Nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm: Dịch bệnh không chỉ là chuyện của ngành Y

Thứ Sáu, 14/02/2020, 22:36
Đứng trước dịch bệnh, những người điều hành chính sách phải rất tỉnh táo, và hệ thống phân phối xã hội liên quan đến những vấn đề như lương thực thực phẩm, thuốc men, khẩu trang… phải được đảm bảo rất kịp thời vì chúng là một phần của bộ chỉ số tín nhiệm để đánh giá năng lực người quản trị xã hội.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng đại dịch COVID-19 là một phép thử với hệ thống chính trị Trung Quốc. Câu nói ấy khiến nhiều người chúng ta chợt giật mình nhìn lại mối quan hệ giữa dịch bệnh với những biến động về chính trị, xã hội trong dòng chảy lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. ANTG Giữa tháng - Cuối tháng đối thoại với nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm (Đại học Sư phạm Hà Nội) về chủ đề này.

Dịch bệnh không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học. Quan trọng hơn, đó là phép thử gay cấn và nghiệt ngã với con người xã hội, con người chính trị, và con người văn hóa. - Vũ Đức Liêm

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Vũ Đức Liêm, anh là nhà nghiên cứu sử học, vậy thì trong cái nhìn của anh, dịch bệnh tác động tới sự thịnh – suy và số phận của các vương triều ra sao? Đã có những vương triều nào phải điêu đứng, thậm chí là sụp đổ vì sự hoành hành của dịch bệnh hay chưa?

- Nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm: Câu hỏi của anh rất là thú vị, bởi vì một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của loài người nói chung chính là dịch bệnh. Tại sao lại thế? Tại vì loài người gặp 2 vấn đề tạo ra điểm yếu về mặt sinh học của mình. 

Thứ nhất là chúng ta sống tập trung, tổ chức thành các làng xã, đô thị. Sự tập trung về mặt cư dân này tạo ra không gian duy trì dịch bệnh. Ví dụ như về bệnh đậu mùa, nó có dấu vết từ khoảng 350.000 năm trước, từ những nghiên cứu khảo cổ học. 

Nhưng phải cách đây 10.000 năm thì nó mới bắt đầu phát tác thành những đại dịch, và rất tình cờ khi đó cũng là lúc nền nông nghiệp ra đời. Đó là lúc làng xã xuất hiện, đó là lúc mà con người bắt đầu tập trung lại với nhau. 

Người ta thống kê được rằng những cộng đồng cư dân khoảng từ 100.000 đến 200.000 người trở lên là một môi trường ổn định để đậu mùa có thể phát triển, và bùng phát thành đại dịch bất cứ lúc nào. 

Và anh hãy thử tưởng tượng rằng, từ những cộng đồng 200.000 người thuở ban đầu phát triển thành Trùng Khánh với 30 triệu người, phát triển thành Hà Nội với hơn 10 triệu người, rồi Vũ Hán, rồi Tokyo… thì qui mô dịch bệnh nếu có rồi sẽ lây lan phát triển như thế nào. 

Cái thứ 2 mà dịch bệnh sẽ là ẩn họa thường trực của loài người liên quan đến cách vận hành nền nông nghiệp, cụ thể là cách chúng ta thuần hoá các loài động vật. Điều đặc biệt là không chỉ có những loài vi khuẩn đến từ lừa, từ lợn,  từ bò, từ ngựa… mà còn từ cái quá trình các loài lợn, bò, ngựa tiếp xúc với tự nhiên, với các con dơi, con tê tê, con chồn… và cái sự chuyển hoá của các loài virus, vi trùng trong quá trình tiếp xúc này thực sự tạo ra ẩn họa lớn cho loài người chúng ta, vì chúng tạo cơ hội để các chủng virus tiến hóa liên tục.

- Như vậy là theo anh có 2 lý do chính khiến đại dịch bùng phát và trở thành mối đe dọa của con người. Nhưng anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi: Nhìn từ góc độ lịch sử thì dịch bệnh tác động như thế nào đến các vương triều và các nền văn minh?

- Thực ra phần lớn chúng ta chỉ nhìn bệnh dịch từ góc độ y tế, nhưng lớn hơn và rộng hơn, sự ảnh hưởng của bệnh dịch từ lâu đã vượt khỏi 4 bức tường của các bệnh viện, để trở thành câu chuyện của chính trị, câu chuyện của thể chế, câu chuyện về sức bền của xã hội, câu chuyện về sự kháng thể của các nền văn minh. 

Có rất nhiều những bệnh dịch trong lịch sử ảnh hưởng đển sự phát triển của văn minh nhân loại. Một ví dụ đơn giản nhất là câu chuyện diễn ra vào đầu thế kỷ XVI, khi người Tây Ban Nha tấn công người Inca (Peru hiện nay - PV) thì họ chỉ có 168 người. Và họ mang theo gì? Họ mang theo ngựa, mang theo súng, rồi mang theo cả vi trùng nữa.

Không chỉ mang theo vũ khí, người Tây Ban Nha còn mang theo cảá virus đậu mùa tấn công những người Aztec.

- Mà trước khi tấn công những người Inca thì Tây Ban Nha đã tấn công những người Aztec thuộc Mexico bây giờ. Khi đọc về lịch sử cuộc tấn công này, cá nhân tôi bị ám ảnh bởi một chi tiết mà tôi cho là khủng khiếp, đó là ngày 5/3/1520, một đội tàu chở 900 lính Tây Ban Nha cùng ngựa, vũ khí và nô lệ đã tới Mexico. Theo những gì tôi đọc thì Francisco de Eguia, một trong số những người nô lệ ấy không hề biết rằng trên cơ thể mình có virus đậu mùa. Ngay cả khi con tàu cập cảng Mexico, khi trên người anh ta xuất hiện những nốt ban lớn thì anh ta và tất cả những người quanh anh ta cũng không biết rằng nó là mầm mống của một đại dịch chết người. Kết quả là chỉ sau đúng 10 ngày, toàn bộ cái thị trấn mà anh ta trú ngụ đã trở thành một nghĩa địa, và sau đó thì virus đậu mùa tấn công toàn cõi Mexico.

- Jared Diamond có một cuốn sách rất hay tên là “Súng, vi trùng và thép”. Vì sao? Vì người Tây Ban Nha không chỉ chinh phục bằng ngựa và thuốc súng mà còn mang theo rất nhiều vi khuẩn. Đó là những vi khuẩn mà họ bị lây lan từ gà, từ ngựa, và những thứ vi khuẩn ấy thì chưa từng xuất hiện với những người dân bản địa. Do vậy họ không có sức đề kháng để chống lại nó.

- Thú thật là tôi chưa đọc Jared Diamond, nhưng những thông tin mà anh vừa đưa ra lại làm tôi nhớ đến một nhà nghiên cứu lừng danh khác: William H.McNeill ở Đại học Chicago (Mỹ). Khi nghiên cứu về thất bại của người Aztec (Mexico) trước người Tây Ban Nha, ông ấy nhất quyết không chịu tin rằng những chiến binh Aztec hung bạo lại bị 600 người Tây Ban Nha đánh bại dễ dàng – điều mà trước đó rất nhiều người tin. Ông ấy đưa ra dẫn chứng là trước đó người Aztec đã từng đánh bại đối thủ tại kinh đô của mình, và buộc Tây Ban Nha phải lui quân. Vậy thì lý do thực sự nào khiến lần này họ lại sụp đổ nhanh đến như vậy? Theo MC Neil thì lần này người chỉ huy của Aztec đã chết vì đậu mùa. Và thế là ông ấy khái quát về “vai trò” của bệnh tật trong cuộc chinh phục châu Mỹ của người Tây Ban Nha. Nói một cách dễ hiểu thì bệnh tật cũng chính là yếu tố lợi hại giúp hành trình chinh phục của người Tây Ban Nha thuận lợi hơn. Và khi chúng ta nhắc lại những điều này thì có lẽ chúng ta đều thống nhất với nhau rằng trong lịch sử nhân loại, có không ít trường hợp mà một cộng đồng bị xóa sổ vì bệnh tật trước khi kịp cầm vũ khí chống chọi lại với những kẻ xâm lược mình.

- Thêm một ví dụ khác nữa, nổi tiếng hơn là chuyện dịch hạch đã từng giết chết khoảng nửa dân số châu Âu vào thế kỷ 14-15.

Dịch hạch đã từng giết chết khoảng nửa dân số châu Âu vào thế kỷ 14-15

- Cái chết đen?

- Chính xác. Chính là cái chết đen mà tầm mức ảnh hưởng của nó liên quan tới địa chính trị toàn cầu. Dịch hạch làm chậm bước tiến, làm tan vỡ các đế chế Mông Cổ và làm cho chúng bị bản địa hóa. Con đường Tơ lụa trên bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cũng tạo ra động lực của thương mại hàng hải xuống phía nam, tới Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Nhờ đó mà các nhân tố bắt đầu cho cuộc phát kiến địa lý nảy nở. 

Và anh biết rồi đấy, chủ nghĩa tư bản, Tây Âu hiện đại, hay thế giới phương Tây hiện đại được sinh ra từ sau các cuộc phát kiến địa lý. Như vậy là ta thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến số phận của các đế chế, số phận của loài người, và số phận của các nền văn minh.

- Anh Vũ Đức Liêm này, anh có một chuyên ngành nghiên cứu hẹp về triều nhà Nguyễn ở Việt Nam. Mà theo những gì tôi biết thì đây cũng là một trong những triều đại hứng chịu những cơn càn quét khủng khiếp nhất của bệnh dịch. Cho nên anh có thể chia sẻ xem cụ thể thì bệnh dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến số phận của vương triều này được không?

- Nhà Nguyễn chịu rất nhiều mối đe dọa, phải nói đây là một trong những triều đại ở Việt Nam gặp “vận đen”. Cái vận đen thứ nhất nằm ở chỗ họ cầm quyền trong lúc mà cơn mưa gió Á Âu của chủ nghĩa thực dân đang diễn ra. Và thứ hai, đó cũng chính thời điểm mà cái quá trình toàn cầu hoá được đẩy mạnh. Quá trình toàn cầu hoá không chỉ diễn ra với các hoạt động thương mại hay súng ống và tôn giáo, mà còn toàn cầu hoá ở cả góc độ của những vi khuẩn, vi trùng nữa. 

Tôi lấy ví dụ như dịch tả là một trong những mối đe dọa thực sự của triều Nguyễn. Anh hình dung thế này: kể từ khi Minh Mạng lên ngôi năm 1820 đến khi ông qua đời năm 1841 đã diễn ra tới 2 trận dịch lớn. Trận dịch năm 1820, theo thống kê của các biên niên sử nhà Nguyễn thì đã giết hại tới 270.000 người, và nhà Nguyễn đã phải bỏ ra tới hơn 70 vạn quan tiền để chôn cất, mai táng những người chết và ổn định xã hội.

- Khủng khiếp!

- Và anh biết không, trong số hơn 200.000 người chết ấy có đại thi hào Nguyễn Du - một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của dân tộc này.

- Dịch bệnh không trừ một ai cả, lúc đó thì một chúng sinh nghèo khổ và một đại thi hào với tầm ảnh hưởng lớn lao cũng chịu chung số phận, phải không anh?

- (Gật đầu). Chúng ta hãy thử tưởng tượng rằng: chỉ vài tháng trước đó, Nguyễn Du đã được Minh Mệnh cử đi sứ nhà Thanh bên Trung Quốc, và Minh Mệnh rất tin tưởng vào tài năng của vị sứ giả này. Thế mà đùng một cái, vị sứ giả ưu tú lại qua đời. Và hãy thử tưởng tượng thêm nữa: Dân số Việt Nam lúc ấy vào khoảng 10 triệu người. Hơn 200.000 người chết trong một nước có dân số 10 triệu người có nghĩa là có tới 4% dân số mất đi. Rồi thử tưởng tượng nữa, nếu bây giờ có một trận dịch khiến chúng ta hôm nay phải mất 4% dân số thì con số đó hôm nay lên tới 4 triệu người.

Vua Minh Mệnh.

- Khủng khiếp! Mà ngay cả Hoàng tử Cảnh, con trai vua Gia Long cũng mất vì dịch bệnh phải không anh? Theo tôi hiểu thì Hoàng tử Cảnh đã được vua cha “cơ cấu” sẵn để sau này thay ông cai quản một dải đất dài từ địa đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau, nhưng rồi Hoàng tử Cảnh đột ngột ra đi, và thế là cả một đại kế hoạch tan vỡ.

- Đúng là  Hoàng tử Cảnh mất vì bệnh đầu mùa. Có thể với nhiều người, cái chết của một vị hoàng tử chỉ là một dấu chấm rất nhỏ trong một diễn biến lịch sử rất lớn, nhưng khi nhìn lại sự kiện này một cách cặn kẽ thì chúng ta sẽ thấy cái chết này ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân vị hoàng tử hay gia đình của ông, mà còn ảnh hưởng tới cả một vương triều, thậm chí ảnh hưởng tới cả một thời đại mà ông là một phần trong đó. 

Hoàng tử Cảnh là người được vua Gia Long gửi sang Pháp làm con tin, và sau cả chục năm bôn ba như thế thì ông rất được lòng các binh sĩ, rất được lòng quan lại. Tất cả những người có thể nói là quyền lực nhất của vương triều Nguyễn như Lê Văn Thành, Lê Văn Duyệt hay Lê Chất thì đều ủng hộ Hoàng tử Cảnh. Đùng một cái, dịch bệnh cướp mạng sống của ông vào năm 1801, và thế là lịch sử đảo lộn hết.

Trước kia, người ta nghĩ dịch bệnh là sự trừng phạt của thần thánh... Trong ảnh: Đàn tế lễ Nam Giao triều Nguyễn.

- Năm đó ông mới 20 tuổi thì phải?

- 21 tuổi! Và cái chết của ông đã làm thay đổi toàn bộ cái cán cân quyền lực và ngôi vị kế thừa của vương triều. Chính nhờ cái chết ấy mà một vị hoàng tử thứ 4, lại không phải là con của hoàng hậu bất ngờ nhận được sự ủng hộ để lên ngôi. Đấy chính là Minh Mệnh. 

Và thế là lúc này triều đình lại chứng kiến một cuộc cạnh tranh quyền lực mới giữa cháu của vua Gia Long, tức là con trai của hoàng tử Cảnh và Minh Mệnh. Trong cuộc tranh đoạt này, chúng ta biết rằng, Gia Long đứng về phía con trai, vì ông muốn có một người đủ chín chắn, đủ trưởng thành để có thể vận hành một nhà nước Việt Nam mới được thống nhất và củng cố.

Thiên tai, dịch bệnh và nạn đói ở châu thổ sông Hồng, 1820-1841 
Nguồn: Đại Nam thực lục.
Chú: trước năm 1831, các tỉnh Bắc Kỳ thuộc về Bắc Thành. 

- Dịch bệnh lấy mất cơ hội của hoàng tử Cảnh và trao cơ hội cho Minh Mệnh, nhưng tác động của dịch bệnh nào có chấm dứt ở đây. Lịch sử kể với chúng ta rằng khi Minh Mệnh lên ngôi thì tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt có vẻ không thực bụng ủng hộ. Cộng thêm nhiều dích dắc khác nữa mà sau này, khi Lê Văn Duyệt mất thì con nuôi của ông ta là Lê Văn Khôi đã nổi loạn, chống lại Minh Mệnh và vương triều. Lê Văn Duyệt thậm chí còn mở đường để người Xiêm La vào hỗ trợ mình chống lại Minh Mệnh nữa. Nhìn nhận các diễn biến như vậy mới thấy căn bệnh đầu mùa là cái nguyên cớ sâu xa dẫn đến hàng loạt những thay đổi về thân phận và số phận của một vương triều, trong một hoàn cảnh lịch sử có quá nhiều biến động, phải không anh? 

- Còn một câu chuyện khác liên quan đến đậu mùa và triều Nguyễn, đó là lúc đầu, khi Minh Mệnh mới lên ngôi, quan hệ của ông với người phương Tây rất là tốt. Nên ông đã cử những bác sĩ riêng của mình sang Macao để lấy vắc xin đậu mùa về, cho nên tất cả các con của Minh Mệnh đều được chích ngừa vắc xin đậu mùa. Nhưng sau đó quan hệ của Minh Mệnh với phương Tây xấu đi, nguồn vắc xin này không còn nữa, cho nên cháu của Minh Mệnh sẽ phải gánh hậu quả. Đó chính là vua Tự Đức.

Rất không may, vua Tự Đức lại dính đậu mùa, khiến cho cơ thể ông rất yếu và ông không có con. Trong lúc mà nhà nước Việt Nam rất cần một ông vua mạnh mẽ, có con cháu để giữ được sự ổn định trong gia đình của mình thì ông lại không đáp ứng được điều đó. Vì sức khoẻ của ông rất yếu nên cái cách mà ông xử lý các vấn đề chính trị cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nếu chúng ta so sánh Tự Đức với nhà vua Xiêm là Rama IV (Mongkut) thì sẽ thấy lịch sử có  những cuộc “trêu ngươi” rất kịch tính. Việt Nam và Xiêm đặt trong khung cảnh tương tự của sức ép thực dân. 

Cả Tự Đức (1847-1883) và Rama IV (1851-1868) đều là vua thứ tư của vương triều mà họ cầm quyền. 

Trong khi Tự Đức yếu ớt và không có con thì Rama IV sau 27 năm đi tu, học ngoại ngữ… đã lên ngôi vào năm 1851, lúc  47 tuổi. Từ đó cho tới lúc mất (1868), ông thu nhận 32 người vợ, và sinh ra 82 con. Phần lớn những người con trai của ông đều được giáo dục Tây học hoặc cử sang châu Âu. Chính vua Chulalongkorn (Rama V) và các anh em Tây học của mình đã trở thành nòng cốt của công cuộc cải cách đất nước. 

Đối lập với điều đó, cái chết của Tự Đức năm 1883 và sự lúng túng của triều đình trong việc chọn người kế ngôi là nguyên nhân Pháp tung đòn tấn công quyết định vào kinh thành Huế, để hoàn thành quá trình thực dân hóa.

Dĩ nhiên, sẽ  là cường điệu nếu nói rằng vì đậu mùa mà Việt Nam mất nước, hay nhờ vua Rama IV có nhiều con mà Xiêm thoát thực dân. Lịch sử bản thân nó đan xen, phức tạp mà bất cứ sự tiền định hóa nào cũng là sai lầm. Điều tôi muốn nói là trong phương trình đa biến đó có đậu mùa, có dịch bệnh, có thiên tai. Chúng hiện diện và tham gia vào vòng quay của bánh xe lịch sử.

- Chúng ta đã phân tích những tác động của dịch bệnh tới văn minh nhân loại nói chung và cụ thể một vương triều Việt Nam nói riêng. Vậy thì bây giờ tôi muốn hỏi anh rằng, sau tất cả những phân tích ấy, chúng ta liệu có rút ra được bài học nào không?

- Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử qua, kể từ khi nhà nước ra đời thì vấn đề lớn nhất của con người khi đối đầu với dịch bệnh chính là tin đồn và sự hỗn loạn. Bản thân chuyện dịch bệnh đã nguy hiểm rồi, nhưng tin đồn và sự hỗn loạn một khi không được ngăn chặn sẽ tạo ra những xáo trộn về mặt xã hội. Và cũng từ đó mà nạn đói xuất hiện. 

Dịch bệnh ban đầu có thể chưa khiến nhiều người chết, nhưng những tin đồn sau đó khiến người ta hoang mang, người ta tranh nhau đi thu gom, tích trữ thóc gạo, rồi người ta di dân, rồi kỳ thị tộc người, và chính những cái đó trong rất nhiều trường hợp lại tạo ra những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với bản thân dịch bệnh. 

Một tin đồn lan rất nhanh giữa những cái Chết đen ở châu Âu thế kỷ XIV là nguồn nước bị người Do Thái đầu độc. Điều đó gây ra bạo lực và thậm chí thảm sát đối với cộng đồng này tại nhiều thành thị. Một điểm khác nữa đó là dịch bệnh, thiên tai và di cư luôn đi liền với nhau, nó luôn  là một gói tác động tới một xã hội, đặc biệt làm gia tăng bạo lực.

- Chỗ này thì tôi lại muốn anh phân tích kỹ hơn? Có một giai đoạn lịch sử nào cho chúng ta thấy sự tác động khủng khiếp của cái gói dịch bệnh – thiên tai – di cư này không?

- Hai mươi năm của thời kỳ Minh Mệnh là một ví dụ rất đáng xem xét. Đây là thời kỳ có nhiều thay đổi từ góc độ chính trị, thể chế, tổ chức  lãnh thổ, nhà nước,  mở rộng đất đai… Tuy nhiên đây cũng là  giai đoạn xã hội chứng kiến tần suất bạo lực quy mô lớn. Một phần của bạo lực tới từ quá trình thay đổi chính trị, lãnh thổ… nhưng một phần khác gắn liền với dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, nạn đói và dân di cư. Tôi sẽ đưa anh xem bảng số liệu này (kèm theo bài – PV), anh sẽ thấy các yếu tố khó khăn này đều thường đi cùng nhau, đặc biệt là tại vùng châu thổ sông Hồng.

Nhìn bảng số liệu này, chúng ta có thể hiểu tại sao năm 1827 lại là đỉnh cao của cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, và cũng tại sao Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình lại là những điểm nóng về bạo lực xã hội trong những năm 1820-1830.  

Vì vậy vấn đề với những người làm chính sách và quản trị nhà nước là phải luôn thấy đằng sau dịch bệnh là sự hỗn loạn xã hội. Do vậy nếu không có những ứng xử, quản lý tốt thì nó sẽ để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là với những cộng đồng có đông dân cư, nơi mà tin đồn, sự kỳ thị, mê tín… có thể dẫn tới hậu quả khó lường.

Trước kia, người ta nghĩ dịch bệnh là sự trừng phạt của thần thánh. Từ người Ai Cập cổ đại, đến người Do Thái và đến những người châu Âu trung cổ, tất cả đều nghĩ như vậy cả. Và vì vậy để chống dịch, người ta cầu trời, cầu thánh, cầu thượng đế. Bây giờ thì câu chuyện rẽ sang một hướng khác, người ta không cầu trời như vậy nữa mà trông đợi vào sự tiến bộ của khoa học. 

Đó là lý do vì sao mà vừa rồi, khi một ngôi chùa ở nước ta có dự định tổ chức một buổi lễ để cầu nguyện cho dịch COVID-19 sớm qua thì đã nhận phải sự phản đối của chính quyền. Bởi bây giờ chúng ta hiểu rằng bản thân việc tụ tập đông người cầu nguyện lại tạo ra những yếu tố nguy cơ để lan truyền bệnh tật. 

Tóm lại là bây giờ đứng trước dịch bệnh, những người điều hành chính sách phải rất tỉnh táo, và hệ thống phân phối xã hội liên quan đến những vấn đề như lương thực thực phẩm, thuốc men, khẩu trang… phải được đảm bảo rất kịp thời vì chúng là một phần của bộ chỉ số tín nhiệm để đánh giá năng lực người quản trị xã hội.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (Thực hiện) - Ảnh minh họa trong trang: L.G
.
.