Những tín hiệu hy vọng

Thứ Năm, 23/01/2020, 12:31
Như thường lệ ở mỗi số báo Xuân Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, nhóm thực hiện chuyên đề luôn chọn một vấn đề, một sự kiện nổi bật của năm đã qua để lạm bàn.


Không phải lạm bàn các vấn đề ấy nhằm vui vẻ cùng nhau hay đơn giản chỉ là cuối năm nên nói chuyện mừng, chỉ là trong suốt 365 ngày vận động            không ngừng nghỉ, dẫu còn nhiều vấn đề phải giải quyết, phải đối mặt nhưng những thành tựu, những tín hiệu cho hy vọng, cho tương lai... là không thể phủ nhận.

Có nhìn lại mới có bước đi, chúng tôi tin là như vậy.

Đi sẽ thành đường

Bất cứ quốc gia nào muốn văn minh, muốn phát triển, muốn có thành tựu vững bền đều bắt buộc phải hướng đến sự thượng tôn pháp luật.

Khi mà thượng tầng cũng như hạ tầng đều có điểm chung là bị sự ràng buộc của pháp luật trong hành vi lẫn ngôn ngữ, thì chắc chắn sẽ không có lợi ích nhóm, sẽ không có chi phối trục lợi, sẽ không có những năng lượng tiêu cực quan xử khác dân xử khác.

Và khi thượng tôn pháp luật, người lãnh đạo địa phương ban ngành cũng không có gì phải ngại ngần chuyện củi chuyện lò. Bởi đơn giản, có làm gì sai đâu mà sợ.

1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có phát biểu quan trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương vào những ngày cận năm 2020, trong rất nhiều ý của bài phát biểu này, tôi đặc biệt lưu tâm đến vấn đề, “Vừa mới gần đây thôi, Tết đến nơi rồi xử mấy vụ, bổ sung thêm mấy vụ vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo. Tới đây còn tiếp tục xử lý. Sắp tới các đồng chí chờ xem”.

Từ khi phát đi tiếng trống lệnh về chống tham nhũng, xem việc chống tham nhũng là yếu tố sống còn của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chưa bao giờ nói suông, chưa bao giờ giữa nói và làm có bên nặng bên nhẹ. Từ Ủy viên Bộ Chính trị, cho đến Bộ trưởng tiền nhiện đương nhiệm, cho đến Chuẩn Đô đốc Hải quân, cho đến tướng lĩnh lực lưỡng vũ trang, cho đến quan chức đầu tỉnh đầu ngành... không ai là vùng cấm của công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng.

Tôi hiểu sự sốt ruột của nhân dân, nhưng như tôi đã từng viết, chống tham nhũng là việc vô cùng khó khăn. Kẻ có chức có quyền, có cấu kết có bè phái, có đàn em có đàn anh... thì mới có khả năng tham nhũng. Lắm khi, tham nhũng hay nhóm lợi ích hình thành cả hệ thống, như những vụ việc tại Đồng Nai, tại Khánh Hòa... Mà song song với chống tham nhũng, các cơ quan chức năng còn làm biết bao nhiêu nhiệm vụ khác, mà không nhiệm vụ nào lại không quan trọng.

Các nhóm lợi ích, các quan chức có chùn tay trước những ký tá sai luật hay không, bằng sự tiếp xúc thực tế tôi cho rằng là có. Bước đầu, những tự tung tự tác, những tưởng bàn tay che được mặt trời, những tưởng quỷ không biết thần không hay, những tưởng không ai làm gì được mình hay mình đứng trên pháp luật... đã bắt đầu biết sợ hãi.

Tất nhiên song song với chống tham nhũng là phải giám sát được quyền lực, không để cá nhân được tổ chức tin tưởng giao vị trí quyền hạn phút chốc nghĩ rằng quyền hạn vị trí là phục vụ cho cá nhân, cho người thân hay cánh hẩu. Nhưng khi người ta biết sợ ngày bị phanh phu sai phạm, thì cũng là lúc người ta buộc phải tuân theo pháp luật.

2. Cao trào của công cuộc chống tham nhũng vẫn chưa dừng lại, bất chấp đâu đó ong ve vài lãnh đạo địa phương than phiền chống tham nhũng làm giảm đi nhuệ khí của cán bộ. Thú thật, tôi không hiểu người ta tư duy như thế nào để có thể phát ngôn công khai điều ấy trên báo. Nhưng tôi vẫn luôn vững lòng tin, cán bộ chùn tay trước công cuộc chống tham nhũng chính là cán bộ tay đã trót nhúng chàm. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì "Tay nhúng chàm hãy nên gột rửa", vậy mà không lo gột rửa lại tiếp tục đổ thừa hoàn cảnh. Thời may, không phải địa phương nào cũng có những lãnh đạo kỳ lạ như vậy. Điển hình, phải kể đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng vừa trải qua những phen sóng gió liên tiếp, từ Bí thư Thành ủy đương nhiệm cho đến Chủ tịch UBND Thành phố đã về hưu, ông nào cũng góp sức đắc lực cho tội phạm trong việc phá công sản gây thiệt hại lớn về ngân sách quốc gia. Bao nhiêu công hầu khanh tướng, danh dự bản thân, danh sự gia đình, sự tin tưởng của tổ chức, tin tưởng của nhân dân... họ thản nhiên vứt sạch để một kẻ tội phạm trói chặt, nhấn họ vào vũng nước đục.

Thế nhưng, đáng khen là lãnh đạo Đà Nẵng vẫn hết sức vững vàng với hàng loạt những chỉ đạo giải quyết các vấn đề đang tồn tại tại địa phương. Trong đó, xử lý sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh.

Tập đoàn Mường Thanh không lạ gì với dư luận, các sai phạm của Tập đoàn này được phản ánh khắp đầy trên báo giới ở nhiều địa phương khác nhau, từ Thủ đô tràn sang các thành phố địa phương khác nhưng đáng tiếc là có vẻ như để lâu vạn sự hóa bùn.

Vì vậy, khi Mường Thanh loan tin sẽ khởi kiện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng với lý do, "Không đồng ý với 6 quyết định hành chính của chính quyền Đà Nẵng liên quan đến việc xử lý vi phạm tại dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà", tôi rất chờ đợi động thái của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng như các ban ngành liên quan.

Thật hay là phản hồi với thông tin khởi kiện này, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các ban ngành liên quan đều nhất mực, "Từ khi biết có đơn khởi kiện, phía chính quyền Đà Nẵng thể hiện sự kiên quyết trong xử lý vi phạm Mường Thanh. Ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nói khởi kiện là việc của doanh nghiệp, các quyết định của thành phố không thay đổi.

Còn bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết quận vẫn triển khai theo quyết định của UBND thành phố. Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tuyên truyền vận động người dân ở các căn hộ vi phạm biết chủ trương, sau tết tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm".

Đây chính là tinh thần thượng tôn pháp luật cần có của các cán bộ lãnh đạo, tôi sai tôi chịu trách nhiệm, anh sai anh phải tuân thủ theo luật định. Đây cũng chính là văn minh.

3. Như tôi đã rất nhiều lần viết, không đi thì không thành đường, không làm thì không thành nếp.

Thượng tôn pháp luật luôn là niềm mơ ước của bất kỳ thể chế, bất kỳ hình thái xã hội nào... Và muốn có điều đó phải từng bước thực hiện, từng bước biến thành nề nếp.

Và rõ ràng, có quá nhiều tín hiệu hy vọng cho tương lai ở thời điểm hiện tại. 

Ngô Nguyệt Lãng

Củng cố sự uy nghiêm của pháp luật

Nhìn vào bức tranh tổng thể của đời sống xã hội tác động trực tiếp vào tâm lý mỗi người dân, thì năm 2019 vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Sau các đại án được xét xử trước đó, không ít người lo ngại lò lửa diệt trừ quan chức tha hóa, sẽ hạ nhiệt. 

Thế nhưng, sự thật đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Có vùng cấm, có ngoại lệ không, có chùng xuống không? Rõ ràng không có căn cứ cho rằng chúng ta đang dừng lại hay chùng xuống. Thậm chí cách làm quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản, ngày càng cho ta thêm kinh nghiệm”.

Trong nguy cơ tự diễn biến và tự chuyển hóa của đội ngũ cán bộ, thì biểu hiện tham nhũng là vấn đề nóng bỏng và cam go. Tham nhũng được xác định là một thứ giặc nội xâm, không chỉ ăn tàn phá hại nền kinh tế đất nước mà còn bào mòn hủy hoại lương tri cộng đồng. 

Lịch sử đã cho thấy, triều đại nào để tham nhũng tràn lan thì nỗi lầm than và nỗi thống khổ của từng số phận sẽ làm lung lay mọi nền tảng từng phải tốn bao nhiêu mồ hôi và công sức kiến thiết và dựng xây. 

Đặc biệt, nếu bỏ qua những dấu hiệu tham nhũng vặt thì sớm muộn cũng hình thành lợi ích nhóm gây ra những tai ương khủng khiếp. Bởi lẽ, ý thức chống tham nhũng phải được bắt đầu từ những nhân tố nhỏ nhất, những quan hệ nhỏ nhất.

Chúng ta có thể khuếch trương khẩu hiệu “nói không với tham nhũng” ở mọi nơi chăng? Có thể chứ, nếu chúng ta xác lập hệ thống dịch vụ hành chính công một cách minh bạch. Dịch vụ hành chính công phục vụ cho từng người dân. Và người dân chấp nhận chi phí đàng hoàng. 

Tuy nhiên, ngoài chi phí niêm yết công khai, thì giám sát các loại chi phí bôi trơn được không? Khi mỗi cán bộ nhen nhóm âm mưu đê hèn “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”, thì người dân sẽ phải trả thêm chi phí “giao dịch” đầy miễn cưỡng và đầy bức xúc. 

Không thể phân bua hay né tránh, mà phải thừa nhận rằng: thái độ dửng dưng, thái độ lạnh nhạt, thái độ lười nhác của mỗi cán bộ ở lĩnh vực hành chính công cũng chính là một kiểu lạm quyền cầu lợi. Người dân phải dấm dúi phong bì để cán bộ làm đúng chức trách được giao phó, thì bẽ bàng lắm thay, thì chua chát lắm thay! 

Dùng cái khuất tất nọ để đối diện với cái khuất tất kia, thì chuỗi khuất tất vẫn dây dưa, vẫn hoành hành, vẫn tráo trở. Cần thẳng thắn nói với nhau, khi mầm mống được gieo rắc từ cơ sở, thì tham nhũng sẽ nảy nở, sẽ biến tướng, sẽ leo thang.

Tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, nêu rõ đối tượng sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên. Và khi soạn thảo luật, chẳng mấy chuyên gia tư pháp hình dung được khoản tiền hối lộ khổng lồ trong đại án MobiFone - AVG. 

Riêng cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông - Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã trực tiếp cầm vali chứa 3 triệu USD do Phạm Nhật Vũ hối lộ. 3 triệu USD tương đương 66 tỷ đồng, bằng bao nhiêu năm lương bổng của một Bộ trưởng? 

Câu hỏi ấy không cần trả lời nữa, vì điều thú vị hơn nằm ở cách khắc phục hậu quả. Sau khi nghe đại diện cơ quan giữ quyền công tố có đề nghị hình phạt tử hình, lập tức bị cáo Nguyễn Bắc Son kêu gọi thân nhân gom đủ 66 tỷ đồng để nộp lại. Kết quả, tòa án tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son hình phạt tù chung thân. 

Nếu không đối mặt với mức án tử hình, bị cáo Nguyễn Bắc Son có hối hả hoàn trả khoản tiền đã nhận hối lộ không? Ai cũng thấy, đó là thu hoạch từ sự uy nghiêm của pháp luật hơn là sự trỗi dậy của đạo đức. Từ trường hợp bị cáo Nguyễn Bắc Son có thể nhìn về tương lai, nếu muốn thấy sự trỗi dậy của đạo đức thì nhất định phải củng cố sự uy nghiêm của pháp luật!

Cuộc chiến chống tham nhũng không phải câu chuyện riêng của ngành nào, của giới nào, của cấp nào. Cuộc chiến chống tham nhũng là sự nghiệp của cả dân tộc khao khát vươn mình hội nhập thời đại văn minh. Thế nhưng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Lãnh đạo trong sạch thì nhân viên cũng trong sạch, lãnh đạo tử tế thì nhân viên cũng tử tế. Giá trị của hành vi gương mẫu luôn phát huy tích cực tronng quá trình đẩy lùi tiêu cực. 

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục được người dân về việc nung nấu ý chí chống tham nhũng, bằng lý lẽ đầy đủ: “Nếu như chưa có được thống nhất cao, ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Cách làm phải theo tập thể, không cá nhân nào được lèo lái. Anh không làm không được, lảng tránh cũng không được, kể cả cơ quan có quyền lực muốn lảng tránh cũng không lảng tránh được vì cơ chế buộc anh phải thế. Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!”

Tham nhũng không tự nhiên hình thành, và tham nhũng cũng không tự nhiên mất đi. Từ “tham” đến “nhũng” là một chặng đường dài, mà những ai có quyền lực không tự rèn luyện, tự nhắc nhở, tự tu chỉnh mỗi ngày sẽ dễ dàng sa ngã đau đớn. Để ngăn chặn nguy cơ quan chức tận dụng vị trí đang có để “hốt cú chót”, nên áp dụng tiêu lệnh của ngành Hàng không vào lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh: “Đề nghị quý khách trở về chỗ ngồi, thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, xếp bàn ăn trước mặt, mở tấm che cửa sổ và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh…”.   

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Dưới là quốc kỳ Việt Nam

2019 qua nhanh, với quá nhiều sự kiện lớn và nếu như phải lựa chọn một sự kiện nào đó là tiêu biểu của năm thì quả thật đó là một việc rất khó. Mỗi sự kiện đều có những tác động xã hội riêng của nó và khó có thể so sánh sự kiện ở lĩnh vực này có tính tích cực hơn một sự kiện ở một lĩnh vực khác. Nhưng nếu chỉ nói về tác động xã hội mang tính rộng, có lẽ khó có thể bỏ qua những sự kiện về văn hoá xã hội. 

Điển hình như ở khía cạnh công nghiệp văn hoá chẳng hạn. Chỉ nội chuyện các hãng đĩa lớn tầm vóc toàn cầu như Universal và Sony Music đã âm thầm ký hợp đồng với vài nghệ sỹ Việt Nam như Vũ Cát Tường, Thái Vũ, Hà Lê… cũng đã đủ để chúng ta nhìn nhận ra dấu hiệu tích cực của nó trong cộng đồng những người theo đuổi sự nghiệp âm nhạc là như thế nào. Nó như một cú hích khích lệ những tài năng trẻ dám khát vọng, dám dấn thân và dám đi đến tận cùng bằng chính khả năng của mình.

Nhưng có lẽ, sẽ khó có sự kiện văn hoá xã hội nào có thể vượt qua được thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam ở SEA Games 30. Chúng ta vẫn nói với nhau rằng SEA Games vốn dĩ chỉ là sân chơi ao làng, sân chơi khu vực và muốn tranh đua, khẳng định, phải ra những đấu trường lớn hơn như Asiad hay Olympic. Song, thể thao là một quá trình rèn luyện, tích lũy và thách thức chính giới hạn bản thân của mình. Chính vì thế, không kinh qua những ao làng làm sao có thể có kinh nghiệm chinh chiến tốt hơn ở những cuộc chơi nơi biển lớn?

Việc Đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu tiên vô địch SEA Games thực sự là một động lực tiếp nối rất lớn. Chúng ta bị tấm huy chương vàng bóng đá nam SEA Games ám ảnh quá lâu rồi và chính lần vô địch là cú thoát xác đáng nhớ nhất để từ đó, bóng đá Việt Nam có quyền nghĩ tới những mục tiêu lớn hơn. Nói tấm huy chương vàng ấy là động lực tiếp nối là bởi nó không phải là một thành tích mang tính thời điểm đơn thuần. Nó chính là cột cây số đánh dấu một chặng đường chuyển mình của bóng đá Việt. 

Khởi đầu từ vị trí á quân U23 châu Á ở Thường Châu, với một trận chung kết ngập trong tuyết lạnh đầy cảm hứng, bóng đá Việt Nam đã đi một mạch tới ngôi vô địch AFF Cup, vô địch SEA Games và hiện giờ là vị trí đầu bảng của vòng loại World Cup. Và cũng đội tuyển U22 mới vô địch SEA Games ấy giờ đây đang trong hành trình chinh phục giải vô địch U23 châu Á tại Thái Lan mà mục tiêu lớn là phải vào bán kết để giành lấy tấm vé tham dự Olympic.

Cái khích lệ lớn mà một loạt thành tích nói chung và chức vô địch SEA Games 30 nói riêng của bóng đá mang lại không phải chỉ là một vài ngày vui với màu cờ rợp phố, người người bình phẩm xoay quanh những tình huống của các trận cầu hay ca ngợi tài năng của các cầu thủ mà nó còn là sự khơi dậy ước mơ trở thành cầu thủ của rất nhiều thanh thiếu niên. 

Lợi ích của việc thiếu niên tìm đến các trung tâm huấn luyện bóng đá từ chuyên nghiệp tới cộng đồng không phải là chúng ta sẽ có nền tảng để xây dựng một nền bóng đá có sức phát triển lâu dài mà cơ bản hơn, nó đã kéo trẻ em Việt Nam trở lại với các cuộc chơi vận động thể chất, thứ vốn dĩ đã từng bị tước đoạt một cách đáng ngại bởi quá trình hiện đại hoá trong đời sống con người, đặc biệt là việc được trang bị các phương tiện giải trí cá nhân thông minh và tiện ích. Với trái bóng, với sân cỏ, trẻ em Việt sẽ có một thể chất tốt hơn. Rồi mối lo ngại về thế hệ của những cặp kính cận cũng được giải tỏa bớt. 

Phải thừa nhận, những thần tượng mới như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh… đã vô tình mang lại một đời sống lành mạnh hơn cho thế hệ trẻ. Và nếu thành tích của bóng đá (không phải là chuyện huy chương hay ngôi vị đạt được từ các giải đấu mà là cách thể hiện trên sân) tiếp tục được duy trì, niềm hứng khởi trong lòng trẻ em Việt cũng chắc chắn sẽ được nuôi dưỡng lâu dài.

Đã quá lâu rồi chúng ta sống trong một môi trường xã hội mà gần như trẻ em không thuộc tên một vận động viên thể thao nước nhà nào. Khi thiếu vắng một hình bóng thần tượng, tức là một tấm gương để noi theo, trẻ em rất dễ bị cuốn hút vào những thứ giải trí thông thường. 

Và sẽ không có một bác sỹ trị liệu nào có thể giải quyết chuyện trẻ em béo phì tốt hơn động lực để giúp trẻ em hoà vào thiên nhiên và chơi các môn thể thao thể chất. Cái lợi ích đó có lẽ sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ hơn nữa bởi nó tác động trực tiếp đến chính con em chúng ta. 

Và khi nhận thức được lợi ích lâu dài này, chúng ta cũng tự nên giao phó cho mình một trách nhiệm cùng góp tay vào việc phát triển bóng đá Việt Nam mà trong đó, đóng góp đơn giản nhất mỗi người có thể làm được chính là dành thời gian dự khán các trận cầu ở các giải quốc nội. Khán đài có đông khán giả, bóng đá mới sống được. 

Bóng đá có sống tốt, thần tượng bóng đá mới xuất hiện. Nó như một vòng lặp hoàn chỉnh mà chính mỗi con người phải tự biết đặt mình vào một vị trí của vòng lặp ấy.

Nhưng ấn tượng lớn nhất của thể thao Việt Nam không chỉ là bóng đá nam hay thêm cả vào đó là một ĐT bóng đá nữ ấn tượng, vượt mọi khó khăn trở ngại để khẳng định vị thế “nữ hoàng” của mình. Chúng ta cần phải lưu tâm hơn vào thành tích vô cùng đặc biệt của điền kinh Việt Nam ở SEA Games vừa rồi. 

Trong một SEA Games mà đội chủ nhà dĩ nhiên sẽ xếp vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương do những lợi thế cũng như điểm mạnh của mình, việc Việt Nam đứng thứ hai là một kỳ tích thực sự. 

Chúng ta xưa nay vẫn không vượt trội những đối thủ lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore ở các kỳ SEA Games. Nhưng ở lần này, khi mang chuông đi đánh xứ người, ngay trên sân khách, việc chúng ta đứng vị trí thứ nhì cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng hướng. 

Chính HLV điền kinh của ĐTVN là ông Hristov cũng phải nhận xét rằng “Điền kinh Việt Nam đang có một thế hệ rất tốt, có thể cạnh tranh huy chương ở cấp châu lục”. 

Một trong những gương mặt điển hình của điền kinh Việt Nam là Nguyễn Thị Oanh, với 3 tấm huy chương vàng và một kỷ lục đại hội. Nhưng điều đáng mừng là ngoài thế hệ của những người như Nguyễn Thị Oanh, Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan, Dương Văn Thái, Đỗ Quốc Luật…, một lứa vận động viên tài năng mới cũng đã bắt đầu lộ sáng như Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Đinh Thị Bích, Phạm Thị Thu Trang…

Rất nhiều người đã chia sẻ nhau video clip thú vị cảnh đội tuyển tiếp sức nam nữ phối hợp 4x400m của Việt Nam thi đấu và giành HCV. Cái cách ông thầy Hristov sắp xếp chiến lược và đội hình thi đấu đã gây kinh ngạc thực sự. 

Nếu nói về bản sắc, đó đúng là bản sắc Việt Nam thực sự khi chúng ta không chỉ mang tới đường chạy những vận động viên nhanh, mạnh mà còn cả sự mưu trí của mình. Tất cả những chi tiết đó để lại cho mỗi người điều gì? Rất dễ hình dung. Nó để lại niềm tự hào âm ỉ trong lòng, và sự khích lệ để mỗi người có thể mạnh mẽ hơn khi đối diện những khó khăn của đời sống.

Tôi muốn khép lại bài viết vinh danh thể thao Việt Nam 2019 này bằng đúng một hình ảnh mà tôi không thể quên. Đó là một clip nhỏ ghi lại cảnh những người bạn lớn tuổi, bạn vong niên của tôi cùng tụ tập xem trận chung kết bóng đá nam SEA Games. 

Trong đó, tôi nhận ra có một nhân vật thường xuyên có những phát biểu, thái độ đi ngược lại với cái lợi ích chung của quốc gia mà nếu nói đúng ra, chúng ta có thể gọi ông ta là thành phần chống đối. Ấy vậy mà khi U22 ghi bàn, chính ông ta lại là người đứng lên hăng hái nhất, giật lấy lá cờ đỏ sao vàng và phất lia lịa, như một trẻ thơ thực sự. 

Tôi nghĩ, có thể những thất bại, mất mát trong đời sống khiến con người ta trở nên hằn học với tất cả. Nhưng khi đã chìm mình vào trong thể thao, chúng ta lại trở về với bản ngã của mình, là người Việt, chung một màu cờ, chung một sắc áo, chung một tấm lòng.

Hà Quang Minh

* Minh họa trong trang: Lê Phương

Ngô Nguyệt Lãng - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.