“Ngoại giao chiến lang”
Nhu cầu chất vấn
Trong cuộc họp của Đại Hội đồng Y tế thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 116 quốc gia trên thế giới ủng hộ một nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo, trong đó kêu gọi đánh giá một cách độc lập, công bằng và toàn diện về “phản ứng y tế toàn cầu đối với COVID-19”.
Nghị quyết này, được đưa ra bỏ phiếu tại WHA, đã cân nhắc lời lẽ một cách thận trọng và không nhắc tới tên của bất kỳ một quốc gia cụ thể nào nhưng hầu như tất cả những ai đã từng đọc bộ tiểu thuyết kỳ ảo lừng danh Harry Potter đều liên tưởng đến nhân vật chúa tể Voldermort, “kẻ mà ai cũng biết là ai đó”!
Đại Hội đồng Y tế thế giới (WHA). Ảnh: L.G. |
Đề xuất mở cuộc điều tra quốc tế về dịch COVID-19 thoạt đầu do Australia đưa ra và chỉ có 62 quốc gia ủng hộ, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Canada, 27 nước thành viên châu Âu. Điều đặc biệt là Nga, quốc gia đang ở trong giai đoạn đỉnh dịch và trước đây từng cương quyết phản đối một cuộc điều tra như vậy, nay lại nằm trong số ủng hộ này. Tiếp đó, hàng loạt các nước khác như Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand rồi 54 quốc gia châu Phi cũng lần lượt ủng hộ đề xuất này.
Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ làm nhiều triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, gây nên tổn thất khủng khiếp cho toàn bộ nền kinh tế thế giới. Những tác hại do COVID-19 gây ra đặt nhân loại trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng thời điểm hiện nay chưa phải là lúc thích hợp để truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cũng như xác định ai phải chịu trách nhiệm chính cho việc dịch bệnh bùng phát rồi lan rộng khắp thế giới, thế nhưng càng ngày những ý kiến đòi hỏi phải làm rõ nguyên nhân đại dịch COVID-19 lan rộng càng xuất hiện nhiều hơn.
Australia là quốc gia thứ hai sau Mỹ kêu gọi phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của SARS-CoV-2, động thái khiến cho Trung Quốc hết sức giận dữ. Bắc Kinh cáo buộc đề xuất của Australia mang động cơ chính trị. Sau những lời đe dọa bóng gió về việc “không biết người Trung Quốc có nên tiếp tục uống rượu vang và ăn thịt bò (từ Australia) nữa hay không”, Bắc Kinh ra đòn đầu tiên: ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ của Australia!
Nhưng, khi EU đứng ra soạn thảo một nghị quyết đánh giá phản ứng y tế toàn cầu đối với COVID-19 thì mọi sự đã khác. Trung Quốc đã được tham vấn về nội dung dự thảo nghị quyết này và theo những phản ứng ban đầu thì dường như đồng tình với văn bản nghị quyết nhưng không chắc là có ủng hộ các biện pháp hay không.
Trước tổn thất quá lớn do dịch COVID-19 gây ra, thế giới dường như thấy đã đến lúc phải chất vấn về trách nhiệm để bệnh dịch xuất phát từ Vũ Hán này biến thành một đại dịch mang tính thảm họa toàn cầu.
Dàn đồng ca
Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở mức độ “chất vấn” thì có lẽ vẫn chưa xác định được tầm mức nghiêm trọng của vấn đề đối với Trung Quốc.
Giai đoạn đầu tiên được cho là che giấu dịch bệnh ở Vũ Hán của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia phương Tây “kết án” Bắc Kinh, dù vô tình hay hữu ý, khiến các nước bỏ lỡ “thời gian vàng” xử lý bệnh dịch, không có những biện pháp kịp thời để ngăn nó lan rộng. Trong khi ấy, Trung Quốc luôn khẳng định rằng đã công khai, minh bạch quá trình và hiệu quả phòng chống dịch bệnh của mình.
Việc xử lý kỷ luật một số quan chức ở thành phố Vũ Hán liên quan đến việc bịt mồm bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh (nhưng sau đó chính bác sĩ này đã chết vì COVID-19), được cho là một trong những biện pháp để Bắc Kinh chứng tỏ rằng Trung Quốc đã công khai xử lý tiêu cực liên quan đến việc che giấu dịch bệnh.
Tiếp sau đó, lúc đỉnh dịch đã qua ở Trung Quốc trong khi bắt đầu lan rộng với tốc độ kinh hoàng ở châu Âu và Mỹ, phá hủy tàn khốc cả về con người và vật lực, Trung Quốc đã đẩy mạnh chính sách “ngoại giao y tế”, mở các chuyến bay viện trợ vật tư y tế chống dịch, đặc biệt là cho các nước nghèo không có hệ thống y tế tiên tiến để đổi lấy những lời cảm ơn.
Nền kinh tế thế giới chịu tổn thất nặng nề do COVID-19. Ảnh: L.G. |
Chính sách này bị hạn chế hiệu quả một cách đáng kể do những tai tiếng về chất lượng của các thiết bị y tế nhận được từ Trung Quốc nhưng ít ra, một số nước nhận được viện trợ y tế của Trung Quốc để chống dịch cũng không tham gia vào “dàn đồng ca” đòi truy cứu trách nhiệm làm lan tràn bệnh dịch.
Nhưng, nhiều chính trị gia nổi tiếng, các chính khách phương Tây và cả ở các thiết chế quốc tế thì khác!
Trung tuần tháng 4, tại Hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ yêu cầu các nước ủng hộ Mỹ truy cứu trách nhiệm về đại dịch COVID-19, hình thành làn sóng dư luận nhằm vào Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump hết gọi tên loại virus gây dịch bệnh là “virus nước ngoài” lại chuyển sang gọi là “virus Trung Quốc”, chỉ sau khi bị phản ứng dữ dội mới thôi không sử dụng nữa.
Tuy nhiên, ông Trump cũng như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ngừng tỏ ý nghi ngờ những số liệu phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, đồng thời không ít lần lấp lửng về nguồn gốc của loại virus chết người COVID-19.
Một số nghị sĩ Mỹ đã gợi ý, khuyến khích một số bang, tổ chức dân sự và các cá nhân khởi kiện Trung Quốc về bệnh dịch, yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại. Thậm chí, những phương án đòi bồi thường đã được đề xuất, bao gồm khấu trừ trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ, khấu trừ tài sản ẩn danh của Trung Quốc tại Mỹ, hoàn trả trái phiếu mà Mỹ đã mua trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc... Một số bang ở Mỹ đã tiến hành khởi kiện Trung Quôc.
Cũng vào trung tuần tháng 4, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh phải đánh giá sâu sắc những bài học sau dịch bệnh, bao gồm cả nguyên nhân bùng phát. Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc đòi bồi thường ít nhất 6.500 tỷ USD do để COVID-19 lây lan.
Đầu tháng 4, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Gutteres nhấn mạnh sau khi dịch bệnh chấm dứt phải điều tra làm rõ nguồn gốc của virus. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nếu là virus nhân tạo thì sẽ phạm tội chống loài người, hậu quả còn thảm khốc hơn Hideki Tojo, chính trị gia phát xít Nhật bị treo cổ vì tội ác chiến tranh.
Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người trước đấy trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những lời ca tụng Trung Quốc trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cũng thay đổi thái độ. Ông E.Macron cho rằng trong quá trình xử lý sự cố y tế công cộng ở Trung Quốc đã tồn tại những “vùng xám”, nghĩa là có một số sự việc mà (chính quyền trung ương) Trung Quốc có thể đã không hay biết...
Thái độ cứng rắn
Dẫu ngoài miệng cho rằng những vụ kiện tụng hay đòi hỏi Trung Quốc bồi thường vì để lan truyền COVID-19 chỉ là “trò cười” nhưng trên thực tế rõ ràng Bắc Kinh không hề đánh giá thấp những nguy cơ do các động thái này gây ra. Trung Quốc đã mở các chiến dịch phản kích.
Trong năm 2015 và 2017, điện ảnh Trung Quốc cho xuất xưởng hai bộ phim Chiến lang 1 và Chiến lang 2, trong đó đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phô trương quá mức chủ nghĩa Đại Hán, gây ảo tưởng về sức mạnh bất khả chiến bại của vũ khí và binh sĩ Trung Quốc trên khắp thế giới.
Đấy là chuyện phim ảnh, khi những diễn viên nổi tiếng như Ngô Kinh vào vai “chiến binh sói” khoa trương sức mạnh một cách nực cười để kiếm tiền. Nhưng, trong chiến dịch phản kích lại sức ép đối với dư luận thế giới, Trung Quốc đã sử dụng một chiến lược mà tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ trương của tờ Nhân dân nhật báo đặt tên là “ngoại giao chiến lang”.
Điều đó có nghĩa là các nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới sẽ là những “chiến binh sói”, phải tỏ thái độ hết sức cứng rắn trước bất cứ một biểu hiện nào nhằm truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc liên quan đến COVID-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết tweet nói rằng “chính binh sĩ Mỹ đã mang SARS-CoV-2 đến Vũ Hán!”. Sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ mô tả yêu cầu đòi Trung Quốc bồi thường là “lố bịch và ngu ngốc”. Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan nói Tổng thống Trump là người “phân biệt chủng tộc”.
Mã Huy, quan chức thứ ba tại sứ quán Trung Quốc ở London viết trên Twitter rằng một số lãnh đạo Mỹ “thật đáng khinh” vì đã nói dối, đưa thông tin sai lệch, đổ lỗi, bêu xấu người khác. Sứ quán Trung Quốc tại Australia và Đức viết thư đấu khẩu với báo chí nước sở tại. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị triệu tập vì những lời bình luận không thỏa đáng về chính sách điều trị COVID-19 của nước chủ nhà...
Chưa biết chính sách “ngoại giao chiến lang” này có mang lại hiệu quả gì cho việc củng cố “quyền lực mềm” của Trung Quốc hay không nhưng có thể chắc chắn rằng hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ sẽ luôn cố gắng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn đối phương để giành điểm của cử tri Mỹ.