Nếu cuộc đời này không có họ...

Thứ Năm, 30/01/2020, 10:15
Họ là những người bình dị trong cuộc đời này. Họ, ở mọi lứa tuổi, mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh, luôn tràn nghị lực vươn lên chinh phục ước mơ, luôn đủ nhiệt tâm để theo đuổi những công việc ý nghĩa cho cộng đồng. Từ họ, cảm hứng sống tích cực được truyền đi mạnh mẽ…

“Tôi đẹp nhất khi tôi tự tin”

Tôi đã dõi theo Đặng Trần Thủy Tiên từ khi em lọp top 40 của cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương 2019 với mái đầu trọc mạnh mẽ và cá tính. Tôi đã ngắm bước chân em sải trên sân khấu tự tin và quyến rũ trong đêm chung kết cuộc thi. 

Và, tôi gặp lại em tại Bệnh viện K Trung ương 4 ngày sau đó, khi em đang nhập viện tiếp tục hành trình chữa bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Nơi hành lang bệnh viện, tôi vẫn thấy nụ cười rạng rỡ của em giữa buổi chiều cuối năm, như không hề có sự mệt mỏi, buồn lo.

Thủy Tiên đã trở thành “Người đẹp truyền cảm hứng” với hành trình dũng cảm chiến đấu với bệnh tật.

Cô gái xinh đẹp quê Hải Phòng này đã có một quãng thời gian khủng hoảng khi phát hiện mình bị ung thư cách đây mấy tháng. Tiên không thể tin mình mắc bạo bệnh ở tuổi 19 - cái tuổi mà sức trẻ đang căng tràn và tương lai đang rộng mở. 

Tiên oán trách ông trời bất công với mình, Tiên dằn vặt tại sao mình có thể mắc ung thư. Nhưng, khi bình tĩnh lại, Tiên tự nhủ rằng bệnh tật có thể ập đến với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào và sẽ nhanh chóng hạ gục những người yếu đuối. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Tiên phải mạnh mẽ và lạc quan đương đầu với bệnh tật.

Vậy là cô sinh viên năm thứ 2, Khoa Tiếng Anh thương mại, Đại học Ngoại thương xin bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh. Thủy Tiên chủ động cạo trọc đầu, học cách quen dần với hình hài mới để bước vào những đợt truyền hóa chất. 

Chính trong những ngày người mệt lả vì hóa trị, người nôn nao, móng tay móng chân đen sạm, bạch cầu thấp và thiếu máu, Tiên biết đến cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương của trường mình sắp diễn ra. Tiên mong muốn tham gia cuộc thi để có thêm nhiều trải nghiệm, được làm điều mình thích để sau này không còn điều gì tiếc nuối. 

Từng giây từng phút trôi qua, Tiên muốn sống thật trọn vẹn và có ý nghĩa bằng năng lượng của tuổi trẻ. Sự quyết tâm của Tiên đã khiến bố mẹ lúc đầu phản đối nhưng sau cũng xiêu lòng chiều theo.

Trong gần 2 tháng cuộc thi diễn ra, xen kẽ những đợt hóa trị là những buổi luyện tập trình diễn, tham gia hoạt động do ban tổ chức đặt ra. Bằng nghị lực và cách sắp xếp thời gian khoa học, Tiên đã vượt qua tất cả để có mặt trong đêm chung kết. Khi Tiên tự tin bước trên sân khấu, em đã truyền lửa cho các bạn đồng hành. 

Trong phần thi trình diễn áo dạ hội, Tiên đã mang lại điều bất ngờ khi không mang tóc giả. Tiên muốn được là chính mình trong thời khắc ý nghĩa và hiếm hoi ấy. Tiên bước đi trên sân khấu, hướng về khán giả, gương mặt rạng rỡ và đôi mắt long lanh. Khi khán giả đồng thanh gọi tên Thủy Tiên, em đã mang đến cho đêm chung kết một không khí sôi động và đầy xúc động. Và Tiên thực sự là một điều khác biệt nhưng vô cùng đặc biệt trong thời khắc ấy.

Những ngày tháng chữa bệnh của Thủy Tiên không hề đơn độc mà luôn có sự đồng hành của gia đình. Đó là bố, sáng sáng dậy sớm cùng con gái đi tập thể dục. Đó là mẹ, hằng tuần cùng Tiên bắt xe lên Hà Nội để truyền hóa chất. Đó là cậu em trai kém Tiên 6 tuổi thường ở nhà trò chuyện với chị vì sợ chị buồn. Những ngày tháng qua của Tiên cũng không hề tẻ nhạt, bởi em đã tỏa sáng trong cuộc thi sắc đẹp, Tiên học đàn guitar, Tiên giúp bố mẹ việc nhà, tập thể dục và sinh hoạt khoa học hơn.

Từ khi mắc bệnh, Tiên quan tâm nhiều hơn đến các bệnh nhân ung thư. Tham gia sự kiện “Ngày hội hoa hướng dương” phát học bổng cho các bệnh nhi ung thư ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Tiên được trò chuyện và trao lửa yêu thương đến các em nhỏ đang điều trị tại đây. Tiên đã chia sẻ câu chuyện của chính mình để động viên các em nhỏ hãy là những “chiến binh hoa mặt trời” kiên trì chữa bệnh.

Hành trình chữa bệnh của Thủy Tiên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những lời động viên, khích lệ của Thủ tướng trong bức thư gửi tới Tiên đã tiếp thêm nghị lực cho em. Trong bức thư có đoạn: “Như cháu đã nói: “Tôi đẹp nhất khi tôi tự tin”. Cháu là cô gái rất trưởng thành, can đảm và mạnh mẽ. Bằng tâm thế tích cực của mình, cháu đã truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho rất nhiều người, không chỉ với những ai đang chiến đấu với căn bệnh ung thư trong xã hội ta”.

“Đừng cầu xin một cuộc sống dễ dàng. Hãy cầu xin có đủ sức mạnh để vượt qua một cuộc sống khó khăn” - cô gái trẻ mạnh mẽ thốt lên với tôi những lời như thế. Thủy Tiên xứng đáng với danh hiệu “Người đẹp truyền cảm hứng” trong cuộc thi sắc đẹp. Qua câu chuyện của mình, Tiên đã truyền đi sự mạnh mẽ, lạc quan tới những bạn có ngoại hình khác biệt và bất cứ ai đang đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo, giúp họ có đủ sức mạnh và lòng kiên trì vượt qua khó khăn.

Nữ bác sĩ U90

Năm nay, nữ bác sĩ Trương Thị Hội Tố đã 87 tuổi nhưng nụ cười tươi, ánh mắt tinh anh và giọng nói ấm áp của bà vẫn là niềm an ủi, động viên to lớn cho những bệnh nhân nghèo.

Đã 28 năm qua, bác sĩ Trương Thị Hội Tố miệt mài khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Sáng Thứ hai cuối cùng của năm 2019 cũng giống như bao nhiêu buổi sáng trong 28 năm qua, bà bác sĩ già bắt xe ôm từ nhà tới phòng khám ở số 63, ngõ 119 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Đúng 7h30', bà Tố mở cửa phòng khám, khoác áo blouse trắng, bắt đầu buổi thăm khám miễn phí cho người bệnh. 

Thôi đảm nhiệm cương vị Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định đã gần 30 năm nay nhưng cho đến thời điểm này, bác sĩ Tố vẫn chưa có một ngày nghỉ hưu đúng nghĩa. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đều giữ đúng nếp làm việc như khi còn công tác. Vết thương ở chân do tai nạn giao thông thỉnh thoảng đau tấy, bà Tố lại chống gậy đến phòng khám. Cách đây không lâu, khi mổ mắt thay thủy tinh thể, phải nghỉ ở nhà 2 tuần mà bà Tố thấy sốt ruột, đứng ngồi không yên.

Khi còn công tác, bác sĩ Tố đã có 5 năm theo đoàn bác sĩ Việt Nam sang Angola chữa bệnh cho người dân. Chứng kiến cảnh người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có kiến thức cơ bản về y khoa nên phải chịu nhiều đau đớn, bác sĩ Tố nung nấu ý định khi về Việt Nam sẽ khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí cho người nghèo. 

Năm 1990, sau khi nghỉ công tác ở Nam Định, bác sĩ Tố lên Hà Nội ở cùng con cháu. Nhiều phòng khám, bệnh viện mời bà về làm việc với mức lương cao nhưng bà đều từ chối. Bà thấy mình còn sức khỏe, lại có chuyên môn, hoàn toàn có thể thăm khám, tư vấn miễn phí cho người bệnh, để người dân không phải chờ chực ở các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Nghĩ là làm, thời gian đầu, một mình bà Tố đạp xe đến các gia đình khám và tư vấn miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách. Dần dần, nhận thấy việc đi khám lưu động không hiệu quả vì mất thời gian di chuyển, bà ấp ủ việc thành lập phòng khám từ thiện. Bà vận động những cán bộ y tế đã nghỉ hưu có cùng tâm nguyện mở phòng khám phục vụ nhân dân. 

Những cố gắng của bà đã mang lại kết quả. Đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-1990, phòng khám tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí được thành lập trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Những ngày đầu thiếu thốn đủ thứ, để duy trì hoạt động của phòng khám, bà Tố phải bỏ tiền túi để mua thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho việc khám bệnh.

Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, người dân biết và truyền tai nhau về phòng khám đặc biệt - nơi mà các bác sĩ, dược sĩ đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, áo blouse trắng hòa cùng màu tóc bạc. Không một đồng tiền công, họ vẫn làm việc như con thoi, từ việc đo huyết áp, nghe nhịp tim, thử tiểu đường, đến tư vấn cách chữa các bệnh thông thường như đau răng, đau đầu, phát thuốc miễn phí cho người bệnh. 

Khi có thắc mắc về thuốc, về sức khỏe, bà con đều tìm đến bà Tố để được giải thích tận tình. Phòng khám chật hẹp nhưng tình người ấm áp và rộng mở. Nơi đây được xem là mô hình phòng khám từ thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng điển hình của quận Hoàng Mai.

Thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, hằng ngày bà Tố vẫn cập nhật tên thuốc, thành phần, tác dụng của những loại thuốc mới. Có người đến tặng thuốc, bà đọc vanh vách tên thuốc, phân chia thuốc rất nhanh và sắp xếp ngăn nắp trong tủ thuốc từ thiện. Bà thường xuyên nghe đài, xem tivi, đọc báo để cập nhật các phương pháp khám chữa bệnh tiên tiến. Bà bảo muốn đầu óc minh mẫn, không trì trệ thì phải học hỏi và làm việc không ngừng, không phân biệt khi còn trẻ hay lúc về già.

Sự tận tụy của bác sĩ Tố đã truyền đi nghị lực sống, vượt qua tật bệnh cho rất nhiều người. Qua những lần được nghe bác sĩ Tố tư vấn, người bệnh biết trân trọng cơ thể mình, lắng nghe sức khỏe của bản thân, có lối sống khoa học hơn. Cảm động trước thiện tâm của bà bác sĩ già, nhiều cá nhân và đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ thuốc và kinh phí cho phòng khám. Gần 1.000 người bệnh được khám chữa bệnh miễn phí mỗi năm tại phòng khám là con số rất đáng tự hào. Bà Tố đã bao lần thay những cuốn sổ mới để ghi chép thông tin bệnh nhân.

Tấm lòng nhân hậu của bà Tố luôn rộng mở. Không chỉ duy trì phòng khám, bà còn hăng hái tham gia công tác từ thiện, cứu trợ những gia đình khó khăn. Nhiều người bảo bà ở tuổi này ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, hơi sức đâu mà đi làm chuyện bao đồng. Bà chỉ cười và bảo, khi giúp thêm được một người, bà thấy lòng thanh thản và phấn chấn, vui hơn và khỏe ra, thấy cuộc sống tuổi già thêm phần ý nghĩa.

Cô giáo với những giờ học xuyên lục địa

Từ một ngôi trường ở vùng quê nghèo, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự lọt top 50 giáo viên nhận giải “Giáo viên toàn cầu” năm 2019 - giải thưởng tôn vinh các nhà giáo xuất sắc trên thế giới. 

Cô giáo Trần Thị Thúy nhận giải đặc biệt của Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017.
Hành trình chinh phục ngôn ngữ toàn cầu và cách dạy sáng tạo của cô Thúy đã truyền cảm hứng học tập và khám phá cho các em học sinh ở Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ chính quê hương mình, qua những giờ dạy tiếng Anh, cô giáo làng đã giúp các thế hệ học trò vươn ra thế giới.

Hành trình chiếm lĩnh ngôn ngữ tiếng Anh của cô Trần Thị Thúy không dễ dàng. Tuổi thơ của Thúy in hằn ký ức những ngày cùng bố mẹ lênh đênh trên thuyền đánh cá bữa đói bữa no. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng Thúy và em trai vẫn được đến trường. 

Thời cấp 2 ở trường làng, việc học tiếng Anh bập bõm và đứt đoạn khi lứa học sinh như Thúy chỉ được học ngoại ngữ duy nhất năm lớp 6. Khi những từ tiếng Anh đầu tiên ngấm vào đầu, Thúy đã thấy đam mê và thú vị. 

Rồi một điều tưởng như giản đơn nhưng lại vô cùng đặc biệt đã xảy đến. Đó là mùa hè năm 1999, một người anh họ thấy Thúy say mê học tiếng Anh đã tặng cuốn tạp chí song ngữ Sunflower. Chính cuốn tạp chí với những hình ảnh thú vị, những từ tiếng Anh hoàn toàn xa lạ đó đã mở ra cho Thúy một thế giới khác, kích thích sự khám phá và nắm bắt, hướng Thúy đến ngôn ngữ toàn cầu.

3 năm học cấp THPT là khoảng thời gian Thúy nỗ lực học tiếng Anh và thực hiện được ước mơ trở thành sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, bỏ lại những cơ hội việc làm ở thành phố, Thúy quyết định quay trở về quê hương để trở thành cô giáo trường làng với mong mỏi sẽ giúp các em học sinh quê mình học tiếng Anh.

Thúy thấy rằng, muốn truyền đam mê tiếng Anh cho học sinh vùng nông thôn thì cách dạy phải thu hút và cách học phải sáng tạo. Bởi vậy, thay vì dạy tiếng Anh theo cách thông thường, Thúy tổ chức thuyết trình tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin khiến giờ học tiếng Anh trở nên sinh động và thu hút. 

Trước cách dạy “chẳng giống ai” của cô giáo Thúy, ban đầu nhiều phụ huynh phàn nàn “cách dạy quá cao siêu”, nhà trường băn khoăn về tính hiệu quả, học sinh thì rụt rè. Nhưng, không vì thế mà cô Thúy bỏ cuộc. 

Qua từng giờ giảng, cô kiên trì “đẩy” học sinh đến các tình huống phải nói và giao tiếp bằng tiếng Anh. Rất nhiều em lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng khi đã vượt qua chính mình thì mạnh bạo hơn, không còn sợ và né tránh việc học ngoại ngữ. Phương pháp dạy học sáng tạo của cô Thúy đã hoàn toàn thuyết phục được phụ huynh và nhận được sự ủng hộ của ban giám hiệu nhà trường. 

Để giúp các em học sinh giao lưu quốc tế, cô Thúy xin kết nối mạng từ phòng hiệu bộ đến các lớp học. Với 70 mét dây mạng được luân phiên kéo về từng lớp, cô Thúy đã ứng dụng công cụ Skype để kết nối với giáo viên và học sinh ở 21 quốc gia trên thế giới. 

Bằng nhiều hình thức như lớp học Skype, cộng tác Skype, mời diễn giả qua Skype và chuyến đi thực tế ảo bằng Skype, cô Thúy đã giúp học trò phát triển năng lực tiếng Anh cũng như hình thành năng lực công dân toàn cầu. 

Trong các tiết học trực tuyến, học sinh sẽ chuẩn bị tài liệu và trình bày bằng tiếng Anh, đặt câu hỏi thảo luận với các bạn quốc tế về các chủ đề: gia đình, giáo dục, cộng đồng, môi trường,..

Đam mê nghiên cứu khoa học, cô giáo Thúy đã cùng học trò ở trường THPT Đức Hợp thực hiện dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” và đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016. 

Hành trình tìm tòi cách dạy sáng tạo ứng dụng các phần mềm hiện đại đã đưa cô Thúy đến với giải đặc biệt của Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft 2017. Tài năng và sự nỗ lực của cô Thúy tiếp tục được ghi nhận khi cô là đại diện duy nhất Việt Nam lọt top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu 2019.

Giờ đây, đến lượt mình, cô Thúy đã thành một “sunflower” truyền niềm cảm hứng cho các em học sinh. Từ câu chuyện và bài giảng của cô giáo Thúy, các em luôn tìm thấy những điều mới mẻ, dám ước mơ và khám phá khả năng của bản thân. Cô Thúy cũng kết nối với nhiều giáo viên trong nước và quốc tế trong cộng đồng sáng tạo toàn cầu để chia sẻ câu chuyện về việc học, việc dạy tiếng Anh, lan tỏa tới các đồng nghiệp niềm đam mê và dấn thân vì nghề giáo.

Từ chối lời mời ở lại Canada làm việc, cô giáo Thúy trở về vùng quê nghèo để được dạy các em học sinh hằng ngày, là cầu nối để các em nhìn ra thế giới. Từng giờ giảng, từng hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh, từng buổi đọc sách và dạy học miễn phí tại thư viện Sunflower do cô Thúy lập ra đều mang dấu ấn của một nhà giáo 8X tâm huyết với nghề.

Bước chân trần từ non cao

Nhiều người thường nói con trai không hợp với múa và múa không phải là một nghề. Nhưng, chàng trai Nùng Văn Minh người dân tộc Thái đã chứng minh điều ngược lại, rằng con trai cũng có thể đam mê và thành công với múa. Minh với hành trình khổ luyện đã trở thành niềm cảm hứng cho lớp đàn em nơi bản làng vượt khó vươn lên.

Ở bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu của Minh, việc rời nương rẫy để theo đuổi con chữ là điều hiếm hoi. Chuyện học đại học ở Thủ đô Hà Nội, lại học một ngành nghệ thuật càng là một ước mơ xa vời. Nhưng, cũng chính ở bản làng ấy, mỗi tối trong ngôi nhà sàn đơn sơ của gia đình Minh, cả nhà ngồi quây quần nghe bố chơi đàn tính tẩu, đàn nhị và thổi sáo. 

Chàng trai Nùng Văn Minh đam mê nghiệp múa đã trở thành niềm cảm hứng cho lớp đàn em nơi bản làng vượt khó vươn lên.
Khi dân bản Hà Noi không còn mấy mặn mà với các nhạc cụ của dân tộc mình thì cha Minh vẫn đau đáu với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống. Chính người cha nông dân - nghệ nhân ấy đã truyền niềm đam mê nghệ thuật cho Minh. Chàng trai người Thái hát hay, thích nhảy sạp và say mê điệu múa xòe của người Thái trong những dịp lễ hội. Hễ có âm nhạc là đôi chân Minh lại như muốn bật lên những động tác múa đầy biến ảo.

Ước mơ được đi xa, được học những điều mới mẻ đã luôn thôi thúc Minh. Khi Minh vừa tốt nghiệp THCS thì Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai xuống huyện tuyển sinh. Minh đăng ký thi và trúng tuyển vào lớp múa. Bố mẹ Minh - những người nông dân nghèo khổ không biết chữ, chỉ biết động viên con cố gắng để theo đuổi đam mê. 15 tuổi, Minh khăn gói lên đường gắn bó với sàn tập múa.

Những ngày đầu làm quen với múa, ngoài vóc dáng cao gầy và sức khỏe là lợi thế, còn lại tất cả đều khó khăn và lạ lẫm với Minh. Cơ thể cứng đơ, chân tay vốn chỉ quen lao động giờ đây vụng về, lóng ngóng với những động tác múa. Minh phải gồng mình luyện tập với chế độ khắc nghiệt. Những buổi tập dày đặc, những giọt mồ hôi tuôn rơi, những động tác ép dẻo, uốn người đau đến phát khóc đã trở thành quen. 

Những lúc đau nhất, Minh thường nghĩ về bố mẹ, về chị gái và em trai ở bản Nà Hoi đang dõi theo và kỳ vọng vào Minh. Minh nhận ra, những áp lực trên sàn tập chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhọc nhằn của bố khi đi làm phụ hồ, sự tần tảo của mẹ trên nương rẫy. Đó là động lực để Minh gắn bó với sàn tập với một thái độ học tập nghiêm túc và cầu thị.

Sau 3 năm học ở Lào Cai, Minh đã thực hiện một cú nhảy ngoạn mục mang đầy dấu ấn, đó là dự thi và trở thành thủ khoa đầu vào khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2015. Một thế giới khác mở ra trước mắt, Minh bắt nhịp với môi trường luyện tập chuyên nghiệp cùng các thầy cô có trình độ và và nhiều bạn “con nhà nòi”. Các bạn cố gắng một, Minh phải nỗ lực gấp nhiều lần để rèn nghề.

Sự đổi thay in dấu trên đôi chân Minh. Đó từng là đôi bàn chân trần thô ráp đi trên những con đường đất mù mịt bụi vào mùa khô và lầy lội bùn đất vào mùa mưa để đến trường. Đó từng là đôi bàn chân lấm lem quen lội suối và tung tăng trên nương rẫy. 

Đôi bàn chân ấy vào năm lớp 8 lần đầu tiên chạm đến chiếc xe đạp, đã đạp miệt mài tới lớp trong niềm hân hoan khó tả. Đôi bàn chân ấy cũng đã 7 năm mang giày múa để lên sàn tập, giờ đây trở nên dẻo dai và điệu nghệ. Chính đôi bàn chân ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều sinh viên khác, cho những cô bé cậu bé ở bản Nà Hoi đủ đam mê và nghị lực rời bản làng lập nghiệp.

Múa đem lại cho Minh cơ hội được sang Nhật Bản luyện tập và biểu diễn, có cơ hội học hỏi kĩ thuật chuyên nghiệp, chuẩn mực của múa đương đại ở xứ Phù Tang. Trong bài múa, khi thực hiện đoạn solo, Minh đã lồng ghép một cách khéo léo điệu múa của dân tộc Mông và được đạo diễn người Nhật Bản đánh giá cao.

Thương bố mẹ vất vả, từ năm thứ 2 đại học, Minh nhận đi diễn ở các sự kiện để tự bươn trải cuộc sống. Vẫn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, miệt mài học tập và sở hữu bảng thành tích “khủng” - đó là kết quả của sự cố gắng song hành, là sự khổ luyện của Minh. Được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 2019 là niềm tự hào của không chỉ Minh và gia đình mà của cả bản Nà Hoi.

7 năm gắn với sàn tập, Minh hiểu rằng múa là một nghề khắc nghiệt. Một diễn viên múa vừa phải có sức khỏe, vừa phải đạt tới sự điêu luyện, tinh tế trong từng động tác hình thể, biểu cảm gương mặt. Múa cần có lòng đam mê, tính kỉ luật, độ tập trung và cả những phút thăng hoa khi hình thể và tâm hồn hòa quyện cùng âm nhạc. Minh mong muốn được tiếp tục học tập chuyên sâu về múa để đào tạo những thế hệ kế tiếp, đóng góp cho sự phát triển của ngành múa Việt Nam. 

Huyền Châm
.
.