Phá vỡ sự ổn định tầm thường

Thứ Sáu, 10/07/2020, 09:58
“Xác lập trạng thái bình thường mới” đã trở thành câu nói quen thuộc suốt thời gian qua. Và từ trạng thái ấy, nên chăng chúng ta cũng nên nghĩ về một trạng thái cũ, của thời kỳ “bình thường cũ”. Ấy là trạng thái “ổn định”, thứ mà nhiều người vẫn coi là một tiêu chuẩn. Để có “bình thường mới”, thiết nghĩ việc phá bỏ “ổn định tầm thường” cũng là một việc đáng làm, nên làm…

Phá vỡ sự “ổn định”

Từ lý thuyết trò chơi

Năm 2010, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Tennessee là Francisco Ubeda và Edgar Duenez-Guzman đã công bố một tài liệu gây tiếng vang có tên “Quyền lực và tham nhũng”, với góc nhìn rất bi quan: họ kết luận rằng không gì có thể ngăn cản tham nhũng trong một hệ thống mà bất kỳ nhóm người thiểu số nào được trao quá nhiều quyền lực. Một khi phát sinh tham nhũng, nó sẽ duy trì sự “ổn định” trong hầu hết mọi trường hợp.

Lý do của sự “ổn định” này được giải thích bằng lý thuyết trò chơi. Hãy bắt đầu bằng bài toán đơn giản nhất minh họa lý thuyết này: song đề tù nhân. Tưởng tượng hai tù nhân bị cách ly và bản án của họ sẽ phụ thuộc vào chiến lược hành động của họ và của người kia, theo đề nghị của cảnh sát: nếu chỉ có một người thú tội, anh ta sẽ được tự do trong khi người kia phải nhận bản án nặng nhất là 10 năm tù; nếu cả hai cùng im lặng, cảnh sát sẽ chỉ phạt được mỗi người 6 tháng tù; nếu cả hai cùng thú tội, mỗi người sẽ bị phạt 2 năm.

Chiến lược có lợi nhất cho cả hai, thật dễ thấy, là cùng im lặng để đều nhận được án tù thấp nhất. Nhưng chiến lược ổn định nhất của trò chơi này trong thực tế là luôn luôn thú tội. Nếu người kia cũng thú tội, thì cả hai bị phạt mỗi người 2 năm. Nếu người kia im lặng, thì người thú tội sẽ được trả tự do.

Dễ thấy là nếu không có một sự thỏa thuận với nhau, cả hai đều sẽ hành động theo suy đoán rằng người kia chắc chắn sẽ chọn giải pháp vị kỷ nhất có thể.

Bài toán này có thể được mở rộng trong thực tế, với một nhóm người bất kỳ: nếu chúng ta nghĩ rằng đa số sẽ chọn giải pháp vị kỷ và không phải chịu hậu quả đủ mạnh, thì chiến lược ổn định nhất là làm theo nó.

Có thể minh họa điều này bằng câu chuyện “cửa sổ vỡ” (Broken Window) trong cuốn sách Điểm bùng phát của nhà báo Malcolm Gladwell: trong thời gian từ 1960-1990, tỉ lệ tội phạm diễn ra xung quanh hệ thống tàu điện ngầm của New York là rất cao, dù khi ấy thành phố này là thủ đô tài chính của thế giới. Một thanh tra đã quyết định giải quyết việc này bằng cách sửa lại các ô cửa sổ vỡ, xóa các hình vẽ tràn lan trên những bức tường, và tỉ lệ tội phạm giảm đến 65% sau vài năm.

Điều này được lý giải khá đơn giản: những ô cửa sổ vỡ và hình vẽ lung tung tràn lan được coi như một hiện trạng mà tất cả đều chấp nhận và không ai phải chịu trách nhiệm. Nhìn từ lăng kính lý thuyết trò chơi, thì cộng đồng ở một nơi như thế có lẽ đã ngầm hiểu rằng hiện trạng này là ẩn dụ cho phương thức hành động mất trật tự, vô tổ chức, phương hại cộng đồng, và chiến lược đa số lựa chọn thường sẽ là làm cho tất cả trở nên tồi tệ hơn: làm ngơ trước việc xấu, hoặc tự mình vi phạm.

Sự ổn định của cái xấu

Hãy thử áp dụng lý thuyết này vào cách tư duy đã thành một loại tập quán xã hội mỗi khi chúng ta nghĩ về một công việc trong cơ quan nhà nước: sự ổn định. Vào làm việc trong các tổ chức công quyền dường như có thể giúp bạn miễn nhiễm trước sự thất thường của thời cuộc, suy nghĩ này phổ biến đến nỗi có lẽ tôi không cần phải đưa ra một nghiên cứu thống kê xã hội học để thuyết phục độc giả làm gì. Các doanh nghiệp có thể phá sản vì một biến cố lớn kiểu COVID-19, nhưng doanh nghiệp nhà nước thì không thể.

Nhưng sự ổn định này chỉ là bước đầu. Chúng ta đều biết rằng với hệ số bậc lương viên chức cơ bản, một nhân viên công quyền mới vào làm sẽ chỉ có thu nhập khởi điểm từ 2-2,4 triệu/một tháng và mức cao nhất có thể là từ 12-16 triệu/ tháng. Trong khi đó, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng thấp nhất của người lao động trong doanh nghiệp đã là 3,07 triệu đồng. Tức trên lý thuyết, nhân viên nhà nước đang phải sống với mức lương thuộc mặt bằng thấp nhất trong xã hội.

Để khắc phục các nhu cầu cao hơn mức lương hết sức cơ bản ấy, một số sẽ chọn giải pháp kiếm thêm bằng các công việc khác. Số khác có thể có tích lũy từ gia đình trước khi chọn làm công viên chức. Dù thế nào thì năng lượng của lực lượng nhân viên nhà nước đã bị tản mát. Nhưng tệ nhất luôn là số còn lại: ngoài lương, họ tìm kiếm “lậu”, bằng tham nhũng, từ nhỏ đến lớn.

Lý thuyết trò chơi diễn ra ở đây: nếu sự tham nhũng (bất kể là lớn hay nhỏ) diễn ra với tần suất chưa/không đủ lớn để phải nhận hậu quả đích đáng, chúng ta sẽ có đa số lựa chọn chiến lược là vi phạm. Cộng thêm với ngụy biện rằng nhân viên nhà nước cũng là con người và không thể chỉ sống bằng lương, lựa chọn này thậm chí được củng cố.

Suy nghĩ này lan truyền trong xã hội như là tư duy rằng vào nhà nước là ổn định, được biểu thị qua một dạng chỉ trích khá hời hợt nhưng lại được sử dụng khá phổ biến: ông nào ngồi đó rồi cũng thế thôi. Sự mất niềm tin phần nào rất thiếu cơ sở này của một bộ phận trong xã hội có thể đã dẫn đến lựa chọn của họ trong chiến lược hành động nếu có cơ hội vào cơ quan nhà nước: tham nhũng vì nghĩ rằng ai rồi cũng thế.

Và như nghiên cứu của Francisco Ubeda và Edgar Duenez-Guzman đã nói ở đầu bài viết này, khi quyền lực của một nhóm người là quá lớn, thì rủi ro càng cao. Nếu họ tha hóa, thì với quyền chi phối của mình, họ có thể tạo ra một nơi đầy những cửa sổ vỡ, và khiến bất kỳ ai gia nhập hệ thống này cũng tin ngay là như thế.

Cộng đồng chính nghĩa

Có những hành vi mà đa số loài người chúng ta đã thống nhất chiến lược chung là không nên mắc phải, ví dụ như giết người. Cho dù các tội phạm giết người vẫn tồn tại, nhưng thật may mắn là chúng ta vẫn có ra đường và yên tâm rằng xác suất đụng phải một kẻ giết người là rất nhỏ.

Tham nhũng thì không phải như thế. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, mỗi năm có khoảng 16% dân số thế giới mua chuộc một sĩ quan cảnh sát. Các nghiên cứu ở các bang Ohio và Illinois ở Mỹ cho thấy 70-80% sĩ quan vẫn tham nhũng vặt mỗi năm. Tại Hoa Kỳ, các cuộc điều tra về cảnh sát được cho là luôn bị cản trở bởi “bức tường im lặng màu xanh”.

Ubeda và Duenez-Guzman, hai học giả từ Đại học Tennessee, đã đi sâu hơn để lý giải khác biệt này, và họ phát hiện ra rằng chỉ cần những thay đổi trong cách thức ứng xử với tham nhũng, một cộng đồng có nguy cơ tham nhũng sẽ chuyển sang trạng thái chính đáng (righteousness). Phá vỡ sự “ổn định” được thiết lập để duy trì trạng thái tham nhũng của nhóm người xấu chính là tìm ra điểm cân bằng để những kẻ có ý định vi phạm sẽ phải chọn một chiến lược khác, vì sự trả giá có thể rất tàn khốc cho cá nhân họ nếu vi phạm.

Hy sinh vì tập thể là một khái niệm đang khiến các xã hội tự cho là văn minh đau đầu, nhưng nó thực tế đã trở thành truyền thống ở một bộ tộc có tên Turkana sinh sống tại Đông Phi. Các nhà nhân chủng học của Đại học Arizona báo cáo rằng 500 ngàn người du mục hiếu chiến này không có bất kỳ cấu trúc chính trị hoặc quân sự tập trung nào, nhưng họ vẫn duy trì được sự thống trị tại khu vực này trong nhiều thập kỷ. Dù sự trả giá là rất lớn: gần một phần tư dân số đã chết trong các cuộc giao tranh với các bộ tộc khác.

Điều gì đã thúc đẩy lựa chọn hy sinh quên mình cho tập thể này? Không phải thân tộc, hay tình bằng hữu. Đa số những người của bộ tộc là dân du mục, sống trong các khu định cư lỏng lẻo và tạm thời. Hầu hết những người tham gia chiến tranh đều xa lạ với nhau.

Có lẽ là thay vì ràng buộc cá nhân, bộ tộc Turkana được duy trì dựa trên một quy tắc đạo đức chung rất mạnh mẽ: sự trừng phạt bình đẳng. Hai nhà nhân chủng học Sarah Mathew và Robert Boyd của Đại học Arizona, những người nghiên cứu rất kỹ bộ tộc này, mô tả lại quá trình trừng phạt một người Turkana tấn công kẻ khác cùng bộ tộc: “Hầu hết những người khác sẽ không đứng cạnh chiến binh này trong các cuộc giao tranh, không đặt niềm tin vào hắn, không cho hắn ta mượn dê hay gả con gái cho hắn. Và thái độ về sự chính đáng này mở rộng đến hiệu suất trong chiến tranh. Các trận chiến được thảo luận bất tận sau đó. Những hành động hèn nhát đều dẫn đến sự nhạo báng và la mắng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, thủ phạm bị trói vào một cái cây và bị quất roi bởi những người khác”.

Hãy thử tưởng tượng những kẻ tham nhũng cũng bị cộng đồng quay lưng với một thái độ mạnh mẽ đến mức kỳ thị và bình đẳng không chừa một ai theo cách như thế. Đây không chỉ là vấn đề riêng của luật pháp hay nhà nước, mà còn là ý thức về quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng các tiêu chuẩn luân lý, và cách chúng ta quan niệm về một loại tội phạm.

Trên thực tế, vị thế xã hội (từng có trước khi bị phanh phui) của không ít quan chức tham nhũng là sự cám dỗ mãnh liệt đến mức tôi tin rằng với một cảm nhận lẽ thường cơ bản, rất ít người có đủ sự tu dưỡng để từ chối những đặc quyền và chọn một chiến lược khác với chiến lược vị kỷ đã tạo ra sự “ổn định” những kẻ tham nhũng mong muốn.

Nhưng một khi chúng ta đã nhận thức đủ cho kết luận rằng tình trạng “ổn định” kiểu đó chính là thứ sẽ tiêu diệt không chỉ rất nhiều con người mà còn là rất nhiều cơ hội của hàng triệu mảnh đời, để liệt loại tội phạm đó vào thang cao nhất của sự căm phẫn cộng đồng, thì những kẻ có ý định vi phạm có lẽ sẽ phải chùn bước và chọn một chiến lược khác.

Phạm An

Nhà văn Nguyễn Một: “Sự ổn định do mỗi người tạo ra”

+ Thưa nhà văn Nguyễn Một, ở trên đời, cha mẹ nào cũng thương con và luôn muốn con có cuộc sống ổn định. Có một thực tế khá phổ biến là nhiều bậc phụ huynh cứ muốn con mình vào làm công chức Nhà nước cho ổn định, dù không phải sở trường và cũng không phải sở thích của con. Anh nghĩ gì về điều này?

- Đời tôi từ nhỏ đến giờ không hề ổn định theo cách nghĩ của số đông như trong câu hỏi này, nên khái niệm ổn định chỉ là tương đối. Khái niệm làm nhà nước “ổn định” chỉ tồn tại thời bao cấp, chứ hiện tại ít người còn quan tâm, nên cách đặt vấn đề này là hình như lỗi thời. Nếu ép con làm một việc không đúng sở trường và sở thích của con để có được sự “ổn định” theo tưởng tượng của cha mẹ, là không đúng.

+ Trớ trêu là tình trạng “chạy” vào biên chế Nhà nước vẫn rất nóng bỏng ở nhiều địa phương anh ạ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không đề cập cụ thể về sự tiêu cực ấy. Chúng ta đang mong muốn gợi mở về một thế hệ khác, tự tin hơn để hội nhập tốt hơn. Tuổi trẻ cần được thử thách và luôn thích bay nhảy. Phụ huynh có nên thay đổi tư duy để con mình được phát huy năng lực và tự do sáng tạo không?

- Khi con gái lớn tôi thi đại học, cháu nhờ tôi tư vấn. Tôi hỏi: “Con học đại học để làm gì?”. Cháu bảo: “Thấy bạn bè nói thi trường nào cho có việc làm kiếm sống sau này”. Tôi cười và khuyên: “Nếu con học chỉ để kiếm sống, thì đừng đến giảng đường. Cứ ở nhà bán café và trồng lan với mẹ. Còn nếu con muốn học để có kiến thức thì con thích gì cứ học nấy thôi. Có kiến thức tự nhiên sẽ nghĩ ra nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện kiếm sống”.

Sau khi học xong đại học, cháu muốn học đạo diễn điện ảnh. Tôi cũng đồng ý luôn và khuyến khích con cứ thử sức đi, bởi vì “tuổi trẻ không nên cái gì cũng đúng”.

+ Có lẽ vì đã nếm chịu gian nan mưu sinh nên phụ huynh vẫn tự cho mình cái quyền nhìn xa trông rộng hơn con cái, và áp đặt con cái phải uyển chuyển “chui sâu trèo cao” để có cơm ngọt canh ngon…

- Tôi vẫn thường bảo vợ mình: Khi con cái chúng ta trưởng thành, chúng ta chỉ là ký ức của chúng nó thôi. Hãy cố gắng để lại ký ức đẹp đẽ nhất có thể. Chúng ta chỉ định hướng, chứ không áp đặt, nhất là áp đặt những kiểu sống ích kỷ và tư lợi. 

+ Kiểu sống ích kỷ và tư lợi mà anh cảnh báo, đôi khi cũng được nhân danh “ổn định” đấy. Quan niệm “ổn định” nhiều khi rất có hại. Vì “ổn định” mà sinh ra rụt rè và thụ động, thậm chí sinh ra thói kéo bè kết cánh để giữ quyền lợi cá nhân. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta có một đội ngũ cán bộ kém năng động và dễ tiêu cực chăng?

-Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi này, vì không có đủ thông tin và thời gian để biện luận, mà đối với tôi “không biện luận thì không kết luận”.

+ Bản thân anh, từ một nhà báo đã khước từ sự “ổn định” để đi làm truyền thông cho doanh nghiệp. Cảm giác của anh lúc đưa ra quyết định ấy, như thế nào?

- Khi tôi bỏ nghề dạy học đi làm báo, thì cậu tôi, người trực tiếp nuôi dưỡng tôi, nói: “Cậu cho con làm thầy giáo để ổn định vì chế độ nào cũng cần, giờ con đi làm báo là nghề bất ổn con ráng giữ mình!”. Cho nên quá trình theo đuổi nghề báo, tôi không cho là nghề ổn định. Bởi vậy, khi gặp ông chủ bây giờ mời tôi về làm văn hóa và truyền thông cho công ty, tôi nhận lời ngay mà chẳng suy nghĩ gì nhiều. Vì theo tôi sự ổn định do mỗi người tạo ra, chứ cuộc sống không có sự ổn định. Cuộc sống này vốn vô thường mà. Nam Bộ thời mở cõi có câu ca dao: “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”, nếu ngày đó ông bà chúng ta cũng bị ràng buộc bởi chữ “ổn định” thì giờ đây chúng ta làm gì có mảnh đất phương Nam trù phú và phóng khoáng!

+ Nghĩa là có nhiều góc độ ổn định khác nhau để chọn lựa theo tâm tư của mỗi người, ổn định tầm thường và ổn định không tầm thường, ổn định để héo tàn và ổn định để vươn lên. Bây giờ, đối với con cái của anh, thì sự “ổn định” được hóa giải ra sao?

- Tôi mỗi ngày vẫn nhắc nhở các con mình: Cuộc đời như dòng sông có lúc nước lớn có lúc nước ròng, các con hãy học bơi đi. Chứ ba mẹ không sắm cho các con bất kỳ chiếc ca nô hay xuồng ba lá nào đâu. Nếu có chăng, thì ba mẹ sẽ quăng cho chiếc phao khi các con mới chập choạng xuống nước. Chấm hết.

Lê Thiếu Nhơn (Thực hiện)

Ổn định tầm thường chính là mầm bất ổn

Tôi xin bắt đầu bằng câu chuyện của chính mình, cách đây 20 năm trước. Khi ấy, tôi vừa quyết định rời bỏ một công ty nhà nước, rời bỏ đời nhân viên sáng cắp ô đi, tối cắp ô về để vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp được khoảng nửa năm. Cha tôi gọi điện thoại thông báo rằng một cơ quan uy tín của nhà nước đã nhận tôi vào làm việc, sau một thời gian dài xét hồ sơ. 

Tất nhiên, ngoài việc đánh giá năng lực cá nhân của tôi, cũng phải nhờ khá khá vào tác động cá nhân của bác tôi, một người từng đứng đầu cơ quan đó nhiều năm và khi về hưu vẫn là một cố vấn có uy của hệ thống. Tôi từ chối cơ hội đó. 

Cha tôi nhờ đến cả các cô chú ruột của tôi gọi tôi để thuyết phục. Tôi từ chối tiếp tục. Cha tôi bay vào TP Hồ Chí Minh không báo trước và ba ngày ở cạnh tôi, ông làm tôi bị khuất phục. Tôi nhận lời, lại gói ghém thu xếp “hồi cố hương”.

Tôi được nhận vào làm việc với lựa chọn “bằng vàng”: tùy chọn ban giữa 3 ban mà cơ quan kia thấy khả năng của tôi có thể phù hợp. Tôi chọn một ban mà tự mình thấy là phù hợp nhất. Nhưng sau chỉ mười ngày làm việc ở đó, tôi đã phải xin lỗi cha tôi, xin lỗi các cán bộ cấp trên ở cơ quan kia để bỏ việc lần hai và quay lại TP Hồ Chí Minh. 

Tôi sống ở TP Hồ Chí Minh  kể từ đó, không quay lại luyến tiếc cơ hội kia dù đời sống tôi vất vả nhiều. Nếu là người khác, ắt hẳn họ sẽ nói rằng họ đã không lựa chọn như tôi, nhất là khi biết được người được nhận vào biên chế bổ sung thay cho chỗ trống tôi để lại giờ này đã mang hàm vụ trưởng.

Đến bây giờ, tôi đã 43 tuổi, và cha tôi vẫn luôn nhắc nhở “Ba vẫn lo cho con lắm. Mày chưa ổn định”. Câu nói nghe quen đến nhàm đó thường bị tôi phản ứng lại rằng “Bản chất của đời sống này là vô thường, chẳng có gì là ổn định cả thì tại sao ba cứ bắt con phải ổn định theo cách của ba?”. Nhưng sau này, khoảng sáu bảy năm trở lại đây, tôi chỉ cười cười lảng đi chuyện khác. Cha già rồi, không tranh cãi nữa chứ không phải tôi ân hận vì “không chịu ổn định”.

Cái tập quán phải ổn định ở một đơn vị nào đó và các cơ quan bộ máy nhà nước là nơi ổn định nhất thực tế đã nằm sâu trong ý thức của nhiều người Việt. Cái nguy hiểm của ý thức này chính là mọi người đều nhận biết lương, thưởng của các cơ quan nhà nước rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay nhưng họ vẫn tin tưởng vào việc nằm trong bộ máy thì sẽ có những thu nhập ngoài lương thưởng có thể đủ sức mang lại một gia tài. 

Từ đó, người ta hướng con cháu mình đến suy nghĩ phải “ổn định” trong bộ máy nhà nước đồng thời nếu người ta có khả năng, có cơ hội, người ta sẽ cài cắm con cháu mình vào đó. Cách cài cắm ấy, lối đặt mục đích phấn đấu ấy chính là nguồn cơn tạo ra một bộ máy nhà nước luôn gặp lỗi vận hành chỉ vì những cá nhân nghĩ đến tư lợi, những cá nhân không có chuyên môn ở lĩnh vực mình quản trị nhưng lại nắm quyền thực thi nhiệm vụ công.

Cách đây chỉ vài tháng thôi, tôi có ngồi trò chuyện với một người em từ Hà Nội vào chơi. Cậu làm việc ở một đơn vị mới thành lập của một bộ máy uy tín của nhà nước. Câu hỏi tôi đặt ra là công việc của cậu có tốt không, khi đơn vị mới thành lập còn nhiều non nớt và bỡ ngỡ. Không ngờ, cậu trả lời ráo hoảnh: “Ối anh ơi, bên em ngon nhất hệ thống, tiền nhiều nhất hệ thống đấy anh ạ. Cả đơn vị 300 người mà gần 100 là con cháu của toàn tổng giám đốc, phó tổng với các trưởng, phó ban. Ngân sách bởi thế cứ dồn hết về bên này mà.”. 

Câu chuyện này khiến chúng ta thấy hoảng sợ hơn với cái sự ổn định tầm thường kia. Tức là không chỉ lo cho con cháu mình một chỗ đứng “ổn định” trong bộ máy, nếu có quyền, người ta có thể tạo ra sự phồn vinh ổn định cho nơi con cháu mình đáp xuống bất chấp mọi nguyên tắc của Nhà nước, của Đảng và cả của thị trường.

Có nhiều người vẫn lên tiếng về chuyện “đi làm ở cơ quan nhà nước để kiếm sự ổn định” với quan điểm phê phán dựa trên cơ sở “học một đàng làm một nẻo”. 

Thực sự, chuyện học một ngành nhưng làm việc ở ngành khác không phải là quá lạ lẫm và gây tác hại ghê gớm gì. Nhiều người đã và vẫn thành công khi làm trái nghề trong xã hội và chính họ là minh chứng cho việc có thể học lĩnh vực này và đi làm ở một lĩnh vực khác. 

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa học và làm nếu không quá lớn thì khả năng đáp ứng là có thể. Song, nếu giữa ngành học và nghề làm trái ngược nhau quá nhiều, nhất là khi nghề làm đòi hỏi tính chuyên môn chuyên sâu thì khả năng thành công chắc chắn là bằng không. 

Và cái trớ trêu của việc tìm kiếm “sự ổn định tầm thường” lại nằm ở chỗ rất nhiều cá nhân không hề có chút am hiểu nào về ngành mình làm nhưng lại được đặt vào vị trí yêu cầu chuyên môn chuyên sâu. Ở vị trí đó, họ chỉ có thể phá hoại bộ máy chứ không thể đóng góp gì. Nếu không phá hoại vô ý thức bằng sự dốt nát của mình thì họ cũng sẽ phá hoại một cách có chủ đích bằng vấn nạn nhũng nhiễu khi trong tay mình có một chút vị thế của người thực thi việc công.

Nguy hiểm hơn cả, nhiều người vẫn coi môi trường ổn định trong bộ máy nhà nước là cơ hội để tiến thân, là nơi có các nấc thang chính trị để phấn đấu. Điều gì sẽ xảy ra khi công chức không làm việc để phụng sự nhân dân, đáp ứng đòi hỏi trách nhiệm bộ máy đề ra mà thay vào đó là động cơ chính trị cá nhân? 

Không phải vô lý mà rất nhiều công chức, dù chỉ ở vị trí cấp cơ sở thôi, đã quen dùng bốn chữ “sinh mệnh chính trị” một cách hồn nhiên? Công chức có thể phấn đấu trở thành chính trị gia, đó là chuyện bình thường. Nhưng 100% công chức đều phấn đấu thành chính trị gia thì rõ ràng đó là sự bất thường kỳ dị. 

Chính cái bất thường kỳ dị này mới tạo ra thứ chủ nghĩa cơ hội tồn tại bền chặt trong xã hội Việt Nam nhiều thập niên qua. Những cá nhân theo đuổi chủ nghĩa cơ hội này đã lợi dụng vị thế của mình, ngụy biện bằng cái gọi là ổn định, để vi phạm các cam kết, các quy ước giữa họ với bộ máy. 

Và cũng từ cái chủ nghĩa cơ hội ấy mà nảy sinh những cán bộ công chức biến chất tạo nên sự mất lòng tin trầm trọng trong quần chúng. Sự mất lòng tin này hình thành nên nền tảng của những bất ổn xã hội mà cuối cùng, lực lượng đứng ra giải quyết các bất ổn vẫn phải là bộ máy nhà nước với ngân sách tiêu tốn nhiều khi rất lãng phí.

Gần đây, chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp nhưng thực sự, môi trường khởi nghiệp đã được vun đắp hay chưa? Không thể phó mặc chuyện tạo môi trường khởi nghiệp cho nhà nước, với những gạch đầu dòng rất vĩ mô. Chính ở trong mỗi gia đình, cái tinh thần tự lực tạo ra cho mỗi thành viên gia đình mới là thứ môi trường khởi nghiệp tốt nhất. 

Không thể “hướng nghiệp” cho con em mình theo cách cũ, tức là trải chiếu hoa từ chuyện học ngành nào, trường nào cho tới sau này đi làm ở cơ quan nào, vào bộ phận nào của cơ quan ấy. Phải hướng nghiệp bằng cách để tự thân những đứa trẻ mới 12, 13 tuổi bắt đầu hình thành ý thức “sau này mình muốn làm gì? Hiện nay mình thấy mình đang có những tiềm năng gì?”. 

Thực sự, chỉ có những gia đình mà cha mẹ cũng đã phải tự lập, dám chống lại, dám đập tan cái suy nghĩ “ổn định tầm thường” để dũng cảm sống cuộc đời thẳng thắn của mình mới đang tạo ra môi trường “hướng nghiệp” như thế cho con cháu mà thôi. 

Còn khi chính những bậc phụ huynh cũng lập nghiệp bằng toan tính “ổn định tầm thường”, họ cũng sẽ có xu hướng chèo lái con cháu mình vào con đường “ổn định tầm thường” đó. Và chúng ta hoàn toàn có thể gọi nó là thứ ổn định hủ lậu khi nó tạo ra những thế hệ tư lợi, cơ hội và vị kỷ.

Phải phá vỡ sự ổn định tầm thường nếu thực sự muốn xã hội phát triển bởi lẽ tư duy ổn định tầm thường này có thể được “di truyền” lại từ thế hệ này tới thế hệ sau. Bình an, ổn định là điều ai cũng muốn nhưng tất cả đều không sống một mình. Ai cũng cần một xã hội, một bộ máy để thuộc về và nếu cộng đồng ấy bất ổn, sự ổn định cá nhân sẽ chẳng còn nữa. 

Chính vì thế, cần phải hiểu, và xác định rõ, chính cái tư duy ổn định tầm thường này mới là mầm tạo ra bất ổn cho xã hội bởi hệ quả nó gây ra không chỉ là sự rệu rã của bộ máy mà còn là cả những bức xúc, những đứt gãy trong xã hội với rất nhiều nguy cơ khó lường.

Hà Quang Minh

Phạm An-Lê Thiếu Nhơn-Hà Quang Minh
.
.