Quy trình cho ai?

Tất cả đều đúng quy trình

Thứ Tư, 06/07/2016, 16:22
Nếu tất cả đều đúng quy trình, tại sao đám đông lại hồ nghi?

1. Câu chuyện con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, câu chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang... đều có một điểm chung, ấy là những vị trí mà các vị này từng kinh qua luôn để lại những khoản lỗ từ trăm tỷ cho đến hàng ngàn tỷ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội từng phải thốt lên: “Thiếu quy định về quản trị công thì người có chức có quyền dễ lạm quyền. Tiền của Nhà nước, của dân bị thất thoát cũng từ nguyên nhân đó”.

Có một thực tế là những khoản lỗ của các tập đoàn có yếu tố Nhà nước, các tổng công ty quốc doanh ngày càng nhiều lên, toàn lỗ nghìn tỷ. Trong khi, bức tranh ngân sách lại xấu hơn bao giờ hết, chi vượt thu, nợ công tăng cao, nhìn quanh chỉ thấy một màu mờ mịt.

Ấy vậy mà, những người đứng đầu các tổng công ty gây ra khoản lỗ trên lại được đề bạt hay luân chuyển đến vị trí nào đó, vẫn là các vị trí lãnh đạo.

Không chỉ mình đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, mà ngay cả Bộ trưởng Bộ Công thương đương nhiệm là Trần Tuấn Anh cũng phải chỉ đạo việc tổng rà soát bao gồm cả các trường hợp tiếp nhận người từ bên ngoài về và các trường hợp được điều động từ Bộ Công thương về nắm giữ các vị trí trong hội đồng quản trị, ban giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu báo cáo về công tác quy hoạch cán bộ trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015. Theo tinh thần chỉ đạo này thì Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp thông tin là chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương rà soát lại hồ sơ cán bộ để làm rõ những vấn đề mà báo chí nêu và báo cáo tập thể Ban Cán sự.

2. Câu chuyện mà người dân vẫn thường nghe nhất là “Việc bổ nhiệm đúng quy trình”, trên thực tế, rất đúng quy trình.

Một luật sư chơi với tôi kể rằng, anh dành thời gian nghiên cứu về trường hợp của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương giới thiệu con trai mình về đảm nhận một trong các vị trí lãnh đạo tại tập đoàn kia hoàn toàn không có gì sai luật. “Dĩ nhiên, luật thì không sao, còn họ lách như thế nào thì có lẽ chúng ta đều đã rõ”.

Nhà báo Phạm Gia Hiền, anh bạn cực thân của tôi mấy đêm trước inbox qua Facebook một đoạn anh viết. Anh hỏi, “Nghĩ gì không?”. Tôi trả lời bằng cái icon có hình khuôn mặt người, vì thú thật tôi chẳng nghĩ thêm gì được cả.

Minh họa: Hữu Khoa.

Anh Gia Hiền viết, “Ở Nghệ An, cách đây chừng bốn năm, từng tồn tại một bộ máy chính quyền xã được thiết kế theo mô hình cây phả hệ. Nắm quyền 13 năm, ông chủ tịch xã chuyển sang làm... bí thư, nghĩa là cũng luân chuyển, nhưng chẳng đi đâu cả.

Bên dưới, con trai ông giữ chân chánh văn phòng, anh ruột ông phụ trách văn thư lưu trữ, các em họ ông người thì phụ trách dân quân tự vệ, người thì làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, anh họ ông quản lý văn hóa xã, cháu họ ông là bí thư chi đoàn, em dâu ông làm trưởng ban tài chính kế toán. Và dưới cái gia đình ấy, để quản lý một cái xã con con với 13 thôn, người ta tính ra có tới ngót nghét 200 cán bộ ăn lương Nhà nước.

Người dân ở xã đấy giống như nhiều nơi trong tỉnh và nhiều chỗ trên cả nước: nghèo. Họ nai lưng làm lụng, có lẽ rồi cũng chấp nhận hết những gì vô lý diễn ra trong bộ máy chính quyền địa phương, và nuôi sống cả bộ máy ấy bằng mồ hôi nước mắt của mình.

Họ không ly nông, không ly hương, không luân chuyển. Đôi khi họ bị bắt, khi liều mình vượt biên làm chuyến buôn gỗ lậu mong kiếm chút vốn lận lưng. Những sự cố như thế có thể làm 13 thôn có chuyện để mà xôn xao ít ngày, còn thì nói chung họ im lặng mà sống, mà nuôi cán bộ”.

3. Khi viết đến đây, tôi nhớ về cụm từ trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chiếc Lexus LX-570 có giá hơn 5 tỷ của ông Trịnh Xuân Thanh, cụm từ “Coi đây là việc cần làm ngay”. Cụm từ này khiến tôi rất xúc động và trào dâng một nỗi niềm tin tưởng. Bởi nhẽ, công tác tổ chức, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ là một trong những công tác vô cùng quan trọng và nhất định phải cẩn trọng ở bất cứ thể chế nào.

Vì vậy, việc ông Trịnh Xuân Thanh ngoạn mục thoát khỏi vũng lầy thua lỗ để thênh thang đường quan lộ chắc chắn không thể không khiến dư luận đặt những câu hỏi nghi ngờ về lỗ hổng hay động cơ trong việc đề bạt cán bộ.

Trong chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh có đưa ra 5 chương trình, một trong 5 chương trình đó là: “Tu dưỡng đạo đức, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cục bộ địa phương, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội”.

Thế nhưng, giữa lời nói và hành động lại cách xa nhau một trời một vực. Riêng chuyện cưỡi cái xe Lexus LX-570 của ông Trịnh Xuân Thanh đủ hiểu ông ấy tu dưỡng đạo đức và chống chủ nghĩa cá nhân đến đâu.

Tiền nhân đúc kết: “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Vì vậy, tôi cho rằng cụm từ trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Coi đây là việc cần làm ngay” chính là một tín hiệu mạnh mẽ cho công cuộc chấn chỉnh lại lề lối đề bạt cán bộ lãnh đạo.

Bởi như đồng chí Tổng Bí thư đã từng thẳng thắn: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng còn chưa được bảo đảm thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”.

Quan trọng hơn, quy trình thì đúng hết, nhưng đúng cho ai và đúng để phục vụ ai?

Ngô Nguyệt Hữu
.
.