Trời đã tối, đường vẫn còn xa
Điểm dừng quen thuộc
“Sẽ là vô ích nếu tiếp tục đàm phán. Bây giờ, chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng không đạt được thỏa thuận nào!”. Với một lời kêu gọi cứng rắn như vậy được thốt lên bởi đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson (ngày 16-10), khi thời hạn chuyển tiếp của Brexit chỉ còn 75 ngày, có thể nói, bức tranh toàn cảnh chẳng có bất cứ một vệt màu nào tươi sáng.
Nhưng, thực ra, từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc, vào ngày 11-10, London đã phát đi những tín hiệu rằng chặng đàm phán này sẽ vô cùng cam go. Hay nói đúng hơn, càng còn ít thời gian, mỗi cuộc thảo luận sẽ càng thêm phần gay gắt. Hôm đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Alok Sharma kêu gọi các doanh nghiệp Anh: Bởi vì chỉ còn 81 ngày là thời hạn chuyển tiếp kết thúc, nên giới doanh nghiệp Anh cần phải hành động để bảo đảm rằng họ luôn sẵn sàng cho một sự khởi đầu mới, kể từ tháng 1-2021, bất kể có đạt được thỏa thuận cuối cùng nào với EU hay không.
Như phân tích của ông, hầu hết những việc mà các doanh nghiệp cần làm là giống nhau, bất kể kết quả của các cuộc đàm phán ra sao, trong đó bao gồm việc đảm bảo nhân viên đăng ký quyền cư trú và chuẩn bị cho các thủ tục hải quan khi giao dịch với EU.
Hiểu theo cách khác, điều đó cũng mang hàm ý rằng kể cả lần này, nước Anh vẫn sẽ chẳng sẵn sàng nhượng bộ nhiều, để bằng mọi giá đạt được một thỏa thuận.
Và bởi vậy, khi Hội nghị thượng đỉnh EU khép lại tối 16-10, tất cả mọi guồng quay cũng dừng lại ở một điểm quen thuộc suốt cả mấy năm qua. Châu Âu lắc đầu, còn phía Anh tuyên bố lạnh lùng theo đúng phong cách “phớt Ăng-lê”: Nếu EU không thay đổi quan điểm, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc, đồng nghĩa sẽ không có thỏa thuận thương mại khi hết giai đoạn chuyển tiếp của Brexit. Mà thực ra, một thứ “thời hạn chót” nữa cho những sự thỏa hiệp cũng đã trôi qua. Theo dự tính trước đây, thỏa thuận thương mại cuối cùng cần phải được thống nhất trước ngày 15-10.
Ông Boris Johnson vẫn muốn tiếp tục ván bài lật ngửa. |
Nước Anh không lùi một bước, và EU cũng vậy. Kết luận hội nghị, các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định: Giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc đúng ngày 31-12 tới. Đánh giá hai bên chưa đạt tiến bộ trong đàm phán về những vấn đề chính mà EU quan tâm (như đánh bắt cá và các nguyên tắc cạnh tranh) do chưa thể tìm được tiếng nói chung, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier được giao nhiệm vụ tiếp tục thảo luận với phía Anh.
Brussels cũng kêu gọi London có các động thái cần thiết, nhằm đạt được thỏa thuận thương mại. Bởi vì, EU cũng vẫn nhấn mạnh quyết tâm thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Vương quốc Anh và vẫn để ngỏ lời mời trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu (European Council) kêu gọi các quốc gia thành viên, các thể chế EU cũng như tất cả các bên liên quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị, để sẵn sàng ở tất cả các cấp, cho mọi tình huống xảy ra, kể cả kịch bản "không thỏa thuận". Nghĩa là, nếu nước Anh không định thay đổi thái độ trước thì EU cũng sẽ không làm như vậy.
Theo kết luận đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá rằng EU không muốn có với Anh một thỏa thuận kiểu thỏa thuận song phương với Canada - với những điều khoản làm hài lòng cả hai phía. Do đó, London phải chuẩn bị tâm lý cho một thỏa thuận thương mại kiểu Australia, nghĩa là không có một thỏa thuận thương mại với các điều khoản cụ thể.
Nhưng với bà Angela Merkel, đã đến lúc cả hai phía phải nhượng bộ. |
Ai cũng muốn một “kết thúc có hậu”
Nhưng, cuối cùng, khi nền kinh tế của cả Anh quốc lẫn châu Âu đại lục đều đang bị tàn phá dữ dội bởi đại dịch COVID-19, liệu có ai sẵn sàng chấp nhận thêm tổn thất, nếu vẫn có thể tránh được một kết cục đáng buồn như vậy?
Dù thế nào, dù Brexit đã diễn ra, nước Anh vẫn luôn là một đảo quốc nằm ngay cạnh châu Âu lục địa. Dù thế nào, EU vẫn đã, đang và có lẽ sẽ còn đầy tiềm năng để tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của nước Anh, với 46% kim ngạch xuất khẩu. Và ngược lại, Anh cũng là đối tác thương mại đứng thứ 13 của EU, chiếm 13% lượng giao dịch hàng hóa.
Riêng với nước Anh, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại song phương, Brexit sẽ khiến họ phải gánh chịu thiệt hại 3,9% GDP về lâu dài. Khi đó, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ gánh chịu tổn thất lớn gấp 3 lần so với thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh (BCC) - Adam Marshall - các doanh nghiệp đang chật vật chuẩn bị cho khả năng không đạt thỏa thuận khi đứng trước 3 mối đe dọa là số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, khi các biện pháp được thắt chặt và giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc thiếu trật tự. Tuy nhiên, ông Marshall nhận định vẫn có thể đạt thỏa thuận. Ông muốn thấy thỏa thuận ấy. Bởi vì, nhiều thứ có thể thay đổi đối với các doanh nghiệp vào cuối năm nhưng một thỏa thuận sẽ giúp họ đánh giá tình hình rõ ràng hơn, từ đó có thể lên kế hoạch và điều chỉnh.
Một Brexit không thỏa thuận thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. |
Cũng chính bởi vậy, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit của Anh, Michael Gove, ngày 18-10 nói rằng cánh cửa vẫn để ngỏ cho việc tiếp tục đàm phán. Những phản ứng này hoàn toàn không tương thích với cách “khua chiêng gióng trống” của đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Ở chiều ngược lại, phản ứng của không ít quốc gia châu Âu lục địa cũng thể hiện rằng họ thực sự mong mỏi việc đạt được một thỏa thuận, để mọi thứ không bị đẩy vào một bối cảnh mịt mờ thay cho trật tự và ổn định. Đơn cử, trước đòi hỏi (bị cự tuyệt thẳng thừng bởi London) của Pháp, về việc duy trì quyền tiếp cận hiện tại của Pháp đối với vùng biển đánh cá của Anh, không chỉ nước Đức, khá nhiều quốc gia cũng bày tỏ thái độ không đồng tình. Vấn đề là, có những nước dù không đồng ý với lập trường cứng rắn của Pháp, song cũng không sẵn sàng thỏa hiệp về lĩnh vực đánh bắt cá cho đến khi Vương quốc Anh có nhượng bộ đáng kể trong vấn đề viện trợ nhà nước.
Ở đây, chìa khóa mở cánh cửa thoát hiểm có lẽ lại đơn giản chỉ là một đề nghị “có thể chấp nhận được”. EU đã nhượng bộ về yêu cầu “Anh phải luôn tuân thủ các quy tắc của EU về viện trợ nhà nước, ngay cả khi các quy tắc trên có thể thay đổi trong tương lai”. Nhưng EU muốn kế hoạch trợ cấp của London phải được một cơ quan quản lý độc lập giám sát, với người có thẩm quyền có thể đưa ra các quyết định ràng buộc về pháp lý rất nhanh chóng.
Một trong hai bên có thể trả đũa nếu các quy tắc bị phá vỡ, có thể theo từng lĩnh vực riêng biệt của hiệp định thương mại. Và tuần trước, nhà đàm phán của Anh David Frost cho biết ông sẵn sàng giảm nhẹ lập trường về viện trợ nhà nước cho các doanh nghiệp mà London muốn được hoạt động tự do, trước nguy cơ cạnh tranh với EU một cách không công bằng.
Như vậy, khác với những giông bão vẫn còn bao phủ trên bề mặt, có lẽ trong sâu thẳm cả Anh lẫn EU đều đã khá mệt mỏi với ván cờ cân não đã kéo quá dài này, khi cả hai đều phải đối diện với quá nhiều nguy cơ đang bủa vây. Nói như Thủ tướng Đức Angela Merkel, cả hai phía đều đã đến lúc phải biết nhượng bộ, để đạt được thỏa thuận thương mại quyết định. Chỉ là, chính bà cũng chưa thể chắc chắn được, lúc nào là thời điểm thích hợp nhất để phái đoàn EU “xuống thang”...