Tại sao sân khấu xã hội hóa thăng trầm?

Chủ Nhật, 21/06/2020, 15:36
Cụm từ “sân khấu xã hội hóa”, như một cách định danh, chính thức ra đời từ sau năm 1997, khi Nhà nước ban hành chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật.

Theo đó, bên cạnh các đơn vị sân khấu công lập từ trung ương đến địa phương còn có các đơn vị sân khấu phi công lập, do các cá nhân hoặc các nhóm xã hội khác nhau thành lập, vận hành theo luật định chung và theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, lời ăn lỗ chịu.

Thật ra, nếu phải “gọi sự vật bằng tên của nó”, theo cách nói quen thuộc của F. Engels, thì sân khấu xã hội hóa chính là sân khấu tư nhân: sân khấu thuộc sở hữu của tư nhân, sân khấu phản ánh các khát vọng đa dạng của những ông chủ bà chủ điều hành nó, và có thể, cũng phản ánh luôn cả số phận làm nghề của họ.

Trong một quãng thời gian khá dài, chừng trên dưới mười lăm năm kể từ khi chủ trương xã hội hóa được ban hành, sân khấu tư nhân chủ yếu phát triển ở khu vực phía Nam đất nước, mà cụ thể là ở thành phố Hồ Chí Minh, và mạnh nhất là ở sân khấu kịch nói.

Một cảnh trong vở kịch “Huyền thoại gò Rồng Ấp”- Ảnh: LG.

Đó là quãng thời gian mà người quan sát kịch trường Việt Nam có thể nhận thấy rất rõ hai mảng đối lập trên cùng một bức tranh: nếu miền Bắc, với hầu hết các đơn vị sân khấu công lập chỉ dựng vở theo chỉ tiêu hàng năm, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị chứ không phải để bán vé, nên hoạt động khá buồn tẻ thì miền Nam, với các đơn vị sân khấu tư nhân, đã thực sự chứng minh được phẩm tính “hàng hóa tinh thần đặc biệt” của tác phẩm sân khấu, khi các nhà hát đỏ đèn hàng đêm, khán giả ngồi kín ghế, lịch diễn của các đơn vị luôn có trước cả vài tháng, nghệ sỹ được thỏa mãn khát vọng sáng tạo và hoàn toàn có thể sống tốt bằng nghề, chỉ diễn và diễn.

Những cái tên như sân khấu IDECAF, sân khấu Trần Cao Vân, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu Hoàng Thái Thanh… đã trở nên những ví dụ tuyệt vời cho vẻ sinh sắc và sức phấn phát của sân khấu tư nhân miền Nam, nếu đặt bên cạnh sự lờ đờ uể oải của sân khấu “quốc doanh” miền Bắc. Mô hình này thành công đến mức, năm 2006, Bộ Văn hóa – Thông tin (tức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bây giờ) đã có thể dựa vào nó để tổ chức cả một Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, một “sân chơi” của chỉ sân khấu tư nhân, nơi mà tình yêu với thánh đường nghệ thuật của khán giả được thỏa mãn đến mức tối đa.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, người luôn theo sát những chuyển động của kịch trường Việt Nam suốt hơn ba mươi năm qua, thành viên Hội đồng giám khảo của Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006, vẫn nhớ như in cái không khí “hội hè miên man” của kỳ Liên hoan ấy: Đơn vị nào tham gia ứng thí thì diễn ngay tại rạp của đơn vị ấy, chỉ cần lệch khung giờ đủ để Hội đồng giám khảo di chuyển từ rạp này đến rạp kia là được.

Vậy là, suốt hơn một tuần, ngày nào các giám khảo cũng di chuyển như con thoi giữa lòng Sài Gòn hoa lệ mà không biết mệt. Cùng với khán giả mộ điệu, họ được xem sân khấu, nghe sân khấu, ăn sân khấu, ngủ sân khấu, khóc cười với sân khấu, thăng hoa và thậm chí lên đồng cùng sân khấu. (Xin nhắc lại, đây là sân khấu tư nhân, và chỉ sân khấu tư nhân mà thôi).

Cảm động nhất, trong ký ức của PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, là khi Ban tổ chức, tức Bộ Văn hóa – Thông tin, quyết định trao tặng cho tất cả các đơn vị tham gia Liên hoan mỗi đơn vị 10 triệu VNĐ. Số tiền không nhiều, thậm chí so với tiềm lực của các đơn vị sân khấu tư nhân thì nó chỉ bé… như một ký hiệu, thế nhưng nó là động thái ghi dấu sự công nhận đến mức trân trọng của cơ quan quản lý văn hóa cao nhất đối với vị thế và những đóng góp đầy ý nghĩa của sân khấu tư nhân trong sự phát triển văn hóa xã hội của đất nước nói chung. Đứa con ghẻ đã lên ngôi, có thể nói như thế.

Một cảnh trong vở “Dạ cổ hoài lang” - Ảnh: LG.

Mà nói như thế cũng vẫn là chưa nói đến cái đáng nói nhất mà sân khấu tư nhân miền Nam đã làm được trong suốt quãng thời gian trên dưới mười lăm năm kể từ khi chủ trương xã hội hóa được thực hiện. Nó, sân khấu tư nhân, chính là cái lò hun đúc, đào luyện nên cả một thế hệ tài năng của sân khấu Việt Nam, tài năng từ nhà quản lý đơn vị nghệ thuật cho đến tài năng của nghệ sỹ biểu diễn.

Có lẽ chỉ cần nêu hai cái tên quái kiệt chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của sân khấu Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, là đủ để hình dung: ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và đạo diễn, diễn viên “phù thủy” Thành Lộc. Với thế hệ tài năng này, hàng loạt kịch bản xuất sắc đã lên sàn diễn, trở thành những tác phẩm sân khấu quy mô lớn, đạt tới trình độ “tân điển phạm” và làm say lòng biết bao khán giả mộ điệu: “Dạ cổ hoài lang”, “Lôi vũ”, “Câu thơ yên ngựa”…

Thế nhưng đấy đã là câu chuyện quá khứ. Chừng dăm bảy năm trở lại đây, sân khấu tư nhân miền Nam rơi vào thoái trào. Vẫn những nhà quản lý ấy, vẫn những nghệ sỹ với đam mê sáng tạo và cống hiến không vơi cạn ấy, vẫn những khán giả đầy nhiệt thành ấy, nhưng sân khấu tư nhân miền Nam lại thiếu một điều cơ bản: địa điểm biểu diễn cố định. Cái cảnh nay đây mai đó, thay đổi “nhà để hát” liên tục và luôn phải thuê mặt bằng với những mức giá ngày càng đội trời đã khiến các đơn vị sân khấu tư nhân miền Nam thực sự lao đao.

Họ không dám đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất cũng như cho các vở diễn quy mô lớn nữa. Nghệ sỹ diễn trên màn ảnh truyền hình dày hơn diễn trong nhà hát. Khán giả, vì nhiều nguyên nhân, ngày một thưa vắng.

Có thể nói, sân khấu tư nhân miền Nam đang ở trong tình thế cầm chừng, và có lẽ, đang hy vọng vào một động thái hỗ trợ của chính quyền, khi trong thực tế, “xã hội hóa” vẫn luôn được nói đến như một chủ trương đúng, một giải pháp cần thiết để phục hưng sân khấu Việt Nam? (Tin mới nhất: ngày 29 tháng 9 năm 2019, sau một thời gian nỗ lực cầm cự, bà bầu Hồng Vân đã phải tuyên bố đóng cửa sân khấu kịch Super Bowl, đơn giản là vì không thể… cầm cự nổi nữa).

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa ấy, đáng ngạc nhiên là ở miền Bắc, đất của sân khấu “quốc doanh”, lại xuất hiện hai đơn vị sân khấu tư nhân đúng nghĩa: sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc, ra đời năm 2016, và sân khấu LUCTEAM của NSUT Trần Lực, ra đời cuối năm 2017.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cắt nghĩa hiện tượng này: “Nó cho thấy sân khấu đang quẫy đạp hết sức để thoát khỏi hố sâu của cuộc khủng hoảng về khán giả. Sân khấu tư nhân miền Nam đã quẫy đạp như thế, đã thành công rồi đi xuống. Và bây giờ là miền Bắc, nơi chưa từng có mô hình sân khấu tư nhân, cho nên nó đầy hứa hẹn và cũng không ít thách thức”.

Không khó để nhìn ra thách thức lớn nhất, chính là nhu cầu/ thói quen đến nhà hát để thưởng thức tác phẩm sân khấu của khán giả miền Bắc. Khác hoàn toàn miền Nam. Kinh nghiệm cay đắng của nhiều đơn vị sân khấu công lập hàng đầu miền Bắc là, dù vở có hay đến đâu, đêm diễn vé mời có chật rạp đến đâu, nhưng cứ hễ diễn bán vé thì… thê thảm, lượng khán giả mua vé vào xem có khi còn ít hơn số diễn viên của vở diễn.

Sân khấu tư nhân miền Bắc chỉ có thể chiến thắng “sự thiếu tích cực cố hữu” ấy của khán giả miền Bắc bằng cách dựng vở, không phải hay, mà phải thật hay, thật mới lạ, thật hấp dẫn, cực kỳ hấp dẫn. Sân khấu Lệ Ngọc đã làm được điều đó bằng các vở “Kim Tử”, “Ngũ biến”, “Tấm Cám”, “Chí Phèo Thị Nở”, và đặc biệt là sân khấu LUCTEAM qua cuộc hồi sinh ngoạn mục vở “Quẫn” của nhà viết kịch Lộng Chương. Tuy nhiên sau một “Quẫn” thành công rực rỡ, qua “Cơn ghen của Lọ Lem” của Moliere, đến “Nữ ca sỹ hói đầu” của kịch tác gia Pháp gốc Romania E. Ionesco thì LUCTEAM cho thấy… có vấn đề.

Vì đây là một vở kịch phi lý, nó nói những chuyện còn phi lý hơn cả cái phi lý, cho nên nó vô cùng khó hiểu mặc cho đạo diễn có đưa vào những mảng miếng mới mẻ hay cách xử lý tình huống bất ngờ nào. Nó vĩnh viễn là tác phẩm nằm rất xa “tầm đón đợi” của quảng đại công chúng. Một lựa chọn như thế có thể thỏa mãn phẩm tính lãng mạn của người đạo diễn, nhưng nếu vẫn tiếp tục, ắt sẽ là mối nguy không nhỏ đối với một đơn vị sân khấu chỉ tồn tại, vận hành bằng tiền bán vé cho người xem.

Cùng với việc dựng vở, có thể chiến thắng “sự thiếu tích cực cố hữu” của khán giả bằng một cách phát hành khôn ngoan, và sân khấu Lệ Ngọc đang thực hiện rất tốt điều này, là tận dụng mọi mối quan hệ, bán vé với số lượng lớn cho các tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ quan, chứ không bán vé lẻ.

Thêm vào đó, sân khấu Lệ Ngọc còn mở rộng địa bàn hoạt động bằng cách rất chịu khó du diễn Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, chịu khó tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Monaco... (Tin vui gần nhất: với vở diễn “Huyền thoại gò Rồng Ấp” – kịch bản: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên – tháng 9 năm 2019, trong khuôn khổ của “2019 China – Asean Theatre Week”, diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc, sân khấu Lệ Ngọc đã đoạt giải “Vở diễn đặc biệt xuất sắc”, như một thêm vào đầy phấn khởi cho chuỗi thành công liên tục của một đơn vị sân khấu tư nhân mới có vài năm tuổi đời).

Có thể nói, những tín hiệu mới, mang chứa nhiều hy vọng khởi sắc cho sân khấu Việt Nam đang được thắp lên từ hoạt động của hai sân khấu tư nhân đầu tiên ở miền Bắc kể từ khi chủ trương xã hội hóa được ban hành đến nay. Biết rằng đường còn dài và không ít khó khăn đang rập rình đón lõng phía trước, nhưng bước đầu như thế cũng là đủ để chúng ta giữ được niềm tin cho mình rằng, với niềm đam mê và nỗ lực không biết mệt mỏi của các nghệ sỹ, lửa trong thánh đường nghệ thuật có lẽ sẽ không bao giờ tàn lụi.

Hoài Nam
.
.