Một “bình minh” bất định

Thứ Tư, 12/02/2020, 14:56
Trong khi người của đảng Brexit tỏ ra đắc chí vì cuối cùng mục tiêu rời khỏi EU trở thành hiện thực thì ở phiên họp cuối cùng của Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua việc nước Anh rời EU, nhiều nghị sĩ châu Âu đã nắm tay nhau thành hàng cúi đầu trong nước mắt, cứ như thể họ đang tham dự một lễ tiễn người đi xa mãi mãi!

“Canh bạc lớn nhất trong một thế hệ”

Tiếc nuối và hy vọng, giận dữ và mừng vui, hứng khởi và trống rỗng, đấy là những cảm xúc trái chiều lan rộng trên toàn nước Anh và cả châu Âu khi tiếng chuông đồng hồ tháp Big Ben cất lên đêm cuối năm, đánh dấu việc nước Anh chính thức rời khỏi EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, mái nhà chung mà London đã cư ngụ trong suốt 47 mùa mưa nắng.

EU mất đi một trong những thành viên quan trọng nhất của mình, vốn từng đóng góp 17% ngân sách của EU...

Trong khi người của đảng Brexit tỏ ra đắc chí vì cuối cùng mục tiêu rời khỏi EU trở thành hiện thực thì ở phiên họp cuối cùng của Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua việc nước Anh rời EU, nhiều nghị sĩ châu Âu đã nắm tay nhau thành hàng cúi đầu trong nước mắt, cứ như thể họ đang tham dự một lễ tiễn người đi xa mãi mãi!

Nhưng, bao trùm tất cả vẫn là sự nhẹ nhõm, bởi vì kể từ cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016 về việc nước Anh rời EU, bản thân trong nội bộ nước Anh và với EU đã tranh cãi với nhau trong suốt ba năm rưỡi, gây nên sự chia rẽ và tổn thương khó hàn gắn.

Như hầu hết các cuộc ly hôn, khó khăn nhất vẫn là giai đoạn tranh giành tài sản, nuôi dạy con cái giữa hai vợ chồng; chỉ có điều là trong cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU, mâu thuẫn không chỉ giữa hai bên mà còn nằm trong nội bộ “gia đình” của mỗi bên. Nước Anh đã phải trải qua 3 đời Thủ tướng, 2 cuộc tổng tuyển cử, vô số những lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý cũng như nhiều lần xin gia hạn thời điểm rời EU do những tranh cãi trong nội bộ mới đi đến được thỏa thuận cuối cùng. Nên không khó gì để hình dung là sau bao sóng gió, khi “tòa” đã quyết “ly hôn”, cả hai bên đều thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.

Làn sóng vui buồn lẫn lộn lan rộng trên những trang báo Anh. Nhiều tờ báo không giấu nổi sự vui mừng khi cuối cùng nước Anh được cho là đã thoát khỏi những ràng buộc của châu Âu để tự hoạch định đường lối phát triển cho mình. Tờ Daily Mail viết rằng Brexit cuối cùng đã mang đến “bình minh cho nước Anh”, trong khi tờ Sun thì tuyên bố “thời đại của chúng ta đã tới”. Ngược lại, tờ The Guardian lại giật tít lớn trên trang nhất: “Một hòn đảo nhỏ - sau 47 năm, Anh rời EU vào 23 giờ đêm nay - canh bạc lớn nhất trong một thế hệ”.

Lo ngại những cảm xúc trái chiều sẽ tiếp tục làm nước Anh bị chia rẽ, Chính phủ Anh chủ trương không ăn mừng quá lớn nhân sự kiện rời EU. Tờ Financial Times cho biết các đại sứ quán Anh được chỉ dẫn không có những sự kiện ăn mừng vì điều đó sẽ gây ấn tượng tiêu cực trong mắt các nước khác.

Chẳng cần phải có sự chỉ dẫn như vậy thì bản thân ở các nước khác cũng đã có những cảm xúc trái chiều nhân sự kiện Anh chính thức rời EU. Ở nước Đức, những người ủng hộ EU tập trung ở cổng Brandenburg tại Berlin, biểu diễn bản giao hưởng Niềm vui, vốn được coi là “quốc ca” của EU, vào thời điểm nước Anh rời EU. Tờ Daily Record của Scotland đăng trên trang nhất dòng chữ “Bị cô lập, nghèo hơn, yếu hơn và đầy chie rẽ” trên nền một ảnh chế đồng xu Brexit, nói rằng Scoitland đã bị “qua mặt” với quyết định cuối cùng rời EU...

Theo Thủ tướng B.Johnson, với việc chính thức rời khỏi EU, “bình minh đang ló rạng” ở nước Anh.

Hành trình không suôn sẻ

Hành trình gắn kết nước Anh với EU không hề suôn sẻ. Nước Anh chưa bao giờ thật sự thuộc về châu Âu hoàn toàn. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, người hùng đã dẫn dắt nước Anh đi qua cuộc thế chiến đẫm máu với tư cách một quốc gia chiến thắng, từng tuyên bố coi sự thống nhất cả châu Âu là điều đáng đươc mong đợi nhưng đó là một châu Âu không có sự tham gia của nước Anh.

Năm 1957, đại diện 6 nước châu Âu đã ký Hiệp ước Roma hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu EEC, tiền thân của EU sau này. Trong số 6 nước đầu tiên đó không có nước Anh. Đầu những năm 1960, nhờ bãi bỏ đáng kể các rào cản thương mại giữa các thành viên, nhiều nước trong EEC bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đáng kể. Sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Anh - quốc gia ban đầu từ chối tham gia EEC - thay đổi lập trường, xin gia nhập EEC.

Thế nhưng, quá trình để đảo quốc sương mù được tham gia vào EEC không hề suôn sẻ. Do quan hệ quá “thân mật” giữa Anh với Mỹ nên Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, một người không ưa sự “thống trị” của Mỹ ở châu Âu, đã 2 lần phủ quyết đơn xin nhập EEC của Anh vào các năm 1961 và 1969 với lý do nền kinh tế Anh “không tương hợp” với kinh tế các nước châu Âu còn lại. Chỉ đến sau khi Tổng thống Charles de Gaulle rời nhiệm sở, lá đơn lần thứ ba của nước Anh mới được chấp nhận và Anh chính thức gia nhập EEC vào tháng 1-1973.

Khó khăn là thế nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1975, những tiếng nói đòi Anh rời EEC bắt đầu vang lên. Ngay trong năm đó, chính phủ của Thủ tướng Harold Wilson do Công đảng nắm giữ đã từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa vào EEC hay không. 67% số người được hỏi đã trả lời “có” và Anh tiếp tục đồng hành cùng với EEC.

Đến năm 1979, mâu thuẫn bắt đầu nổ ra khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher yêu cầu phải có những “quy chế đặc biệt” cho Anh, giảm bớt phần đóng góp của Anh trong EEC, kịch liệt phản đối tiến trình nước Anh hội nhập chính trị ngày càng tăng vào EEC, do lo ngại nước Anh sẽ mất quyền độc lập trong một “siêu nhà nước châu Âu”. 

Quan hệ giữa hai bên tiếp tục trong tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, lên đến đỉnh điểm vào “ngày Thứ tư đen tối” 16-9-1992, khi nước Anh không thể ngăn được giá trị đồng bảng bị sụt giảm trước những đòn tấn công của tỷ phú tài chính George Soros. Chỉ nội trong ngày hôm đó, tỷ phú G.Soros kiếm được 1 tỷ dollar, còn nước Anh buộc phải rời khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM), cơ chế để chuẩn bị cho đồng tiền chung châu Âu euro.

Điều đó có nghĩa là sau khi Hiệp ước Maastricht thành lập Liên minh châu Âu vào ngày 1-11-1993, mặc dù là một thành viên của liên minh này, Anh vẫn dùng đồng bảng làm đơn vị tiền tệ, khác biệt với toàn bộ phần còn lại của Liên minh sử dụng euro làm đồng tiền chung. Năm 1995, Anh từ chối tham gia Hiệp ước Schengen về miễn thị thực và sử dụng đồng tiền chung euro.

Như vậy Anh không tham gia cả hai trụ cột mang tính biểu tượng của EU là đồng tiền chung euro và Hiệp ước Schengen về một không gian chung miễn thị thực cho các nước thành viên, cho thấy mối liên hệ lỏng lẻo của London đối với toàn bộ phần còn lại của EU.

Cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 23-6-2016 với chênh lệch khoảng 1 triệu phiếu nghiêng về phía những người ủng hộ Brexit đã là nhát chém quyết định chặt đứt sợi dây liên kết lỏng lẻo bấy lâu này.

Những cảm xúc trái chiều lan rộng trên toàn nước Anh và cả châu Âu khi tiếng chuông đồng hồ tháp Big Ben cất lên đêm cuối năm, đánh dấu việc nước Anh chính thức rời khỏi EU.

Trách nhiệm bớt đi, quyền lợi cũng bớt

Bỏ sang một bên những khía cạnh thuần túy cảm xúc, giờ là lúc nước Anh cũng như các thành viên EU còn lại phải kiểm đếm lại những gì sẽ phải làm trong gần 11 tháng sắp tới, đến ngày 31-12-2020, khoảng thời gian chuyển tiếp để hai bên đàm phán, thảo luận những gì sẽ quyết định đến quan hệ của hai phía.

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh tiếp tục tham gia Liên minh Hải quan và Thị trường đơn nhất của EU, đồng thời áp dụng luật của EU, tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận quốc tế của EU ngay cả khi không còn là một thành viên của khối này nữa.

Mặc dù về cơ bản vẫn duy trì tình trạng quan hệ với EU như cũ để đảm bảo một Brexit diễn ra trong trật tự nhưng nước Anh sẽ mất quyền tham dự và bỏ phiếu tại các cơ quan chính quyền EU. Điều đó cũng bao gồm cả việc sẽ không có thành viên của Anh trong Nghị viện châu Âu.

Đương nhiên, khi đã thông qua quyết định tối hậu Brexit, Anh sẽ không được đối xử như lúc còn là thành viên EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất của EU và ngay trong giai đoạn đầu đàm phán “tiền ly hôn” giữa Anh với EU đã có quan điểm cứng rắn về Brexit, nói rất rõ ràng: “người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu. Họ sẽ không còn những trách nhiệm như cũ, do đó cũng sẽ không được giữ nguyên những quyền lợi”.

Như thế, nếu như căn cứ vào những gì đã diễn ra trong suốt ba năm rưỡi qua về tiến trình đàm phán vô cùng căng thẳng giữa Anh với EU về Brexit, có thể thấy rằng quá trình đàm phán “hậu ly hôn” nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại “có thể chấp nhận” chắc chắn sẽ không dễ dàng chút nào.

Hơn nữa, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson còn phải đối mặt với một thách thức khó khăn khác: sự phân ly. Ở phía Bắc nước Anh, Scotland đe dọa sẽ tái khởi động chiến dịch đòi độc lập. Ngay ở thời điểm hoàn thành Brexit, nghị sĩ Mhairi Black của đảng Dân tộc Scotland viết trên trang Twitter: “Một chính phủ mà Scotland không bỏ phiếu bầu lên đã quyết định tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit. Scotland đã bỏ phiếu ở lại với EU nhưng vẫn bị buộc rời đi!”. Ý tưởng tái thống nhất với Cộng hòa Ireland cũng đang nhen nhóm trở lại ở Bắc Ireland...

Nói như Thủ tướng B.Johnson thì với việc chính thức rời khỏi EU, “bình minh đang ló rạng” ở nước Anh. Nhưng đó là một “bình minh” đầy bất định với những cảm xúc trái chiều.

Yên Ba
.
.