Tin hay không tin?

Thứ Năm, 09/01/2020, 10:09
Chúng ta hay nói với nhau thế này khi cảm thấy một điều gì đó không đáng tin: "Làm điều xyz đó bằng niềm tin à?" Nhưng trớ trêu thay, việc đặt niềm tin, vốn là cụm từ khá sáo rỗng khi chưa trải qua thực chứng, lại là vũ khí lợi hại nhất của con người với tư cách một sinh vật xã hội.


Đặt niềm tin có trách nhiệm 

Có lẽ bạn hiếm khi nghe cái tên William Kingdon Clifford. Ông không được xếp vào danh sách các triết gia vĩ đại trong lịch sử, có lẽ vì cuộc sống ngắn ngủi của mình (ông mất khi mới 33 tuổi), nhưng trong thời đại internet, khi thông tin bị quá tải và các cơ chế đánh lừa chúng ta luôn đầy rẫy, thì tư tưởng của ông là một phương thuốc không thể phù hợp hơn.

Dường như thật kỳ lạ khi chúng ta cố gắng kết nối sự lạc lối của dòng chảy hiện đại với tư tưởng của một người đã sống ở nước Anh từ thời Nữ hoàng Victoria và vốn chỉ có tác phẩm triết học đáng kể nhất là một bài tiểu luận từ 150 năm trước. Tuy nhiên, Clifford đã bắt kịp thời đại này, với chỉ một tuyên bố ngắn gọn: "Luôn luôn là sai, ở mọi nơi mọi lúc, và với bất kỳ ai, khi tin vào bất kỳ điều gì mà không đủ bằng chứng". Nghe có vẻ cường điệu, nhưng đó lại là một thực tế rất lô-gích.
Các tổ chức hay chơi một trò chơi để gia tăng niềm tin vào nhau: một người ngã về phía sau, và họ buộc phải tin rằng đồng nghiệp sẽ đỡ họ, không còn cách nào khác. Nguồn ảnh: Unsplash

Trong tiểu luận nổi tiếng "Đạo đức của đức tin" (viết vào năm 1877), Clifford đưa ra ba lập luận giải thích tại sao chúng ta có nghĩa vụ đạo đức đặt niềm tin một cách có trách nhiệm, nghĩa là chỉ tin vào những gì chúng ta đã có đầy đủ bằng chứng và những gì chúng ta đã nghiên cứu kỹ càng.

Lập luận đầu tiên khởi phát từ quan sát đơn giản rằng niềm tin của chúng ta chi phối hành động của chúng ta: mọi hành vi của ta đều được định hình bởi những gì chúng ta cho là "sự thật" của thế giới đang sống - hay nôm na là, bởi những gì chúng ta tin. Nếu tôi tin rằng trời mưa, tôi sẽ mang theo một cái ô khi ra đường. Nếu tôi tin rằng người lái taxi sẽ không nhận thanh toán qua thẻ tín dụng, tôi sẽ thủ sẵn một ít tiền lẻ trước khi vào xe. Và nếu tin ăn cắp là sai, tôi sẽ trả tiền cho hàng hóa mình chọn trước khi rời khỏi cửa hàng tiện lợi.

Đấy là một lập luận đầy lý trí: những gì chúng ta tin có tầm quan trọng rất lớn trong thực tế. Niềm tin sai lầm về các dữ kiện thể lý hoặc xã hội thường dẫn dắt chúng ta vào những thói quen hành động tiêu cực, mà trong trường hợp cực đoan thậm chí có thể đe dọa sự sống còn của ta. Có sản phụ đã nguy kịch khi tin vào "sinh con tự nhiên".

Có những bệnh nhân ung thư đã đánh mất cơ hội sống vì chỉ tin vào thực dưỡng và từ chối điều trị. Và nói vui, nếu ca sĩ R. Kelly cũng thực sự tin lời bài hát trứ danh của anh ta là "I Believe I Can Fly" (Tôi tin tôi có thể bay), hẳn anh ta đã không còn tồn tại trên đời này.

Và điều này không chỉ khiến chúng ta rơi vào nguy hiểm. Là động vật xã hội, hành vi của chúng ta cũng tác động đến những người xung quanh, và việc tin tưởng không đúng cách cũng khiến đồng loại của chúng ta gặp nguy hiểm. Như Clifford cảnh báo: "Chúng ta đều sẽ phải chịu hậu quả nặng nề từ việc duy trì và ủng hộ những: niềm tin sai lầm và hậu quả chí mạng mà chúng dẫn đến".

Ông đã nói điều này nửa thế kỷ trước khi tháp đa cấp lừa đảo Ponzi ra đời, một mô hình mà niềm tin sai lệch của một cá nhân cũng đủ để kéo theo một chuỗi theo cấp số nhân người sai lầm. Sự cẩu thả trong việc hình thành niềm tin là sai về mặt đạo đức, bởi vì như đã nói, với tư cách những sinh vật xã hội, khi chúng ta tin một điều gì đó, thì cái giá phải trả (nếu sai lầm), luôn rất lớn.

Nhận xét này có thể là phóng đại vào thời điểm Clifford viết tiểu luận, nhưng rất chuẩn xác với hiện tại, khi thế giới ngày càng khuyến khích chia sẻ nhanh, nhiều và cả tin hơn, với chi phí hầu như là tối thiểu (giờ chỉ cần một tài khoản Facebook đăng ký miễn phí là ai cũng có thể bày tỏ quan điểm). Trong "ngôi làng" kỹ thuật số toàn cầu, một niềm tin sai lạc sẽ lây lan theo mạng xã hội.

Lập luận thứ hai của Clifford để giải thích tại sao không thể tin khi chưa có bằng chứng đầy đủ là điều này sẽ biến chúng ta thành những "tín đồ" bất cẩn thực sự, với hậu quả lớn hơn ta nghĩ: "Không có niềm tin thật sự, dù nghe có vẻ thật tầm thường và rời rạc, dường như không bao giờ thật sự quan trọng; (nhưng) nó chuẩn bị giáng cho chúng ta những đòn mạnh mẽ hơn thế nhiều, xác nhận lại những điều đi đôi với nó trước đó và làm suy yếu những người khác; và dần dần tạo ra những chuyến tàu lén lút trong những suy nghĩ sâu xa nhất của chúng ta; một ngày nào đó sẽ bùng nổ thành hành động và để lại một vết hằn sâu trên tính cách của chúng ta".

Trong một cuộc khảo sát dữ liệu về niềm tin ở Hoa Kỳ, sự tin tưởng của các cá nhân dành cho nhau đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm, tương tự niềm tin của công chúng đặt vào các phương tiện truyền thông. Nền kinh tế sức chú ý (attention economy) hiện đại là mảnh đất màu mỡ cho tin giả, thuyết âm mưu và lừa đảo, khi các mắt xích cấu tạo nên nó buộc phải làm mọi thứ để thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt, bất chấp việc niềm tin truyền bá có sai lệch hay không.

Thiếu cẩn trọng trong việc xác lập niềm tin khiến cho sự bất ổn này trở nên trầm trọng, tạo ra chi phí sửa lỗi không cần thiết cho xã hội và khiến chúng ta không còn động lực đặt niềm tin, thứ vốn là vũ khí đã kiến tạo nên nền văn minh của loài người.

Lập luận cuối cùng của Clifford là tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức không làm ô nhiễm kiến thức tập thể. Vào thời của ông, kiến thức thông thường được lan truyền đi theo lời nói hoặc văn bản. Vì khả năng giao tiếp này, những phương thức tư duy và các hệ quả của nó được coi như tài sản chung của xã hội. Phá vỡ "gia bảo" (như cách Clifford gọi nó) này là vô đạo đức vì rốt cuộc thì cuộc sống của mọi người đều phải dựa vào tri thức phổ quát này.

Ngày nay, chúng ta có một kho niềm tin toàn cầu, mà những cam kết của nó đang được bổ sung mỗi ngày một cách rất siêng năng: Dữ liệu lớn (Big data). Bạn thậm chí đóng góp vào các cam kết chung này mỗi ngày mà không cần phải là một công dân tích cực trên Twitter hoặc Facebook.

Ngày càng nhiều điều chúng ta làm trong thế giới thực đang được ghi lại và số hóa, và từ đó các thuật toán có thể dễ dàng suy ra những gì ta tin tưởng thậm chí trước khi chúng ta thể hiện góc nhìn. Đổi lại, kho niềm tin được lưu trữ khổng lồ này sẽ được sử dụng để giúp chúng ta ra quyết định và giải các bài toán cuộc sống, tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi cũ và đặt ra những câu hỏi mới.

Thêm những thành phần sai vào Dữ liệu lớn sẽ tạo ra một sản phẩm độc hại tiềm tàng, và nếu có thời điểm nào đó mà tư duy phê phán là mệnh lệnh đạo đức và sự tín nhiệm có thể biến thành một tội lỗi tai hại, thì đó chính là bây giờ. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải giảm bớt niềm tin vào nhau.

Giá trị của niềm tin

Bởi vì trên lý thuyết, chúng ta được lợi hơn nhờ sự tin tưởng. Nhà khoa học xã hội Nhật Bản Toshio Yamagishi đưa ra một khái niệm để ta nhìn thấy rõ điều này: sự bất cân xứng thông tin giữa tin tưởng và không tin tưởng.

Khi tin tưởng một ai đó, bạn sẽ nhanh chóng biết được liệu niềm tin của mình có hợp lý hay không. Một người quen xin phép ở nhờ nhà bạn vài hôm, và nếu đồng ý, bạn sẽ biết được anh ta có phải người khách tốt hay không. Một đồng nghiệp khuyên bạn nên dùng một phần mềm mới. Nếu làm theo cô ta, bạn sẽ biết được phần mềm mới liệu có tốt hơn cái cũ hay không.

Ngược lại, nếu không tin tưởng sẵn và bỏ qua những đề nghị này, bạn sẽ không thể biết được thông tin mới. Từ chối cho anh bạn qua ở nhờ là bạn tự hạn chế đi một cơ hội để biết thêm về anh ta. Không dùng phần mềm mới theo tư vấn của đồng nghiệp, bạn không thể biết liệu nó có tốt hơn cái mình đang dùng hay không.

Sự bất cân xứng về thông tin này cho thấy là chúng ta sẽ học được nhiều bằng cách tin tưởng hơn là không tin tưởng. Hơn nữa, khi tin tưởng, chúng ta không chỉ tìm hiểu về các cá nhân cụ thể, mà còn về các loại tình huống mà chúng ta nên hoặc không tin tưởng. Chúng ta trở nên tốt hơn trong việc tin tưởng.

Có một thí nghiệm mà Toshio Yamagishi và các đồng nghiệp đã thực hiện để chứng minh điều này, xuất phát từ trò chơi ủy thác, trong đó hai người tham gia chơi sẽ ẩn danh. Người tham gia đầu tiên nhận một khoản tiền nhỏ, 10 USD chẳng hạn, và được tự quyết định việc sẽ chuyển cho bạn chơi của mình bao nhiêu tiền. Số tiền này thực tế được nâng lên gấp ba, và sau khi nhận, người chơi thứ hai cũng được quyền lựa chọn việc sẽ chuyển lại cho người chơi ban đầu bao nhiêu tiền.

Yamagishi đã thay đổi một chút trò chơi ủy thác này. Ông cho phép những người chơi tương tác với nhau trước khi đưa ra quyết định, và phát hiện ra rằng những người chơi được tin tưởng nhất cũng là những người có khả năng chọn ra người đáng tin để chuyển tiền với độ chính xác cao nhất.

Chúng ta tìm thấy mô hình tương tự trong các lĩnh vực khác. Những người tin tưởng truyền thông sẽ hiểu biết nhiều hơn về chính trị và tin tức. Càng tin tưởng khoa học, chúng ta càng hiểu biết hơn về khoa học. Những người tin tưởng nhiều hơn sẽ ngày càng tốt hơn trong việc lựa chọn ai và điều gì để tin tưởng. Niềm tin cũng như mọi thứ khác: thực hành làm cho nó trở nên hoàn hảo.

Xã hội loài người hầu hết cũng được kiến tạo dựa trên niềm tin. Hãy lấy ví dụ tờ tiền của bạn: mọi người cầm nó đi, trao đổi với nhau để nhận về các giá trị và nhu cầu khác nhau, đơn giản vì chúng ta tin vào nhà nước đã phát hành ra nó, tin rằng nó có giá trị và tất cả có thể sử dụng để quy đổi ngang giá.

Khi chúng ta chuyển và nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bạn buộc phải đặt niềm tin vào ngân hàng, tin rằng họ sẽ chuyển đúng số chúng ta mong muốn cho người khác, và không ăn bớt tiền trong tài khoản của ta. Những tập đoàn đa quốc gia với hàng trăm ngàn nhân viên cũng được xây dựng dựa trên điều này: tất cả tin vào một giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ chức của họ mong muốn, để hợp tác và hành động, ngay cả khi chưa biết rõ nhau (về mặt cá nhân).

Nhưng bất kỳ điều gì cũng cần thời gian. Nhà nước, các tập đoàn lớn hay ngân hàng là những thiết chế đã mất từ hàng chục đến cả trăm năm để hình thành và giành lấy niềm tin từ công dân, để đa số có thể đưa ra kết luận rằng đặt niềm tin sẽ đem đến nhiều lợi ích hơn là tạo ra chi phí sửa lỗi. Không phải niềm tin nhẹ dạ được tạo thành từ các cơn phản ứng tức thời của đám đông.

Niềm tin không phải là một dạng kiến thức, dù kiến thức là công cụ góp phần kiến tạo niềm tin. Niềm tin là những gì chúng ta nghĩ sẽ xảy ra trong thực tế, dựa trên những bằng chứng đã có và suy tư về những giả định. Vì bản chất của niềm tin là thực tế, ta không thể tạo một niềm tin tức thời, mà phải xây đắp nó dần dần, bằng thời gian và kinh nghiệm.

Bạn hãy cứ tin, nhưng đừng nhẹ dạ. Cũng như với bài viết này, hãy hoài nghi, chất vấn, thậm chí đặt lại vấn đề. Giành được niềm tin của bất kỳ độc giả nào qua một quá trình cặn kẽ như thế, cũng là một vinh hạnh của người viết vậy.

Ban Cầm
.
.