Phải làm gì để có đô thị xanh?

Thứ Tư, 09/09/2020, 11:15
Khoảng mươi năm trở lại đây, ở Việt Nam, cụm từ "Đô thị xanh-đô thị sinh thái" gắn với sự phát triển bền vững luôn được nhắc đến không chỉ trong giới chuyên môn, mà đã trở thành mục tiêu hướng đến trong các kế hoạch, chiến lược phát triển của các nhà quản trị đô thị. 

Đô thị xanh cũng được giới đầu tư kinh doanh bất động sản triệt để khai thác để quảng bá cho các dự án khu đô thị mới, chung cư mới của mình, cho dù chúng mới chỉ hình thành trên những bản vẽ 3D được quảng cáo qua các phương tiện thông tin truyền thông.

Vậy đô thị xanh là gì?

1. Khái niệm về Đô thị xanh-đô thị sinh thái gắn với xu hướng phát triển bền vững xuất hiện trên thế giới vào những năm 80 của thế kỷ XX, kèm theo đó là các tiêu chí cho đô thị xanh rất cụ thể, như  về không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, môi trường xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh cho đến dân cư xanh… Trong mỗi tiêu chí lại được giải nghĩa rất rõ, rất chi tiết các yêu cầu phải thực hiện. Tất cả đều hướng đến môi trường sống tốt đẹp, an toàn và bền vững cho con người.

Việt Nam đã qua hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Chưa bao giờ diện mạo đô thị lại đổi thay theo hướng văn minh-hiện đại như bây giờ. Đã có gần 35% dân số cả nước sống trong các đô thị.

Dù còn rất nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, thì đô thị vẫn là "nơi đáng sống" có sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút ngày càng tăng dòng người nhập cư từ các vùng nông thôn đổ về, cho dù mười năm trở lại đây, rất nhiều làng quê đã trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống người nông dân đủ đầy hơn qua chương trình xây dựng "nông thôn mới" của Chính phủ.

Thế giới ngày hôm nay đang đứng trước sự bất ổn bởi những hiểm họa của đại dịch (như SARS-2003 và COVID-19 hiện nay), của thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu với tần suất ngày càng tăng, sức tàn phá ngày càng lớn như động đất, sóng thần, bão lũ, lở đất…

Biến đổi khí hậu không chỉ là quy luật của tự nhiên với chu kỳ hàng chục, hàng trăm năm, mà còn bởi chính con người gây ra trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa. Bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi bụi, khói, khí thải CO2 và chất độc do sản suất công nghiệp, do giao thông cơ giới… thải ra.

Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt như dầu mỏ, than đá, nguồn nước sạch. Năm 2005, tại San Fransisco (Hoa Kỳ), một Hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức với sự tham gia của hơn 100 nước trong đó có Việt Nam để bàn về "Phát triển bền vững cho các đô thị", đã thông qua "Hiệp định Thành phố môi trường của Liên hợp quốc 2005" (United Nations Urban Environmental Accords, 2005). Với thông báo này, Liên hợp quốc đã chính thức cảnh báo những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt tài nguyên tác động đến đời sống của cư dân, làm suy giảm sự phát triển nền kinh tế mà các thành phố trên thế giới phải đối mặt.

Cũng trong năm 2005, theo đề xuất của Singapore, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã thông qua Chương trình "Xây dựng các thành phố môi trường của các nước ASEAN" với 4 tiêu chí cơ bản: Môi trường nước sạch; Môi trường không khí sạch; Môi trường đất sạch; Bảo tồn đa dạng sinh học.

Bằng những nỗ lực của mình, TP Hạ Long (năm 2009)  và Đà Nẵng (năm 2011) đã được công nhận là "Thành phố môi trường ASEAN". Điểm qua một vài sự kiện để thấy tầm quan trọng của xây dựng và phát triển đô thị xanh trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.

2. Đô thị xanh rất phù hợp với đô thị vừa và nhỏ, hay các khu đô thị mới có dân số khoảng 7000-10.000 người, quy mô 40-50 ha, mật độ từ 160 đến 200 người/ha và có khoảng cách tiếp cận với giao thông công cộng không quá 300m. Ở Việt Nam, cho đến nay, đô thị xanh vẫn chỉ là khái niệm chung chung chứ chưa có định nghĩa rõ ràng, cụ thể, mà chủ yếu dựa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành có đề cập đến phần xanh trong đô thị (hệ thống cây xanh, mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng). Trong các đồ án quy hoạch, việc đảm bảo diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước theo quy định là yêu cầu bắt buộc để phê duyệt.

Tuy nhiên, từ  đồ án quy hoạch đến việc thực hiện quy hoạch lại không bao giờ là một. Đấy là bất cập lớn nhất trong phát triển đô thị của nước ta. Do nhiều nguyên nhân, như năng lực lập quy hoạch còn hạn chế, thiếu tầm nhìn xa, không phù hợp với thực tiễn phát triển của cuộc sống…mà đặc biệt là yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế đô thị (có cả yếu tố lợi ích nhóm?!) mà thị trường bất động sản là tấm gương phản ánh rõ nhất, sinh động nhất.

Tất cả chừng ấy là nguyên nhân dẫn đến việc quy hoạch hay bị điều chỉnh làm cho đô thị phát triển không đồng bộ, thậm chí còn bị "băm nát", các chỉ tiêu đặt ra về diện tích cây xanh, mặt nước, mật độ xây dựng… bị thay đổi.

Để trở thành đô thị xanh thì phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Nhưng, đầu tiên là phải đảm bảo tiêu chí về cây xanh. Bởi suy cho cùng, một đô thị không cây xanh hoặc quá ít cây xanh thì đô thị trở nên lạnh lẽo, vô hồn.

Hiện nay tại Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh đất dành cho cây xanh trong nội đô đạt chưa đến 2m2/người, chỉ bằng 1/10 so với đô thị các nước đang phát triển trên thế giới. Ngay tại nhiều khu đô thị mới, diện tích đất dành cho cây xanh, mặt nước cũng bị chủ đầu tư thay đổi tùy tiện theo hướng giảm tối đa để lấy đất cho xây dựng công trình. Còn trong thành phố, cây xanh cũng không được quan tâm đúng mức, thiếu chăm sóc, trồng mới để thay thế cây già cỗi sâu bệnh.

Các không gian xanh, không gian công cộng như công viên, hồ nước cũng bị thu hẹp để phục vụ cho sự phát triển như mở rộng đường đô thị, xây dựng các tuyến đường sắt trên cao, xây dựng các chung cư, cao ốc, công trình dịch vụ thương mại. Hệ thống sông trong thành phố bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải, rác thải, trở thành những cống thoát nước hở gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tính toán, diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị nếu đạt 20% đến 50% đất đô thị thì sẽ giúp làm giảm nhiệt độ từ 3,3 đến 3,9 độ C. Còn khi diện tích che phủ của cây xanh (thảm thực vật) được tăng lên 25% thì hiệu quả của bóng mát và bay hơi sẽ làm giảm từ 17% đến 57 % năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí và giảm đến 40%-50% cường độ bức xạ mặt trời.

Cây xanh hai bên đường phố sẽ làm giảm 30%-60% lượng bụi trong không khí. Nếu như ta có thể xây dựng các lâm viên trong thành phố thì chỉ mỗi 1 ha công viên rừng cũng đã hấp thu 1.000 kg lượng khí CO2 và thải ra 730 kg khí O2 mỗi ngày, tương tự 1 ha thảm cỏ (công viên) sẽ hấp thu 360 kg khí CO2 và thải ra 270 kg khí O2. 

Làm thế nào để các đô thị Việt Nam trở thành đô thị xanh?

Không khó để có câu trả lời. Nhưng để thực hiện thì là cả một câu chuyện dài. Nó phụ thuộc vào tư duy đổi mới và quyết tâm chính trị của chính quyền đô thị, vào các kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu, vào chính sách phát triển bền vững của nhà nước và sự tham gia tình nguyện của người dân.

Thành phố phải dũng cảm phát triển các không gian xanh, không gian công cộng hơn là lấy đất để xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại, khu thể thao… trong khu vực nội đô. Có kế hoạch trồng thêm cây xanh đô thị để đảm bảo chỉ tiêu đất cây xanh/người theo quy định.

Việc Hà Nội vừa hoàn thành chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh được phát động từ năm 2016, làm xanh hóa nhiều đường phố mới, cải thiện phần nào môi trường ô nhiễm trong nội đô là một thái độ ứng xử với đô thị rất tích cực, cần được nhân rộng. Kiên quyết xây dựng các khu đô thị mới trở thành đô thị xanh, góp phần hình thành lối sống xanh trong đô thị.

Phải có kế hoạch hồi sinh các dòng sông chết và đang chết của thành phố như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu hay các hồ đầm đang bị ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sự sống của các loài thủy sinh như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu… Khuyến khích tạo điều kiện để người dân tham gia chủ động trong việc xanh hóa ngôi nhà của mình (trồng cây, hoa trên ban công, trên mái nhà), sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, dùng đèn Led để tiết kiệm điện.

Tận dụng tối đa vật liệu không nung trong xây dựng công trình. Kiến trúc nhà ở phải thông thoáng, đảm bảo thông gió, khí trời và ánh sáng tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng điều hòa không khí. Không vứt xả rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng. Xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử và lối sống mới, nếp sống mới cho người dân. Tăng cường hệ thống giao thông công cộng bằng xe bus mini để hạn chế ô tô cá nhân, khuyến khích giao thông xe đạp, xe máy điện để giảm thiểu khí thải ra môi trường…

Xây dựng đô thị xanh không phải là mục tiêu xa vời, viển vông, mà nó bắt đầu từ cuộc sống, từ mỗi ngôi nhà xanh, đường phố xanh, khu phố xanh rồi đến thành phố xanh. Và tất nhiên nó phải được thực hiện đồng bộ và đồng thuận từ một chính quyền xanh cho đến mỗi cư dân xanh.

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đô thị thông minh, đô thị số hóa và phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái. Nhưng dù phát triển theo cấp độ nào thì cũng vì mục đích cao đẹp là để đô thị phát triển bền vững với những không gian sống xanh an toàn, thân thiện giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.

Và khi ấy, đô thị sẽ mãi là ngôi nhà chung hạnh phúc của tất cả chúng ta.

KTS. Phạm Thanh Tùng
.
.