Nhiếp ảnh gia Thái Phiên: Nhu cầu có thật
- Theo tôi được biết thì chụp ảnh nude là một nhu cầu có thật và xem ra đó cũng là một nhu cầu chính đáng, có đúng thế không, thưa anh?
- Bạn nói chính xác! Chụp ảnh nude là một nhu cầu có thật của nhiều cô gái trẻ hiện nay và tôi luôn cho rằng đó là nhu cầu chính đáng, không có gì xấu xa hay tội lỗi cả. Nó cũng giống như khi ta đứng trước một cảnh đẹp, ta cũng có nhu cầu chụp để lưu lại làm kỷ niệm. Phụ nữ cũng có nhu cầu lưu lại khoảnh khắc của một thời thanh xuân, son trẻ của họ chứ! Vì thời gian trôi nhanh lắm và đã trôi qua rồi thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại!
Thế nhưng tâm lý chung của người Việt vẫn hay nghĩ khỏa thân tức là không được lành mạnh, là dung tục. Nhưng ảnh nude nghệ thuật không phải vậy, nó thanh thoát, thuần khiết và cao đẹp lắm. Giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh trần truồng, dung tục có một ranh giới rất mong manh, thậm chí là vô hình. Tính chất của ảnh khỏa thân cũng ít nhiều phụ thuộc vào con mắt, cái đầu, phụ thuộc vào trình độ thẩm mỹ, văn hóa của người chụp và của cả người xem!
- Nhưng chắc cũng phải có những tiêu chí cụ thể để một bức ảnh nude là nghệ thuật chứ?
- Đứng trước một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật đích thực, ta sẽ rung động với nhiều cảm xúc nghệ thuật, mang đến cho ta những giá trị về mỹ cảm, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, hướng thiện, hướng mỹ… Điều đó khác xa với những khao khát dục tính theo bản năng khi xem ảnh sex.
Và để một tác phẩm ảnh khỏa thân là khỏa thân nghệ thuật thì nó phải đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật lẫn mỹ thuật từ khi bấm máy. Đó là: tốc độ, khẩu độ, góc độ, nguồn sáng, bố cục, ý tưởng… Tiếp theo là khâu xử lý ảnh tỉ mỉ, công đoạn này là tận dụng những kỹ năng hậu kỳ để làm bật ra được thông điệp cần chuyển tải của bức ảnh đến với người xem qua sắc độ đậm nhạt, tương phản của từng chi tiết trong ảnh.
- Gần đây, trong giới showbiz có nhiều người đẹp tung ra ảnh khỏa thân gây ồn ào dư luận. Đó có phải là ảnh khỏa thân nghệ thuật hay chỉ là “chiêu bài” để mưu cầu danh vọng mà thôi, thưa anh?
- Thực tế là trong giới showbiz ngày nay có một số cô tung ra những bức ảnh không mặc áo quần và sau đó họ nổi tiếng ngay, được mời nhiều sô diễn hơn, cát-sê cao hơn, mà chẳng cần phải dày công khổ luyện tài năng như các nghệ sĩ đích thực khác. Tiếc thay, cách làm đó lại được truyền thông vô tình tiếp tay và điều này kéo theo hệ lụy làm cho nhiều đàn em bắt chước theo lối của đàn chị, vì đây là một cách PR rẻ tiền mà lại hiệu quả.
Tôi tự hỏi, phải chăng những nhân vật này không phân biệt được thế nào là nude nghệ thuật hay phi nghệ thuật, họ nghĩ là cứ chụp ảnh không mặc đồ đều là khỏa thân nghệ thuật cả?
- Vài trường hợp người mẫu tung ảnh khỏa thân lên mạng còn kèm theo những phát ngôn to tát kiểu “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ biển”… Tôi cho rằng đó chỉ là cái cớ để các cô ấy cởi đồ khoe thân để được nổi tiếng thôi. Anh nghĩ sao?
- Thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật là một thể loại rất nhân bản. Chụp ảnh khỏa thân chính là khám phá, ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho con người, đặc biệt là phụ nữ. Từ tác phẩm đã toát lên những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem, không cần thiết phải hô hào với những ngôn từ gán ghép, ngụy biện để làm gì.
Nếu thực sự có ý đồ chụp vì một mục tiêu xã hội nào đó thì cũng tốt thôi, ở nước ngoài người ta đã làm thế từ lâu rồi, nhưng thông điệp từ những bức ảnh của họ rất rõ ràng, cụ thể và được chụp bởi một ê-kíp dày dạn kinh nghiệm chứ không phải chỉ là dạng “thể nghiệm” như những bộ ảnh “lộ hàng” được tung lên mạng.
Thật ra, trong nhiều ảnh của tôi cũng thể hiện sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, tôi cũng đã mượn nude để ca tụng từng dòng sông, con suối. Nhưng những mỹ từ cao quý như “bảo vệ môi trường” hay “bảo vệ biển” nghe đao to búa lớn quá, tôi không dám dùng.
Và những cô mà tạm gọi là đã bị công chúng “ném đá” vì ảnh nude rồi thì tôi không bao giờ cộng tác với họ, vì theo tôi cái thuần khiết trong tâm hồn của họ bị ảnh hưởng ít nhiều rồi.
- Theo anh, để hạn chế ảnh tình trạng ảnh nude dung tục được tung ra tràn lan trong giới giải trí hiện nay thì cần có những biện pháp gì?
- Nếu xét theo góc độ quản lý vĩ mô thì biện pháp hành chính phải song hành với biện pháp giáo dục. Tôi không tin có văn bản nào có thể chấn chỉnh được loại ảnh “lộ hàng”, này vì tôi cho rằng: Nếu muốn hạn chế cỏ dại thì hãy trồng thật nhiều hoa! Nhưng khi chúng ta không dám mạnh dạn đưa hoa ra trồng và khuyến khích người trồng hoa, chăm bón, tưới tắm cho hoa, thì cỏ dại nó sẽ mọc tràn lan, thế thôi!
Tôi cho đây cũng là cái lúng túng của người làm công tác quản lý văn hóa, họ chưa tạo điều kiện cho những nghệ sĩ công bố những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật đích thực đến với công chúng, nhằm định hướng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của mọi người, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hóa phong phú, đa dạng của quần chúng