Tổng thống Trump đối diện những thách thức trước thềm bầu cử
- Tổng thống Trump thay chánh văn phòng Nhà Trắng thứ ba
- "Siêu thứ ba": Bàn đạp quan trọng cho ứng viên Dân chủ đối đầu với Tổng thống Trump
Những đối thủ thiếu sức nặng
Việc 3 vị tổng thống gần đây nhất của nước Mỹ đều đắc cử thành công nhiệm kỳ thứ hai cho thấy ưu thế lớn của chính quyền đương nhiệm. Dù trong hơn 3 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Trump gây ra nhiều tranh cãi, song phía đảng Dân chủ đối lập cũng chưa tìm ra được lý do thuyết phục nào để hạ bệ ông. Ngay lúc này, với phe Dân chủ, việc tìm ra một ứng viên đủ sức nặng để đối đầu trực diện với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới cũng đã là việc khó khăn.
Con số kỷ lục 29 ứng viên tham gia cuộc đua của đảng Dân chủ cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng này, khi không có nhân vật nào đủ sức thuyết phục. Nhiều ứng viên đã lần lượt rút lui và những nhân vật được kỳ vọng lớn nhất đều có nhiều nhược điểm. Thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont, Bernie Sanders bị đánh giá là quá thiên tả.
Đối thủ lớn nhất của ông Trump lúc này lại là con virus Corona. |
Các ứng viên nữ như bà Elizabeth Warren, Amy Klobuchar thì lại thiếu sức hút. Cựu Thị trưởng thành phố New York, tỷ phú Michael Bloomberg khởi đầu cuộc đua quá muộn màng. Sau thất bại trong nỗ lực đề nghị cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton quay trở lại đường đua năm nay, hiện tại các đảng viên Dân chủ đang hy vọng vào sự trở lại của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người đã "quá già".
Với những kết quả bầu chọn nội bộ sau ngày "Siêu Thứ ba" hôm 3-3 vừa qua, ông Joe Biden đã vượt lên dẫn đầu trong số các ứng viên còn lại, dù trước đó ông Bernie Sanders là người chiếm ưu thế. Nhưng, khoảng cách sít sao giữa họ sẽ kéo cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ tới tận tháng 7 tới, một khoảng thời gian quá sát với cuộc bầu cử được đánh giá là khó khăn nhất của họ trong gần 3 thập kỷ qua.
Ưu thế của ông Trump
Nếu như phe Dân chủ còn đang “đánh nhau sứt đầu mẻ trán” thì đương kim tổng thống đã có được sự ủng hộ tuyệt đối của các đảng viên Cộng hòa vào lúc này. Trong cuộc bỏ phiếu đòi luận tội Tổng thống hồi tháng 1 vừa qua mà phe Dân chủ khơi mào, các đảng viên Cộng hòa đã hoàn toàn đứng về phía ông Trump, giúp ông đứng vững trước những cáo buộc. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thiếu nhất quán của chính đảng Cộng hòa dành cho ông trong cuộc bầu cử năm 2016. Vậy điều gì đã khiến ông Trump giành được nhiều sự ủng hộ như vậy?
Trong thông điệp liên bang đầu năm đọc hôm 5-2 tại Hạ viện Mỹ vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “Không giống với những người đi trước, tôi đã giữ lời hứa”. Đúng vậy, ưu điểm của ông Trump trước các đối thủ của mình là đã làm như những gì ông nói.
Ông Trump cũng giữ đúng lời hứa với việc thắt chặt chính sách nhập cư, đòi quyền lợi cho nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Ông thực sự đã “gây chiến” với Trung Quốc trên lĩnh vực thương mại và cho thấy mình không phải là kẻ hứa suông. Quân đội Mỹ được rút khỏi Iraq, Afghanistan cũng là để thực hiện những lời hứa trước đó với cử tri.
Ông Trump “ghi điểm” khi giảm căng thẳng với Triều Tiên, tiêu diệt thành công lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi. Hình ảnh về một vị tổng thống mạnh mẽ, dám nói, dám làm, sẵn sàng đứng lên bảo vệ người dân của mình được tô đậm trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Trump đã tạo ấn tượng với rất nhiều người.
Và không thể phủ nhận, điểm sáng lớn nhất trong giai đoạn cầm quyền của ông Trump là kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong 50 năm, trong khi thị trường chứng khoán ổn định cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư. Những điều này đến sau những chính sách được ông Trump trực tiếp đề ra như kêu gọi các tập đoàn Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa ngay trên đất Mỹ, cắt giảm lãi suất và tăng cường chi tiêu chính phủ. Những chính sách mạnh tay đó đã đem đến trái ngọt mà ông Trump được hưởng ngày hôm nay.
Đảng Dân chủ vẫn chưa tìm được ứng viên xứng đáng nhất cho mình trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. |
Vẫn còn những điểm đen trong chính sách đối ngoại có phần thiếu nhất quán nhưng tựu trung, ông Trump đã hoàn thành được hầu hết những lời hứa với cử tri của mình, điều khiến ông trở nên khác biệt so với những chính trị gia khác. Con số cử tri ủng hộ ông tăng đều và cao đến mức kỷ lục trong những ngày cuối năm 2019 là chỉ dấu rõ nhất cho những thành công mà ông Trump đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Với một vị tổng thống "đáng tin cậy" như thế, tại sao người Mỹ còn phải đi bầu cho người khác?
Và đối thủ mới
Thật bất ngờ, khi yếu tố có thể tạo nên cuộc lật ngược thế cờ của phe Dân chủ lại đến từ Trung Quốc trong những ngày này. Sẽ không phải là sự can thiệp bầu cử nào như các nghị sĩ Dân chủ từng kêu ca 3 năm trước mà lần này tác động là rất trực tiếp đến từ con virus nhỏ bé có tên SARS-CoV-2 kéo theo cơn dịch bệnh COVID-19.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu những ngày cuối tháng 2 vừa qua, con virus những tưởng chỉ nằm tại Vũ Hán này không bất ngờ lan rộng ra đến tận nước Mỹ. Chỉ trong một tuần, số ca nhiễm virus được ghi nhận tăng vọt kèm theo những trường hợp tử vong. Vấn đề là ông Trump trước đó tỏ ra khá thờ ơ với những cảnh báo về dịch bệnh COVID-19.
Bản thân ông Trump khi mới lên nắm quyền đã lập tức hủy bỏ đạo luật về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe có tên Obamacare do người tiền nhiệm khởi xướng. Đạo luật bị đánh giá là lãng phí và không cần thiết này giúp tiết kiệm không ít tiền cho Chính phủ Mỹ nhưng lại trở thành điểm yếu của ông Trump khi dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ.
Chỉ vài hóa đơn điều trị đắt đỏ được tung lên mạng những ngày này cũng đủ để làm bùng lên cơn sóng chỉ trích nhằm vào chính quyền đương nhiệm. Dịch bệnh thì vẫn lan nhanh trong khi truyền thông Mỹ dường như đã làm quá lên những tác động của nó. Dĩ nhiên, những người chống lại ông Trump sẽ tận dụng cơ hội này để bôi xấu hình ảnh của ông trước cử tri vào thời điểm nhạy cảm.
Đáng sợ hơn, dù dịch bệnh COVID-19 chưa khiến nhiều người Mỹ phải lâm vào tình trạng hiểm nghèo nhưng những tác động khủng khiếp của nó tới nền kinh tế lại không khác gì một thảm họa trút xuống đầu chính quyền của Tổng thống Trump. Đầu tiên là việc Trung Quốc không thể lập tức triển khai các gói mua hàng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ vừa ký cuối năm ngoái, do sản xuất đình đốn khi đang căng mình chống dịch. Điều vốn được đánh giá là “chiến thắng” của chính quyền ông Donald Trump nay đã bị giảm tác dụng.
Dịch bệnh lan rộng làm kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế Mỹ cũng rơi vào vòng xoáy giảm tốc đó. Chỉ sau vài ngày có những thông tin về dịch tràn vào nước Mỹ, các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc không phanh như trở lại thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Bỗng chốc, những thành quả kinh tế trong 3 năm qua của ông Trump tan thành mây khói.
Trong một động thái quyết liệt, ngay trong ngày 2-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ lãi suất khẩn cấp xuống 0,5% để cứu nền kinh tế nước này trước rủi ro do COVID-19 gây ra. Đây là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và nó được đến sau những kêu gọi khẩn thiết của chính ông Trump trước nguy cơ suy thoái thấy rõ.
Dịch COVID-19 càng kéo dài thì càng tác động xấu đến chính quyền đương nhiệm. Tổng thống Trump đã cảm nhận rõ những nguy cơ từ con virus nhỏ bé này nên đã có những biện pháp mạnh mẽ để trấn an dân chúng Mỹ. Các cơ quan Chính phủ Mỹ đã đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong thời gian qua dựa trên những số liệu y tế mới nhất đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực phòng chống.
Nhưng bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng phải hy vọng Trung Quốc và các nước khác mau chóng vượt qua cơn bệnh này, bởi nó có thể tác động trực tiếp tới “sinh mệnh chính trị” của mình.