Nỗi niềm dân - quan

Thứ Năm, 08/09/2016, 16:44
Phủ ngập mạng xã hội là vụ việc nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở Yên Bái và trên cả nước, khi hai cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh bị sát hại tại phòng làm việc, nghi can lại là một cán bộ lãnh đạo khác.

Điều không quá ngạc nhiên là thái độ tiếp nhận thông tin của đám đông về vụ trọng án này, rất ít nước mắt, rất ít sẻ chia.

Dẫu muốn dẫu không cũng phải thừa nhận rằng khoảng cách giữa cán bộ lãnh đạo và người dân ngày càng vời vợi xa. Và nếu như không có động thái hàn gắn quyết liệt khoảng cách này, thì Mr. Bim không hiểu sẽ có thêm những gì xảy ra trong tương lai nữa.

Có mấy câu thơ lưu truyền mà người ta tin rằng là do nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh sáng tác, "Sinh ra vốn dĩ là dân/ Phấn đấu dần dần cũng được thành quan/ Hết quan rồi lại hoàn dân/ Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan (tài)".

Đáng tiếc là cán bộ lãnh đạo lại ít khi nghĩ đến cái vòng tuần hoàn đầy luẩn quẩn này.

1. Trang Công an Nhân dân online (www.cand.com.vn) có bài, "Như thế này còn lâu đất nước mới có thể minh bạch và giàu có!".

Trong đó có đoạn, "Nhân nói về vụ "xin" của doanh nghiệp Xuân Trường và việc "cho" của Bộ Tài chính làm tôi nhớ, tại Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cuối tháng tư vừa qua ở TP Hồ Chí Minh. 

Khi đề cập đến tình trạng thất thu và nợ đọng thuế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hướng về phía các doanh nghiệp: "Không phải Thủ tướng không biết đâu nhé, chuyện "cưa đôi" ấy, Thủ tướng biết hết!" - Nhắc lại lời cảnh báo của Thủ tướng, người viết bài không hề có ý nói việc xin và cho của doanh nghiệp Xuân Trường với Bộ Tài chính có chuyện "cưa đôi" hay "cưa ba" gì… Nhưng, nếu giả như có thì tôi và chắc nhiều người cũng nghĩ đó là chuyện thường ngày ở huyện!

Quả thật chưa bao giờ chúng ta được nghe nhiều câu "chẳng ai cho không ai cái gì cả" như bây giờ. Cùng với đó, cặp từ "cưa đôi" được  người ta mách bảo nhau như một thứ luật bất thành văn mỗi khi có công to việc nhỏ phải xin xỏ, nhờ vả một tổ chức hay cá nhân nào đó.

Tương tự, không khó để có thể nghe được lời ca thán của chủ một nhà hàng ăn uống hay một sạp bán hàng tư nhân ở bất kỳ một con phố hay cái chợ nào, rằng thi thoảng họ vẫn phải "trả lương" cho "nhà thuế". Bởi khi kê khai xác định doanh thu hàng năm, họ đã "xin" và được "cho" thấp hơn đáng kể so với con số thu thực tế.

Tích tiểu thành đại, nhiều nhỏ dồn lại khắc lớn. Rất lớn. Chừng nào xã hội còn tồn tại vấn nạn "cưa đôi", "cưa ba" thì chỉ có kẻ xin, người cho hưởng lợi, còn kho bạc nhà nước mãi mỏng, ngân sách quốc gia cứ thất thu dài dài.

Như thế còn lâu đất nước mới có thể minh bạch và giàu có!".

Điều buồn cười nhất mấy ông doanh nghiệp nhà mình là ông nào bình thường cũng kêu to hơn chuông, đi siêu xe biển kiểm soát phải tứ quý, ngũ quý, lộc phát (không thì biển kiểm soát công vụ có kèm giấy ra vào cổng cơ quan đỏ chói), ông nào cũng hiện hữu trên truyền thông với biệt thự, dinh cơ.

Ấy vậy mà khi đụng đến thuế, tức là trách nhiệm xã hội thì ông nào cũng mong muốn được ưu đãi, được đặc cách, được châm chế.

Ngay cái tư duy này nó đã phản ánh đặc tính của doanh nhân nước mình rồi, kiểu xênh xang ở đâu cũng được nhưng về nhà thì bóp cổ vợ, "Mới đưa mười nghìn đi chợ mà đã hết rồi ư? Giời ơi, đồ phá hoại".

Vấn đề cốt lõi, theo Mr. Bim, chính là các cơ quan cũng bớt chiều chuộng doanh nghiệp đi, tạo điều kiện là một chuyện nhưng chiều chuộng quá đáng để sinh hư lại là chuyện khác. Formosa là một ví dụ đấy thôi.

Với lại, chiều đối tượng này mà không chuộng đối tượng kia thì dễ mang tiếng, dễ ảnh hưởng đến thanh danh trong sạch lắm.

Mr. Bim nói thiệt.

2. Trang Vietnamnet có bài, "Phát súng tội ác và tham - sân - si".

Trong đó có đoạn, "Dù người viết và ai cũng tin rằng, đó vẫn là sự mất mát, tổn thất vô cùng to lớn, là nỗi đau pha chút cay đắng hoặc bẽ bàng cho gia đình, dòng họ của cả hai phía, nạn nhân và thủ phạm.

Không hiểu, gặp nhau dưới suối vàng, họ sẽ "nói" với nhau điều gì? Về những đắng cay và khắc nghiệt của tham - sân - si, khi tất cả đã chỉ còn là tro tàn quá khứ?

Vụ án đầy bi kịch nhanh chóng kết thúc. Nhưng còn mở ra biết bao điều mà những quan chức có trách nhiệm cần suy nghĩ. 

Liệu điều đó có phản chiếu những suy thoái, thậm chí là sự khủng hoảng, bất ổn âm thầm của đội ngũ cán bộ, của bộ máy công quyền, mà Tổng Bí thư tại Hội nghị Dân vận ngày 27/5 đã phải phát biểu, "Những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng, vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ". (VnExpress.net, ngày 28/5).

Vụ việc đầy bi kịch tại Yên Bái, không còn là mất đoàn kết, mà có thể là mâu thuẫn nội bộ đến điểm đỉnh. Không chỉ gây sốc cho người dân cả nước ở hành vi cố tình gây tội ác, mà ở góc độ nhân tâm, còn là một đạo lý hành xử giữa đồng chí với nhau rất đáng sợ, rất không đẹp.

Xưa nay, người có tội, như một luật nhân - quả, rồi cũng phải trả giá.

Nhưng khi một guồng máy cán bộ mà sự tham - sân - si đến mức khiến cho người dân mất niềm tin và thất vọng, hoài nghi trước tổn thất của những số phận, đó mới thật đáng nghĩ, đáng buồn. Ai có lỗi đây?".

Mr. Bim nệ cổ, vẫn giữ quan điểm cũ "Tử bất đắc xét", người nằm xuống rồi thì không bàn tán. Mr. Bim chỉ xin mượn lời của nhà thực vật học người Hoa Kỳ Liberty Hyde Bailey đã nói, "Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn cười".

Quan hay dân gì cũng vậy, ông chủ hay tôi tớ gì cũng thế, ai mà không phải chết và chấp nhận sự phán xét của miệng đời.

Mr. Bim tính không điểm thông tin này, nhưng thông tin ầm ĩ vậy lại lờ đi thì thật bất kính với bạn đọc. Đành chịu.

3. Trang VnExpress có bài, "Máy X-quang tiền tỷ 'đắp chiếu'".

Trong đó có đoạn, "Nhiều bệnh viện tuyến huyện tại Quảng Ngãi được đầu tư máy chụp X-quang, xét nghiệm hiện đại giá tiền tỷ nhưng không sử dụng vì không có bác sĩ đọc kết quả.

Trao đổi báo chí, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận có hiện tượng các máy tiền tỷ "đắp chiếu" tại một số bệnh viện của Quảng Ngãi, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Các máy móc này gồm máy siêu âm, chụp X-quang… được đầu tư nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn vốn viện trợ ODA.

Trong khi đó, người dân bức xúc khi cơ sở y tế có máy chụp chiếu nhưng không sử dụng mà yêu cầu bệnh nhân lên tuyến trên.

Thực trạng trên là do có máy móc hiện đại nhưng cơ sở y tế lại thiếu kỹ thuật viên, bác sĩ để đọc kết quả, theo ông Sơn. Khi những kết quả này được gửi đến cơ quan bảo hiểm để đề nghị thanh toán thì chỉ có chữ ký của kỹ thuật viên, không có chữ ký của bác sĩ đọc kết quả. 

Đối chiếu quy định hiện hành, cơ quan bảo hiểm xã hội không thể thanh toán cho khoản chụp chiếu này. Hiện cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan y tế giải quyết vướng mắc này".

Không chỉ trong ngành y mà trong tất cả các lĩnh vực khác cũng đang tồn tại nhiều bất cập về việc sử dụng nguồn vốn. Thậm chí, dây chuyền xuất khẩu hàng nghìn tỷ đồng nhập về cũng đắp chiếu vì dây chuyền sản xuất khi nhập không phù hợp hoặc là mắt xích trong một vụ đại án.

Cha chung không ai khóc, tiền tỷ có mang hóa vàng cũng là tiền vay mượn, tiền ngân sách chứ tiền túi ai đâu mà lo. Quan trọng hơn, người hóa vàng tiền thì nhiều mà người bị xử lý thì có mấy, nên tội gì mà không phá.

Người ta mang tiền đi hóa vàng vì mục đích gì, vì động cơ gì người ta đều am tường cả. Đau đớn thay có luật, có giám sát, có thanh tra mà vẫn cứ như vô pháp vô thiên.

4. Trang Thanh niên Online có bài, "Vẫn chưa rõ đã 'ăn được cá' hay chưa?".

Trong có có đoạn, "Ngày 22-8, tại TP. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Trị, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Chủ trì hội nghị là ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư và lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Hồng Hà nhắc lại diễn tiến của sự cố cá chết ven biển miền Trung do sự cố Formosa gây nên. Ông Hà đã cảm ơn nghĩa cử của người dân 4 tỉnh miền trung đã bền bỉ tin tưởng vào sự lãnh đạo, xử lý sự cố Formosa của Đảng, Chính phủ.

Các chuyên gia đánh giá biển đang phục hồi, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần... Nhưng câu hỏi cụ thể là "biển đã sạch, cá đã ăn được hay chưa" vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát".

Cũng không biết phải bình luận sao cho câu chuyện Formosa này nữa, thôi thì ủi an nhau như Mr. Bim thường đùa, "Còn sống là còn hy vọng".

Thêm nữa, "Rồi cũng qua hết thôi, nếu không qua hết thì chắc chắn mình cũng qua đời".

Tin khuyến mãi. Các báo đưa tin, "Tổng thống Obama tức giận khi con gái hút cần sa". Theo đó, "Một nguồn tin tiết lộ ông Obama đã nổi giận khi biết con gái lớn bị phát hiện hút cần sa ở nơi công cộng hồi tháng trước".

Bình luận của Mr. Bim, "Thật xấu hổ cho lãnh đạo các nước tư bản, dạy con còn không nên thì đòi bình thiên hạ cái gì. Nhẽ ra, nên học tập nước mình, vì ở nước mình đa phần con của lãnh đạo đều tử tế, tài trí, từ từ tà tà làm quan truyền đời cả. Thèm mà vướng vào các chất gây nghiện xấu xa, bỉ ổi".

Mr Bim
.
.