rộng. Có những người có thể do hoàn cảnh đẩy đưa mà không thể đi hết được con đường tri thức, nhưng nhận thức, nền tảng gia đình, chất liệu tạo ra cuộc sống của họ ảnh hưởng đến con người họ. Để đánh giá một người, “background” tri thức chưa nói lên được tất cả. Quan trọng là cách họ sống, làm việc, cách họ đối xử với những người xung quanh, quan điểm sống của họ mới nói lên rằng con người họ như thế nào!

- Đạo đức nghề nghiệp, đó cũng là một điều đặc biệt đáng bàn khi nói về người mẫu, nhất là mẫu nữ?

- Khi tôi làm việc với bất kì ai, tôi không quan tâm tới cuộc sống cá nhân của họ như thế nào, xuất thân ra sao. Tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả, hiệu suất công việc mà họ đem tới và trách nhiệm với công việc của họ như, đến đúng giờ, tuân thủ các nguyên tắc công việc... Mỗi người đều có cuộc sống cá nhân riêng, không nên để những điều riêng tư ảnh hưởng đến công việc.

- Vấn đề chân dài - đại gia cũng đã tạo nên không ít những thị phi trong nghề người mẫu, phải không Lan Khuê?

- Khuê nghĩ chân dài và đại gia là cách nói hiện đại, còn với ông bà ta từ xưa thì có câu tương tự như “xứng đôi vừa lứa”, “trai tài gái sắc”. Nếu bạn là một cô gái xinh đẹp, tài năng, có tri thức thì chắc chắn điều bạn mong muốn sẽ là được đi bên cạnh một người đàn ông xứng đáng với mình. Theo tôi, điều đó hoàn toàn phù hợp và hết sức bình thường. Một cô gái xinh đẹp, tài năng thì hoàn toàn xứng đáng nhận được những gì tương xứng với cô ấy. Và công việc người mẫu vốn đã mang rất nhiều thị phi nên những gì liên quan đến cuộc sống cá nhân họ sẽ trở thành chủ đề bàn tán.

Như vậy, nghề người mẫu nữ là nghề có nhiều áp lực bởi muốn phát triển nghề, họ phải đối mặt và vượt qua vô vàn những định kiến, thị phi…

Khuê thấy, định kiến, thị phi là những điều hàng ngày mà bất cứ ai dù là người bình thường hay trong giới giải trí cũng đều phải đối mặt. Tuy nhiên, khi gặp một cô gái làm trong giới người mẫu, một số người sẽ có những suy nghĩ về một cô gái kiểu “chân dài - đại gia”, một công việc mang tới nhiều tiền và danh vọng... Đó là suy nghĩ thường trực dễ thấy. Và người mẫu hằng ngày phải đối diện với những suy nghĩ đó thì quả thật vô cùng áp lực.

Tuy nhiên, việc luôn suy nghĩ làm sao để mọi người xung quanh hiểu đúng về mình là việc làm tự tạo áp lực. Mình cứ sống đúng như những gì mình đang sống, rồi từ từ mọi người sẽ tìm ra câu trả lời. Thời gian của mình phải dành cho công việc, chứ không phải dành cho việc đi vào suy nghĩ của từng người, rồi giải thích!

Á khôi Áo dài Thúy Vân: Cứ theo đuổi ước mơ, mặc thành kiến

- Thúy Vân có cảm thấy rằng, nghề người mẫu của mình là một nghề khó khăn và nhiều áp lực chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ?

- Dù được mọi người biết đến là Á khôi 1 của Cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 nhưng tôi đã từng có thời gian 2 năm làm việc trong vai trò người mẫu. Thật sự, khi mọi người nhìn vào thấy người mẫu rất hào nhoáng, được ăn ngon, mặc đẹp và chỉ đi qua đi lại là có tiền bạc và danh tiếng. Nhưng đúng là chỉ trong nghề thì mới biết với nhau, người mẫu như chúng tôi phải chịu áp lực từ rất nhiều phía vì đây là nghề có nhiều thị phi, khó khăn và chúng tôi phải thật bản lĩnh mới có thể tồn tại lâu với nghề.

- Thúy Vân nghĩ gì về áp lực của người mẫu từ định kiến dư luận, nhất là với các mẫu nữ?

- Tôi đã nghe rất nhiều thị phi đối với người mẫu nữ như “óc ngắn”, chân dài - đại gia... nhưng Vân nghĩ nghề nào cũng vậy, điều ra tiếng vào là khó có thể tránh khỏi, quan trọng là mỗi người chọn cho mình cách sống thế nào! Đứng trên quan điểm của tôi, nếu vượt qua được thị phi thì đó chính là cách tốt để mình trở nên bản lĩnh và trưởng thành hơn.

Á khôi áo dài Thúy Vân.

- Thúy Vân có từng phải vượt qua định kiến để đến với nghề người mẫu?

- Ban đầu, khi tham gia vào công việc người mẫu, tôi cũng đã nghe, đã trải qua rất nhiều định kiến. Tuy nhiên, tôi biết bản thân mình không phải là một người như vậy. Tôi đến với nghề là vì đam mê và tôi sống đúng với con người của mình, chăm chỉ lao động. Từ Cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014 vừa qua, tôi cũng đã phần nào chứng minh được cho mọi người về học thức, khả năng của tôi qua các tập phát sóng và các vòng ứng xử.

- Thường thấy, khi người mẫu nào đó vướng vào tai tiếng, thị phi thì lập tức bị đám đông lên án, chỉ trích như là một tội đồ xã hội. Nhưng sự lên án, chỉ trích đó nhiều khi không phải vì lỗi lầm của người mẫu đó mà vì hình ảnh nói chung của người mẫu, nhất là nữ không mấy đẹp trong mắt họ. Thật sự, đó là một bất công. Thúy Vân chia sẻ điều gì?

- Bất cứ điều gì hào nhoáng cũng làm cho mọi người rất tò mò, và khi nó không thật sự đẹp mỹ mãn như họ nghĩ, lẽ dĩ nhiên họ sẽ cảm thấy thất vọng và có những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, người mẫu dù sao cũng là những con người, và đã là con người thì chắc chắn “vô thập toàn”, những thiếu sót, sai lầm là không thể tránh khỏi...

Tôi đã tập cho mình một thói quen là không phát biểu khi chưa hiểu rõ sự việc vì biết đâu những lời nói của mình sẽ góp phần làm cho người bị nói cảm thấy tổn thương và có những hậu quả không tốt.

- Việc danh xưng người mẫu hiện nay quá dễ dàng, dẫn đến việc không ít người mượn danh để “làm chuyện khác”. Đó cũng là điều cần lên tiếng, Thúy Vân nghĩ sao?

- Theo tôi, khán giả bây giờ rất thông minh, họ có thể nhìn ra ai là người hoạt động nghiêm túc cũng như ai là người mượn danh làm việc bất chính khác. Tôi chỉ hy vọng những bạn gái trẻ đam mê nghề mẫu, các bạn hãy sống hết mình với nghề và đam mê của mình, thì sớm muộn các bạn cũng sẽ gặt được thành công và mọi người sẽ công nhận các bạn!

- Thúy Vân nghĩ gì khi người ta nói rằng, người mẫu không phải chỉ có ngoại hình đẹp, chân dài, số đo các vòng lý tưởng mà cần phải có đạo đức nghề nghiệp và tri thức, văn hóa?

- Không riêng nghề người mẫu mà bất cứ ai ở các ngành nghề  khác cũng cần có tri thức và văn hoá để làm chủ bản thân, không làm những việc trái với lương tâm, đạo đức. Đặc biệt, nghề người mẫu là nghề có rất nhiều cám dỗ nên bản thân mỗi người mẫu không những cần có tri thức mà còn cần có một bản lĩnh kiên cường để vượt qua.

- Một vấn đề cũng gây nên nhiều tai tiếng cho giới người mẫu mà Thúy Vân cũng đã nhắc đến đó là “chân dài – đại gia”. Thúy Vân chia sẻ gì về điều này?

- Mỗi người đều có quyền được yêu và tìm cho mình một đối tượng thích hợp để yêu nên dù bạn có là chân dài - đại gia hay ai đi chăng nữa thì nếu bạn yêu thật lòng, bạn xứng đáng nhận được sự ủng hộ của mọi người. Còn những trường hợp khác không phải vì tình yêu thì tôi nghĩ những phản ứng của công chúng cũng đủ nói lên tất cả.

Còn vấn đề chân dài - đại gia theo nghĩa xấu từng gây tai tiếng trong giới người mẫu thì cũng tùy vào suy nghĩ, lối sống của từng người mẫu. Người mẫu không thể đổ lỗi do cám dỗ, do hoàn cảnh của nghề bởi lựa chọn thế nào là do chính bản thân mình!

- Thúy Vân quý nghề người mẫu ở điểm gì?

- Tôi quý những chàng trai, cô gái vì đam mê nghề mà theo đuổi ước mơ, mặc kệ những thành kiến của xã hội; họ luôn bản lĩnh để vượt qua mọi cám dỗ, lạc quan để đến với thành công. Nghề người mẫu là nghề mang lại cái đẹp cho mình và cho đời, và tôi luôn nghĩ về một ngày không xa, nghề này sẽ được đặt đúng vị trí của nó: được tôn trọng và được ủng hộ!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.