Tâm sự người làm báo

Thứ Hai, 21/06/2021, 07:10
LTS: 21-6, ngày của những người làm báo. Và, sẽ không có gì ý nghĩa hơn khi ANTG Giữa tháng gửi tới các bạn một chuyên đề nhỏ, là tâm sự nhỏ của những người cầm bút “trò chuyện” với độc giả hằng ngày...


Có một thế giới riêng...

Cách đây hơn mười năm, khi thị trường báo giấy bắt đầu suy giảm, tôi được đi học một khóa về báo điện tử. Ai cũng cho rằng đây là tương lai: các trang web mọc lên như nấm trên Internet, Google Analytics (để đo lượt đọc thời gian thực) trở nên phổ cập và chuyện giật tít để thu hút người dùng vào trang chưa bao giờ quan trọng đến vậy.

Vài năm sau, khi các trang web báo điện tử nhiều đến nỗi các độc giả (và cả chính tôi) hầu như không còn tự gõ trực tiếp tên miền của một tờ báo lên thanh trình duyệt nữa (mà phải thông qua một tên miền trung gian nào đó), thì các công cụ kỹ thuật để tối ưu hóa tìm kiếm trên Google, gọi chung là “làm SEO”, lại trở nên hợp thời. Tôi biết nhiều tờ báo đến giờ vẫn phải hy sinh tít bài lẫn nội dung để phục vụ cho SEO, giúp bài viết có lượt đọc nhờ hiển thị trên thanh tìm kiếm nhiều hơn.

5 năm trở lại, khi Facebook hay Tiktok tăng trưởng mạnh thì vận dụng các công cụ mạng xã hội lại thành xu hướng. Người làm báo bắt đầu phải cập nhật thêm các khóa học về mạng xã hội, để có thể kéo người đọc từ Facebook vào trang báo của mình.

Từ khi bắt đầu làm báo đến giờ, tôi đã không ít lần chứng kiến, thậm chí trực tiếp tham gia các xu hướng này, với mục tiêu chung là gia tăng lượt đọc, đáp ứng đủ chỉ tiêu để thu hút tiền của các nhà quảng cáo.

Nhưng, trong hơn mười năm chạy theo các xu hướng không ngừng nghỉ ấy, tôi cũng chứng kiến không ít tờ báo đóng cửa, trong đà suy thoái chung của báo chí trong nước lẫn thế giới. Một trong những tờ báo lớn bậc nhất cả nước giảm đến 9/10 số lượng phát hành trong hơn một thập niên qua. Cho đến giờ, rất hiếm tờ báo còn sống được bằng nội dung thuần túy.

Bây giờ, chúng ta bắt đầu lại nói về báo chí thu phí, với một “giọng” tương đương khi đề cập đến các xu hướng trước đây: khi lượt đọc cạn kiệt và miếng bánh quảng cáo đã bị những gã khổng lồ như Facebook hay Google ngoạm miếng to nhất, thì dựng tường thu phí là một nỗ lực hòng cứu vãn doanh thu của các tờ báo.

Nhưng, sau hơn một thập niên, hầu hết chúng ta bước vào xu hướng này với nền tảng trống rỗng, như đã hòa theo các xu hướng vội vã trước đây, với nội dung không còn nhiều sự sâu sắc thấm thía trong khi quá nhiều thủ thuật câu view. Rất nhiều phóng viên đã học về SEO, cách chia sẻ bài trên Facebook, giật tít... nhiều đến nỗi quên đi rằng họ cần phải có khả năng lẫn cảm xúc để tạo ra những sản phẩm đủ để có độc giả trung thành.

Nếu nhìn báo chí như một thị trường đơn thuần thì việc cập nhật các xu hướng không có lỗi. Giống như những dây chuyền sản xuất phải cập nhật công nghệ và cố gắng tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Nhưng, nếu nhìn bài báo như một “tác phẩm” có tính cá nhân, nơi cái độc giả cần đôi khi không phải là các bài báo chạy theo thị hiếu, mà là một góc nhìn và cách kể chuyện khác đi, thì việc lia lịa update này rõ ràng có vấn đề, với một sự ưu tiên mù quáng dành cho phương thức, thay vì nội hàm sản phẩm.

Bởi, cuối cùng thì nội dung tốt sẽ sống sót trên mọi nền tảng, bất kể xu hướng của thị trường đang là gì. Những nhà báo giỏi tôi biết trong hơn một thập niên qua đều dịch chuyển dễ dàng qua cơn lốc số hóa chỉ bằng nội lực của họ, không phải với các thủ thuật SEO hay Facebook.

Họ chọn các... môi trường nội dung khác. Có người đã trở thành biên kịch phim, người thì dẫn dắt xu hướng trên mạng xã hội, người làm YouTube... Tất cả đều thành công. Khi báo chí trở thành một cuộc chạy đua vô vọng và cố gắng thỏa mãn thị hiếu số đông thì những nhà báo giỏi vẫn có tiếng nói độc lập ở các nền tảng khác, bằng chính cá tính của họ.

Tất nhiên là tôi không có ý bài trừ toàn bộ những đóng góp của các xu hướng công nghệ để định hình báo chí của ngày hôm nay nhưng cũng tin rằng những câu chuyện hay nhất thường được kể bởi những người đã bất chấp các biến động thời cuộc, những xu hướng công nghệ thời thượng hay chuyện tiền nong, để trăn trở và giữ lại phần lớn thế giới quan rất cá nhân của họ, thay vì mặc cho thị trường nhào nặn tuyệt đối.

Bởi, rốt cục khi đặt tay lên phím, dù vẫn phải tự cân nhắc các khả năng khi sản phẩm ra đời, thì phía trước một người viết là một cõi riêng của anh ta. Việc kiếm tiền cho tờ báo và đặt ra các chỉ đạo hay cải tiến xu hướng nội dung là quyền của các lãnh đạo báo chí nhưng mỗi bài báo viết ra, về cơ bản, vẫn là lựa chọn của cá nhân nhà báo. Một bài báo trên đường thành hình thực ra vốn là thứ thị trường thò tay được vào rất ít, nếu người viết chủ động tạm lánh khỏi quỹ đạo của nó.

Trong kỷ nguyên hậu sự thật, khi báo chí không còn đơn thuần là tin tức, mà phải tự tạo ra giá trị cho mình bằng những góc nhìn và cách diễn đạt mới, hãy để một nhà báo sống và viết, trước hết, từ thế giới riêng của nội tâm anh ta. Thị trường và các xu hướng có thể nhào nặn giao diện, thậm chí thay đổi nhân sự của tờ báo nhưng quy luật của một cá nhân cũng có thể đứng ngoài quy luật của thị trường, một khi anh ta bắt đầu viết.

Cho dù khi viết xong, những lo ngại cơ bản về miếng cơm manh áo và việc liệu bài có đủ lượt đọc để chấm nhuận bút mức tốt không có thể sẽ lại ập đến. Giống như những ngoại cảnh thường thấy của cuộc sống, vốn chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng, sống với lựa chọn này, với những khoảnh khắc được tạm bỏ qua những vướng bận để viết, cũng là cách chúng ta tự diễn đạt mình một cách có ý nghĩa. Báo chí là một con đường không tồi để nghĩ về điều đó, ít nhất đối với cá nhân tôi.

Phạm An

Những nhà báo đút chân gầm bàn

Dịp kỷ niệm 21-6 năm nay, tôi gợi ý vài đồng nghiệp thân thiết xem phim “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty”.

Phim không nằm trong bất kỳ bảng xếp hạng nào của điện ảnh thế giới về người làm báo. Nếu xét đến các tiêu chí kỹ thuật của một tác phẩm điện ảnh, từ quay phim, đạo diễn đến diễn xuất, tôi - một khán giả chất phác - cũng nhận ra rằng nó không có cửa so sánh với “All Presidents Men” (Những tay sai tổng thống) hay “The Insider” (Tay trong), nơi mà các bậc thầy như Al Pacino hay Robert Redford bắt khán giả phải nín thở chỉ bằng cảnh họ gọi điện thoại phỏng vấn.

Những tác phẩm kinh điển về nghề báo thường mô tả nhà báo là những bậc yêng hùng, xông vào hiểm nguy, thậm chí bị đe dọa mạng sống, mưu trí, khôn khéo tìm ra chân tướng sự thật. Bob Woodward của The Washington Post quyết bóc trần các sự thật của vụ Watergate, đương đầu với Tổng thống Nixon. Lowell Bergman của đài CBS tuyên chiến với các ông trùm ngành thuốc lá. Gary Webb của San Jose Mecury quyết vạch trần những âm mưu của CIA, cho đến tận lúc chết. “Người làm báo” mang một khuôn mẫu trong nghệ thuật như vậy.

Phim “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty” mô tả về một người làm báo khác. Walter Mitty là một biên tập viên ảnh của tạp chí LIFE. Văn phòng của anh là một cái nhà kho kín bưng chất đầy phim và ảnh rửa. Anh ở đó, nhận ảnh từ các phóng viên hiện trường yêng hùng, cần mẫn tráng phim, xử lý, để đăng những bức ảnh đẹp nhất lên báo. Anh cũng chẳng có tham vọng gì lớn hơn là được làm công việc ấy mãi. Walter được thủ vai bởi Ben Stiller, người có thể mô tả xuất sắc... sự cù lần.

Nhiệm vụ lớn nhất của Walter Mitty, thứ làm nên nội dung bộ phim, cũng không có gì lớn lao: Tạp chí LIFE bản in bị đóng cửa, Walter được giao xử lý trang bìa của số cuối cùng. Nhưng, anh tìm mãi không thấy ảnh của phóng viên hiện trường gửi ở đâu và bộ phim tả về hành trình đi tìm kiếm một tấm phim do người khác chụp. Cũng chẳng phải tác vụ báo chí gì ghê gớm lắm.

Nhưng, trên các mạng xã hội, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều lời thú nhận: “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty” làm họ xúc động. Một số người yêu điện ảnh thậm chí viết, “Đây là bộ phim bị đánh giá thấp nhất mọi thời đại”. Một vài người khác, khẳng định rằng bộ phim đã thay đổi cuộc đời họ.

Và tôi, một người từng làm báo, dù đã xem “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty” hơn một lần, vẫn hay nghẹn ngào khi nhớ về cảnh cuối cùng của bộ phim. Các đồng nghiệp tôi rủ xem phim cũng thú nhận như thế. Và, có thể bạn cũng giống tôi, nếu dành thời gian chịu đựng sự cù lần của Ben Stiller trong dịp 21-6 này.

Thực ra, để một trang báo đến với độc giả, những người như Walter quan trọng không kém một nhà báo xông pha nơi thực địa. Họ ngồi đó, trong tòa soạn quanh năm ngày tháng, nhận bài và ảnh của người khác gửi về. Công việc có vẻ nhàm chán và các tác vụ gần như lặp lại. Họ đọc chính tả, sửa ngữ pháp, lựa chọn và căn chỉnh ảnh. Họ tìm kiếm tài liệu hàng giờ, bổ sung các thông tin nền cho phóng viên ngoài thực địa. Đôi lúc, họ gọi cho phóng viên để kiểm chứng và đưa ra những yêu cầu về thông tin hoặc các nhắc nhở (thường gây khó chịu cho người ở hiện trường) về nguyên tắc.

Gọi họ là “biên tập viên” cũng được. Nhưng, gọi chung vậy vẫn có thể gây hiểu nhầm: có rất nhiều biên tập viên tham gia sâu vào các hoạt động tác nghiệp, hỗ trợ điều tra. Biên tập viên, đặc biệt là các lãnh đạo tòa soạn vẫn có thể đóng vai “anh hùng” và đưa ra những quyết định chấn động.

Tôi chỉ muốn nói về những con người sẽ không bao giờ là anh hùng. Họ luôn đứng phía sau, xa ánh nhìn của công chúng. Nhưng, những trang báo sẽ không bao giờ ra đời nếu không có những con người ấy.

Có thời, tôi cũng chịu định kiến “anh hùng” và nhất mực tin rằng phải lăn lê ngoài hiện trường mới xứng danh người làm báo. Báo chí là gì nếu không chạm vào thực tế? Nhưng rồi qua thời gian, khi tuổi nhiều lên, tôi nhận ra rằng trong một hệ thống, không có ai ít quan trọng hơn ai. Một vị trí công việc ra đời và tồn tại là bởi nó thiết yếu. Và bất kỳ ai phụng sự hết sức cho một công việc, dù đó là đọc chính tả, làm kế toán hay lái xe, cũng xứng đáng nhận sự tôn trọng cao nhất.

Tôi dành nhiều thời gian trong đời mình để dẹp đi cái Tôi của một tác giả. Tôi lắng nghe ý kiến của những người xử lý bài mình (dù phải thú thực rằng có thời tôi đã luôn căn cứ vào sự nổi tiếng, vào thu nhập, vào việc tôi ở hiện trường còn họ ở nhà để hậm hực rằng “ông có giỏi bằng tôi đâu”). Nếu cảm thấy có gì cần nói, tôi đưa nó ra dưới dạng các đề xuất: Liệu có thể làm thế này không? Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ làm theo lời người chịu trách nhiệm cuối. Nếu họ được giao xếp trang báo này, nghĩa là họ được quyền cắt bài tôi từ 2.400 chữ xuống 800 chữ nếu có lý do thỏa đáng, mà tôi không nên thấy phiền lòng. Ai cũng đã làm hết sức cho công việc của mình.

Tôi dành nhiều thời gian để nói với các em, học trò hay nhân viên mình sau này về thái độ ấy. Sau này, khi hoạt động trong nhiều lĩnh vực sáng tạo khác, tôi cũng ưu tiên quyết định của đối tác: trong một khoảnh khắc, ai cũng thế, ta có thể tự ái và tin rằng cái mình vừa làm ra là cái đúng tuyệt đối, là đứa con tinh thần và mang màu sắc thiêng liêng. Sao anh kia, một gã cổ cồn cả đời chỉ làm việc dưới ánh đèn neon, theo quy trình, lại dám động vào đứa con của tôi? Đó là một suy nghĩ dễ gặp. Tôi phải học cách từ bỏ và truyền thụ cho các đồng sự trẻ tinh thần này. Vì để cỗ máy chạy được, cần tôn trọng thiết kế của nó.

Khi nhắn tin rủ đồng nghiệp xem “Cuộc đời bí mật của Walter Mitty”, tôi nói: “Phim này là để tri ân những người anh/chị đấy”. Họ đều là những người đứng sau màn nhung. Và, ngoài sự tôn trọng, tôi còn biết ơn họ vô vàn.

Đức Hoàng

Họ có “yêu” nhà báo hay không?

Người đời nghĩ về những người làm báo như thế nào? Đó luôn là câu hỏi váng vất trong đầu tôi mỗi khi gặp một người mới và tôi được giới thiệu với họ tôi là nhà báo. Với tôi, nó như một mặc cảm nghề nghiệp. Họ tôn trọng? Họ nể vì? Họ sợ và ngại? Hay họ ghét cay ghét đắng? Ngần ấy câu hỏi cứ hiện ra. Và, tôi cũng băn khoăn, không hiểu các đồng nghiệp có mang cái mặc cảm ấy không.

Mỗi năm, đến cữ Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi vẫn trào lộng đăng trên trang cá nhân của mình hai câu vè “Hôm nay chúc tụng rất hăng/ Ngày mai chúng lại gọi thằng với con”. Gọi là trào lộng cho vui nhưng thật ra là đau. Chẳng ít lần tôi từng đọc được bình luận của độc giả về cánh làm báo chỉ vẻn vẹn mấy chữ đại loại “cái thằng/con nhà báo này viết vớ va vớ vẩn” hay “toàn bọn khối C 3 môn 9 điểm mới đi làm báo”. Chua xót thật sự.

Rồi tôi xem bộ phim truyền hình dài tập về Pablo Escobar, trùm ma túy Colombia, tôi càng tin tưởng mạnh mẽ hơn chuyện người đời nhìn nhận nhà báo khá là khinh khi. Trong phim có một nhân vật nữ ký giả, tên là Nikki, vốn dĩ được xây dựng từ người thật. Nữ ký giả được lấy làm hình tượng cho Nikki chính là Maria Jimena Duzán của tờ El Espectator, một tờ báo quyết liệt chống mafia có tổ chức ở Colombia thời gian đó. Nhưng, phải thừa nhận, ở ngoài đời, hành động của bà Maria Jimena Duzán đáng quý, đáng trọng bao nhiêu thì trong phim, nhân vật Nikki trở nên hợm hĩnh (vào quyền lực báo chí), lấc cấc và nhỏ nhen bấy nhiêu. Đó chính là một cái nhìn thực sự méo mó về người làm báo được chính những nhà làm phim thể hiện ra. Có lẽ, với họ, “đám ký giả” chẳng khác gì một lũ kền kền đúng nghĩa.

Tôi từng quen một cô bạn gái cách đây khoảng 12 năm và khi dẫn tôi về chào bố mẹ, nàng có nói một câu khiến tôi điếng cả người “đừng nói anh làm nghề gì ngoài nghề âm nhạc vì mẹ em ghét nhà báo lắm”. Chuyện chẳng qua liên quan đến một đường dây đa cấp mà báo chí phanh phui và chẳng hiểu sao, mẹ nàng liên quan tới đường dây ấy. Chúng tôi rồi cũng chia tay, vì hết yêu nhau chứ không phải vì nghề báo. Nhưng, đó cũng là một ký ức ám ảnh thật sự.

Tại sao người ta không có thiện cảm với người làm báo?

Mới đây, trên một diễn đàn mà tôi được anh em đồng nghiệp mời tham dự, chỉ liên quan đến bóng đá và thể thao đơn thuần, có một độc giả (?) đưa một tấm ảnh chụp lại “thumbnail” của một trang báo điện tử xoay quanh bài phỏng vấn thủ môn Bùi Tấn Trường. Đại khái, khi được hỏi liệu việc thủ môn Văn Lâm không thể sang UAE tham gia Đội tuyển quốc gia có phải là cơ hội cho Tấn Trường hay không, Trường trả lời hồn nhiên rằng cạnh tranh vị trí là chuyện bình thường và ai bắt tốt thì HLV Park Hang-seo sẽ cho ra sân, Văn Lâm sang UAE cũng chắc gì đã chắc suất bắt chính. Nhưng, trang báo kia chỉ giật đúng một câu in đậm nét trên thumbnail ấy là “Đâu phải Văn Lâm sang UAE là chắc suất được bắt chính”. Và độc giả kia có một nhận xét đáng suy ngẫm “Cầu thủ còn chưa ra sân mà truyền thông đã lèo lái, câu tương tác kiểu này thì liệu còn tinh thần chiến đấu không?”.

Đáp lại với quy kết trên của độc giả đó, nhiều đồng nghiệp của tôi đã bảo vệ nghề báo bằng lập luận “Câu này Trường có nói”. Tôi không tham gia tranh luận (vì hèn nhát?) nhưng tôi cho rằng độc giả kia đúng. Anh ta bắt đúng bệnh của báo chí hiện đại. Đó là để câu lượt đọc, sẵn sàng trích dẫn ngoài văn cảnh những câu gây sốc. Nó có lèo lái hay không? Tự thân chúng ta hiểu. Hoàn toàn có thể người làm báo không cố ý nhưng vì những áp lực của lượt xem đã khiến họ đưa ra những thứ có khả năng lèo lái thực sự.

Đến lúc này, tôi mới hiểu vì sao người ta ghét người làm báo đến thế.

Ở thời đại này, khi mạng xã hội cấp cho mỗi người một cái quyền làm báo, uy lực truyền thông của nhà báo càng trở nên mạnh mẽ hơn nếu khai thác tốt đủ mọi kênh họ có trong tay. Thời xưa, viết một bài báo, dù hay, dù đúng nhưng không hợp ý của sếp, không nằm trong tinh thần phát ngôn chủ đạo của tòa soạn, bài báo ấy coi như đã chết. Nhà báo không thể gửi đăng ở báo khác (vi phạm quy định cơ quan) với một bút danh khác. Cơ bản, ở những câu chuyện cần xác tín bằng tính chính danh, nhà báo cần cái tên mình gắn vào bài viết để khẳng định mình lẫn câu chuyện của mình. Còn thời nay, nhiều người suy nghĩ rất đơn giản: “Ông (chủ biên) không đăng, tôi đăng Facebook”. 

Và, sự cuốn hút của lượt tương tác độc giả được thể hiện qua “like”, “comment”, “share” nhiều khi khiến nhà báo say đòn. Không ít người, để nuôi dưỡng cái vị thế KOLs của mình, đã tự ép mình sống dưới một áp lực. Đó là ngày nào cũng phải viết một thứ gì đó xu thời. Dần dà, họ lao vào cả những vấn đề mà họ thiếu kiến thức để rồi ra rả trên “báo mạng xã hội” là rất nhiều tiếng nói bi bô, nông cạn. Bảo sao, người ta vốn đã thiếu thiện cảm với người làm báo, lại càng ghét hơn khi họ phải đọc những thứ của “những kẻ đưa chuyện thiển cận”.

Đến đây, tôi bắt đầu suy nghĩ một cách cặn kẽ hơn về nghề của mình.

Rõ ràng, báo chí là gì? Nó là thông tin, dữ kiện, sự thật, quan điểm. Và, cấu thành cuối cùng là một câu chuyện được phản ảnh bởi cái tôi rất lớn của người viết. Độc giả cần cái tôi ấy. Cũng một vấn đề thời sự thôi, cả trăm người đưa tin giống nhau nhưng tại sao chỉ có vài người có bạn đọc. Đó là vì họ thể hiện được cái tôi trong nó. Báo chí chính thống không cho phép họ bộc lộ cái tôi quá mức (trừ phi họ là cây đa cây đề được đặt hàng hẳn một bài viết cần đưa cái tôi quan điểm lên cao nhất). Báo chí phi chính thống, báo chí cá nhân cho họ quyền thể hiện cái tôi vô hạn định. Và, nhiều khi, “tôi” quá hóa “toi”.

Đã bắt đầu phổ biến tình trạng hời hợt, thậm chí là vi phạm đạo đức nghề, vi phạm pháp luật khi đề cao cái tôi trong việc kể câu chuyện của mình, dưới một áp lực sản xuất tin bài hằng ngày. Một ví dụ rất nhỏ nhưng đáng suy ngẫm, cũng chính là câu chuyện gần đây tôi chứng kiến và giúp dàn xếp giải quyết. Một nhóm tổ chức sản xuất nội dung YouTube do một đồng nghiệp của tôi đầu tư xây dựng đã lấy hình ảnh, video, nội dung của các đồng nghiệp khác để xào nấu lại thành nội dung của mình. Không có kiện tụng nhưng đã có chê trách qua lại. Rõ ràng, cậu đồng nghiệp kia đã sai và tôi chỉ yêu cầu cậu ấy “Em nên nhận lỗi. Trách nhiệm là của em dù nhân viên em thực hiện. Vì dù sao, tên em gắn vào kênh YouTube đó chứ không phải một cái tên tập thể”.

Hành vi ăn cắp nguyên liệu câu chuyện thật ra đã phổ biến từ thời chưa có báo điện tử, chưa có mạng xã hội. Nhưng, sau này, khi internet và mạng xã hội cùng các công cụ tìm kiếm giúp người ta tiếp cận đa dạng nguồn tin hơn, cộng đồng cũng dễ phát hiện các hành vi vi phạm ấy. Trong nghề, anh em phóng viên vẫn gọi đó là kiểu “chẻ củi nấu cơm trên lưng đồng nghiệp”.

Thực sự, ngày xưa, một nguồn nguyên liệu chỉ giúp một nhà báo tạo ra một sản phẩm báo chí duy nhất, hoặc báo viết, hoặc báo nói, hoặc báo hình thì hôm nay, một nguồn nguyên liệu duy nhất giúp người làm báo tạo ra được nhiều dòng sản phẩm song song. Đó là một lợi ích lớn. Bù lại, dường như nhiều người quên mất rằng nguồn nguyên liệu mới là quan trọng nhất chứ không phải dòng sản phẩm báo chí đầu ra là quan trọng nhất. Bởi thế, họ say sưa với các kênh truyền thông riêng và chung mà họ có thể sử dụng, song quên béng việc tối quan trọng là khai thác tài nguyên nguyên liệu thế nào. Dưới áp lực duy trì sản xuất hằng ngày để nuôi dưỡng sự nổi tiếng, khả năng họ làm sai với đạo đức nghề ngày càng lớn.

Thế thì dư luận có thể yêu nhà báo được hay không?

Câu hỏi ấy, tôi cứ tự hỏi mình trước đã. Để tự hiểu rằng, làm báo không phải để trở nên nổi tiếng.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.