Nhập cư trái phép và an ninh nội địa

Thứ Hai, 24/08/2020, 12:02
Nhập cư là vấn đề lớn của thế kỷ 21, khi mà toàn cầu hóa đã là xu hướng chủ đạo. Riêng với Việt Nam, vấn đề tưởng như rất mới này thực ra lại là mối quan ngại từ rất lâu rồi…


Từ một buổi làm đồng xuyên quốc gia

Những người xuất ngoại mỗi ngày

Tại một khoảng đất trống nửa cỏ, nửa đất đá mọc lên giáp khu dân cư và chợ cóc ở một huyện biên giới Tây Nam, một thanh niên cao lớn da hơi ngăm dắt bóng rất khéo trước khi co chân sút ghi một bàn thắng. Phía sau khung thành không có lưới là tấm biển to nền xanh da trời in chữ trắng: “Tăng cường tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Đời đời bền vững”.

Sothy, tên chàng trai cao lớn vừa ghi bàn, rất thích đá bóng. Anh khỏe mạnh, khoảng gần 30 tuổi, hay sang xã biên giới này (thuộc tỉnh Long An), nơi giáp tỉnh Svay Rieng (Campuchia), để đi cấy mướn, và chơi bóng để giải trí sau khi hoàn thành công việc. Nhà Sothy rất nghèo, không có lấy một tấc ruộng, trong khi anh thì đang tuổi lao động sung sức.

Trên con đường chính là cửa ngõ dẫn vào xã, Sothy chỉ cần rẽ phải, thay vì đi thẳng, là sẽ gặp một lối mòn đưa anh đến một bờ kênh. Chỗ ấy chỉ cách đất Campuchia bằng khoảng cách một khúc sông, và nếu kiên nhẫn đi dọc nó, bạn có thể bắt gặp 3-4 điểm dễ dàng lội qua. Một lối đi rất mời gọi, nếu bạn có ý định nhập cảnh bất hợp pháp, bất chấp việc khuất trong lùm cây không xa là một trạm biên phòng.

Tất nhiên là Sothy không làm vậy. Ngay phía sau hàng cây đứng cạnh tấm biển hữu nghị Việt Nam – Campuchia ở sân bóng là một trạm biên phòng khác, nơi đã quen mặt anh mỗi ngày khi vụ mùa đến.

Có rất nhiều việc cho anh ở đây. Những người trẻ ở xã biên giới này hầu hết đều đã ly hương, lên TPHCM hoặc vào Bình Dương làm công nhân. Chỉ còn ông già bà cả với đồng ruộng mênh mông. Sothy và rất nhiều người Campuchia sức dài vai rộng khác là một lực lượng lao động hùng hậu, ở nơi đơn vị đo kích thước ruộng phổ biến là bằng mẫu (1 mẫu miền Tây = 10.000m2). Đất bạt ngàn, và sức người thì thiếu.

Sự vắng mặt của lực lượng lao động xuyên biên giới này kể từ khi Campuchia và Việt Nam tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh do ảnh hưởng dịch COVID-19 vào cuối tháng Ba là một thiệt hại: vụ đông xuân rồi năng suất của xã không cao bằng năm ngoái. Nói vui thì “GDP xã” thế là giảm rõ rệt. Ở đây, nền kinh tế chủ yếu vẫn xoay quanh đồng ruộng, trong khi những người trẻ li nông ngày một tăng.

Nhưng có nhiều người không chịu mất kế sinh nhai như Sothy, và họ chọn lội qua một trong những khúc sông cạn cách sân bóng không xa để tránh chốt biên phòng. Đa số bị bắt. Và thế là không những không giúp kinh tế của xã khá khẩm hơn, họ khiến chính quyền sở tại phải tốn một chi phí không nhỏ để giải quyết vấn đề: cách ly! Trong trường hợp xấu nhất, họ có thể trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.

Những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị phát hiện.

Đấy dường như là kịch bản chung của đa số những ca vượt biên trái phép trong gần nửa năm qua: đi lại chính là điều kiện cơ bản đầu tiên để kiếm ăn. Việt Nam là chỗ sinh nhai và nơi tiêu thụ sức lao động của họ. Những người này đi qua Việt Nam mỗi ngày, với lập trình tư duy giống như của một công nhân lên xe bus ở trung tâm đô thị để ra ngoại thành làm việc thường nhật, bằng những cuộc giao tiếp không mang đầy đủ tầm vóc quốc gia cũng như các quy định xuất nhập cảnh: nói vui thì Sothy đi nước ngoài mỗi ngày, một buổi làm đồng có tính xuyên quốc gia, đôi khi chỉ cần cái gật đầu chào nhau là qua cửa. Ở đây người ta biết nhau cả.

Nhưng đấy không phải là mục đích duy nhất: không phải ai cũng khỏe mạnh, đàng hoàng và đóng góp trực tiếp cho kinh tế xã biên giới như Sothy. Không ít người Campuchia sang đây để tham gia đánh bạc hoặc đá gà (ở chiều ngược lại, những casino sát biên giới của Campuchia cũng thu hút rất nhiều người Việt qua chơi). Những thứ tiền này nhà nước không thu được, trong khi rủi ro thì rất nhiều, và càng tăng lên khi có bệnh dịch.

Rào cản vật lý là chưa đủ

Một nền kinh tế ngầm từ vùng giáp ranh đã trồi lên khi biên giới siết chặt vì dịch COVID-19: từ đầu năm đến giờ, bộ đội biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ án với 70 người có liên quan (nguồn tin báo “Tuổi trẻ”. 

Trong tháng Bảy, có đến 2.400 người bị bắt giữ trên các đường mòn xuyên biên giới. Một tháng trước, chỉ trong vòng một tuần, lực lượng chức năng phát hiện hai vụ người Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trái phép bằng đường biển trên xuồng và bè xuống thành phố Móng Cái để… đánh bạc. 

Cuối tháng vừa rồi, hai nghi phạm người Việt đã bị khởi tố vì câu kết đưa một số đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Lào Cai trước khi thuê xe đi vào TP.HCM để làm việc. Một đường dây đưa người Trung Quốc vào Đà Nẵng cũng bị phanh phui trước đó không lâu, được cầm đầu bởi một người Trung Quốc.

Với đường biên giới dài 4.640km, giáp Trung Quốc (1.281km), Lào (2.130km) và Campuchia (1.228km), đấy có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: chúng ta không thể bố trí từng chốt một ở mỗi đoạn đường mòn, hay mỗi khúc sông cạn có thể lội qua, để ngăn chặn 100% người nhập cảnh trái phép mỗi ngày. 

Đây là vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng cách đặt các rào cản vật lý, mà cần một thái độ đúng mực để tạo ra những tiêu chuẩn tinh thần, và điều lô-gích là nếu chúng ta không thể hiện nó với một thái độ cần có với tư cách vấn đề an ninh quốc gia mỗi ngày, thì chúng ta không bao giờ ứng xử với nó đúng mực khi có biến cố xảy ra.

Là một người đang sống ở chính xã biên giới đã nói ở đầu bài, tôi rất quý Sothy và cảm thấy nhớ anh với tư cách một người bạn lẫn đồng đội trên sân bóng. Sothy sang Việt Nam mỗi ngày để kiếm sống, và sự quen thuộc này vào ngày thường có thể rút ngắn các trình tự thủ tục nhập cảnh nhanh đến chóng mặt. 

Nhưng trong dòng người qua đây mỗi ngày, không phải ai cũng tốt bụng như Sothy. Việc rút gọn các tiêu chuẩn xuất nhập cảnh với những người quen mặt (và những người này thường sẽ bảo lãnh cho người mới muốn qua cửa khẩu) có thể là thông lệ giải quyết nhanh nhu cầu giao thương và việc làm ở khu vực giáp ranh, nhưng nó sẽ bộc lộ những vấn đề khi chúng ta cần coi điều này như một thái độ với an ninh quốc gia.

Trước khi có dịch COVID-19, khi đón bạn từ Sài Gòn xuống chơi nhà, người dân địa phương thường bảo tôi rằng việc qua cửa khẩu “sang Campuchia chơi” rất dễ dàng, đôi khi chỉ cần được bảo lãnh và kèm theo giấy tờ cơ bản, giống như rất nhiều vùng biên giới khác: chúng ta dựa trên sự quen biết cộng đồng đã được thiết lập ở khu vực giáp ranh để đơn giản hóa việc xuất nhập cảnh. 

Trong khi đó, ở một khu vực phức tạp như biên giới, các quy trình thậm chí phải chặt chẽ và thậm chí có thể cứng nhắc hơn: bạn không thể chỉ dựa vào quen biết để qua cửa. Ở sân bay, bạn phải vượt qua máy soi chiếu, cửa kiểm soát an ninh, với giấy tờ đầy đủ, không hết hạn, không tẩy xóa. Thông lệ của quen biết ở đây đôi khi (vâng, chỉ là đôi khi, chứ không hẳn tất cả) có thể giúp người ta qua cửa chỉ với một cái gật đầu cười và chào.

Khi dịch COVID-19 ập đến, có lẽ đa số chúng ta nhận ra rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia, chứ không chỉ là hành vi đi lại qua một cái cửa. Đơn giản hóa điều này có thể là cần thiết để thúc đẩy giao thương, nhưng không thể thành tối giản: đây không chỉ là buổi đi cấy của một người làm mướn, mà là một công dân của nước này đi qua một nước khác. Nếu tiêu chuẩn của nghi thức và thủ tục quá dễ dàng, thì ai cũng có thể xem nó đơn giản như việc bước qua một cái cửa. Không phải cửa nhà nước sở tại xây, thì họ sẽ chọn con đường tự nhiên sẵn có. Một khúc sông cạn bên lối mòn chẳng hạn.

Phạm An

Khéo léo ứng xử với đường biên trên bộ

Đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Để khống chế sự lây nhiễm đến từ bên ngoài, câu chuyện quản lý biên giới lại được quan tâm hàng đầu. Các chuyến bay quốc gia trên đường không và các chuyến tàu quốc tế trên đường biển, có thể ngăn chặn dễ dàng và hiệu quả, nhưng làn sóng nhập cảnh trái phép bằng đường bộ vẫn là một thách thức không đơn giản.

Từ khi Ban Biên giới Chính phú được chuyển thành Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao, thì công tác phân giới cắm mốc được triển khai rất tích cực và đã hoàn thiện cơ bản. 

Chúng ta chủ trương xây dựng biên giới với các quốc gia láng giềng bằng tinh thần hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nên ứng xử với đường biên giới trên bộ luôn đòi hỏi sự khéo léo và uyển chuyển. Bởi lẽ, địa hình Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương nên chúng ta có đường biên giới trên bộ giáp với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia với tổng chiều dài 4.639 km. 

Trong quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ kiên định gìn giữ tấc đất tấc vàng của cha ông, mà còn phải đạt được mục đích kết nối giao thương. Vậy, bài toán đặt ra là làm sao vừa đảm bảo an ninh quốc gia thời toàn cầu hóa vừa thiết lập quan hệ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân khu vực biên giới nói riêng và cả xã hội nói chung.

Một chốt kiểm soát nhập cư trái phép và phòng chống dịch COVID-19 tại tuyến biên giới Móng Cái. Ảnh: L.G

Đường biên giới trên bộ của nước ta được củng cố bởi nhiều cơ sở pháp lý nhưLuật Biên phòng Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan tràn, chúng ta chủ động đóng cửa biên giới để đẩy lùi virus corona. Đó là hành động kịp thời và đúng đắn. 

Tuy nhiên, khu vực biên giới có không ít đường mòn dân sinh và lối mở tự phát, mà lực lượng chuyên trách cũng cần huy động tai mắt của quần chúng để phát hiện và xử lý những trường hợp nhập cảnh phi pháp. Cơ quan công an ở nhiều địa phương đã bắt giữ hàng chục người Trung Quốc xâm nhập trái phép trong thời gian vừa qua, chính là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc để tất cả chúng ta phải cẩn thận hơn nữa. 

Chúng ta không suy đoán tùy tiện và chúng ta cũng không nghi ngờ vu vơ, nhưng ẩn số F0 của đợt lây nhiễm thứ hai thực sự khiến cộng đồng phải lo lắng và bất an. Chốt chặn quyết liệt ở biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng đạt kết quả như mong đợi.

Xuất khẩu nông sản vẫn đang là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, thị trường Trung Quốc rộng lớn với khả năng tiêu thụ hùng hậu, vẫn là sự chọn lựa số một cho nông sản Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận. 

Nhiều năm qua, những doanh nghiệp Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống kho bãi và vận chuyển để đưa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ cần một khâu tắc nghẽn hay đình trệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người trồng trọt và người chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thời gian căng thẳng chống dịch COVID-19, thì thị trường nội địa cũng đã san sẻ bớt gánh nặng cho sự ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu.

Siết chặt quản lý đường biên giới trên bộ để ứng phó COVID-19, không có nghĩa là chúng ta đóng cửa hoàn toàn với những hoạt động giao thương. Chỉ 7 tỉnh biên giới phía Bắc, chúng ta đã có gần 30 cửa khẩu, mà riêng Lạng Sơn đã có 9 cửa khẩu. 

Phục vụ giao thương chủ yếu tập trung ở các cửa khẩu nổi tiếng sầm uất như Hữu Nghị, Chi Ma, Đồng Đăng, Bình Nghi, Móng Cái… thì các biện pháp giám sát được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Còn những cửa khẩu vắng vẻ hơn như A Pa Chải, Ma Lù Thàng, Bản Vược, Sín Mần, Pò Peo, Ha Hình… cần sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ đội biên phòng và đội ngũ hải quan để quyết liệt triệu tiêu các kế hoạch đưa người nhập cảnh không tuân thủ đúng quy định vào Việt Nam. Chúng ta không kỳ thị bất kỳ ai, nhưng chúng ta cẩn trọng và nghiêm khắc với những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra.

Không đáng quan ngại như biên giới phía Bắc, nhưng đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Lào lại kéo dài qua 10 tỉnh. Hàng hóa giao thương với Lào không nhiều, nhưng khu vực biên giới lại hiểm trở tạo cơ hội ẩn nấp cho nhiều loại tội phạm nguy hiểm. 

Địa bàn xung quanh các cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Nam Giang, A Đớt, Lao Bảo, Cha Lo, Cầu Treo, Nậm Cắn, Tén Tằn, Lóng Sập, Tây Trang… dù không nóng bỏng nhưng vẫn diễn ra không ít hoạt động táo tợn của bọn buôn bán ma túy và đưa người vượt biên trái phép. Do vậy, đường biên giới trên bộ với Lào khoảng hơn 2.000 km vẫn phải chịu áp lực của những đối tượng “đi tắt” có ý đồ thâm nhập vào các tỉnh ven biển miền Trung.  

Còn đường biên giới trên bộ với Campuchia cũng giáp 10 tỉnh của Việt Nam, từ Kon Tum đến Kiên Giang. Dịch COVID-19 ở Campuchia vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy câu chuyển ở các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Hoa Lư, Bình Hiệp, Dinh Bà, Thông Bình, Tịnh Biên, Giang Thành… cũng phải tăng cường kiểm soát theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đường biên giới trên bộ không chỉ là lằn ranh phân định quốc gia, mà còn là nơi thể hiện tình đoàn kết và hợp tác. Tiêu chí bình đẳng và hai bên cùng phát triển luôn được đề cao đúng mức. Thế nhưng, để chung sống trong một thế giới đang bị tác động bởi dịch bệnh và những âm mưu khác, thì sự tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng. 

Bởi lẽ, chủ động bảo vệ đường biên giới trên bộ, không chỉ vun đắp lợi ích quốc gia mà còn củng cố cuộc sống bình yên cho mỗi người dân. Cửa khẩu rộng mở cho thiện chí giao thương và trao đổi văn hóa, nhưng cửa khẩu không hoan nghênh những hiện tượng trốn chui trốn lủi mang theo mầm bệnh khủng khiếp hoặc tai ương quái ác.

Lê Thiếu Nhơn

Họ và chúng ta

Sự bùng phát của COVID-19 có lẽ đã khiến chúng ta quên một câu chuyện xảy ra năm ngoái. 39 người Việt tử nạn trong thùng xe đông lạnh, trong một cuộc vượt biên giới vào Anh. Đó đã từng là câu chuyện nhói lòng, trở thành xu hướng thông tin một thời gian dài. Câu chuyện cũ ấy hôm nay chưa cũ. Chỉ có điều, nó ở chiều khác, định dạng khác. Thay vì chuyện người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh, bây giờ là những người nước ngoài nhập cư trái phép vào Việt Nam.

Với khoảng 4 ngàn 700 km cây số đường biên trên bộ với ba quốc gia Trung Quốc, Lào, Cambodia, thực sự chuyện nhập cư trái phép là vấn nạn khó có thể tránh khỏi. Người Việt nhập cư trái phép qua các quốc gia ấy dễ dàng như thế nào thì ngược lại, những người dân của các quốc gia kế cận cũng nhập cư trái phép vào Việt Nam không hề khó. Và việc nhập cư ấy luôn gắn một cái mác “giao thương mậu biên” nhưng bản chất và mục đích của các vụ nhập cư rộng hơn như thế rất nhiều.

Lực lượng chức năng kiểm tra, nắm tình hình cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại các điểm lưu trú. Ảnh: L.G.

Nếu như để giao thương mậu biên, việc nhập cảnh thường diễn ra rất ngắn, khoảng vài ngày hoặc 1 tuần, nhiều khi chỉ diễn ra trong ngày. Thậm chí, có những chuyện buôn bán, làm ăn khiến nhiều người một ngày ba bốn bận đi qua biên giới. 

Tôi còn nhớ như in hình ảnh những con người như thế, trong chuyến đi lên biên giới Việt - Trung ở Móng Cái khoảng Hè 1992. Họ, những người gánh thuê, ngày nào cũng làm vài chuyến gánh hàng qua biên giới. Bắt đầu từ những con người như họ, vốn có mặt ở khắp các vùng biên giới phía Bắc, cuộc đổ bộ của hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam đã hình thành.

Nhưng nếu không phải là giao thương mậu biên hàng ngày, như ký ức kể trên, việc nhập cư có thể đến vì nhiều lý do khác và người nhập cư đa phần ở lại thời gian khá dài. Chủ yếu, quy về thì có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, người nhập cư tìm đến nơi chốn mới vì ở đó nhiều cơ hội hơn. Thứ hai, người nhập cư ly hương là vì muốn trốn khỏi một bối cảnh đầy rủi ro nào đó (chiến tranh, bệnh dịch…). Thứ ba, người nhập cư đang trốn tránh pháp luật của quốc gia mà họ vốn thuộc về.

Tình trạng người nhập cư trái phép vào Việt Nam thực sự vô cùng phức tạp khi mà lực lượng nhập cư là rất lớn và thực sự khó có thể xác định được sự khác biệt của họ về ngoại hình so với người Việt. Và đơn giản, vì nhập cư lậu, chúng ta càng không thể biết được mục đích của họ là gì, có đơn thuần chỉ là tìm kiếm cơ hội hay song song với nó cũng là để trốn tránh pháp luật.

Cách đây chừng hơn hai năm, trong một lần tình cờ ngồi chung mâm với một người vốn hoạt động trong thế giới ngầm, tôi có đặt câu hỏi bâng quơ kiểu nếu có phát sinh các mâu thuẫn thì thường sẽ xử lý như thế nào. 

Câu trả lời tôi nhận được khá bất ngờ là “Làm ăn bây giờ càng tránh mâu thuẫn càng tốt em ơi. Mâu thuẫn chẳng mang lại lợi lộc gì cho ai cả. Nảy sinh rồi, đi giải quyết hậu quả còn mệt hơn nữa. Còn nếu một khi buộc phải xử lý một mâu thuẫn phát sinh cho dứt điểm thì dễ thôi. Anh không dùng người của mình ở đây. Chỉ cần mấy anh em bên kia biên giới sang lặng lẽ “làm” rồi lặng lẽ về là gọn. Chẳng ai biết đâu mà lần”. 

Câu trả lời đó không khỏi khiến tôi rúng động. Cái gọi là tội phạm đa quốc gia mà chúng ta vẫn thường chứng kiến trên phim ảnh nhiều khi tưởng chỉ là phóng đại hoá ra nó tồn tại ngay tại đây, lặng lẽ và muôn hình vạn trạng. Và nó chính là một trong những tác động tiêu cực lên an ninh quốc gia từ việc nhập cư lậu, với hậu quả gánh chịu dồn lên số lượng không nhỏ những người đang làm việc trong hệ thống công quyền.

Tất nhiên, không phải tất cả những người nhập cư lậu đều có nguy cơ để lại hậu quả pháp luật ở Việt Nam. Phần lớn vẫn là những người đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội công ăn việc làm, đặc biệt là làm thuê cho những người đồng hương. Nhưng kể cả việc họ tới Việt Nam để làm việc đi chăng nữa, họ cũng mang lại những tác động không nhỏ đối với xã hội Việt Nam. 

Chúng ta là một quốc gia đông dân, với dân số trẻ, đa số trong độ tuổi lao động và cần việc làm. Những người nhập cư lậu chiếm lấy việc làm ở trong nước chắc chắn sẽ khiến cơ hội việc làm của những người Việt bị thu hẹp hơn. Và điều quan trọng nhất, tất cả những người nhập cư lậu đều không phải chấp hành các quy định, nghĩa vụ như những công dân Việt Nam khác, mà đơn cử là nghĩa vụ thuế. Đây là một điểm tối quan trọng. 

Ở các quốc gia khác, nếu người nhập cư lậu bị phát hiện đang làm việc ở một cơ sở nào đó, không chỉ người nhập cư lậu ấy bị trục xuất mà có thể ngay cả người chủ mướn họ làm việc cũng phải chịu những trách nhiệm cụ thể.

Trong các vấn đề lớn của thế kỷ 21 mà các học giả đưa ra, nhập cư được coi là một vấn đề nhức nhối nhất. Trong tương quan quan hệ giữa người nhập cư và quốc gia mà họ chọn định cư, nghĩa vụ tuân thủ quy tắc và giá trị cốt lõi của nước chủ nhà đối với người nhập cư luôn được đề cao. 

Chỉ khi người nhập cư đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ ấy, và dung hoà được với văn hoá bản địa, địa vị của người ấy trong quốc gia mới được dịch chuyển từ “họ” trở thành “chúng ta”. 

Rất nhiều người Việt định cư ở nước ngoài đã vượt qua được thử thách này để từ chỗ bị coi là “họ” trong mắt người bản xứ đã trở thành “chúng ta” đối với cả cộng đồng. Và ở Việt Nam, cũng nhiều người nước ngoài nhập cư đã được coi là “chúng ta” trong một hoàn cảnh tương tự.

Quay trở lại với lực lượng nhập cư trái phép, không ai thống kê được hiện nay có bao nhiêu “họ” trong “chúng ta”. Nhưng theo như thống kê mới nhất về những vụ mới bị phát hiện, chỉ từ tháng 6 tới nay, lực lượng Biên phòng đã phát hiện 21 vụ với 177 người Trung Quốc nhập cư lậu vào Việt Nam. Con số ấy kể từ đầu năm là 504 người. 

Và đó mới chỉ là thống kê những vụ việc nhập cư lậu ở biên giới Việt - Trung mà thôi. Còn các khu vực biên giới khác thì sao? Và số người nhập cư lậu trót lọt hiện vẫn đang sinh sống trốn tránh pháp luật là bao nhiêu và đang ở tình trạng như thế nào? Những câu hỏi này thực sự nhức nhối và nó đúng nghĩa là một bài toán nan đề cho các cơ quan quản lý cũng như là một mối lo tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.

Ở vào giai đoạn thế giới đang đứng trước thử thách lớn là đại dịch COVID-19 này, khi mà nhiều quốc gia vẫn còn rất hạn chế vùng biên, thắt chặt lại các hoạt động ở biên giới là điều tất nhiên. 

Nhưng cũng như trong chuyên đề này đã đề cập, để có thể thiết lập ra các hàng rào thể lý là bất khả. Không thể nào, và cũng không nguồn lực nào đủ, để có thể tạo ra các chốt chặn kiểm tra mỗi 20m biên giới cả. Chưa quốc gia nào có thể làm điều hao tài tốn lực ấy. 

Do vậy, tình trạng người nước ngoài ngày ngày nhập lậu vào Việt Nam vẫn tồn tại và có chăng, hướng giải quyết chính là ý thức của mỗi người dân về một mối đe dọa an ninh quốc gia mà thôi.

Xin được chia sẻ về vấn đề ý thức này bằng chính câu chuyện của tôi, cách đây gần 2 năm. Khi được đơn vị môi giới giới thiệu khách thuê căn hộ của mình, tôi đã yêu cầu được cung cấp bản photo có công chứng hộ chiếu của khách thuê. Và khi nhìn thấy các tấm hộ chiếu ấy không có con dấu nhập cảnh, tôi đã từ chối cho thuê, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương về tình trạng người “ở lậu”. 

Chắc chắn, người nhập cư dù ở đâu đi nữa cũng cần một mái nhà che mưa mỗi ngày. Và chính chúng ta, những người có thể là người cung cấp dịch vụ cho thuê mướn chỗ ở như thế, phải là những người có ý thức cảnh giác trước tiên. Đơn giản, không thể giữ suy nghĩ “ở đâu chẳng thế” để nhắm mắt làm ngơ. Ai có thể biết được người đối diện thực tế là người như thế nào: có mang mối nguy về an ninh, về dịch tễ hay về tội phạm… hay không? 

Và song song đó, sự chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan quản lý (đơn cử như thuế) đối với hoạt động của người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam cũng sẽ tạo ra thêm các “bộ lọc” đúng nghĩa góp phần cắt giảm những nguy cơ tiềm tàng.

Chúng ta mở cửa với thế giới nhưng chúng ta chỉ mở cửa với những người bạn sẵn sàng hoà nhập để không còn là “họ” nữa, mà phải là một trong chúng ta. Còn với những người lạ, mà có khi chính người đó đang coi chúng ta là “họ”, cánh cửa không thể mở rộng bởi điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm với chính đồng bào của mình.

Hà Quang Minh

Phạm An-Lê Thiếu Nhơn-Hà Quang Minh
.
.