Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam trên sân chơi quốc tế: Những làn gió hi vọng

Thứ Ba, 21/01/2020, 10:22
Khoa học giáo dục là một lĩnh vực nghiên cứu vừa cũ lại vừa mới đối với Việt Nam. Nói là cũ là bởi hầu như tỉnh/thành phố nào ở Việt Nam cũng đều có các trường đại học/cao đẳng sư phạm, nơi mà theo cảm nhận chung của xã hội có các chuyên gia về nghiệp vụ sư phạm, chương trình, giáo trình hay tâm lý học đường - đều là những phân ngành hẹp của khoa học giáo dục.


Nói là mới bởi, ngoài những phân ngành hẹp kể trên, thực tế khoa học giáo dục còn bao gồm nhiều phân ngành hẹp khác mà phần đông xã hội sẽ cảm thấy lạ lẫm hoặc khó hình dung khi nghe tên, ví dụ như “học tập suốt đời” hay “công nghệ giáo dục”. 

Trong bài viết chào xuân Canh Tý 2020 này, với tư cách là một người trong ngành, tôi sẽ phác thảo sơ qua về ngành nghiên cứu “cũ mà mới” này, dựa trên dữ liệu thu thập được từ công bố của ngành trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (danh mục các tạp chí uy tín do quốc tế công nhận).

Lưu ý: Số liệu năm 2019 có thể chưa cập nhật hết.

Những con số

Biểu đồ trong bài thể hiện tổng số công bố quốc tế của các tác giả từ Việt Nam trong giai đoạn 1980-2019. Theo đó, trong giai đoạn 40 năm kể trên, các nhà khoa học từ Việt Nam đã công bố được 310 công trình, một con số trung bình khi so với các ngành khoa học xã hội khác của Việt Nam và còn có khoảng cách khá xa so với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật như toán, vật lý, khoa học máy tính... 

Nhìn kỹ biểu đồ, có thể chia quãng thời gian 40 năm thành 3 giai đoạn: (i) từ 1980 đến 2008 là giai đoạn mỗi năm, số lượng công bố đều không vượt quá 5 đầu ngón tay; (ii) từ 2009 đến 2014 là giai đoạn mà số lượng công bố hằng năm đã lên tới con số trên dưới 10 bài; (iii) từ 2015 đến 2019 khi số lượng công bố tăng đột biến (đến năm 2019 là 68 bài). 

Qua quan sát của tác giả, 3 giai đoạn kể trên là tương đối tương đồng với lộ trình hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam nói chung trong 40 năm qua. Giai đoạn 1 có thể xem là giai đoạn “đóng cửa”; trong khi đó giai đoạn 2 được xem là giai đoạn “khởi động hội nhập”; và (iii) giai đoạn 3 được xem là giai đoạn “tăng tốc”.

Những đơn vị hàng đầu

Trong top 10 đơn vị có nhiều công bố nhất, có thể kể đến các gương mặt truyền thống về nghiên cứu khoa học nói chung hoặc trong lĩnh vực giáo dục nói riêng như: Đại học Quốc gia Hà Nội (28 bài), Đại học Huế (23 bài), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (17 bài), Đại học Sư phạm Hà Nội (14 bài), Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (11 bài). 

Bên cạnh đó, có một số gương mặt mới như Đại học Tôn Đức Thắng (24 bài), Đại học RMIT Việt Nam (20 bài). Điểm thú vị là những gương mặt mới này thậm chí còn không có ngành đào tạo hoặc trung tâm/viện nghiên cứu chuyên về giáo dục. Điều này phản ánh phần nào tính chất liên ngành của khoa học giáo dục cũng như sự quan tâm đặc biệt của ngành này với các nhà nghiên cứu. 

Những gương mặt gạo cội

Người đầu tiên cần nhắc đến trong các gương mặt gạo cội cũng là người Việt đầu tiên có công trình công bố về khoa học giáo dục trên tạp chí quốc tế, đó là GS. TS. Lê Thạc Cán, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Công trình có tên gọi “Higher education reform in Vietnam, Laos and Cambodia” (Cải cách giáo dục đại học tại Việt Nam, Lào và Campuchia) được đăng trên tạp chí uy tín Comparative Education Review năm 1991 (công trình công bố năm 1980 như thể hiện trong biểu đồ lại do một chuyên gia nước ngoài làm việc ở Việt Nam công bố). Và phải 10 năm sau (đến 2001), mới lại có một người Việt thứ hai làm được việc mà GS. Cán đã làm.

GS. TS. Lê Thạc Cán.

Gương mặt gạo cội thứ hai cần nhắc đến là PGS. Phạm Hòa Hiệp, công tác Đại học Huế. PGS. Hiệp là người có nhiều công trình nghiên cứu trên các chủ đề như: dạy và học tiếng Anh, đào tạo tiến sĩ... PGS. Hiệp cũng thuộc nhóm các nhà nghiên cứu giáo dục đầu tiên sau thời kỳ thống nhất đất nước được đào tạo bài bản tại các nước phát triển như Mỹ (thạc sĩ) và Australia (tiến sĩ).

Những làn gió mới

Bên cạnh những gương mặt gạo cội, có nhiều đóng góp cho ngành, không thể không kể đến các gương mặt mới, thuộc thế hệ 7X-8X. Thế hệ này, có may mắn được đào tạo bài bản từ sớm tại các nước đang phát triển nên mặc dù có thể tuổi đời chưa cao, đã đạt được những thành tựu nhất định trong ngành.

GS. Trần Thị Lý.

Người đầu tiên cần nhắc tên là GS. Trần Thị Lý. Người phụ nữ bé nhỏ thuộc thế hệ 7X này vốn là giảng viên của Đại học Huế (học trò của PGS. Phạm Hòa Hiệp), sau đó tiếp tục theo học thạc sĩ, tiến sĩ tại Australia; được giữ lại làm giảng viên tại nước này. 

Sau khoảng 10 năm không ngừng học tập và nghiên cứu, chị Lý hiện đang giữ vị trí giáo sư về giáo dục học tại Đại học Deakin, Australia. Mặc dù không có số liệu cụ thể nhưng việc một người da vàng, lại là phụ nữ phấn đấu lên vị trí giáo sư tại một đại học danh tiếng như Đại học Deakin, có thể nói là một điều hiếm có, chỉ tính trên đầu ngón tay. 

Cho đến nay, GS. Lý đã công bố hơn 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế, chủ yếu về phân ngành giáo dục đại học quốc tế. Chị Lý cũng là đồng chủ biên của nhiều cuốn sách quan trọng về giáo dục quốc tế, đổi mới giáo dục đại học... Năm 2019, GS. Lý cũng được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 phụ nữ có ảnh hưởng nhất.

TS. Đặng Hải Anh.

Người thứ hai không thể bỏ qua là TS. Đặng Hải Anh. TS. Hải Anh là người được biết đến nhiều hơn với vai trò một chuyên gia kinh tế làm việc tại Ngân hàng Thế giới tại Washington DC nhưng bởi rất nhiều nghiên cứu của anh liên quan đến chủ đề quan trọng về kinh tế - giáo dục như: học thêm và bất bình đẳng, đo lường chất lượng đầu ra cho giáo dục... mà bản thân trong giới giáo dục thuần, chưa thấy ai làm tốt hơn nên không thể không xếp anh cũng là một đại diện của giới nghiên cứu giáo dục thế hệ mới.  

TS. Trương Đình Thăng.

Người thứ ba là một đại diện đến từ trong nước: TS. Trương Đình Thăng. Mặc dù công việc quản lý với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách tại Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị là rất bận rộn, TS. Thăng vẫn sắp xếp thời gian để thực hiện nhiều nghiên cứu ở trình độ quốc tế về các chủ đề như: lãnh đạo và quản lý nhà trường, vai trò của Khổng giáo với giáo dục... 

Hiện nay, TS. Thăng đồng thời cũng là ủy viên của Hội đồng ngành Tâm lý - Giáo dục thuộc Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, một quỹ có vai trò quan trọng trong tiến trình hội nập quốc tế ở nước ta trong những năm qua.

Thay lời kết

Khoa học giáo dục là ngành nghiên cứu có mức độ lan tỏa và tác động rất lớn. Với riêng Việt Nam, ngành nghiên cứu này có tác động trực tiếp tới hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục từ cấp bậc mầm non cho đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. 

Còn nếu nhìn giáo dục rộng hơn, bao gồm cả việc đào tạo lại, bồi dưỡng với người đi làm hay việc học của người già, mức độ tác động của ngành còn lớn hơn con số 20 triệu rất nhiều. 

Mặc dù tầm quan trọng đến vậy, dường như vẫn có một khoảng cách tương đối đáng kể giữa những người trong ngành (nghiên cứu về khoa học giáo dục) với xã hội, cộng đồng. 

Một minh họa cho nhận định trên là việc khó có thể tìm được một gương mặt đáng kể nào trong ngành mà khi nhắc đến tên thì xã hội sẽ nhận ra ngay: “A, giáo sư đó là ở ngành đó”, ví dụ như trường hợp GS. Phan Huy Lê (ngành sử), GS. Ngô Bảo Châu (ngành toán) hay GS. Đàm Thanh Sơn (ngành vật lý)... 

Và hệ quả là, mỗi khi có những tranh luận, tranh cãi về các vấn đề giáo dục ở Việt Nam, rất hiếm khi ta tìm được một gương mặt trong ngành mà khi người này đứng ra giải thích, kiến giải thì nhận được sự tín nhiệm và đồng thuận cao từ xã hội. 

Với tư cách là người trong ngành, một mặt, tôi thấy đây quả là điều thiệt thòi cho khoa học giáo dục; mặt khác, tôi cũng thừa nhận khoa học giáo dục vẫn còn có khoảng cách khá xa với nhiều ngành khác. Bài viết đầu xuân này, hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin để xã hội hiểu thêm phần nào về ngành nghiên cứu của tôi.

Phạm Hiệp
.
.