Người đầu tiên đặt chân đến các tuyệt tác tạo hóa ở "Vương quốc hang động"

Thứ Hai, 16/03/2020, 08:00
Giờ đây, Phong Nha Kẻ Bàng (PNKB) được nhiều người gọi là "Vương quốc hang động",  vùng đất kỳ bí này được nhiều tờ báo, tạp chí và kênh truyền hình uy tín trên thế giới như National Geographic, New York Times, CNN, BBC, ABC News - Good Morning America… giới thiệu một cách trang trọng và quyến rũ.


Những phim "bom tấn" như "Peter Pan" và "Kong: Skull Island" được Hãng phim Hollywood chọn quay ở PNKB. Và Sơn Đoòng, chỉ cần vào google nhấp chuột hai chữ Sơn Đoòng, trong chưa đầy 1 giây đã cho hàng triệu lượt kết quả với hai chữ: "Khám phá 1991 bởi Hồ Khanh".

Hơn 30 năm cơm đùm, gạo nắm, vượt hết núi cao, khe sâu, Hồ Khanh là người đã tìm ra hàng chục hang động ở PNKB. Anh là người tìm ra và đặt chân đến đầu tiên trước các tuyệt tác của tạo hóa. Song khi nói về PNKB, "vua hang động" Hồ Khanh thường như kép chính nhưng lại luôn đứng sau tấm màn nhung trong mỗi dịp vinh danh.

"Vương quốc hang động" Phong Nha - Kẻ Bàng

Thợ sơn tràng mang tâm hồn nghệ sĩ

Một buổi sáng mùa Đông cách đây gần 40 năm, cậu bé Hồ Khanh đang học trường làng vứt cả cặp sách ở lớp, vừa chạy vừa khóc để về nhà khi nghe tin cha mất. "Đó là buổi sáng tôi nhớ cả cuộc đời", Khanh bảo vậy. Dạo ấy, nhà Khanh nghèo, cả làng vùng sơn cước quê anh đều nghèo. Học đến lớp 7 Khanh phải nghỉ học cùng nhiều đứa bạn cùng lứa. Cái chữ phải nhường cho việc kiếm miếng cơm, manh áo.

Bỏ học để vào rừng kiếm củi, kiếm gỗ về đổi lúa, gạo, ngô, khoai và Khanh trở thành thợ sơn tràng từ đó. Vào rừng để kiếm thanh gỗ lim, gỗ táu may ra cũng chỉ để đủ ăn, muốn thoát nghèo, làm giàu và đổi đời phải đi tìm trầm hương, đám trai làng bảo nhau vậy. Ừ thì "ngậm ngải tìm trầm", Khanh tự nhắc mình. Tuổi 15-17 khi lồng ngực căng đầy nhựa sống, còn gì tốt hơn để khám phá sự bí ẩn kỳ vĩ của khu rừng PNKB rộng hàng trăm ngàn ha trước mặt nhà.

Mỗi sáng tinh mơ, khi mang gùi lên vai, bước chân ra khỏi nhà để vào rừng, Hồ Khanh và đám trai làng luôn tràn trề hy vọng đổi đời từ trầm. Thế nhưng, nhiều người trong làng đi trầm về có tiền xây dựng được nhà cửa, mua sắm vật dụng cho gia đình, còn Khanh mười lần đi thì chín lần anh trở về tay trắng…

Nhiều người làng thường bảo: "Khanh nó khỏe nhất làng, chân nó đi rừng thoăn thoắt như con hươu, con nai, nhưng nó vẫn chưa gặp may tìm thấy trầm như người khác, thằng này phải lấy vợ sinh con rồi mới may mắn…".

Nói vậy, nhưng ít người làng biết, khi đặt chân vào sâu trong rừng thì ý tưởng tìm trầm của Hồ Khanh cứ bay biến mất hết. Những gốc cây cổ thụ, những hang đá nguyên sơ nó cứ bám riết lấy tâm trí của Khanh. Có những chiều, thợ sơn tràng Hồ Khanh ngồi như bị thôi miên trước một cửa hang kỳ vĩ cho đến khi sương ướt lạnh vai, cứ vậy thì hỏi làm sao tìm được trầm.

Những câu chuyện của người làng ám ảnh Hồ Khanh khi tóc còn để chỏm. Rồi mỗi lần ngồi trước cửa hang nào đó để nghỉ sau một ngày tìm trầm vất vả; đám bạn của Khanh lăn ra ngủ, còn anh lại bị hối thúc bởi những câu hỏi: Hang này sâu đến đâu? Trong hang có con thú lớn nào không? Vì sao lại có những hang này? Chuyện các nàng tiên trên trời xuống PNKB tắm mà người làng thường kể có liên quan gì đến những hang này…?

Từ những câu hỏi tự đặt ra, từ những câu chuyện của người làng đã nung nấu trong Hồ Khanh ước muốn khám phá những hang động kỳ bí. Năm 1989, trong một lần đi tìm trầm, Hồ Khanh phát hiện một cái hang có cây cối mọc um tùm che chắn cửa hang. Lúc đầu sợ hãi, nhưng vì tò mò Khanh quyết định đi vào hang để xem.

Trong hang có thạch nhũ rất đẹp, dù trời đang mùa hè nhưng càng đi vào Khanh càng thấy mát lạnh. Đi sâu vào khoảng 30m, Hồ Khanh ngạc nhiên đến kinh ngạc khi anh thấy cá trong những hồ nhỏ đọng nước của hang nằm san sát, nhiều con lớn bằng bắp chân. Chui ra khỏi hang, Khanh đặt tên hang này là hang Vực Cá Thau, nghĩa là cá nhiều như trong thau. Sự kỳ thú của hang động cuốn hút Hồ Khanh bắt đầu từ đây…

Vùng Đoòng ở PNKB có hai xứ là Thượng Đoòng và Hạ Đoòng. Thượng Đoòng là vùng toàn rừng núi đất, còn Hạ Đoòng là vùng toàn núi đá vôi. Các hang động chủ yếu nằm ở vùng Hạ Đoòng, còn trầm lại chủ yếu có ở Thượng Đoòng.

Hơn 30 năm qua, ông Howard Limbert đã phát hiện hàng chục hang động ở Phong Nha Kẻ Bàng.

Người làng đi tìm trầm thường tìm đến Thượng Đoòng, còn Hồ Khanh đi tìm trầm nhưng lại đi về phía Hạ Đoòng, bởi ở đó có các hang động đang quyến rũ anh. Chính cách tìm trầm kiểu nước đôi như vậy mà anh thường phải về tay trắng. Trong gần suốt 10 năm, Hồ Khanh đã tìm ra tất cả 21 hang động ở khu vực Vườn quốc gia PNKB. Công việc tìm kiếm, thám hiểm hang động của anh chỉ một mình anh biết, một mình anh hay.

"Chỉ để thoả mãn trí tò mò thôi", Hồ Khanh nói vậy. Tất cả hang động tìm được, Khanh đều đặt cho nó một cái tên; Hang mà bên trong có hồ nước mát lành anh đặt tên là Hồ Trên Núi, hang có gió thổi nhiều thì tên Phong, hang Thanh Nghĩa mang tên vợ anh, hang Thái Hoà mang tên con anh, một hang tên Khanh - tên của anh, hang Hùng là tên của một người bạn chơi thân với anh trong xã từng đi rừng với anh vài lần... Hang Thái Hoà anh tình cờ phát hiện trong một lần lạc lối phải đi loanh quanh trong rừng, Hồ Khanh đã lấy tên con đặt tên cho hang làm kỷ niệm để nhớ mãi lần lạc rừng đó…

"Sợ hãi" trước vẻ đẹp tuyệt tác của tạo hóa ở Sơn Đoòng

Cách đây chục năm, giới khoa học khảo cổ, hang động và nhiều người trên thế giới sửng sốt khi Hội Hang động hoàng gia Anh tổ chức họp báo giới thiệu hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới mới được tìm thấy ở PNKB.

Là người tìm ra hang Sơn Đoòng, đặt tên cho hang nhưng Hồ Khanh vẫn là kép chính, lặng lẽ đứng sau tấm màn nhung. Trong một buổi chiều diệu vợi bên cánh rừng già PNKB, tôi may mắn được gặp "vua hang động" Hồ Khanh kể về những lần chinh phục PNKB đi tìm hang động của anh.

Năm 1991, Hồ Khanh đang tỉ mẩn gõ từng gốc cây để tìm trầm trong rừng PNKB thì gặp trời mưa xối xả. Hồ Khanh lao vào một hốc đá để trú mưa. Ngồi trước hốc đá anh nghe gió thổi vù vù sau lưng, lấy dao phạt những cây dại trước hốc đá, anh phát hiện ra một cửa hang đen thui. Gạt nỗi lo sợ sang một bên, Khanh lần mò vào hang, càng đi sâu vào nghe tiếng gió rít càng kinh người.

Đi được khoảng 50m Khanh nghe gió hoà với tiếng thét của thác nước chảy xiết, anh vội quay ra trở về nhà. Gần 20 năm trôi qua, tiếng rít của gió, tiếng thét của thác nước trong cái hang kì bí đó vẫn ám ảnh Hồ Khanh, nhiều lần anh tìm lại nhưng không thấy. Năm 2006, khi người của đoàn khảo sát hang động Hoàng gia Anh đến nhờ dẫn đường đi tìm các hang, anh bèn kể lại cái hang từng ám ảnh mình.

Ông Howard Limbert - trưởng đoàn khuyến khích anh nhớ lại. Trong hai năm trời ròng rã (2006-2007), những vật dụng trong nhà Hồ Khanh lần lượt bị anh bán đi để lấy tiền chi phí cho những chuyến vượt rừng tìm hang. Vợ anh, chị  Lê Thị Nghĩa lúc đầu cản chồng. Nhưng sau đó thấy chồng say sưa nói về những cái hang kỳ bí, kỳ lạ, mắt chồng ánh lên niềm vui nên chị đành tặc lưỡi "thôi thì tùy anh, miễn sao anh vui, vợ chồng đầm ấm…". 

Tháng 1/2008, Hồ Khanh quyết định một mình vào vùng Hạ Đoòng để tìm lại hang lớn này. Suốt 10 ngày trời lăn lộn giữa núi rừng PNKB, Hồ Khanh tìm được cửa hang. Quá đỗi vui mừng, anh quên cả sợ hãi, một mình cứ vậy cầm đuốc chạy sâu vào hang.

Đi hơn 200m, Khanh đã mệt đứt hơi, càng vào thấy hang càng rộng, nghe tiếng nước chảy ầm ào, hang vẫn sâu hun hút. Khanh trở ra, đánh dấu hang cẩn thận rồi quay về. Ngày 5/4/2009, đoàn khảo sát Hoàng gia Anh do ông Howard Limbert làm trưởng đoàn trở lại PNKB và cùng Hồ Khanh lên đường tìm đến hang anh đã phát hiện.

Đoàn vừa tới cửa hang đã nghe tiếng gió thổi ào ào. Howard Limbert bất ngờ ôm chầm lấy Hồ Khanh, chúc mừng anh. Bởi mới đến cửa hang, nghe tiếng gió, nhưng với kinh nghiệm từng trải của một chuyên gia thám hiểm, ông Howard Limbert biết, họ sắp được chứng kiến một tuyệt tác của tạo hoá ban tặng.

Càng đi sâu vào hang, vẻ đẹp kỳ vĩ của nó càng mê hoặc, hàng loạt thạch nhũ già mọc từ nền hang lên tới trần, và nhũ non mọc từ trần hang xuống, ở những chỗ đang có nước nhỏ tí tách. Vào gần 3km thì hang phát lộ một vòm cao hun hút. Ánh sáng nơi đây vỡ oà vì nhìn thấy được Mặt trời. Phía dưới hang là con sông ngầm sâu hun hút, nước chảy cuồn cuộn, mát lịm, trong vắt như pha lê giữa những rặng thạch nhũ điệp trùng.

Trong hang còn tồn tại một cánh rừng nguyên sinh cả trăm năm tuổi với một thảm thực vật cực kỳ phong phú. Sau khi đi được sâu vào 7,3km chiều dài trong hang, đoàn thám hiểm phải trở lại. Với kích thước 150 m chiều rộng, 200m chiều cao và 7,3 km chiều dài mới được khảo sát, đoàn thám hiểm khẳng định đây chính là hang lớn nhất thế giới, lớn gấp 2 lần hang Deer ở Sarawark (Malaysia) - được coi là số một thế giới trước đó.

Ngay sau khi hang Sơn Đoòng được công bố ở Việt Nam, hàng loạt tờ báo lớn ở nước ngoài như Daily Mail, Telegraph, The Sun, Breitbart, Newser… đồng loạt đăng tải về tuyệt tác Sơn Đoòng.

Từ ngày phát hiện ra hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới (2009), Hồ Khanh tiếp tục công việc thám hiểm hang động một cách lặng lẽ hơn. Khanh cho rằng, trong khu vực Vườn quốc gia PNKB rộng, chắc chắn còn có nhiều hang rộng và lớn hơn Sơn Đoòng. "Trong đời, có lẽ niềm tự hào lớn nhất của tôi là đã phát hiện ra 2 hang động thuộc hàng tuyệt đẹp, kỳ vĩ nhất ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đó là động Thiên Đường và hang Sơn Đoòng" - Hồ Khanh tâm sự.

Dương Sông Lam
.
.