Nỗi buồn của Nodi

Thứ Bảy, 27/06/2020, 10:40
Khi bị bán vào Daulatdia, Bangladesh, Nodi mới là một cô bé 14 tuổi. Còn giờ đây, cô là một trong gần 1.500 phụ nữ đang "hành nghề" mại dâm tại một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới.

Một thập niên đã trôi qua, nhưng cuộc đời của Nodi cũng như gần 1.500 phụ nữ khác, vẫn chỉ gói trọn trong cụm từ "vô định"; còn đại dịch COVID-19 thì đang từng ngày cướp mất nguồn sống của cô.

"Tôi bị lừa"

Giống như nhiều cô gái khác tại Bangladesh, Nodi kết hôn từ khi còn rất trẻ. Chồng cô, một tay chơi cờ bạc khét tiếng ở phía Đông Bangladesh, không thể lo cho Nodi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong một lần tình cờ, Nodi gặp một người lái xe và đề nghị được giúp bỏ trốn. Gã này đã giúp cô chạy khỏi cuộc sống hôn nhân cùng cực, nhưng lại đẩy cô vào một kiếp đời nhơ nhớp hơn. Hắn thực chất là một tay môi giới mại dâm, nhẫn tâm bán Nodi cho một "madam" tại khu nhà thổ Daulatdia, để rồi nỗi buồn của Nodi bắt đầu từ ấy. 

"Tôi bị lừa và giờ tôi mắc kẹt tại đây", Nodi, cô gái có đôi mắt buồn, kể lại với CNN trong cuộc phỏng vấn ngắn. Khi chồng và gia đình Nodi biết được chuyện gì đã xảy ra, thay vì chuộc cô về, họ quyết định rũ bỏ người con gái tội nghiệp, bởi chính những định kiến về nhà thổ và sự xấu hổ mà họ không thể vượt qua. Khi được CNN tìm ra, Nodi đã trói đời mình hơn một thập niên tại chốn này.

Những con hẻm chật hẹp bị nêm cứng bởi những căn nhà tạm lợp bằng tôn, cùng những miệng cống mở toang bốc mùi, chính là nơi mà Nodi đang sống. Theo CNN, gần 1.500 phụ nữ và trẻ em gái đang sinh sống bên trong khu đất rộng gần 5 héc ta của khu nhà thổ Daulatdia, được miêu tả là "một khu ổ chuột đông đúc với điều kiện sống tồi tàn". 

Một nghiên cứu năm 2018 được thực hiện bởi Hiệp hội Phát triển Con người và Môi trường (SEHD) cho thấy, khoảng 80% trong số 135 gái mại dâm được khảo sát cho biết họ đã bị buôn bán hoặc lừa vào nhà thổ. "Các điều kiện trong nhà thổ rất kinh khủng. Chẳng ai đặt chân đến chốn này, trừ khi họ bị ép buộc hoặc lam dụng", ông Philip Gain, Giám đốc SEHD, chia sẻ. 

Cũng theo ông Gain, một mạng lưới những kẻ buôn người đã và vẫn đang hoạt động trên toàn lãnh thổ Bangladesh, với một đường dây chuyên tìm kiếm những cô gái ngây thơ rồi bán cho các nhà thổ. Đối tượng mà chúng hướng đến là những cô gái trẻ tuổi, dễ bị dụ dỗ bởi những lời hứa suông về một công việc với mức lương cao tại các xí nghiệp, nhà máy. "Một khi bị bán vào nhà thổ, nạn nhân sẽ bị mắc kẹt và rất khó để thoát ra", Gain nói thêm.

Những người phụ nữ xếp hàng chờ nhận hàng viện trợ từ các tổ chức từ thiện. Ảnh: CNN.

Khu nhà thổ Daulatdia được đặt bên cạnh một nhà ga và bến phà trên sông Padma, một kênh chính chạy từ sông Hằng. Đây được coi là vị trí đắc địa cho những gã đàn ông mong muốn tìm thú vui giải khuây sau một ngày làm việc. 

Kể từ năm 2000, mại dâm được xác nhận là hợp pháp ở Bangladesh, dù vẫn bị coi là hành vi vô đạo đức. Nhờ đó, Daulatdia lại càng trở nên nổi tiếng. Thông thường, khoảng 3.000 gã đàn ông sẽ ghé thăm nhà thổ mỗi ngày, nhiều người trong số họ là lái xe tải hoặc người lao động. Sau giờ làm, các cô gái sẽ trang điểm xinh đẹp, đứng ven những ngõ ngách chật hẹp, chờ đợi một khách vãng lai đến và lựa chọn mình. 

Sau khi "đàm phán" hoàn tất, khách hàng sẽ được mời vào một trong những căn phòng nhỏ tại khu nhà thổ, thường bao gồm một chiếc giường sáng màu và một tủ nhỏ hoặc tủ quần áo. Những người đàn ông sẽ trả ít nhất 2 USD cho một lần quan hệ, và khoảng 20 USD cho một đêm ân ái. Đây là nguồn sống chính và duy nhất của những cô gái trong Daulatdia. Thế nhưng, cuộc sống của những cô gái hành nghề mại dâm tại Daulatdia đã đi chệch quỹ đạo, chỉ vì một hiểm họa chẳng ai ngờ tới. 

"Trước đây, tôi có thể kiếm tới 60 USD một ngày. Một số ngày, tôi kiếm được 20 USD, và một số ngày tôi chẳng kiếm được gì cả", Nodi nói. "Còn giờ đây, mọi thứ đều phụ thuộc vào Chúa", Nodi thú nhận. Đại dịch COVID-19 chính là nguyên nhân.

Gần 1.500 phụ nữ đang trói đời mình trong khu nhà thổ Daulatdia, Bangladesh, với số tiền nhận được chỉ khoảng 2 USD mỗi ngày.

"Tôi đói"

Giờ đây, khi Bangladesh đang đối mặt với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, cô gái 25 tuổi tiếp tục đối mặt với một vấn đề mới: Cái đói. "Do đại dịch COVID-19, chúng tôi hiện đang gặp rắc rối. Chúng tôi không có việc làm", Nodi than thở. 

Vào khoảng cuối tháng 3 vừa qua, Bangladesh chính thức áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, trong bối cảnh đã có hơn 36.000 người lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia này với hơn 500 người đã tử vong. Với việc các doanh nghiệp và mạng lưới giao thông liên tỉnh bị trì hoãn trên khắp Bangladesh, các nhà thổ cũng được yêu cầu tạm ngừng hoạt động. 

"Nhà thổ tại Bangladesh đã bị đóng cửa", Morjina Begum, Giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện Bangladesh Mukti Mohila Samity (Hiệp hội Phụ nữ Tự do) chia sẻ, nói thêm rằng vì lẽ đó mà các "khách hàng" không được phép đến nhà thổ, và những người "hành nghề" mại dâm cũng chẳng thể có nguồn thu. 

Theo Begum, một cô gái từng hành nghề mại dâm tại Daulatdia, chính phủ, lực lượng cảnh sát và các tổ chức từ thiện phi chính phủ tại Bangladesh, bao gồm cả tổ chức của cô, đã liên tục cung cấp hàng viện trợ vượt khủng hoảng COVID-19 cho những người phụ nữ bên trong khu nhà thổ Daulatdia. Gần nhất, một chuyến hàng viện trợ từ thiện đã được đưa đến khu nhà thổ hôm 14/5. 

Nhưng điều đó dường như vẫn chưa đủ. Nodi nói rằng hàng cứu trợ đôi khi được phân phối không công bằng, có nghĩa rằng một số người phải sống trong cảnh đói. "Nhiều khi, chúng tôi không nhận được bất kỳ thực phẩm nào", Nodi chia sẻ.

Trong khi đó, theo CNN, mỗi gái mại dâm trong nhà thổ phải trả tiền thuê hàng ngày cho các "madam", những người đóng vai trò là trung gian giữa gái mại dâm và khách hàng, quản lý hoặc sở hữu cả chục ngôi nhà trong khu đất này. 

Các cô gái thường bị các tay môi giới rao bán với giá từ 200-300 USD, và đây cũng là khoản nợ mà cac cô phải trả cho các quản lý. Không có khách hàng, họ không những không có tiền trả nợ, trả tiền thuê nhà, mà cũng thậm chí không có tiền để mua đồ ăn. Đó là chưa kể đến việc, Daulatdia cũng là nơi khai sinh cho rất nhiều đứa trẻ, đáng tiếc, không cha. 

Các nhà xã hội học cho rằng hiện có khoảng 500 trẻ em đang sinh sống ở Daulatdia, trong đó có hơn 300 trẻ dưới 6 tuổi. Và giờ, vì COVID-19, những đứa trẻ này cũng đói. "Nếu đại dịch tiếp tục, lũ trẻ sẽ chết vì đói. Chúng tôi cầu nguyện rằng virus sẽ biến mất", Nodi chia sẻ. 

Cô cũng cho biết, một số phụ nữ đã gửi con đến sống với các thành viên trong gia đình hoặc tại các nhà tạm trú bên ngoài nhà thổ, vì họ không muốn con mình trở thành một phần của cuộc sống này. Bản thân Nodi cũng đã ngừng liên lạc với con trai mình, hiện 11 tuổi, đang sống cùng chồng cũ của cô ở Dhaka. "Như vậy tốt hơn. Chúng tôi muốn con cái tránh xa mình để chúng có thể trở thành người tốt", trong nước mắt, Nodi thừa nhận.

Ngay cả khi COVID-19 kết thúc, cuộc đời của những phụ nữ trong khu nhà thổ Daulatdia liệu có thể tươi sáng hơn?

Ai sẽ cứu tôi?

Chính quyền địa phương khẳng định, hàng viện trợ vẫn được tiếp tế cho Daulatdia. Trước đợt giao hàng viện trợ hồi tháng 5, chính quyền cũng đã tiến hành một đợt phát đồ viện trợ khác cho nhà thổ vào ngày 28/3 cho hơn 1.300 phụ nữ, theo ông Rubayet Hayat, người đứng đầu khu vực Goalanda, cho biết. 

Ông nói thêm rằng, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng đã phê duyệt đề xuất viện trợ cho 200 phụ nữ nghèo nhất nhà thổ một khoản tiền mặt trị giá 30 USD. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát địa phương, hiện đang canh gác lối vào của nhà thổ để ngăn khách hàng tìm cách "giải khuây" trong thời gian phong tỏa, cũng đã thực hiện nhiều đợt viện trợ gạo trong nhiều tháng qua, ông Ashiqur Rahman, cảnh sát trưởng địa phương chia sẻ. 

"Đầu tiên, chúng tôi cần cứu mạng họ khỏi đại dịch COVID-19. Sau đó, chúng tôi cố gắng giúp đỡ cả những thứ khác", Rahman nói khi được hỏi về giải pháp cứu lấy Daulatdia. "Chúng tôi hỗ trợ họ nhiều nhất có thể, nhưng tôi nghĩ điều này là không đủ. Họ đang ở trong một tình huống nguy cấp", ông nhận định. Câu nói của Rahman phải chăng đang ẩn ý rằng, những nỗ lực đã được chính phủ Bangladesh triển khai dường như chỉ cứu vớt được sự sống tại Daulatdia một cách tạm thời?

Khi những câu hỏi về tương lai của gần 1.500 người phụ nữ tại Daulatdia còn quá chơi vơi, thì chính những kiếp người đi và trở lại khu nhà thổ này cũng khiến người ta đau xót. Shurovi, 22 tuổi, được sinh ra ở Daulatdia sau một đêm ân ái, để rồi cô chẳng thể biết bố mình là ai. 

Shurovi sau đó được một trại trẻ từ thiện nhận nuôi dưỡng và giáo dục bài bản, trước khi cô kết hôn và chuyển đến Dhaka. Nhưng sau bốn năm, hai vợ chồng cô ly thân vì chồng có người tình mới. Vật lộn với cuộc sống đơn độc, Shurovi làm mọi công việc cô có thể để chạm tới ước mơ to lớn: Trở thành diễn viên. Nhưng khi nguồn việc cạn, tiền cũng hết, Shurovi không còn cách nào khác trừ việc trở về Dauatdia, làm công việc mà cô từng may mắn được giải thoát. 

Cô trở lại với hai mục đích: Có thể tự chuộc mình ra sau hai năm và đủ tiền mua một mảnh đất. Nhưng mục đích ấy phai nhạt dần sau khi Shurovi sinh em bé, lại là một đứa trẻ không cha. Cô gánh trên vai khoản vay khổng lồ để chi trả cho việc sinh đẻ, cùng với số tiền lớn mỗi tháng cần có để nuôi con. 

Nỗi lo kinh tế đã khiến việc thoát ra khỏi Daulatdia trở nên xa tầm với. "Tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa sự sống còn của hai mẹ con", Shurovi nói. "Nếu tôi không có bất kỳ thu nhập nào, tôi không thể nuôi con. Tôi không thể nuôi sống bản thân cũng như gia đình", cô chia sẻ, bào chữa cho "bước lùi" của đời mình.

Các chuyên gia quốc tế tin rằng liều vaccine đẩy lùi COVID-19 sớm muộn rồi sẽ có. Nhưng chẳng có ai tin rằng liều vaccine đẩy lùi những khu nhà thổ như Daulatdia sẽ được sản sinh. Nỗi buồn của những kiếp người trong Daulatdia chưa bao giờ chỉ dừng ở COVID-19. "Những người được sinh ra trong nhà thổ này, họ đâu có quyền lựa chọn mình sinh ra như thế nào, nhưng họ xứng đáng có cơ hội được sống bình thường trong xã hội", Shurovi nói. 

Nhưng làm sao để họ có thể thoát ra ngoài và sống một cuộc đời bình thường, thì Shurovi không thể lý giải. Và có lẽ gần 1.500 phụ nữ tại Daulatdia cũng chẳng thể lý giải. Kết thúc bài phỏng vấn trong màn mưa, Shurovi ngước lên trời, thở dài và nói trong vô định: "Có lẽ chúng tôi đã chết trước khi thực sự chết rồi".

An Nhiên
.
.