7X sự tự vấn thế hệ:

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Chúng tôi khép kín và… thận trọng hơn

Thứ Tư, 12/05/2010, 11:14
Đỗ Bích Thúy, SN 1975, trở thành nữ Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở tuổi ngoài 30, được coi là một trong những người thành đạt sớm. Chị cho rằng, 7X có vẻ khép kín và công thức hơn. Nhưng nói đi phải nói lại, sự thận trọng đôi khi trì níu con người ta, nhưng đôi khi cũng giúp con người ta đủ bình tĩnh cũng như lường trước hậu quả để có thể đưa ra một quyết định nào đó.

- Có người nói thế hệ 7X, những người sinh trong những năm 70 của thế kỷ trước, là thế hệ của những hoang mang. Chị có nghĩ như vậy không?

- Tại sao chúng tôi phải hoang mang chứ? Khi mà cuộc sống vẫn tiếp diễn, và với những biến động của nó thì con người được trải nghiệm, con người được đối diện với thách thức, được lớn lên, được vươn tới cuộc sống mà nhiều thế hệ sinh ra trước mình phải mơ ước: Một cuộc sống không có tiếng súng và tràn ngập khát vọng cá nhân.

- Sự hoang mang đó được dẫn chứng: Họ có những giá trị của thế hệ trước làm chuẩn mực để noi theo, nhưng lại là thế hệ đầu tiên va đập với những làn sóng văn hóa mới, những đổi thay quá nhanh của thời cuộc, và vì thế sẽ rơi vào tình trạng những giá trị đôi khi bị đảo lộn. Theo chị, đây có phải là nguyên nhân?

- Sự va đập với những làn sóng mới có thể khiến người ta đôi khi bối rối, lúng túng, chứ không phải hoang mang. Và sự bối rối, lúng túng đó hoàn toàn có thể được giải quyết khi người ta đủ độ chín chắn để biết được đâu là hiện tượng, đâu là bản chất, đâu là hời hợt và đâu mới là bất biến. Và thế hệ 7X, ở lứa tuổi 30, tôi cho rằng đã đủ chín chắn.

- Nếu lấy năm 1975 làm cột mốc, thì 35 năm đã trôi qua, thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Và đã có rất nhiều thay đổi. Trong chính chúng ta và trong cả xã hội. Bản thân chị thấy điều này thế nào?

- Tôi không nghĩ quá nhiều về điều đó. Vì đôi khi, có ai đó hỏi, nếu cho chị được đi lại con đường của 30 năm về trước, thì chị có chọn lựa nào khác không, tôi luôn trả lời: Tôi sẽ sống y như tôi đã sống. Sự thay đổi của một đất nước cũng giống như sự lớn lên của một con người. Lúc nhỏ có thể ta đã làm sai một việc gì đó, nhưng khi lớn lên ta đã biết là chính cái lỗi mà ta mắc phải trong quá khứ đó đã khiến ta trưởng thành. Và một đất nước cũng vậy. Không riêng gì Việt Nam, tất cả các quốc gia được coi là giàu mạnh trên thế giới, để đến được giàu mạnh, họ đều đã từng phải tự rút ra những bài học.

- Theo chị, đâu là sự thay đổi cơ bản nhất?

- Sự thay đổi cơ bản nhất đối với một cá nhân 7X so với thế hệ trước đó, như tôi đã nói, là được sống trong hòa bình và tràn ngập những khát vọng cá nhân. Còn sự thay đổi đối với đất nước, thì tôi nghĩ người nào sống qua hai thế kỷ cũng đều có thể nhận ra.

- Sự thay đổi nào cũng vậy, sẽ mang đến cả những điều hệ lụy. Một xã hội đổi thay chậm có thể sẽ trì trệ. Nhưng nếu thay đổi quá nhanh thì sẽ dễ… hụt hơi. Theo chị thì sự đổi thay nào là cần thiết? Và đâu là cái mà theo chị nên giữ lại?

- Đây là vấn đề không thể gói gọn trong một câu trả lời, vì nó là điều mà cả một quốc gia, một dân tộc phải nghĩ tới. Tôi chỉ xin trả lời một ý nhỏ: Những cái mà chúng ta nên giữ lại là những cái có lợi cho dân tộc, cho đất nước. Nếu như chúng ta luôn thực sự đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên hàng đầu, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, công việc nào ta cũng sẽ biết được ta nên làm gì, nên giữ cái gì và bỏ cái gì.

- Sự đổi thay lớn nhất mà chúng ta nhận biết không phải là cái ngoài ta, mà nó chính là sự đổi thay của chính bản thân mình trước những đổi thay của xã hội. Và chúng ta chính là một sự phản chiếu, hiểu theo một cách nào đó. Chị thấy mình thay đổi như thế nào, về nhận thức, về quan điểm cá nhân?

- Tôi mới đi được có nửa cuộc đời thôi mà (cười), tôi còn nhiều điều muốn làm, nói về cuộc đời mình trong lúc này e sớm quá.

- Có người nói 7X là thế hệ dùng dằng giữa cũ và mới. Nên đôi khi họ bỏ mất nhiều cơ hội mà các thế hệ sau, như 8X, 9X rất nhanh chóng nắm được và tận dụng. Chị có cho là như vậy?

- Nói vậy cũng có ý đúng. Tôi phải công nhận rằng thế hệ 8X (nói đến 9X thì hơi sớm quá) đã có những ưu điểm mà thế hệ 7X ở thế kỷ trước không có. Ví như sự nhập cuộc rất nhanh với những cái mới, sống cởi mở và phóng khoáng hơn, sẵn sàng lao mình vào những khó khăn, thách thức... 7X thì thận trọng hơn. Có lẽ đúng như anh nói, 7X hơi dùng dằng một chút giữa cái cũ và cái mới. 7X có vẻ khép kín và công thức hơn. Nhưng nói đi phải nói lại, sự thận trọng đôi khi trì níu con người ta, nhưng đôi khi cũng giúp con người ta đủ bình tĩnh cũng như lường trước hậu quả để có thể đưa ra một quyết định nào đó.

- Và đã có thời điểm, người ta kết tội 7X là những kẻ chậm chạp. Chị có nghĩ mình chậm chạp?

- 7X thì không chậm chạp. Nhưng tôi thì chậm chạp thật (cười). Tôi thấy mình làm cái gì cũng chậm, làm cái gì cũng cần phải có thời gian, không gian thích hợp. Và lại không làm được một lúc nhiều việc.

- Ở tuổi chị, những người bước qua tuổi 30, bắt đầu có đủ trải nghiệm và cả thất bại để có những chiêm nghiệm riêng của bản thân trước mọi vấn đề của đời sống. Chị thấy những ngày đang sống thế nào?

- Tôi là một người nóng nảy, nhưng cũng biết nín nhịn (tôi thấy mình rất mâu thuẫn ở điểm này). Tôi có một quan điểm: Chuyện lớn thì coi là chuyện nhỏ, mà chuyện nhỏ thì coi là không có gì. Cứ với quan điểm đó, tôi có thể giải quyết mọi chuyện. Nghe thì có vẻ nhu nhược, nhưng thực sự, nếu không sống như vậy, tôi sẽ quị ngã ngay lập tức. Vì vậy, những ngày đang sống của tôi, tôi rất trân trọng.

- Ở tuổi ngoài 30, 7X đang có những cá nhân thành đạt và dần chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Chị có suy nghĩ về điều này thế nào?

- Đơn giản đó là quy luật thôi mà. Tuổi 30 là tuổi của sự thành đạt và bắt đầu chín chắn, cũng là tuổi đẹp của công việc, gia đình. Người 30 đang có sức khỏe, đang có nhiều khát vọng và sức ép, đang có sự minh mẫn về nhận thức, mạnh mẽ về tư duy... nói chung là lứa tuổi lợi thế nhất trong cuộc đời.

- Có bao giờ chị rơi vào tình trạng đổ vỡ giá trị, có những điều chị cho là chân lý bỗng một ngày chị thấy nó hoàn toàn sai?

 - Có chứ. Điều đó chắc cũng không phải hiếm lắm. Nhưng với những người sống đơn giản thì mọi việc dễ dàng trôi qua, còn người nào cả nghĩ thì có khi nó ám ảnh đến suốt đời.

-  Những trang viết của chị, càng về sau càng nhiều trăn trở và có những suy nghĩ rất riêng. Phải chăng chị luôn rơi vào trạng thái mất thăng bằng trong cuộc sống?

- Không phải tôi rơi vào trạng thái mất cân bằng, mà vì càng ngày tôi càng nhận ra, văn chương (dù là một truyện ngắn hay một đoản văn) phải mang trong nó những ẩn ức về cuộc đời, về thân phận, và những tác phẩm văn học nghệ thuật ở lại với người thưởng thức lâu nhất bao giờ cũng là những tác phẩm đi sâu vào thân phận người, đánh thức lòng nhân ái, trắc ẩn trong họ, lay động được phần tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn họ.

- Cảm ơn chị!

D.B.N.
.
.