Những dấu cộng màu đỏ

Thứ Sáu, 12/03/2021, 17:17
Họ không phải là bác sĩ, họ chỉ là những người bình thường trong xã hội. Nhưng những suy nghĩ và việc làm lặng thầm của họ vẫn hằng ngày hằng giờ góp sức lực vào việc phòng, chống dịch, chữa bệnh cứu người. Họ là những dấu cộng màu đỏ để nối dài sự sống cho nhiều người chúng ta.


Lợi ích cộng đồng lớn hơn lợi ích cá nhân

Cho đến thời điểm này, có 2 loại vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất đã và đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Và lúc này, không thể thiếu vai trò của những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine.

Khi tham gia tiêm thử nghiệm, họ có bị tổn hại không? Câu trả lời là có. Họ phải bỏ thời gian, công sức để có thể đáp ứng được đầy đủ các quy định chặt chẽ mà nhóm nghiên cứu thử nghiệm vaccine đưa ra, phải tham gia trong một thời gian dài liên tục, trải qua nhiều lần khám, tái khám để kiểm tra, theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe... Và trong quá trình thử nghiệm, họ có thể gặp phải những tình huống xấu ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí chỉ cần sai sót nhỏ là có thể trả giá bằng tính mạng.

Chị T.T.N - Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax giai đoạn 1.

Khi tham gia tiêm thử nghiệm, họ có lợi ích gì không? Câu trả lời cũng là có. Đó có thể là việc được khám, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình thử nghiệm; được mua bảo hiểm y tế trong thời gian tham gia nghiên cứu. Và cả việc được hưởng một chút kinh phí hỗ trợ cho mỗi lần đến khám. Nhưng điều dễ nhận thấy là đối với chính tình nguyện viên thì những lợi ích đó không quá lớn. Và có lẽ, tất cả những tình nguyện viên đã, đang và sẽ tham gia tiêm thử vaccine ở Việt Nam cũng như trên thế giới không phải vì lợi ích này.

Điều lớn lao hơn, họ đã mang lại lợi ích cho cộng đồng. Thứ nhất, những kết quả nghiên cứu từ giai đoạn tiêm thử nghiệm sẽ giúp nhóm nghiên cứu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine, sẽ có ích trong việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển một loại vaccine an toàn và hiệu quả trong phòng chống bệnh COVID-19. Thứ hai, trong cộng đồng nếu có một số người tiêm thử nghiệm vaccine, số người có nguy cơ nhiễm bệnh giảm đi, cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng giảm đi. Xét ở góc độ này, lợi ích mà họ mang lại cho cộng đồng còn lớn hơn lợi ích cho chính họ.

Ngày 26-2-2021, ngày đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covaxgiai đoạn 2 tại Học viện Quân y, chị T.T.N, 36 tuổi - một giáo viên trên địa bàn Hà Nội đã có mặt từ sớm. Màu áo xanh thanh niên tình nguyện làm chị trở nên nổi bật. Chị chính là một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 1.

Hôm ấy, chị không đi một mình. Cùng đi với chị là 25 tình nguyện viên đến tham gia thử nghiệm vaccine giai đoạn 2. Sau khi tiêm thử nghiệm giai đoạn 1, chính chị đã tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh, đồng nghiệp và người thân để họ tham gia thử nghiệm giai đoạn 2. Có đến hơn 50 người đăng ký, trong đó có 25 người được Học viện Quân y gọi tới tham gia thử nghiệm lần này. Chị bảo, gần 2 tháng 10 ngày sau khi tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên, sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường. Tình hình sức khỏe của chị chính là lời động viên, khuyến khích mọi người tham gia. 

* “Là nhân viên y tế, tôi hiểu việc nếu tôi được tham gia tiêm thử nghiệm sẽ góp phần đưa vaccine sớm đi đến thành công, sớm lưu thông trên thị trường. Là nhân viên y tế, tôi có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao hơn người khác. Bởi vậy khi tôi tham gia tiêm thử nghiệm sẽ sớm hình thành kháng thể chống lại virus. Giả sử sau này tôi bị phơi nhiễm thì tôi đã có kháng thể chống lại virus để bảo vệ chính bản thân mình. Tôi đã tìm hiểu và rất muốn tham gia thử nghiệm tiêm vaccine COVIVAC giai đoạn 1” (một nhân viên y tế tham gia lễ khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC ngày 21-1-2021)

* “Vaccine sẽ không thể thành công được nếu không có sự chung sức, chung lòng của người dân tham gia vào quá trình tiêm thử nghiệm. Trước thời điểm tiêm thử nghiệm, tôi có chút ngần ngại. Tuy nhiên, mọi sự lo lắng đã được gạt bỏ, vì tôi tin tưởng vào vaccine do Việt Nam sản xuất và tin vào quyết định của mình. Tôi chính là một minh chứng về sự thành công của vaccine thử nghiệm giai đoạn 1 và tôi tự hào về điều đó” - chị T.T.N (giáo viên tại Hà Nội).

Em Đ.T.Q.M - sinh viên Đại học Y Hà Nội tìm hiểu thông tin nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 Covivax.

“Quá trình thử nghiệm vaccine rất cần sự tham gia của những người khỏe mạnh, có suy nghĩ đúng đắn về vaccine, có tinh thần tự nguyện. Là một sinh viên trong ngành y, em nghĩ mình nên có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng. Chúng em ở trường đã quen thuộc với các hoạt động hiến tinh trùng, hiến máu, và tham gia tiêm thử vaccine cũng vậy, đều giúp ích cho cộng đồng. Em nghĩ, không chỉ nam giới, mà nữ giới tham gia thử nghiệm cũng rất quan trọng. Vì về nguyên tắc thì trong một nghiên cứu phải bảo đảm cỡ mẫu về giới tính, độ tuổi. Em đã có hiểu biết nhất định về việc tiêm thử nghiệm vaccine cũng như những rủi ro gặp phải. Em mong muốn mình sẽ là một trong những tình nguyện viên góp phần tạo ra vaccine ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất. Nếu đủ điều kiện tham gia, em sẽ tuân thủ mọi quy định của nhóm nghiên cứu đưa ra” (Đ.T.Q.M, 19 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên năm thứ 2 Đại học Y Hà Nội).

“Hai chiếc thẻ, mình luôn mang theo...”

Tròn 3 năm từ ngày bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) ra đi vì bệnh ung thư, để lại giác mạc quý giá đem lại ánh sáng cho 2 người khác, tôi đến thăm mộ Hải An. Tôi, mẹ Hải An và những người đến thăm An ngày hôm đó đứng lặng dưới mưa lạnh, lặng ngắm ngôi nhà gắn đầy sticker, những cành cúc trắng và Kỉ niệm chương của Bệnh viện Mắt Trung ương tri ân người hiến tặng giác mạc được đặt ngay cạnh đó. “Con xinh quá, tốt bụng quá”, tôi thầm thốt lên khi nhìn di ảnh An. Từ khi biết đến An, tôi đã rất nhiều lần thốt lên như thế.

Chị Dương vẫn rất nhớ Hải An nhưng vui vì con đã mang lại ánh sáng cho hai người khác.

Chị Dương bảo, Hải An biết đến những kiến thức y khoa từ rất sớm. Ngày An còn bé, khi chị vừa làm điều dưỡng ở một bệnh viện vừa đi học nâng cao đã mang theo con đến giảng đường. An đã rất ngoan ngoãn tự chơi cho mẹ học. Đã có lần thầy giáo nói rằng An là sinh viên nhỏ tuổi nhất của thầy. Khi An lớn hơn một chút, sách vở của mẹ, An cũng mở ra nhìn ngắm, thắc mắc. Chị Dương thường xuyên giải thích cho con hiểu về cơ thể con người, về tiêm truyền, về phẫu thuật...

Năm 2018, bà ngoại An bị bỏng nặng phải thay da. Khi Hải An nghe thấy bác sĩ nói có thể thay da tự thân hoặc thay da động vật, con đã nói với bà: “Bà ơi, da mông con nhiều nhất, con tặng lại cho bà”. Lớp của An có một bạn bị cụt một tay bẩm sinh, An hỏi mẹ rằng: “Con có thể đổi tay cho bạn ấy được không”. An từng nói với mẹ sẽ để tóc dài để tặng tóc cho các bạn nhỏ bị ung thư. Ý nghĩ cho đi một phần cơ thể ở Hải An đã đến từ những tình huống đời thường như thế.

An sớm hiểu về chuyện hiến tạng, ghép tạng. Chị Dương từng nói với con về ý nguyện của mình khi chết đi sẽ hiến toàn bộ thân xác cho nghiên cứu y học, nội tạng sẽ hiến cho những người đang chờ ghép tạng, còn đôi mắt thì dành cho người chị gái bị hỏng một bên mắt do chấn  thương. Hải An nói rằng con cũng muốn được như vậy. Và chị đã làm như vậy, theo ý nguyện của con.

Sau câu chuyện của An, có thêm rất nhiều người đăng kí tham gia hiến tạng. Nhưng, còn có nhiều người chưa chấp nhận chuyện này. Chị phải đối mặt với không ít phản đối, miệt thị. Điều đó đã khiến chị bị sang chấn tâm lý nặng nề, sức khỏe vốn đã yếu lại càng sa sút. Chị đành lòng phải bỏ nghề y, bỏ bệnh viện...

Người mẹ bất hạnh ấy, 3 năm sau, vóc dáng vẫn gầy gò, khuôn mặt vẫn tái nhưng lòng chị đã ấm áp hơn. Đó là khi hai người nhận giác mạc từ An đến thăm mẹ con chị. Chị từng có ý nghĩ muốn được làm con của bà cụ, là em của người đàn ông xa lạ để gặp lại ánh mắt của con mình. Chị bảo, biết đâu sau này bà và chú lại có di nguyện hiến tặng giác mạc cho người khác thì An sẽ tiếp tục đem lại nguồn sáng cho người khác. Và như thế, An sẽ vẫn tồn tại. Đó là những khi chị mơ thấy con trên thiên đàng đầy ánh sáng. Đó là khi chị được xoa đầu, tết tóc và ôm bọn trẻ ở một trường mẫu giáo tư nhân - nơi chị đang phụ trách y tế ở đó. 

Chả biết từ lúc nào, An đã biết đọc những câu danh ngôn về tình người, về hạnh phúc trên mạng. Con copy và lưu vào phần ghi chú của iPad. Lẫn trong những dòng trích dẫn đó, An thường gõ xen vào: “Mẹ ơi con yêu mẹ”, “Mẹ ơi mẹ phải luôn vui nhé...”. Mà phần ghi chú nhiều lắm, hầu như ngày nào An cũng lưu lại. Mãi sau này, khi An đã đi xa, chị Dương mới biết đến phần bí mật này An để lại. Những lúc nhớ con quá, chị lại lần tìm những điều con nhắn nhủ, như một cách để trò chuyện cùng con.

Tôi đã đến thăm nơi chị Dương ở hiện tại. Trong căn phòng trọ chật chội ấy, vẫn chủ yếu là đồ của An. 2 bức ảnh An chụp với tập thể lớp và cô giáo vẫn treo trên tường. Búp bê, gấu bông, sách truyện chị vẫn mua thêm. Trên ban thờ, 2 kỉ niệm chương của ban tổ chức giải We choice Award 2017, 2018 để hai bên. Số tiền nhận được từ giải thưởng, chị Dương đã dành để giúp đỡ một bệnh nhi bị trọng bệnh.

Sau 100 ngày mất của An, chị Dương về ở đây, vừa gần nơi chị làm việc, vừa gần mộ của An, để chị có thể thăm con thường xuyên. Có một điều thật lạ, những đứa trẻ cùng khu trọ ấy đều biết đến An. Bất cứ lúc nào chúng cũng có thể kéo sang phòng chị Dương chơi đùa, đọc sách, tô màu và nhắc đến chị An như thể An chỉ đi vắng vài ngày. Khi chúng được chị Dương tặng bánh kẹo, chúng đều bảo: “Chị An cho con”. Nụ cười, ánh mắt, sự tinh nghịch, những vòng tay ôm của bọn trẻ thêm lần nữa khiến lòng người mẹ bớt trống vắng.

Chị Dương lấy từ trong túi áo khoác ra 2 chiếc thẻ, là thẻ đăng kí hiến xác để phục vụ cho nghiên cứu y học và thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng. “Mọi thủ tục đăng ký hiến tạng, hiến xác mình đã làm xong. Lúc nào, đi đâu mình cũng mang theo hai chiếc thẻ bên người, trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể thực hiện được tâm nguyện. An cũng đã biết tâm nguyện này của mẹ, An vui và ủng hộ mẹ lắm”, câu nói của chị nhẹ bẫng...

Khi không có An, người mẹ ấy vẫn đau đáu những tâm nguyện của cuộc đời mình. Việc cho đi những bộ phận quý giá trên cơ thể để người khác có thêm cơ hội sống với chị không phải là quyết định cân não, không là điều gì to tát. Nếu ta nghĩ đến điều đó từ sớm, nghĩ đến thường xuyên với một thái độ sẵn sàng, chủ động thì điều đó sẽ diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, không băn khoăn, không đong đếm. Như những hành động sẻ chia thường ngày của Hải An, như 2 chiếc thẻ luôn nằm trong túi áo của chị Dương để có thể được lấy ra bất cứ lúc nào... 

Lời kể của một lái xe cứu thương: “Trước hay sau tay lái đều là mạng sống”

Tôi sinh năm 1992. Khi tôi bắt đầu chọn nghề, tôi đã chọn nghề lái xe. Ngày đầu tiên tôi ngồi vào buồng lái, đó không phải là buồng lái của một chiếc xe ôtô bình thường mà là buồng lái của xe cứu thương để cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân. Và cứ thế 10 năm nay, tôi vẫn ở vị trí đó, không thay đổi.

10 năm nay, B.D.T. đã có nhiều chuyến xe cấp cứu thiện nguyện giúp đỡ người bệnh.

Năm 2012, vụ tai nạn xảy ra ở khu vực cầu Đen (quận Hà Đông), một em bé bị xe ben chẹt lên người. Tôi được phân công ra hỗ trợ xử lý tai nạn. Lật mảnh chiếu ra, tôi hoa mắt và choáng váng khi nhìn thấy một thi hài nhỏ bé không còn nguyên vẹn. Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là phải nhanh chóng cùng anh em gom từng mảnh thi thể, gói ghém lại để đưa về nhà tang lễ của một bệnh viện. Nhưng tôi cảm thấy nghẹt thở, luống cuống, người run lên. Hiệu lệnh của người chỉ huy vang lên gay gắt đã tác động rất lớn tới tinh thần của tôi, buộc tôi phải chạm tay vào phần thi thể kia. Mọi việc cuốn đi rất nhanh, tôi không còn thời gian mà nghĩ nữa.

Cứ thế, tôi quen dần, nhanh dần trong những pha xử lý tai nạn chết người ngoài đường. Dần dần, tim tôi không đập loạn lên vì sốc, vì choáng khi thấy vết thương, thấy máu, thấy một phần cơ thể đứt lìa, thấy người bệnh tím tái. Nhiều người hỏi tôi đêm về có mơ thấy họ, có bị ám ảnh không? Nhưng, có lẽ giấc ngủ đến với cánh lái xe cứu thương chúng tôi thường bị đứt đoạn, nên giấc mơ khó đến... Nghề này đòi hỏi chúng tôi không chỉ vững tay lái, vững tinh thần mà còn phải rành cả chuyện sơ cứu để tiếp sức cho nhân viên y tế trên xe.

Khi bật còi hú lên là lúc phải tập trung hoàn toàn vào việc lái xe, không cho phép mình được lơ là mất cảnh giác, bởi chúng tôi đều hiểu phía sau là bệnh nhân, phía trước là chính mình và đồng đội trên xe, trước hay sau tay lái đều là mạng sống. Lúc nào chúng tôi cũng trong trạng thái trực chiến, ngày đã vậy nhưng nửa đêm bật dậy đi cấp cứu bệnh nhân đã quá đỗi bình thường. Lái xe cấp cứu dễ căng thẳng và mệt mỏi, chúng tôi không thể cầm lái liên tục, phải thay ca cho nhau. An toàn của người bệnh luôn đặt ra và thử thách chúng tôi.

Làm sao tôi quên được hình ảnh người cha già nua khắc khổ trong chuyến xe đưa đứa con đang hấp hối từ bệnh viện về nhà ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). “Đây là đứa con cuối cùng của tôi. Hai đứa kia đã lần lượt bỏ tôi rồi anh ơi”, ông thốt lên rồi bật khóc nức nở. Tôi giật mình thảng thốt khi nghe câu nói ấy. Ngồi bên ông nhưng tôi không thể rời vô lăng để ôm ông trong niềm đồng cảm. Tôi đã nghĩ rằng chuyến xe đêm ấy đã kết thúc cuộc đời làm cha của ông. Nhưng, sau này tôi lại nghĩ, chuyến xe ấy đã giúp ông kết thúc những tháng ngày vất vả ở bệnh viện chăm con, kết thúc chuỗi ngày đau đớn của con trai ông và anh sẽ thanh thản ra đi từ ngôi nhà ấy.

Tôi cũng không thể quên chuyến xe dọc Bắc - Nam cách đây vài năm để vận chuyện một bệnh nhân ung thư tiên lượng xấu từ Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) về quê ở tỉnh Đồng Nai. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, phải hỗ trợ máy thở cầm tay. Tôi cùng 2 lái xe nữa và 2 nhân viên y tế được phân công phụ trách chuyến đi, xuất phát từ 5 giờ chiều ngày hôm trước. Ba chúng tôi thay nhau lái xe xuyên đêm, người này mệt thì người kia thay, chỉ dám dừng lại vài phút mua chai nước, chiếc bánh mỳ cho cả lái xe lẫn người nhà, nhân viên y tế rồi lại đi ngay. Qua gương chiếu sau, chúng tôi đều biết được sự sốt ruột, trông ngóng của người nhà, vì họ biết sự sống của con họ không còn bao lâu nữa.

Khi đến địa phận thành phố Vinh (Nghệ An), tiếng gào khóc vang lên, nhân viên y tế thông báo bệnh nhân đã mất. Một sự hẫng hụt, hoang mang dâng lên. Tôi lúc ấy đã từng băn khoăn, có thể chuyến đi chưa đủ thần tốc để đến đích. Nhưng, tôi bình tâm lại rất nhanh, vì tôi biết, dù có thế nào cũng phải bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người trên xe, không thể khác được. Xe dừng lại, người nhà bệnh nhân có nguyện vọng tìm một ngôi chùa để làm lễ. Chúng tôi chia nhau đi hỏi người dân. Thật may, gần đó có một ngôi chùa và người mất đã nhanh chóng được làm lễ cầu siêu. Sau đó chúng tôi tiếp tục lên đường. Đến Kon Tum, khi cả lái xe và người nhà đã thấm mệt, chúng tôi dừng lại ăn bún ở dọc đường. Đây là bữa ăn đầu tiên của chúng tôi từ lúc xuất phát. Sau 23 tiếng đồng hồ, xe về đến Đồng Nai, kết thúc hành trình đặc biệt đầy ám ảnh, chúng tôi quay xe về Hà Nội.

10 năm qua, mỗi khi lái xe, tôi vẫn có thói quen quan sát gương sau. Tôi sẽ biết tình trạng người bệnh thế nào, nhân viên y tế đang thao tác ra sao để lựa tay lái. 10 năm qua, những tiếng gào khóc của người nhà bệnh nhân trên xe, tôi vẫn thường nghe thấy. Nhiều gia cảnh người bệnh thực sự khó khăn, tôi đã từng nhìn thấy. Và đã nhiều lần, tôi san sẻ kinh phí của chuyến đi, đã có những chuyến xe cấp cứu thiện nguyện giúp đỡ người bệnh. Tính tôi thích thay đổi nhưng công việc lái xe cứu thương thì không. Tuy vất vả, khắc nghiệt nhưng đã thành quen, đã gắn bó lâu rồi, thì đó là duyên. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế: “Sự an toàn của các đối tượng tham gia thử nghiệm là ưu tiên hàng đầu”.

“Cách đây nhiều năm, khi sang Nhật Bản học tập và nghiên cứu, tôi đã được gặp một số sinh viên Nhật tham gia thử nghiệm vaccine. Tôi đã hỏi họ rằng họ tham gia với mục đích gì? Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng họ tham gia nghiên cứu để được theo dõi sức khỏe trong suốt quá trình nghiên cứu hoặc có một chút quyền lợi về mặt tài chính. Nhưng không, họ đã trả lời rằng, họ tham gia nghiên cứu để đóng góp sức lực của cá nhân vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ quốc gia. Và hôm nay, tôi cũng thấy tinh thần ấy của các bạn sinh viên trong lễ khởi động này.

Ở Việt Nam, việc tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm vaccine do những đơn vị rất có kinh nghiệm và tâm huyết đảm nhiệm. Nhưng, chắc chắn sẽ không thành công nếu như không có sự tham gia của các tình nguyện viên. Việc tham gia vào những nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nói chung để phát triển khoa học công nghệ của ngành y, đặc biệt là phát triển vaccine nói riêng không chỉ thể hiện trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia. Ngành y tế rất cần sự chung tay của các tình nguyện viên, của cộng đồng để phát triển công cụ, vũ khí phòng chống dịch bệnh. Sức khỏe và sự an toàn của các đối tượng tham gia thử nghiệm là ưu tiên hàng đầu, là vấn đề quan trọng hàng đầu mà nhóm nghiên cứu và Bộ Y tế quan tâm”.


Huyền Châm
.
.