Người thiện chí, kẻ hững hờ

Thứ Ba, 17/12/2019, 10:04
Song song với nỗ lực tự tìm lại mục đích tồn tại cũng như sự gắn kết của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thế giới đang chứng kiến những động thái mềm mỏng đáng ngạc nhiên từ phía nước Nga. Tuy nhiên, dường như những cố gắng đó đang rơi tõm vào thinh không, khi mọi câu trả lời đều khá thừa thãi màu sắc thù địch.

Những giàn tên lửa không còn phủ bạt

Ngày 5-12, khi Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa kết thúc, Moskva đã lập tức gợi lại một câu chuyện còn dang dở: Cho đến hiện tại, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) sắp hết hạn nhưng phía Nga vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của các đối tác (mà trong trường hợp cụ thể này là Mỹ) về đề nghị gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí đó.

Và kể cả như vậy, Điện Kremlin vẫn chìa bàn tay thiện chí, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thêm một lần nhắc lại rằng nước Nga “sẵn sàng gia hạn START-3 trước cuối năm nay mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào”. Bởi vì, theo ông, nước Nga không muốn khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang, hay triển khai các giàn tên lửa ở những nơi mà chúng đang không hiện diện.

Song, phản ứng đáp lại từ phía Mỹ là hoàn toàn có thể tiên liệu, bởi chúng đã luôn nhất quán như vậy, kể từ khi Washington quyết định khai tử Hiệp ước Kiểm soát vũ khí tầm trung (INF).

John Rood - Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ - khẳng định: “START-3 đến tháng 2-2021 mới hết hạn vì vậy Mỹ vẫn còn thời gian cho tới thời điểm đó và theo các điều khoản của hiệp ước, nó có thể được gia hạn theo thỏa thuận chung của các bên. Không cần phải đàm phán lại các phần của hiệp ước".

Đồng thời, ông cũng “ngửa bài”: Nếu đồng ý gia hạn hiệp ước ngay tại thời điểm này, Washington sẽ có ít khả năng được Nga và Trung Quốc đồng ý tham gia đàm phán với những thỏa thuận rộng hơn. Và bên cạnh đó, thực tế, việc Trung Quốc không tham gia START-3 hiện tại làm hạn chế việc thực thi một cơ chế kiểm soát mạnh mẽ.

Người đứng đầu nước Nga vẫn miệt mài đưa ra những lời đề nghị.

Nói cách khác, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không có gì phải vội vã. Họ muốn cuộc chơi tiếp tục diễn ra dưới cây đũa lĩnh xướng của họ, với những điều khoản mới mà theo cách đánh giá của chính quyền Mỹ là công bằng và hợp lý. Nga và Trung Quốc sẽ phải lựa chọn: Chấp nhận những điều khoản ấy, hoặc chẳng có thỏa thuận nào hết.

Quan điểm này rõ ràng là vô cùng khác biệt so với cách tiếp cận vấn đề của Điện Kremlin. Moskva vẫn luôn khẳng định với dư luận thế giới rằng họ đã nhiều lần cảnh báo Mỹ, về việc từ chối gia hạn START mới sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới. Và thực tế, kể từ khi Mỹ tuyên bố rời khỏi INF, Nga đã liên tục đề ra các phương án mới. Song, cũng như lần này, những cố gắng ấy được đáp lại bằng sự hững hờ.

START-3 đã đi gần hết chặng đường sứ mệnh lịch sử của mình. Nhờ nó, trên lý thuyết, sau 7 năm kể từ ngày được ký kết (nghĩa là năm 2017), kho vũ khí chiến lược của hai bên đã bị cắt giảm và khống chế để tổng số lượng vũ khí không vượt qua 700 tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lẫn tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay cường kích; cũng như 1.550 đầu đạn  hạt nhân cùng 800 thiết bị phóng tên lửa (cả đã triển khai lẫn chưa được triển khai).

START-3 còn bao gồm một điều khoản quan trọng về trao đổi thông tin giữa hai bên. Bởi vậy, nếu không có một START mới, xem như những tấm bạt phủ các giàn tên lửa sẽ sẵn sàng được tháo ra và các kho vũ khí sẽ nhanh chóng ngập tràn các loại thiết bị quân sự hủy diệt.

Viễn cảnh đó, thật đáng sợ, dường như lại rất ăn khớp với các diễn biến của một sự kiện điểm nóng khác.

Các cuộc duyệt binh thường niên trên Quảng trường Đỏ vẫn luôn thể hiện tiềm lực quân sự đáng gờm.

Kẻ thù - một nhu cầu tất yếu

Không gì khác, đó là tuyên bố chung vừa được NATO đưa ra, sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO 2019 vừa khép lại tại London (Anh). Trong tuyên bố chung ấy, giới quan sát quốc tế thấy rõ nỗ lực hàn gắn những chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, thông qua việc tái khẳng định cam kết ban đầu: Bất cứ hành động tấn công một quốc gia thành viên NATO nào cũng sẽ bị xem là hành động tấn công cả khối; và hơn thế là thông qua việc xác định rõ (một vài) địch thủ bên ngoài.

Đó chính là thứ chất keo gắn kết NATO trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nó đang được tái sử dụng với mục đích khẳng định lại lý do chung để NATO hiện hữu (trong bối cảnh Liên minh châu Âu đã không ít lần nhắc đến ý tưởng về một “Quân đội châu Âu” riêng độc lập; trong bối cảnh Washington liên tục chỉ trích và đòi hỏi các đồng minh ở cựu lục địa phải đóng góp nhiều hơn nữa vào các kế hoạch chung của NATO; trong bối cảnh mỗi thành viên lại theo đuổi một hướng lợi ích riêng trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, dù là Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ hay trục Pháp - Đức...).

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh này, ông chủ Điện Kremlin cũng đã lại có thêm một lần “dang tay”, khi khẳng định rằng Nga “sẵn sàng hợp tác với NATO để bảo vệ an ninh và ổn định thế giới, nhất là trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Thiện chí đó, dĩ nhiên, bị phớt lờ, bởi đến cả một quốc gia được xem là đang “mặn nồng” với Nga như Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng: “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO và thậm chí vẫn sẵn sàng cùng NATO chống lại nước Nga”.

Và trong tuyên bố chung bế mạc hội nghị (ngày 4-12), NATO thể hiện sự đồng thuận (một cách tương đối, trên lý thuyết) về việc sẽ để tâm đến những cơ hội cùng thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Còn bên cạnh chủ nghĩa khủng bố quốc tế - bị xem là kẻ thù cần phải “xử lý mạnh tay”; Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô cũ - vẫn bị NATO coi là “nguy cơ đe dọa an ninh và hòa bình tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”.

Tên lửa đạn đạo Mỹ vẫn đang được triển khai ở nhiều điểm nóng trên thế giới.

Nhìn từ góc độ này và trong bối cảnh này, nỗ lực đề nghị Mỹ sớm gia hạn một START mới của Moskva có quá ít cơ hội thành công, khi Washington cũng như NATO đã xem họ là địch thủ bị “chỉ mặt đặt tên”, để cạnh tranh và cũng để khỏa lấp những bất đồng trong nội bộ của mình (điều có thể cảm nhận rõ ràng ngay từ việc đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối tổ chức họp báo sau lễ bế mạc hội nghị). Đó là một nhu cầu tất yếu của NATO trong thời điểm hiện tại và bởi vậy, họ sẽ duy trì tình trạng này thay vì đáp lại thiện chí bằng thiện chí. Sự “cởi mở” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng vì thế, có lẽ chỉ có tác dụng như một “chiêu thức ngoại giao” tinh tế.

START-3 vẫn đang là “hòn đá tảng của an ninh thế giới” - theo cách đánh giá từ phía Moskva. Tuy nhiên, châm ngôn ưa thích của kình địch quân sự bên kia Thái Bình Dương lại là “Hãy chuẩn bị thật kỹ cho chiến tranh, nếu muốn có hòa bình”. INF đã dễ dàng bị xóa sổ, chỉ bằng sự bất hợp tác kiên định của Nhà Trắng (cũng như rất nhiều các thỏa thuận quốc tế khác, từ các hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực kinh tế đến vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu), thì START cũng khó mà trở thành ngoại lệ. 

Những nỗ lực duy trì thế giới đơn cực, khi thế giới thực ra từ lâu đã tiến lên theo xu hướng đa cực; những lựa chọn đối đầu thay vì xu thế đối thoại và hợp tác; những sức ép và những đòn trừng phạt, thay vì tinh thần “win-win”... Nước Mỹ đang cố gắng “vĩ đại trở lại” (Make America great again - slogan tranh cử năm 2016 của đương kim Tổng thống Donald Trump) theo cách đó...

Thiên Phong
.
.