Mùa xuân nào cho Trung Đông?

Thứ Hai, 13/01/2020, 18:56
Hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Khắp nơi trên thế giới, nhân loại đang đón chào năm 2020 với những ước vọng ngập tràn màu hồng như thế - những giấc mơ vĩnh cửu mỗi khi tết đến xuân về. Nhưng, thật đáng tiếc, viễn cảnh tươi đẹp đó có thể diễn ra ở bất cứ đâu, ngoại trừ Trung Đông.

Bóng tối bao trùm

Những ngày cuối cùng của năm 2019, cái bóng khủng khiếp của mâu thuẫn, xung đột, sự hỗn loạn và chiến tranh vẫn phủ lên toàn bộ bàn cờ địa chính trị Trung Đông.

Ngày 29-12, Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ đã “tiến hành một loạt hoạt động không kích phòng vệ” nhắm vào 5 cơ sở của lực lượng vũ trang Kataib Hezbollah ở Iraq và Syria, để đáp trả vụ tấn công của nhóm này vào một căn cứ quân sự Mỹ gần thành phố Kirkuk (Iraq) 2 ngày trước đó. Vụ tấn công của Hezbollah khiến 1 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Đổi lại, các vụ không kích của Mỹ làm 25 người chết và 55 người bị thương.

Ngay tối đó, Các lực lượng động viên nhân dân (PMF) - tổ chức vũ trang bán dân sự mà Kataib là một trong các thành phần phối thuộc - tuyên bố họ nhất định sẽ trả đũa “rất mạnh tay với các lực lượng Mỹ đồn trú tại Iraq”.

Ngày 30-12, từ Moskva, Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin - khẳng định rằng Mỹ đã không hề thông báo gì cho phía Nga về những kế hoạch tấn công này và nhấn mạnh: Moskva hoan nghênh mọi hành động hướng tới loại bỏ các phần tử khủng bố, song tại thời điểm này, bất cứ hành động nào dẫn đến sự bất ổn đều không được hoan nghênh.

Lửa giận dữ của người Palestine lại bùng lên trên Dải Gaza.

Cũng trong ngày 30-12, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cảnh báo: Kế hoạch Hành động chung toàn diện - thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) năm 2015 - đang đối diện với nguy cơ đổ vỡ, do “đường lối tiêu cực mà Mỹ đang duy trì”, cũng như do “Liên minh châu Âu (EU) không hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận này”.

Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 12-2019, tờ Wall Street Journal đã đưa tin rằng chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc triển khai thêm khoảng 14.000 binh sĩ tới Trung Đông, đồng thời bổ sung hàng chục tàu chiến và các loại khí tài quân sự hiện đại khác để đối phó với Tehran.

Cùng lúc, tại Syria, không còn ai nhắc đến câu chuyện thông qua một bản hiến pháp mới với màu sắc lạc quan như khi kế hoạch ấy mới được đề xuất nữa. Thực tế đã thêm một lần khẳng định: việc đạt được đồng thuận từ tất cả các phe phái - lực lượng chính trị trong nội bộ quốc gia đổ nát đó, dựa trên điểm căn bản là những sự thỏa hiệp về lợi ích, vẫn còn là một mệnh đề rất nan giải.

Chưa hết, trong khi Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện đầy tính “răn đe” đối với mọi nguy cơ quanh lợi ích cốt lõi của mình ở khu vực các mỏ dầu vùng Đông Bắc Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có ý dừng các hành động quân sự đơn phương (và bất cần đến độ không buồn tham vấn ý kiến các đồng minh trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ quốc gia láng giềng đó, thì sự phản kháng tất yếu của các lực lượng vũ trang người Kurd (lực lượng bị Ankara coi là “các phần tử khủng bố”) chắc chắn sẽ vẫn còn khiến tình hình Syria thêm chồng chéo những xung đột. Giấc mơ lập quốc - nước Kurdistan - của họ, kể cả khi không được bất cứ cường quốc nào chấp nhận, vẫn sẽ là những đốm lửa âm ỉ rất khó có thể hoàn toàn bị dập tắt.

Và bên cạnh Syria, mối hiềm khích nghìn năm Israel - Palestine cũng đã sẵn sàng bùng lên dữ dội hơn nữa, sau tất cả những gì đã xảy ra trong năm 2019. Từng bước, từng bước một, Washington hỗ trợ những tham vọng của người đồng minh thân thiết nhất của mình ở Trung Đông, bất chấp làn sóng phản đối từ cộng đồng Arab Hồi giáo.

Lính Mỹ bên ngọn lửa từ một giếng dầu ở Iraq.

Sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel, sau khi chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về đó, sau khi công khai hướng đến chuyện thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Israel tại những vùng lãnh thổ mà cộng đồng Arab xem là đang bị chiếm đóng bất hợp pháp, nước Mỹ tiến thêm một bước nữa bằng việc đảo ngược quan điểm của chính mình từ những năm 1970: Coi các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là không vi phạm luật pháp quốc tế.

Tất cả những diễn biến đó đều chẳng hứa hẹn bất cứ tia sáng hy vọng le lói nào cho năm 2020, về hòa bình hay ổn định, về đối thoại hay hòa giải.  

Ván cờ cân não

Có thể xem toàn bộ bối cảnh tiềm ẩn đầy những “xung sát” đó là một thế cờ, với sự chi phối (không phải toàn bộ nhưng hầu như tất cả) của một “kỳ thủ”: Tham vọng “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngọn cờ hiệu triệu của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ Syria đến Jerusalem, qua Iran tới Iraq, cũng như tại mọi điểm nóng khác mà nước Mỹ đã và đang can dự, ông chủ Nhà trắng không hề có ý định giảm bớt sự cứng rắn. Hỗ trợ cho “uy phong” của sức mạnh quân sự Mỹ là những đòn trừng phạt kinh tế mà ngài Donald Trump không ngại ngần sử dụng. Xe đấu xe, pháo đấu pháo, nước Mỹ thách thức mọi đối thủ bằng những tính toán “sắt máu”. Nếu không sẵn sàng đánh đổi, những đối thủ ấy đều phải cân nhắc chuyện “xuống nước”.

Dĩ nhiên, cho đến hiện tại, tam giác đồng minh truyền thống Nga - Iran - Syria vẫn thể hiện được là họ sẽ không lùi bước. Cho đến hiện tại, tinh thần phản kháng của nhân dân Palestine cùng “giải pháp hai nhà nước” - điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng dập xóa - vẫn đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả cộng đồng Hồi giáo Arab lẫn dư luận quốc tế. Cho đến hiện tại, những khu định cư Do Thái, Dải Gaza hay Cao nguyên Golan chưa được ai thừa nhận (ngoài nước Mỹ) là lãnh thổ hợp pháp của Isarel.

Một khung cảnh vô cùng quen thuộc tại Trung Đông.

Có điều, trong một năm mà sự kiện trọng tâm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chẳng có lý do gì để chính quyền Mỹ đương nhiệm thay đổi chiến lược đối ngoại đã và đang mang lại thành công cho người đứng đầu. Căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng, bởi trong sâu thẳm, căng thẳng mang đến nhiều lợi ích hơn, nhiều cơ hội “ghi điểm” hơn cho Tổng tư lệnh quân đội Mỹ (Tổng thống Mỹ) giữa “sóng gió chính trường”.

Có thể ngăn cản được thứ sức mạnh áp chế ghê gớm xuất phát từ siêu cường số 1 thế giới ấy, nhằm kiến tạo hòa bình cho Trung Đông được không?

Câu trả lời tất nhiên là “Có” nhưng với những điều kiện nhất định.

Nếu xem vấn đề cơ bản của mọi mối quan hệ quốc tế đều là lợi ích, thì chính lợi ích, hay nói đúng hơn là cán cân được - mất, sẽ có thể làm sai lệch một quỹ đạo đã được chuẩn bị sẵn. Cũng như tại trung cục một ván cờ, những quyết định “đổi quân” có thể khiến bàn cờ trở nên “thông thoáng” hơn, khi các điểm nghẽn bị phá vỡ để tạo nên nhiều không gian cho các ý tưởng hơn và thậm chí, phía tạo sức ép tại khai cục hoàn toàn có thể bị đẩy ngược vào thế phải chống đỡ.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, các đối thủ sẽ phải kiên định và dũng cảm đến liều lĩnh. Thậm chí là kiên định hơn và liều lĩnh hơn cách nước Mỹ đang hành xử với cả kẻ thù lẫn bằng hữu, mới có thể khiến họ thấy rằng họ cũng có thể bị tổn thương và cái giá phải trả sẽ là quá đắt. Như một tiền lệ trong lịch sử hiện đại, 52 năm về trước.

Nhưng, Trung Đông không phải là Bán đảo Đông Dương. Và hiện tại cũng đã là thế kỷ XXI. Chẳng có gì bảo đảm rằng lịch sử sẽ lặp lại, với “những cú đập mạnh” làm “bắn tóe ra các khả năng chính trị”. Trung Đông nhiều khả năng sẽ đi hết năm 2020 trước mắt mà vẫn không thể thoát khỏi vũng lầy bất ổn của mình.

Và bên rìa cuộc chơi là bao nhiêu phận người...

Thiên Phong
.
.