Soi gương thấy ai
Nắm tay cả ngày
Không ai nắm tay từ sáng đến tối, cũng như không ai lại không phạm sai lầm. Khi chúng tôi thực hiện chuyên đề “Đối mặt sai lầm” đã từng chuyển tải đến quý bạn đọc ý này.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, chỉ có người không làm việc mới không mắc sai lầm. Còn lại, thì ai trong chúng ta đều phải trải qua cảm giác hối tiếc cả.
Răn nhau như thế nào, thiện tâm mở cho nhau một con đường như thế nào, mới là điều đáng bàn.
1. Có nhóm nhạc trẻ tham gia một chương trình truyền hình, không may bị phát hiện có thiếu sót rất nghiêm trọng về mặt văn hóa, kiến thức và vốn sống. Khi nhóm nhạc trẻ này sử dụng một vật được xem như biểu tượng của đồng bào dân tộc để biến thành chiếc khố trong phần trình diễn của họ.
Ngay lập tức, trên Facebook có bài lên tiếng về hành vi vô văn hóa này. Từ Facebook, báo mạng lẫn báo in nhanh chóng vào cuộc.
Mặc cho, nhóm nhạc trẻ đã xin lỗi hết lời. Họ vẫn cương quyết không tha thứ. Không chỉ nhóm nhạc ấy, đơn vị sản xuất chương trình, đài truyền hình phát sóng cũng bị liên đời.
Tất nhiên, có những điều mà chúng ta không được phép sai lầm trong cuộc sống này.
Tuy nhiên, có những điều mà chúng ta không thể biết hết trong đời sống này.
![]() |
Truy nguyên trách nhiệm là một hành động rất hay. Vì phải có người chịu trách nhiệm thì mới có hy vọng sẽ không xảy ra những sự cố trong tương lai.
Đài truyền hình này, vừa bị cơ quan quản lý phạt. Đây là lần phạt rất hiếm hoi của cơ quan quản lý đối với Đài truyền hình này. Dẫu rằng, trước đó họ liên tục có những sai sót khiến dư luận bất bình.
Toàn là những sai sót liên quan đến scandal mà phía đơn vị đối tác sản xuất chương trình của họ vô tình hay hữu ý dựng lên.
2. Sai thì phải xử phạt, đó là nguyên tắc không cần phải lạm bàn nữa. Tôi chỉ muốn nói đến thái độ của đám đông mà thôi.
Tôi tin rằng, không quá nhiều trong chúng ta biết được sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng và vô cùng nhạy cảm ấy. Nếu như không có người “nhắc tuồng”.
Và ngay khi được nhắc tuồng, rất nhiều người lại tỏ ra trên thông thiên văn, dưới tường địa lý để lao vào đả kích không thương tiếc sai lầm của nhóm nhạc, đơn vị sản xuấn lẫn đài truyền hình.
Đây không phải là một thủ thuật ngụy biện của người viết, tôi chỉ cho rằng, nếu người duyệt chương trình hôm đó là tôi hay là bạn, thì chúng ta vẫn có thể mắc sai lầm. Ngoại trừ, những nhà nghiên cứu văn hóa.
Có điều, nếu là một chương trình đơn thuần mang tính giải trí thì quá khó để có một nhà văn hóa làm cố vấn. Mà những nhà nghiên cứu văn hóa có tự trọng thì lại càng không nhận lời ở những chương trình luôn tiềm ẩn quá nhiều chuyện lùm xùm như thế này.
Trong một câu chuyện mà rất nhiều người đều có thể vô tình mắc sai lầm do vốn kiến thức hạn hẹp, chúng ta cần bình tĩnh.
3. Nguồn cơn lớn nhất của sự ầm ĩ này, có lẽ là do thái độ thắng cố của đơn vị sản xuất chương trình lẫn đài truyền hình sau hàng loạt vụ việc khiến đám đông không hài lòng.
Vì như tôi đã nói phía trên, cơn phẫn nộ của đám đông phần nhiều là bởi đây không phải là nhầm lẫn (hay chiêu trò) đầu tiên của đơn vị sản xuất chương trình được sự hậu thuẫn rất âm thầm của đài truyền hình.
Việc xử lý không khéo léo cho những sự vụ ầm ĩ trước đó đã để lại cơn dư chấn trong đám đông, và đây chính là cơ hội để cho cơn dư chấn ấy phát tán.
Và ngẫu nhiên, nhóm nhạc này lại dính vào “mối hận mười năm”.
Cũng nên có những cú tát thẳng tay cho những người vốn luôn nghĩ “ai gào cứ gào, ta làm cứ làm”.
Nhưng, cũng nên bình tĩnh trước những cậu nhóc đang có hy vọng tìm kiếm danh vọng từ nghề ca hát.
Với lại, tôi vẫn thích quan điểm, chuyện gì ra chuyện đó. Dẫu vẫn biết, mỗi cá nhân luôn có một cách nghĩ khác nhau.
Cơn cuồng nộ của đám đông thường rất khó kiểm soát, nhất là khi đám đông vốn dĩ đã có định kiến với đối tượng cụ thể. Người ta chỉ có thể thương lượng với ý kiến, chứ không ai có thể tranh luận với định kiến bao giờ.
Chỉ mong, soi gương thấy mình. Chỉ mong nhắc nhớ nhau, không ai nắm tay được cả ngày, để có thể nhẹ lòng hơn trước những sai lầm không cố ý, trước những hạn chế về mặt kiến thức.
Chứ không phải là một thủ thuật để kiếm danh vọng theo kiểu, mặt nhựa đường cố đấm ăn xôi.
Nghệ sĩ Hiền Mai: Đừng khắt khe, vùi dập nhau
- Mỗi khi nghệ sĩ mắc phải lỗi lầm nào đó thì đa phần bị lên án mạnh mẽ. Dư luận có phần quá khắt khe đối với nghệ sĩ phải không, thưa chị?
- Nghệ sĩ cũng là con người thôi, cũng có rất nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm, không thể đòi hỏi một con người phải hoàn hảo được, đó là điều rất khó. Đôi khi nghệ sĩ cũng có những sai lầm, có thể đó là một vài lời nói không khéo léo, một vài cư xử không hay… thì đó cũng là những điều rất đỗi bình thường. Tôi nghĩ ai trong đời cũng đôi lần như vậy. Nhưng vì là người nổi tiếng, người của công chúng nên nghệ sĩ bị soi mói, tò mò.
Tuy nhiên, chính những điều đó lại là mục đích câu “like”, câu “view” để thu hút sự chú ý của người đọc nên một số cơ quan truyền thông lại “chuyện bé xé ra to”, xem đó là điều ghê gớm lắm. Đó cũng là điều bức xúc của rất nhiều nghệ sĩ khi họ bị người ngoài, báo chí săm soi, chê bai rồi vùi dập một điều không đáng.
Đơn cử là chuyện Tăng Thanh Hà, tôi thấy có một số bài báo đi sâu vào đời tư của cô ấy quá nhiều. Tại sao lại hỏi sao cô ấy lấy chồng đã lâu mà chưa có con? Hay là không thể có con?… Tôi thấy những bài báo đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không tôn trọng sự riêng tư cá nhân người nghệ sĩ.
![]() |
Nghệ sĩ Hiền Mai |
- Như chị đã nói, nghệ sĩ cũng là con người mà “nhân vô thập toàn”, đôi khi họ cũng mắc phải những sai lầm nào và cần sự cảm thông của mọi người. Và nếu có phê phán thì cũng trên tinh thần xây dựng chứ không nên soi mói, vùi dập, đúng không chị?
- Đúng vậy, nếu có phê phán thì hãy phê phán trên tinh thần xây dựng chứ đừng nên chê bai, vùi dập, chỉ trích với những giọng điệu tiêu cực. Nghệ sĩ cũng cần có cơ hội sửa sai để có thể làm tốt hơn sau đó. Và khi họ cảm thấy quá mệt mỏi, chán ngán thì họ không thể cống hiến tài năng của mình cho đông đảo khán giả. Nói chung chúng ta phê phán hay nhận xét về ai đó thì cần đặt lương tâm, đạo đức lên hàng đầu chứ đừng khắt khe, vùi dập không thương tiếc chỉ vì những mục đích cá nhân.
- Là người trong nghề, chắc hẳn chị cảm nhận được rõ ràng áp lực của truyền thông và dư luận là rất lớn đối với người nghệ sĩ?
- Áp lực đó lớn lắm, ngay cả bản thân tôi là người ít bị tai tiếng tôi cũng rất dè chừng để mình không bị vướng vào những lùm xùm rồi bị áp lực không đáng có. Thậm chí, có rất nhiều event lớn mời nhưng tôi rất ngại tham gia, chỉ có những event của bạn bè thật sự thân thiết thì tôi mới đi thôi. Lý do là khi xuất hiện, tôi có cảm giác mình bị soi mói mặc đồ gì, đi giày ra sao, túi xách hàng hiệu bao nhiêu… Hay đơn cử như tôi bị tổn thương cột sống do tai nạn trước đây nên không thể mang giày cao, khi tôi xuất hiện với giày thấp thì có mấy bài báo liền, nào đi giày xắc quắc, không phù hợp, nhà quê… Tôi thấy những điều đó rất tức cười nên cũng không để ý làm gì!
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, rất nhiều nghệ sĩ mắc sai lầm nhưng ít có người có văn hóa xin lỗi chân thành!
Khi tôi biết mình mắc lỗi thì tự bản thân tôi hiểu được rằng tôi là người có lỗi và đã hối hận, dằn vặt lắm rồi. Nhưng khi bị mọi người chỉ trích quá nhiều thì lại chuyển sang tự ái rồi phản kháng lại bằng cách sẽ không bao giờ xin lỗi dù biết mình có lỗi và cũng rất ân hận. Hiểu được tâm lý như vậy, tôi nghĩ mọi người cũng không nên trách móc nghệ sĩ quá nhiều, nếu được như vậy thì sẽ có văn hóa xin lỗi thôi. Tôi tin đó là tâm lý có thật của rất nhiều nghệ sĩ.
- Nhưng với những trường hợp nghệ sĩ cố ý tạo scandal để “đánh bóng” tên tuổi thì khác, chị nhỉ! Những nhân vật này cần sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ từ dư luận. Chị nghĩ sao?
- Trường hợp này xem như là ngoại lệ rồi. Giống như tôi thấy rất nhiều bạn trẻ lên mạng cởi đồ ì xèo, muốn làm nổi bằng cách đó thì không hay chút nào. Mà bây giờ có quá nhiều những trường hợp “nổi tiếng” bằng những hành động như vậy.
Và với những người như vậy thì cần phải làm sao để họ hiểu đó là những hành động không hay ho gì, những việc đó không thể giúp họ nổi tiếng và trở thành người của công chúng được. Có chăng chỉ là sự nổi tiếng không tốt đẹp, không hề được mọi người yêu mến. Mọi người chỉ tò mò muốn xem cô này, cô kia có những chiêu trò gì mà thôi, vậy thì nổi tiếng để làm gì?!
- Tự nhận xét mình, chị có là người khoan dung?
- Tính tôi rất dễ bỏ qua, dễ tha thứ, không thù hằn cũng như để bụng ai hết. Có một số người ghét mình nên họ cứ châm chọc mình hoài, mà mình thấy mình không làm gì cũng như không đụng chạm gì đến họ nên thôi bỏ qua, không quan tâm đến.
Tôi hiền lành nhưng tính rất đàn ông. Ví dụ ai làm gì xấu với tôi, họ xin lỗi, năn nỉ một hai ngày là tôi bỏ qua luôn, rồi sau đó lại thân thiết như anh chị em trong nhà. Nhiều khi thấy mình dễ dãi quá, đó cũng là một điều dở nhưng biết làm sao vì tính tôi từ xưa là vậy, không thể khác được.
- Chắc chị cũng đồng ý trong cuộc sống của mình cần có sự bao dung không chỉ riêng đối với người nghệ sĩ mà còn với tất cả mọi người để cuộc sống này nhân ái và tốt đẹp hơn?
- Như tôi đã nói là con người thì không ai tránh khỏi những lúc sai lầm, sẽ có những lúc mình có những lời nói, hành động, cư xử không hay làm cho người khác khó chịu. Tuy nhiên sau những hành vi đó chắc chắn người ta rất ân hận thì cũng nên khoan dung, bỏ qua. Nếu có chỉ trích cũng nên trên tinh thần góp ý xây dựng thì sẽ làm cho họ hiểu được lỗi lầm của họ hơn. Và nếu được như vậy thì văn hóa xin lỗi sẽ được phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Diễn viên Mai Thu Huyền: Có những va vấp cần được cảm thông
- Người ta nói làm nghệ sĩ khổ sở vì áp lực, chị có thấy thế không?
- Người nghệ sĩ thiệt thòi bởi vì nhất cử nhất động cũng bị để ý, bị dèm pha. Có những câu chuyện rất buồn cười như khi thấy thần tượng của mình ngồi vỉa hè ăn ốc chẳng hạn thì lại thất vọng. Trong khi là con người thì đều có thể ăn uống, sinh hoạt như nhau. Có thể do mọi người quá yêu nhân vật trên màn ảnh, sân khấu nên nghĩ ngoài đời người đó cũng phải như thế và vô hình trung tạo áp lực cho nghệ sĩ.
Nghệ sĩ cũng là con người, cũng cần được tôn trọng cuộc sống cá nhân, hay cũng có những va vấp như người bình thường. Nhưng vì là người của công chúng thì họ lại bị để ý nhiều hơn. Đó là chưa kể dư luận ngồi phân tích, suy diễn ra rất là nhiều chuyện khác. Đối với những người không có bản lĩnh thì họ rất khó vượt qua và bị stress, khủng hoảng.
Với người nghệ sĩ thì hãy nhìn vào tác phẩm của họ mà ghi nhận, còn cuộc sống riêng tư hãy để họ sống đúng với con người của họ. Họ cũng được quyền yêu, được quyền sống. Đó là cái nhìn công bằng của công chúng đối với người nghệ sĩ.
![]() |
Diễn viên Mai Thu Huyền. |
- Hiện tại có rất nhiều trường hợp người của công chúng cố ý tạo scandal để thu hút sự chú ý của dư luận. Cũng chính vì điều đó mà vô tình tạo một cái nhìn càng ngày càng thiếu thiện cảm của công chúng đối với người nghệ sĩ, nhất là khi xảy ra scandal. Và sự khắt khe, sự chỉ trích với nghệ sĩ cũng bắt đầu lớn dần từ đó. Chị nghĩ sao về điều này?
- Đúng là ngày nay có nhiều trường hợp nghệ sĩ cố tình tạo scandal để gây sự chú ý của mọi người mà đấy là những bạn trẻ không có năng lực thực sự. Đương nhiên tôi không ủng hộ điều đó. Còn đối với những nghệ sĩ có năng lực thực sự thì không bao giờ họ làm như vậy để đánh bóng tên tuổi. Họ sẽ lấy được tình cảm của khán giả bằng chính những tác phẩm của mình.
Và như bạn nói, chính những việc đó vô tình làm khán giả nhìn vào giới nghệ sĩ với con mắt thiếu thiện cảm và lúc nào cũng nghĩ họ tạo chiêu trò khi có lùm xùm gì đó xảy ra. Mọi người càng ngày càng trở nên khắt khe với nghệ sĩ, cả khi nghệ sĩ vô tình gặp sự cố đáng tiếc nào đó.
Mọi người cần phải cảm thông rằng, nhiều khi nghệ sĩ bị những scandal từ trên trời rơi xuống, họ rất đáng thương vì tôi hiểu họ không mong muốn điều đó. Nhưng chính điều đó đã tạo áp lực không chỉ với cá nhân họ mà cả những người thân trong gia đình họ cũng bị lôi vào cuộc. Đó là điều không hay.
- Như vậy người nghệ sĩ rất cần được cảm thông, bao dung của công chúng?
- Thật ra nghệ sĩ rất đáng thương và mọi người cũng nên nhìn họ là con người bình thường. Thế nên họ vô tình bị tai tiếng thì cũng nên bỏ qua. Nếu chúng ta vùi dập quá, họ bị áp lực, bỏ nghề thì vô tình chúng ta mất đi một tài năng nghệ thuật. Vì áp lực dư luận khủng khiếp lắm, nó có thể đè bẹp nghệ sĩ khiến họ không thể gượng dậy để tiếp tục con đường nghệ thuật.
Vì thế, mọi người cần có một cái nhìn độ lượng hơn, đồng cảm hơn và cứ xác định họ cũng là con người, họ phải được sống và có những quyền tự do khác, không thể ép họ phải theo một khuôn phép cứng nhắc nào đó. Điều đó sẽ là áp lực đối với người nghệ sĩ.
- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ mọi người khắt khe với nghệ sĩ còn là vì sự tò mò, một số báo mạng thì để câu view. Bản thân chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ do truyền thông, đặc biệt là những trang báo mạng thích câu view bằng mọi giá cũng như thói tò mò của một bộ phận công chúng khiến những tin bài sốc về đời tư của người nghệ sĩ ngày càng nhiều. Nếu nghệ sĩ càng khác biệt, càng có nhiều vấn đề về đời tư cá nhân thì càng có cái cớ để mọi người bàn tán. Đó là tính xấu của con người.
- Và sự phê phán của mọi người với người nghệ sĩ mắc lỗi lầm nhưng trên tinh thần xây dựng cũng rất cần thiết phải không chị?
- Tôi ủng hộ quan điểm phê phán trên tinh thần xây dựng vì thực ra là con người ai cũng có những lầm lỡ. Nhiều bạn trẻ có khả năng đấy nhưng có lẽ các bạn bị ngộ nhận vì những tư vấn, định hướng không đúng đôi khi lãng phí tài năng. Các bạn ấy chỉ mong muốn nổi tiếng trong chốc lát, đó là sai về tư duy.
Chính vì vậy rất cần phê phán nhưng phê phán trên tinh thần xây dựng để các bạn hiểu đâu là ranh giới, đâu là đúng, đâu là sai để tự hoàn thiện và hướng đến thành công. Không ai một bước có thể trở thành nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân được; họ đều phải trải qua quá trình làm việc đổ mồ hôi nước mắt. Mà khi còn trẻ thì họ thường nông nổi, lớn hơn họ sẽ biết mình cần phải làm những gì. Nên khán giả cần có cái nhìn đồng cảm, chia sẻ hơn là sự khắc nghiệt dành cho nghệ sĩ.
Ca sĩ Nhật Tinh Anh: Nghệ sĩ có phải là thần thánh đâu
- Tôi thấy nhiều nghệ sĩ khi mắc lỗi lầm đáng tiếc nào đó, chỉ là vô ý, hoặc trong lúc thiếu suy nghĩ thôi nhưng bị truyền thông và dư luận vùi dập, hết lời phê phán, chỉ trích. Nhật Tinh Anh nghĩ gì về điều này?
- Có một điều rất thật là vì một số báo muốn câu view về cho mình nên lúc đó bất chấp đã gây tổn thương cho nghệ sĩ. Chỉ cần một comment của một “anh hùng bàn phím” vô danh trên trang cá nhân của nghệ sĩ đó, phóng viên liền lấy ngay câu comment đó để viết thành tít bài lớn… Đôi khi người nghệ sĩ cũng rất giận truyền thông, vì người nghệ sĩ xấu hay đẹp đều từ truyền thông mà ra, rồi từ đó truyền thông sẽ lái dư luận theo hướng của họ để câu độc giả.
![]() |
Ca sĩ Nhật Tinh Anh. |
Nhưng nói đi cũng nói lại là có rất nhiều nghệ sĩ lợi dụng truyền thông để “giở trò” riêng của mình. Vì vậy mới có một câu nói trong showbiz luôn đúng trong mọi trường hợp: “Muốn người khác không ném đá mình thì trừ phi bạn đừng làm”!
- Có cảm giác dư luận đang thiếu cảm thông và lòng bao dung đối với nghệ sĩ, Nhật Tinh Anh cho rằng lý do vì sao? Phải chăng do giới biểu diễn bây giờ quá nhốn nháo!
- Câu nói: “Nếu bạn luôn thấu hiểu và đứng ở vị trí của người khác để nhìn nhận sự việc thì cuộc đời này hạnh phúc biết bao” luôn… sai trong trường hợp này! Hằng ngày mọi người lên báo đọc tin về nghệ sĩ, thấy đúng thì khen, sai thì lên án luôn, họ làm gì có thời gian tìm hiểu hay đứng ở vị trí người nghệ sĩ để thông cảm. Vì vậy đạo đức của nghệ sĩ hiện nay phải được đẩy lên tầm cao nhất thì bạn mới sống yên thân trong showbiz, tôi nghĩ là như vậy!
- Có nghĩa là dư luận và truyền thông có phần quá khắt khe đối với nghệ sĩ?
- Có lẽ truyền thông và dư luận nghĩ nghệ sĩ là tiên hay thần thánh thì phải. Phải thật hoàn hảo và không được phạm phải bất cứ sai sót gì. Người nghệ sĩ được Tổ và Trời phú cho giọng hát hay nghiệp diễn, họ có khả năng đứng trước hàng ngàn khán giả để biểu diễn. Các khán giả xem họ như thần tượng long lanh trên sân khấu, nhưng các bạn ơi, khi họ bước xuống bậc tam cấp của sân khấu, họ cũng là con người với bao buồn vui trong cuộc sống, họ có những sai lầm cần được sửa chữa. Vì vậy khi họ mắc lỗi, dư luận và truyền thông hãy nhớ nghệ sĩ chỉ là một con người hoàn toàn bình thường. Hãy nương tay với nghệ sĩ vì họ trông mạnh mẽ thế nhưng họ rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một câu nói nặng nhẹ, họ có thể rơi vào trạng thái stress.
- Là người nghệ sĩ, chắc anh luôn có một áp lực vô hình với truyền thông và dư luận?
- Mặc dù luôn phải cẩn thận với truyền thông và dư luận vì họ có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng cũng có thể dìm bạn xuống hố sâu nhưng Nhật Tinh Anh lại cảm thấy mình sống rất thoải mái không có áp lực gì. Có lẽ Nhật Tinh Anh sống quang minh chính đại và hết lòng với nghề. Vừa xong album này thì trong suy nghĩ là phải làm cái gì đó lạ hơn, mới hơn và hay hơn cho album sau. Nhật Tinh Anh cũng không hay la cà, không tụ tập bạn bè, cũng không quen thân thiết với ai nên không có thời gian làm điều gì “có lỗi” với truyền thông và dư luận.
- Nhưng chắc Nhật Tinh Anh cũng thừa nhận rằng, sự phê phán là cần thiết, nhất là với những nhân vật hay tạo scandal?!
- Nhật Tinh Anh có một quá trình dài quan sát trong showbiz, có rất nhiều nghệ sĩ thích tạo scandal và sốc nổi, sau một khoảng thời gian họ đã thấy 2 chữ “bình yên” là quan trọng nhất đối với họ. Vì vậy ai thích “tạo nghiệp” thì cứ để họ chơi đi, rồi hậu quả thì từ từ “hưởng”. Mà cũng không cần kiếp sau, vài năm là nhận hậu quả rồi!