Nhạc sĩ Đức Trí: Có những người cầm bút đang nhầm lẫn
- Chuyện anh bị một hot blogger vốn là một phóng viên văn nghệ tung tin đồn phá sản, phải bán nhà để trang trải nợ nần, chuyển sang làm giáo viên thanh nhạc đến nay đã được xử lí như thế nào rồi, thưa anh?
- Tôi không quan tâm đến phóng viên đó, cô ta có quyền tự do phát biểu trên trang cá nhân của mình. Điều đáng trách là những tờ báo đã tùy tiện đăng lại thông tin đó mà không hề kiểm chứng, gây tổn hại đến uy tín doanh nghiệp chúng tôi. Megafun là trang mạng đưa tin đầu tiên, sau đó hàng loạt các báo mạng khác lấy lại. Trang này tỏ ra hợp tác khi chúng tôi khiếu kiện, họ đã xin lỗi và đăng bài cải chính. Điều nghịch lí là khi có thông tin sai lệch thì báo nào cũng chớp lấy xào nấu, giật tít, tạo scandal; còn khi có đã thông tin đính chính thì không ai đăng lại. Trách nhiệm ở đây thuộc về người biên tập và kiểm duyệt đã cho phép đăng tải những thông tin lệch lạc như thế, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, tên tuổi của cá nhân, tập thể khác.
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân thì tôi sẽ có cách giải quyết riêng với nữ phóng viên đó (Hương Trà - Đức Trí nói thẳng), nhưng vì đụng tới doanh nghiệp nên tôi phải làm đúng luật, nếu cô không sai thì tôi không thể kiện cô được, còn cô sai thì tôi có thể kiện cô. Luật sư cho biết chúng tôi vẫn giữ quyền khiếu kiện nếu hệ lụy của việc phao tin đồn nhảm kể trên tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Rõ ràng những tin đồn ảo trên Facebook có thể dẫn đến thiệt hại thật, đối tác mất lòng tin vào chúng tôi.
- Nắm trong tay lợi thế tưởng chừng như mơ hồ nhưng lại là hiện hữu chính là dư luận, báo chí được mệnh danh là quyền lực thứ tư. Do đó, một số không nhỏ nhà báo đã ngộ nhận thứ quyền lực này như một đặc quyền đặc lợi, tạo ra tâm lý tự cao tự đại trong cách hành xử và hành nghề, hay tệ hơn nữa là dùng nghề báo để làm tiền thay cho làm sứ mạng của một nhà báo. Anh nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
- Tôi xin nhắc lại một điều rất cũ: đạo đức nghề nghiệp phải luôn được đề cao ở bất cứ ngành nghề nào chứ không chỉ riêng nghề báo. Bài học của việc xem thường đạo đức nghề nghiệp là người ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả nấy, không sớm thì muộn.
- Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông mới đã khiến thế giới truyền thông dịch chuyển từ quyền lực thứ 4 - của báo chí, sang quyền lực thứ 5 - của Internet. Điều này ngày càng thể hiện rõ nét hơn qua con số 23 triệu người sử dụng Internet, 16 triệu người sử dụng mạng xã hội, hơn 130.000 tên miền được đăng kí, tốc độ tăng trưởng 170 %/năm (tính đến tháng 5-2012). Một nhóm những người cầm bút nắm được mối tương quan này đã câu kết với nhau để phao tin, tạo scandal, cố tình lập lờ vai trò của người viết báo chính thống với blogger, nhằm vụ lợi cá nhân, gây tổn hại người khác. Theo anh, nên có một chế tài để quản lí việc này?
- Tôi không mấy hi vọng vào hiệu quả của việc kiểm soát thông tin, bởi hệ thống quản lí ở nước ta nhiêu khê, rườm rà và có nhiều lỗ hổng lớn. Quan điểm của tôi là, nếu anh đã rao tin bậy một lần rồi thì lần sau sẽ không ai tin anh nữa. Ở những nước phát triển, tuy sự tồn tại của báo chính thống và lá cải là song song, nhưng đã là lá cải thì toàn những chuyện tầm phào, nên người ta chỉ đọc cho vui, không ai tin làm gì.
Là một phóng viên, việc bạn viết một bài báo để đưa lên báo sẽ khác với việc bạn chia sẻ thông tin trên trang cá nhân của mình. Vấn đề bạn vừa nói là có thật.
Một nhóm những người được phép cầm bút đang nhầm lẫn giữa quyền tự do ngôn luận của cá nhân với trách nhiệm phổ biến thông tin của người làm báo. Báo chí thời nay chỉ ngồi một chỗ săm soi vào trang cá nhân của các nghệ sĩ, hot blogger, nhà báo để đưa tin, đó là một việc hết sức bậy bạ. Bạn chỉ có thể tham khảo chứ không được phép sử dụng nó như một thông tin chính thức