Nhà văn Bích Ngân: Thời nào cũng vậy, tài năng luôn hiếm hoi
"Tín hiệu dễ thấy ở cả đồng nghiệp già và trẻ là ít nhiều đều mong đợi BCH nhiệm kỳ mới làm được điều gì đó để góp phần lấp bớt những khoảng trống trong đời sống văn học hiện nay. Và đó phải là những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm góp phần tạo nên được một không khí đổi mới văn chương thật sự, biết bảo vệ và quý trọng những giá trị văn chương đích thực.
Tài năng văn học thời nào cũng vậy, thật hiếm hoi. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách đánh giá quá bi quan rằng, 5 năm qua không có tác phẩm nào đáng giá. Vẫn có những tác phẩm đáng đọc, đáng để suy ngẫm, thậm chí cũng rất đáng để tranh luận, thảo luận về tác phẩm đó.
Khi đánh giá một tác phẩm văn học mà không thanh lọc được tâm hồn mình, không dám nhìn thẳng vào chính mình, thì người đọc sẽ khó có tâm thế của một người cảm thụ khách quan và tinh tế, và dĩ nhiên là dẫn đến việc thẩm định, đánh giá thiếu chuẩn xác.
Mở góc nhìn rộng ra, tôi thấy văn học trong nước vẫn ở thế thượng phong. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều tờ báo có số phát hành hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn bản, hàng ngày, hàng tuần vẫn đều đặn đăng truyện ngắn, thơ, tạp bút. Hằng năm, nhiều tập truyện ngắn hay được tuyển chọn từ hàng ngàn truyện ngắn đã được đăng tải trên các báo đến với độc giả và hầu hết các tập truyện đều được tái bản.
Nhiều nhà xuất bản hàng năm đều xuất bản nhiều tác phẩm văn học với nhiều lần in nối bản, tái bản, ngay như NXB Văn nghệ TP.HCM, nơi tôi làm việc, hàng năm, đầu sách kế hoạch A, chiếm đa số vẫn là các tác phẩm văn học của các nhà văn như Phùng Quán, Lý Lan, Trần Thùy Mai, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nhật Chiêu…
Ở mảng sân khấu, rồi điện ảnh, hầu hết những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đều dựa trên cái nền là những tác phẩm văn học (truyện ngắn, tiểu thuyết), hoặc là kịch bản văn học. Đó là chưa tính đến mảng sách văn học nước ngoài.
Nếu bạn đặt vấn đề rằng, 5 năm qua, chúng ta thấy đời sống văn chương thi thoảng ồn lên một chút về một vụ việc nào đó, hoặc gây tranh luận, thậm chí cãi vã nặng nề về hệ thống giải thưởng, cách thức xét giải… chứ chưa từng có sự xôn xao bàn tán về một hiện tượng văn học, một tác phẩm xuất sắc… thì tôi nghĩ rằng việc đòi hỏi sự công tâm ở các kỳ xét giải, trao giải thưởng văn học là yêu cầu chính đáng của người viết và cả người đọc.
Tuy nhiên, thời gian qua, trong đời sống văn học như bạn nói là có, tức là những hiện tượng ồn ào đó lại chưa nói lên được mối quan tâm thật sự và cốt lõi là làm sao để giải thưởng được trao cho đúng những tác phẩm xứng đáng, những tác phẩm có giá trị thật sự mà dường như lại quá sa đà vào những thứ nằm ngoài văn chương, ngoài tác phẩm, khiến nhiều lúc như lấn át đi cái tâm, cái tầm ắt phải có của đời sống văn chương.
Còn một tác phẩm hay thật ra không cần nhà phê bình, cũng không cần cả giải thưởng, nó vẫn cứ hay. Ngược lại, một tác phẩm không có giá trị nghệ thuật dù có lọt vào mắt nhà phê bình tài giỏi hay đoạt giải thưởng danh giá đi nữa thì cũng không thể đánh bóng được tác phẩm đó. Vàng vẫn là vàng; thau vẫn là thau. Thật giả trong nghệ thuật là thứ khó bị đánh lừa, tráo đổi.
Sáng tạo của nhà văn bao giờ cũng âm thầm và cô đơn. Vì vậy chất lượng của tác phẩm là do tài năng của chính nhà văn quyết định. Nếu hoạt động của Hội Nhà văn mà đem lại được niềm vui cho hội viên thì quả là một nỗ lực đáng ghi nhận và đáng được khích lệ và đó còn là sự bù đắp phần nào cho thành quả lao động của nhà văn.
Tuy nhiên, điều mà mỗi hội viên thật sự cần, là cần Hội với những hoạt động của mình, tiếng nói của mình, tạo được một môi trường thật thông thoáng và lành mạnh, kích thích khả năng sáng tạo của mỗi nhà văn và tạo điều kiện để những tác phẩm văn chương có giá trị được đến với người đọc, không chỉ ở trong nước.
Bạn nói rằng, đời sống văn chương đã không còn sôi động, nhà văn cũng bỏ đi làm nghề khác nhiều, tác phẩm cũng không tạo được thành dòng chảy như vài thập kỷ trước, đó chính là chân dung về đội ngũ văn chương Việt
Văn chương cũng giống như tình yêu vậy. Hoàn toàn tự nguyện, không thể ép uổng. Không đủ đam mê, không dám đánh đổi, không biết hy sinh, người ta sẽ khước từ nó. Nhìn vào đội ngũ nhà văn Việt
Thay đổi bản thân mình đã là quá khó, nói chi đến việc thay đổi… đời sống văn học cho dù có được ban cho cái quyền của… thượng đế đi nữa, trong khi văn học luôn có con đường đi của nó - con đường vừa ngắn ngủi lại vừa xa thăm thẳm, đó là con đường đi đến trái tim con người, đi đến với số phận con người.
Còn ngọn lửa ấm trong lòng với văn chương thì tôi tin là còn có ở rất nhiều người cầm bút, trong đó có bạn. Chính ngọn lửa ấy đã sưởi ấm cái lạnh trong mỗi nhà văn và giúp họ bước tiếp trên con đường quá đỗi nhọc nhằn"