Quy hoạch tương lai

Thứ Bảy, 10/04/2021, 13:42
LTS: Quy hoạch tương lai, nghe có vẻ khó hiểu nhưng nó sát với một thực tế lớn: phát triển kinh tế xã hội. Và, cái gọi là quy hoạch tương lai ấy chính là các sách lược, cả tầm quốc gia lẫn địa phương, để phát triển thế nào, ngắn - dài ra sao, mức độ bền vững tới đâu? Đây là điều cần lưu tâm nhất ở thời điểm này, thời điểm sắp diễn ra bầu cử...

Bong bóng sân bay

Năm ngoái, Ross Gerber, giám đốc điều hành quỹ đầu tư khổng lồ Gerber Kawasaki, từng giật trên Twitter của ông vài dòng về Tesla. Gerber “cảnh báo” rằng thành công của Tesla (trong lĩnh vực ô tô điện) sẽ khiến không ít ngành công nghiệp khác rơi vào “rủi ro” nếu phải đối đầu.

Cụ thể là gì? Ông liệt kê các ngành như: dầu mỏ, chế tạo động cơ đốt trong, đại lý ô tô, đường sắt, phụ tùng ô tô và trạm xăng. Gerber đặt hashtag ngụ ý rằng Tesla có thể so sánh với Uber và Netflix, những tên tuổi đã phá vỡ thị trường truyền thống bằng cách nghĩ khác biệt. Gerber cho rằng, đấy là lý do mà truyền thông đặt ra quá nhiều nghi ngờ về Tesla.

Bán thì tương lai

Ông đã gợi ý một cốt truyện hấp dẫn: người hùng bị đánh giá thấp hơn là Tesla đang chống lại các thế lực truyền thống sẵn sàng chơi bẩn để đánh bại họ nhưng Tesla sẽ vượt qua, giống như Netflix và Uber đang làm.

Dòng tweet của Gerber không chứng minh được bất kỳ nhận định nào ông đưa ra. Nó không cho biết lý do tại sao Tesla có thể giống Uber hay Netflix. Nó cũng không cho biết tại sao các ngành công nghiệp bị cho là đang bị đe dọa phải cùng nhắm vào Tesla. Nó cũng lờ luôn chuyện các công nghệ của xe điện Tesla không phải là độc quyền.

Đây đơn giản là câu chuyện kiểu “thuyết âm mưu” cho rằng một David đang có nguy cơ bị rất nhiều Goliath “đánh hội đồng”. Nó ngụ ý tất cả những Goliath này đều có cùng một mối quan tâm: tiêu diệt Tesla. Nó lờ đi những sự thật hiển nhiên.

Nhưng, ngay cả bản phác thảo mờ nhạt nhất của một cốt truyện cũng đủ để thúc đẩy tâm trí con người điền vào các chi tiết. Và khoảng trống giữa viễn tưởng và thực tế là nơi các bong bóng tài sản hình thành. Giá cổ phiếu Tesla có thể tăng vì câu chuyện hư cấu của Gerber và đó có thể xem như là bong bóng.

Khi đã hiểu cơ chế của bong bóng, ta hãy đến với một câu chuyện khác, lần này ở chính nước ta: “phong trào” xin sân bay, xuất hiện từ năm 2010 và bùng phát khoảng 2 năm trở lại đây.

Ninh Bình và Hà Giang mới đề xuất quy hoạch sân bay trên địa bàn. Bắc Giang cũng đề xuất quy hoạch sân bay quân sự Kép sang sân bay lưỡng dụng để khai thác cả cho mục đích dân sự. Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Bạc Liêu cũng kiến nghị xin quy hoạch sân bay cho địa phương. Cuối tháng 2 vừa rồi, Bình Phước đã lên kế hoạch lập dự án sân bay Technic Hớn Quản.

Lý giải cho đề xuất của mình, các địa phương cho rằng một sân bay riêng sẽ thu hút đầu tư, giúp phát triển kinh tế xã hội, thêm khách du lịch... tóm lại là những lợi ích nghe qua thật hiển nhiên.

Tất nhiên, đây là một cốt truyện hay và ai cũng có thể điền thêm ngay các chi tiết vào chỗ trống: dù là bà bán quán nước hay một nhà đầu tư du lịch khách sạn thì sân bay cũng mở ra một viễn cảnh hứa hẹn. Lý thuyết là phương tiện thuận lợi, nhiều người sẽ đến đây và dòng tiền cũng theo chân họ. Là bà bán nước, tôi bán được thêm nhiều cốc hơn. Là chủ khách sạn, tôi có nhiều người đặt phòng hơn. Tương lai này để bán hàng thì quá ổn.

Nhưng, những sự thật đã bị lờ đi là gì? Ví dụ như Ninh Bình, đề xuất xây sân bay ở chỗ chỉ cách sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) 90km và cách Nội Bài (Hà Nội) 120km. Hà Tĩnh muốn xây sân bay riêng trong khi chỉ cách sân bay Vinh (Nghệ An) chưa đầy một giờ đồng hồ chạy xe. Năm 2017, An Giang đưa ra đề xuất xây sân bay và nó lập tức rơi tõm vào khoảng không vô định nào đó chỉ vì quá vô lý: sân bay Cần Thơ cách đó 60km và đang rất... ế ẩm, với chỉ khoảng 10% công suất được khai thác. Thêm vào đó, dịch COVID-19 là một ẩn số đầy rủi ro với tương lai của các sân bay.

Tức là khả năng cao chúng ta có thể chỉ xây xong sân bay và... bỏ đó, một sự thật hiển nhiên nếu dựa vào những bài học trong quá khứ và ước mơ kiểu cách nhau 100 cây số có một sân bay như thế. Không có thêm cốc nước nào được bán, cũng chẳng có khách đặt phòng nào cả. Câu chuyện nghe có vẻ rất hứa hẹn này lại có một khoảng cách rất xa so với thực tế chúng ta có thể lường trước và đó là bong bóng.

Cốt truyện bong bóng

Xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước vốn có trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số và 80% dân số làm nông, với loại cây trồng phổ biến là điều, tiêu, cao su. Vào những ngày đầu tháng 3 vừa qua, những người nông dân này lần đầu hiểu rằng hàng chục năm canh tác của họ có thể không đem lại lời bằng một quyết định quy hoạch. Sân bay Technic mới chỉ ở giai đoạn khảo sát nhưng cò đất tứ phương đã đổ về, tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn quanh những miếng đất giờ đây được quát giá gấp chục lần.

Một sân bay sẽ không thể biến nơi đây thành một mảnh đất đáng với giá trị nó đang được các “cò đất” thổi lên, thậm chí sau hàng chục năm nữa. Nhưng, những sự thật bền vững về giá trị thật của đất đai, như là các tiện ích xã hội, trường học, bệnh viện, cơ hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư xung quanh mảnh đất, đều bị lờ đi trong trường hợp này. Tôi đã có câu chuyện về cái sân bay, còn lại ai thích thì tự đi điền các chi tiết vào.

Có lẽ vì lo ngại “phong trào” kể chuyện sân bay này, báo cáo cuối kỳ mà đơn vị tư vấn của Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra vào đầu tháng 3 vừa qua nhấn mạnh rằng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ không có bất kỳ cảng hàng không mới nào được bổ sung và đến năm 2050 cũng sẽ chỉ đề xuất bổ sung thêm duy nhất cảng hàng không Cao Bằng. Tức là bất kỳ một dòng tít giật gân nào về “đề xuất xây sân bay” trên báo sắp tới sẽ chỉ là tin đồn.

Nhu cầu kể chuyện kiểu này không có gì đảm bảo rằng sẽ chấm dứt sớm, bởi vì sự thuận tiện lẫn những lý do tốt đẹp (nhưng chẳng để làm gì cả) của nó: chỉ một tin đồn là có thể tạo ra một cơn sốt ảo, ngân sách xây sân bay thì có vẻ các địa phương nghiễm nhiên cho rằng sẽ chảy từ vốn nhà nước và đề xuất này thật là... dễ. Chỉ là đề xuất thôi, tức là đưa ra một cốt truyện, được thì tốt không thì cũng chẳng sao.

Nhưng, cách kể chuyện thiếu đi chi tiết kiểu này, rốt cục chỉ thổi phồng lên những bong bóng tài sản một cách vô nghĩa, thì không thể định nghĩa chúng là những câu chuyện nữa rồi. Gọi đây là huyên thiên cũng được và những cơn sốt ảo có thể dẫn đến bi kịch cho các thân phận cụ thể, sinh ra từ việc người ta có thể huyên thuyên từ năm này qua năm khác như thế.

Phạm An

Nói chuyện tương lai

Năm 1985, Chính phủ Australia thành lập Ủy ban Vì tương lai (Commission for Future/CFF), để giải quyết một vấn đề muôn thuở trong xây dựng chính sách: tầm nhìn ngắn hạn.

Việc con người nói chung, hay các cơ quan điều hành nói riêng rất khó ra quyết sách dài hạn gần như là một định luật. Đầu tiên, họ phải liên tục dành năng lượng để giải quyết các vấn đề trước mắt, các công việc thường ngày. Họ bị chi phối bởi các trừng phạt nếu không giải quyết được vấn đề trước mắt và ngược lại, được thúc đẩy bởi phần thưởng nếu làm được chuyện gì đó ngay và luôn. Trong quản lý, chúng ta gọi đó là “tư duy nhiệm kỳ”.

Ngay cả các nghiên cứu thần kinh cũng chỉ ra não người có một thái độ rất “ứ ừ” nếu phải nghĩ đến tương lai. Vậy thì làm sao để giải quyết vấn đề này? Chính phủ Australia khi đó nghĩ ra một cách: lập một cơ quan và chỉ giao cho họ việc nghĩ đến tương lai thôi.

CFF làm những việc không hề tầm thường. Nguyên Chủ tịch CFF Philipp Adams - người nằm trong danh sách 100 người Australia vĩ đại nhất còn sống - kể một câu chuyện diễn ra hồi thập niên 80 ấy. Ủy ban họp lại và đặt câu hỏi: mối nguy lớn nhất với nhân loại là gì. Các khoa học gia hàng đầu đất nước bắt đầu đưa ý kiến. Có người nói rằng đó là việc con người rồi sẽ tạo ra siêu người. Có người nói về mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo (họ nói điều đó từ năm 1985!). Nhưng, cuối buổi, có một nhà khoa học đứng ra nói về một mối đe dọa mà chưa ai trong bàn từng nghe thấy: hiệu ứng nhà kính.

Sau này, CFF bằng các cuộc tuyên truyền của mình đã khiến cho toàn dân nhận thức được về thứ xa lạ mang tên “hiệu ứng nhà kính” và “khí nhà kính”. Australia là quốc gia tiên phong trong việc tạo nhận thức về biến đổi khí hậu, được Liên Hợp Quốc tôn vinh.

Vụ “hiệu ứng nhà kính” khiến cho CFF được kính nể. Và sau đó họ... không có thêm đóng góp gì. Các công trình sau này của CFF nhận nhiều chỉ trích của dư luận Australia là vô dụng và mặc dù có lập công lớn lúc đầu, ủy ban này bị cắt giảm ngân sách, chỉ tồn tại được đến năm 1998 thì bị giải tán.

Câu chuyện của CFF đến hôm nay vẫn được phân tích trong các nghiên cứu tại Australia để đi tìm nguyên nhân tại sao một ý tưởng hay như thế lại thất bại. Phần lớn đổ lỗi cho quản lý yếu kém. Một số khác khẳng định rằng nếu tổ chức này vẫn được tạo ra bởi đội ngũ công chức, chứ không phải khoa học gia thực thụ thì làm sao động lực nghiên cứu khoa học vượt qua động lực chính trị được. Một số khác, như Philipp Adams, cựu lãnh đạo ủy ban thì có ý cho rằng do chính phủ quá thiếu kiên nhẫn.

Nhưng, đó là một câu chuyện đáng suy nghĩ. Vì quy hoạch tương lai là điều gây lo ngại cho bất kỳ ai. Ngay tại Việt Nam, khi “tư duy nhiệm kỳ” vẫn được xem là một vấn đề, chúng ta vẫn luôn phải băn khoăn trước các quyết sách: Liệu việc sân bay ở các tỉnh này có cần thiết? Liệu việc giữ rừng quan trọng hơn hay khai thác du lịch cần thiết cho cộng đồng bản địa hơn? Khuyến khích trồng cây này có phù hợp với xu thế của thị trường nông sản thế giới?

Cơ bản là chúng ta luôn trong trạng thái lo lắng. Vì ta biết rằng người đưa ra quyết sách sẽ khó lòng chịu trách nhiệm nếu như cái cây ông khuyến khích trồng, lĩnh vực kinh tế ông khuyến khích phát triển chẳng may lệch ra khỏi xu hướng phát triển sau 15-20 năm nữa.

Vậy bài học quan trọng nhất của người Australia là gì? Sẽ có độc giả cho rằng đó là việc đừng ham nghĩ đến tương lai, vì nó là điều bất khả thi. Nhưng, thực tế là ngược lại: người dân và các nhà lập pháp Australia sau sự thất bại vô tiền khoáng hậu của CFF, lại càng quan tâm đến tương lai hơn. Họ vẫn tài trợ thêm cho các thiết chế khác, từ các diễn đàn dân sự, các cơ quan nghiên cứu khoa học và từng bộ, ngành có cơ quan nghiên cứu tương lai riêng của mình.

Năm 1998, đúng vào năm mà CFF phải đóng cửa, trên báo The Australian có bài xã luận mang tên “Tương lai đang bị khuyết trong tranh cử”. Bài báo khẳng định rằng các chính trị gia nước này đang không thể hiện đủ tầm nhìn về tương lai. “Họ nên đưa ra suy nghĩ của mình về việc họ muốn thấy ta sẽ trở thành xã hội như thế nào; chúng ta sẽ gặp những thách thức, vấn đề và cơ hội nào”.

Bài học quan trọng nhất của người Australia, một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế và khoa học, có lẽ nằm ở văn hóa nói về tương lai. CFF thất bại nhưng họ càng quyết tâm dự đoán tương lai hơn. Văn hóa nói về tương lai không phải là văn hóa hứa hẹn. Đó cũng không phải là văn hóa hô hào quyết tâm. Đó phải là một văn hóa phân tích. “Chúng ta sẽ gặp những thách thức, vấn đề và cơ hội nào”, như tờ The Australian viết. Tầm nhìn cần được hoạch định dựa trên các dữ liệu và dự đoán. Cho đến nay, chúng ta không thiếu các bản quy hoạch tầm nhìn đến 2030 hoặc thậm chí 2045, của các địa phương và bộ ngành nhưng nếu đọc kỹ các văn bản này, sẽ nhận ra rằng rất nhiều trong số chúng chỉ đề xuất các mục tiêu. Và điều này, khiến cho mọi thứ trông giống những lời hứa, với hàng chục từ “phấn đấu đạt”.

Rất may mắn là nếu tìm kỹ, bạn vẫn có thể tìm thấy những báo cáo cấp địa phương trong đó chỉ rõ tương lai có thể trông thế nào, thách thức là gì, đến từ dân số, môi trường, hay biến đổi kinh tế vùng ra sao; đó là những báo cáo dự đoán tương lai có cả biểu đồ.

Tương lai bắt đầu ngay từ bây giờ, nếu chúng ta nghĩ về nó một cách nghiêm túc và ngừng dùng những từ như “tăng cường”, “đẩy mạnh” hoặc “phấn đấu đạt”.

Đức Hoàng

Không có đường bay trực tiếp

Có một câu chuyện rất lý thú mà chắc ít người biết tới vì nó đã xảy ra quá lâu rồi. Ngày 1-5-1968, một quốc gia mới toanh tuyên bố nền độc lập và chủ quyền của mình. Quốc gia ấy nằm ở trên biển Adriatic, cách bờ biển Rimini của nước Ý chưa đầy 7 hải lý (khoảng 11km). Diện tích của nó chỉ vẻn vẹn có... 400m2. Nó có tên là Cộng hòa Đảo Rosa. Ngày 24-6-1968, chính phủ được thành lập, tổng thống là Giorgio Rosa và ngôn ngữ chính là... Quốc tế ngữ (Esperanto).

Việc Cộng hòa Rosa ra đời là một câu chuyện khá kỳ thú. Giorgio Rosa vốn dĩ là một kỹ sư chế tạo máy. Anh ta khá lập dị và hơi lạc ra ngoài thời cuộc, với những thất bại vụn vặt cả trong công việc lẫn đời sống tình cảm. Trong một cơn bất mãn lẫn bốc đồng, Rosa cùng những người bạn của mình đã quyết định thiết kế, xây dựng một cái nhà dàn cách không xa bờ biển Rimini. Ban đầu, họ chỉ định làm một chốn ăn chơi cho đám thanh niên hippie thời kỳ ấy nhưng chính cái tinh thần tự do, tự tại không bị kiểm soát kia đã khiến Rosa nảy ra một ý nghĩ điên rồ: biến cái nhà dàn ấy thành một quốc đảo nhân tạo. Nói là làm, anh ta đệ đơn lên EU, đệ đơn lên cả Liên Hợp Quốc.

Song song đó, Rosa phát hành hộ chiếu, cấp quyền công dân cho những ứng viên nộp đơn. Kỳ vọng của Rosa là biến quốc đảo này một thiên đường, nơi chỉ có hưởng thụ và chẳng có thuế má, cảnh sát, hiến binh... gì cả. Chính những việc tày trời đó đã đánh động Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ Ý. Và chỉ sau 2 ngày nội các của Rosa được hình thành, cảnh sát Ý bao vây, yêu cầu Rosa và đồng đội đầu hàng nếu không họ sẽ nã đại bác vào hòn đảo. Sau vài loạt đại bác “dọa ma”, đầu hàng là việc tất nhiên. Đồng thời, cái nhà dàn ấy cũng bị đánh sập hoàn toàn để Cộng hòa Rosa đi vào huyền thoại.

Nhưng, trước khi bị đánh sập, có 3 vấn đề đã khiến Giorgio Rosa phải cân não. Thứ nhất, Chính phủ Ý từng đàm phán nếu Rosa từ bỏ cái nhà dàn kia, họ sẽ đổi lại cho anh và bạn anh 3 nhà hàng ở bãi biển khu du lịch Rimini, được ưu đãi thuế trong vài năm để họ có thể thoải mái kinh doanh. Thứ hai, trong những ngày mưa, không có khách từ bờ ra “du lịch” quốc đảo Rosa, Giorgio đã bắt đầu cảm thấy lo ngại về viễn cảnh quốc đảo của mình sẽ tồn tại kiểu gì trong suốt những ngày mùa đông ảm đạm. Thứ ba, anh ta sẽ kiểm soát “cư dân” và đám du khách thế nào khi những ngày thác loạn ở đó, bắt đầu có những hiện tượng ngoài tầm với và giữa chính đồng đội của Rosa cũng đã có những rạn nứt xoay quanh chút “danh” bé xíu xíu kiểu như một ghế bộ trưởng một bộ chả có nhân viên nào.

Câu chuyện kể trên được dẫn ra ở đây chỉ để muốn nhấn mạnh vào một ý rất nhỏ bé. Đó chính là việc hoạch định chính sách cho một địa phương, một vùng, một quốc gia không đơn giản như những gì mà một kẻ mộng mơ (ở đây là Rosa) suy nghĩ. Quản trị một “đảo quốc” chỉ mới 400m2, nghĩa là nó còn nhỏ hơn một cái biệt thự đơn lập phổ biến ở Việt Nam, đã nảy sinh vô vàn vấn đề rồi. Thậm chí, những vấn đề ấy chỉ hoàn toàn là sơ khởi thôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày đó cả Liên Hợp Quốc lẫn EU “duyệt” và nước Ý không can thiệp mạnh tay? Vô vàn phức tạp sẽ hiện hình mỗi ngày và khiến Rosa không còn đủ sức chịu đựng nữa.

Thế mới hiểu, quản trị không phải là câu chuyện đơn giản như chúng ta vẫn thường bàn luận với nhau. Ý tưởng thì rất nhiều người có nhưng đi đến tận cùng của ý tưởng, bằng các thực hành, lại không phải là chuyện ai cũng tính toán được thấu đáo. Và các thực hành kia đều cần phải có những hành lang được mở ra sẵn, tức là các sách lược, các kế hoạch tỉ mỉ vô cùng. Nói theo kiểu “Phấn đấu tới năm 2030, toàn tỉnh sẽ không có ai thu nhập dưới 10.000 USD/năm” thì rất dễ. Phấn đấu bằng các phương thức nào, cần chuẩn bị những gì, tận dụng các nguồn lực ra sao, các vận động cần có của môi trường xã hội là gì, các kịch bản có thể có như thế nào... là hàng loạt câu hỏi cần trả lời. Để trả lời chúng, một cá nhân lãnh đạo không thể giải quyết được. Cá nhân ấy cần một bộ máy giúp việc đúng người, đúng chuyên môn và toàn tâm toàn ý với mục tiêu phấn đấu đã đề ra.

Chúng ta nói rất nhiều về tư duy nhiệm kỳ nhưng thực sự, tư duy nhiệm kỳ ấy không phải là “đặc sản” của Việt Nam. Hãy nhìn vào các chính sách của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump và so sánh với các chính sách mới được ban hành dưới tay tân Tổng thống Joe Biden là chúng ta hiểu. Sự khác biệt đến chính từ cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”. Nhưng, riêng ở Việt Nam, đặc sản chính là “dấu ấn nhiệm kỳ”. Chúng ta thích ghi dấu bằng các con số “đèm đẹp” trong báo cáo, nên quy hoạch tương lai cho địa phương, cho ngành... luôn bị bó hẹp trong cái khung làm sao để ở nhiệm kỳ lãnh đạo này, các con số tăng trưởng là tích cực. Chính lối suy nghĩ, hành động này mới khiến việc quy hoạch tương lai trở nên thiếu một mục tiêu rõ ràng, có lộ trình để vươn tới.

Một ví dụ cụ thể chính là câu chuyện của sân bay và sân golf. Việt Nam hiện có 19 sân bay dân dụng rải đều từ Bắc tới Nam. Số sân golf thì nhiều vô kể. Việc ở Bắc Trung bộ có tới 4 sân bay Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đồng Hới đang khai thác đã là quá đủ (nếu không nói là dư thừa) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Vậy mà vẫn có những mong muốn, đề xuất thêm sân bay thương mại ở khu vực này. Tại sao? Rất dễ hiểu, một sân bay thương mại sẽ khiến địa phương ấy trở nên có giá hơn trong khi thực tế, nó có thể biến quốc gia trở nên mất giá hơn rất nhiều ở các khía cạnh khác.

Nhiều người sẽ nói, những sân bay được hình thành là do nhu cầu của người dân. Điều đó đúng một phần rất nhỏ thôi. Đúng là người ta lười và ưa tiện lợi nên hay hỏi nhau cái câu “có đường bay thẳng không?” nhưng thực chất, các câu hỏi đó đến từ các kích thích được đặt ra trong câu chuyện về một địa phương. Một trong các kích thích ấy là “đất ở đó đang sốt lắm” hoặc “khu ấy nghỉ dưỡng rất thích”, “đã đánh golf ở A, B, C chưa” v.v và v.v...

Như thời gian gần đây thôi, các cơn sốt đất ở khu vực phía Nam, từ Đồng Nai cho tới Bà Rịa, từ Củ Chi cho tới Bình Phước... đều luôn được gắn liền với các tin đồn quy hoạch sân bay. Sự tăng giá chóng mặt của bất động sản cùng vài dự án đất nền trọng điểm được quảng bá đã làm tăng thêm cái vẻ ngoài có vẻ hào nhoáng của một vùng đất đồng thời nó mang lại những lợi ích tài chính cho một nhóm nhỏ nào đó. Điều đó càng thôi thúc hơn các lãnh đạo địa phương trong việc ủng hộ, xúc tiến những đầu tư vô bổ (kiểu sân bay) mà quên đi thực chất người dân địa phương cần gì để phát triển bền vững, ấm no bền vững.

Câu chuyện dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương cận tết vừa rồi đủ cho chúng ta thấy một bài học rất lớn trong việc hoạch định các sách lược. Chẳng có một kịch bản nào đã được đặt ra với một chữ “nếu” cho tình huống xấu nhất nhằm giúp nông dân giải quyết nông sản cả. Và bây giờ, nếu đặt một câu hỏi tương tự cho lãnh đạo nhiều địa phương khác, đơn cử như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, rằng “Các anh lên sẵn kế hoạch ứng phó ra sao để tiêu thụ sản phẩm địa phương trong tình huống phải phong tỏa vì dịch?”, không hiểu có bao nhiêu lãnh đạo có thể giới thiệu luôn một bản kế hoạch chi tiết, với cụ thể cần sử dụng kênh nào, nguồn lực nào, bình ổn giá ra sao...

Trọng tâm “nhân dân thụ hưởng” là điều đã được đặt ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa rồi. Sự thay đổi, phát triển kinh tế xã hội thực ra được thực hiện bởi người dân chứ không phải ai khác. Người dân ở đây là một khái niệm bao quát, từ người nông dân, công nhân bình thường cho tới những chủ doanh nghiệp, những tỷ phú doanh nhân... Và khi họ là nguồn lực làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội, họ xứng đáng được thụ hưởng hơn cả. Cái họ cần thụ hưởng không chỉ là những nhu cầu phổ quát thông thường mà nó chính là các sách lược được hoạch định nhằm phục vụ chính họ, để họ có thể sinh nhai một cách bình yên nhất, ổn định nhất.

Một nhiệm kỳ 5 năm có thể khiến chúng ta nhớ tới câu nói quen thuộc thời bao cấp là “kế hoạch 5 năm lần thứ...”. Song, với lực lượng lãnh đạo hiện nay, có lẽ một nhiệm kỳ nên được chính họ tự quy hoạch thành từng tháng, từng quý, từng năm với từng cái đích được đặt ra cụ thể song song với các kế hoạch hành động chi tiết nhất. Một lãnh đạo hàng tỉnh có thể rất dễ nói ra câu “Phấn đấu trong 5 năm tới, tỉnh ta sẽ là điểm du lịch hàng đầu khu vực, sẽ có sân bay thương mại để phát triển du lịch...” nhưng cực khó tuyên bố được rằng “Chúng tôi cam kết sau 2 năm, loại đặc sản A, B, C của địa phương sẽ có chỉ dẫn địa lý, sẽ có ít nhất 10 thương hiệu trở thành trọng điểm, sẽ đạt mức giá bán tối thiểu là xxxUSD/tấn...”. Đơn giản, chính bản thân họ, với áp lực trách nhiệm, với mong mỏi kết thúc nhiệm kỳ với những dấu son báo cáo, với việc quen tai với câu hỏi kiểu như “có đường bay trực tiếp không?”... sẽ chỉ hướng tới những đường bay dài hạn nhưng viển vông mà trong đó, người thụ hưởng không phải quần chúng số đông.

Không có đường bay trực tiếp nào đến một điểm đến đường dài cả. Tất cả đều cần từng bước, thật chi tiết, với từng kết quả cụ thể. Với những cá nhân như Giorgio Rosa được kể tới ở trên, ít ra anh ta còn được thông cảm bởi sự mơ mộng của tuổi trẻ. Còn trong quản trị nhà nước, không công dân nào thông cảm cho một lãnh đạo mơ hồ chỉ với lý do duy nhất: vì ông ấy là người mộng mơ...

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.