Lý tưởng ở địa phương

Niềm tin cốt lõi

Thứ Tư, 26/06/2019, 17:28
Có rất nhiều câu chuyện trái khoáy về cách hành xử của cán bộ địa phương được truyền thông chính thống đưa tin, từ lạm thu cho đến bịa thêm các loại phí, từ cặp kè dìu dắt nhau vào nhà nghỉ cho đến đưa người thân của gia đình vào hộ nghèo, từ vi phạm đất đai cho đến biển thủ công quỹ... 

Nhiều năm nay, chúng tôi không nhớ được mình đã viết bao nhiêu bài báo với mong muốn lãnh đạo Trung ương quan tâm hơn đến những thành trì đang có nguy cơ khiến niềm tin bị hao mòn, đó chính là chính quyền cơ sở.

Niềm tin của đại bộ phận nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ có khởi nguồn cơ bản từ việc tiếp xúc với chính quyền cơ sở.

Thật may mắn khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa qua đã nhấn mạnh, “Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!".

Thậm  chí, là tổ chức tiếp khách ăn nhậu đến độ thiếu nợ chây ì ngoài hàng quán.

Quyền lực của cán bộ địa phương là có thật, sự chưa hài lòng của nhân dân tại nhiều cơ quan công quyền ở địa phương là có thật, nhiều cán bộ địa phương không sâu sát với nhân dân ngay tại địa phương là có thật...

Rất nhiều câu chuyện có thật đang diễn ra ở địa phương, mà câu chuyện nào cũng ảnh hưởng đến niềm tin cốt lõi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

1. Phải thừa nhận rằng thời gian gần đây nhiều chính quyền địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ nhân dân, từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ, từ khiếu kiện tranh chấp cho đến vướng mắc quyền lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt thì còn không ít địa phương khác vẫn giữ thái độ "lý trưởng” đối với nhân dân.

Có ông chủ tịch một xã vừa phải lên báo thừa nhận: "Tôi ngu đột xuất". Sở dĩ ông thừa nhận ngu đột xuất là bởi có người dân tố cáo ông tổ chức phá cây trồng của họ. Dân thì bảo ông chủ tịch trực tiếp cầm rựa phá hoại tài sản nông nghiệp của dân, ông chủ tịch thì bảo là do người làm của ông phá chứ không phải ông. Cái ngu của ông là thấy phá mà không ngăn cản.

Có ông bí thư xã thì đưa vợ con họ hàng vào diện hộ nghèo để tiện bề cấp đất công, hưởng các chính sách phúc lợi của Nhà nước. Có ông chủ tịch xã khác thì xài luôn tiền mua bò nghèo của người dân, lại có ông lãnh đạo xã kém pháp luật đến mức muốn phê gì vào hồ sơ đi học của tân sinh viên thì phê... Đó là không thể nào kể hết những câu chuyện vi phạm thuần phong đạo đức chung, anh cán bộ xã này đã có gia đình rủ chị cán bộ xã kia ra nhà nghỉ hay khách sạn ký tá giấy tờ bàn bạc công việc... 

Rồi còn những lãnh đạo xã thích bịa ra phí nào cứ cho triển khai phí ấy, nhân dân trong xã phải è cổ ra mà đóng, không đóng thì không được đồng thuận trong giấy tờ khi có việc cưới hỏi, đi xin việc, nhập học... Thậm chí, đến cái giấy báo tử mà cán bộ địa phương còn hành cho nhân dân lên bờ xuống ruộng mới đã nữa.

Cá nhân tôi không nghĩ rằng cán bộ địa phương kém về năng lực cũng như chuyên môn đến vậy, mặc dù có nhiều cán bộ xã vướng câu chuyện bằng cấp giả mạo đã từng xảy ra.

Ngày còn bé ở quê nhà, có nghe câu chuyện về lãnh đạo xã của tôi. Mấy mươi năm trước, chuyện học hành có vẻ còn quá xa vời, vị lãnh đạo xã cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vị lãnh đạo xã ấy chưa bao giờ bị người dân kêu ca phàn nàn, vị lãnh đạo xã ấy vẫn được người dân yêu thương tin tưởng.

Ấy là do cái lòng của mình với người vậy, ấy là do cái tâm của mình với việc chung vậy.

2. Công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất đang được nhân dân ủng hộ tuyệt đối. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm việc liên tục để gần như hàng tháng hàng tuần đưa ra kết luận về các sai phạm của cá nhân, của tổ chức.

Thế nhưng, điều đáng tiếc nhất là rõ ràng các địa phương vẫn chưa đồng lòng với Trung ương trong sự thay đổi đầy tích cực ấy. Trung ương xử lý một cán bộ cấp cao có sai phạm, nhân dân đồng tình vui mừng.

Nhưng rồi sự đồng tình vui mừng ấy sẽ giữ được bao lâu khi mà đến ủy ban nhân dân xã, ủy ban nhân dân phường, người dân lại phải chạm mặt với những cán bộ cau có, những nhân viên nói mà như quát, hướng dẫn mà như mắng, vậy mà những vị chủ tịch, những vị bí thư quên mất trách nhiệm của mình trước hiện tượng trên.

Thế nên, rất mong mỏi sau phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng “lý trưởng mới” ở địa phương, ở cơ sở.

Vì rõ ràng thành trì của niềm tin, mạch nước ngầm niềm tin vẫn luôn bị ảnh hưởng rất nhiều từ hành động của chính quyền địa phương.

Phân cấp thì tuy nhỏ, nhưng sự tác động của lực lượng này là rất lớn!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.