Một 9x nghĩ gì khi đọc Vòng tay học trò?

Thứ Ba, 09/03/2021, 22:35
Chán chương trình học và không khí ở Văn khoa trường Luật, bỏ học, đi làm thư kí riêng cho một tỉ phú, không bao lâu lại bỏ công việc ấy, về Nha Trang dạy học nhưng bị từ chối, chuyển lên Đà Lạt rồi lại bỏ Đà Lạt, mãi đến mùa hè năm 1964, với một xấp giấy pelure mỏng ố vàng, một cây bút, và một tháng trong đời, Nguyễn Thị Hoàng mới ngồi xuống và viết một mạch.


Sau này, vị nữ sĩ đã kể lại như thế sự tích ra đời tiểu thuyết “Vòng tay học trò”, tác phẩm từng làm điên đảo giới thanh thiếu niên Sài Gòn một thuở, tái bản tới 4 lần trong vòng mấy tháng, cũng suýt chút nữa đã được Kiều Chinh và Đặng Trần Thức chuyển thể thành phim.

Sự tung hô, như bao giờ cũng vậy, luôn đi kèm với sự hạ bệ. Các nhà phê bình thời ấy không tiếc những lời cay nghiệt nhất cho “Vòng tay học trò”: "phi luân", "sự buôn lậu tư tưởng trong một con bệnh dâm thành phố", "trường hợp ngoại lệ, mất thăng bằng, bệnh hoạn". Khi nhà văn Dương Nghiễm Mậu so sánh Nguyễn Thị Hoàng với Quỳnh Dao, cây bút diễm tình nổi tiếng của Đài Loan, thì nhà văn Viên Linh đã phản đối ngay: "Quỳnh Dao viết về cái trong sáng, không viết về cái nhầy nhụa".

Biếm họa Nguyễn Thị Hoàng và tác phẩm “Tiếng chuông gọi người tình trở về”

Những cụm từ sởn gai ốc được ném không thương tiếc vào một tác phẩm mà nói cho cùng chỉ là kể lại một mối tình dằn vặt giữa một cô giáo và một cậu học trò, một tình cảm thường bị coi là cấm kỵ. Tầm thời điểm này, ở Pháp cũng có hai tác phẩm với đề tài tương tự, một là “Un certain sourire”, cuốn thứ hai của nữ sĩ Francoise Sagan sau “Buồn ơi chào mi”, hai là “Mourir d'aimer”, một bộ phim rất ăn khách năm 1971 của đạo diễn André Cayatte. Không tác phẩm nào gây ra một vụ ì xèo ở quê hương của nó như “Vòng tay học trò” đã gây ra ở miền Nam Việt Nam.

Đem so với những cuốn "dâm thư" nặng đô như “Justine” của Marquis de Sade hay “Chuyện nàng O” của Pauline Réage, những cuốn tiểu thuyết cũng sục sạo đời sống tinh thần của những người đàn bà, thì khó có thể hiểu tại sao “Vòng tay học trò” lại bị coi là một văn hóa phẩm nguy hiểm và đồi bại. Không những trò tra tấn tình dục và không tình dục, thậm chí không cả khao khát hay huyễn tưởng tình dục, “Vòng tay học trò” giống hơn một bài thơ hiện sinh, hay đứa con lai của chủ nghĩa diễm tình Đài Loan của Quỳnh Dao, Trương Ái Linh và niềm hứng khởi với nhánh triết học hiện sinh phi lý do Jean-Paul Sartre khởi xướng đang được giới văn nghệ sĩ và thanh thiếu niên bấy giờ say mê, tin rằng "con người sinh ra không lý do, kéo lê cuộc đời vì nhu nhược và chết do ngẫu nhiên".

Sau hơn nửa thế kỷ im hơi lặng tiếng vì những đổi thay lịch sử, “Vòng tay học trò” và một số tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Thị Hoàng như “Một ngày rồi thôi”, “Tiếng chuông gọi người tình trở về”, “Tuần trăng mật màu xanh”, “Cuộc tình trong ngục thất” vừa được một đơn vị làm sách tuyển lựa và in ấn công phu, giới thiệu trở lại với bạn đọc đương thời về một nữ sĩ của văn chương miền Nam, một trong ngũ đại nữ sĩ hàng đầu của Sài Gòn xưa. Trong một tác phẩm của Haruki Murakami, ông từng cho một nhân vật tuyên bố rằng mình không muốn tốn thời gian cho những cuốn sách vớ vẩn và chỉ sờ vào những cuốn sách mà tác giả của nó đã chết được ít nhất 30 năm, vì chỉ những cuốn sách ấy mới đáng tin cậy mà thôi, hàm ý thời gian là thước đo duy nhất cho giá trị của một tác phẩm văn học. Nguyễn Thị Hoàng tuy vẫn còn đương thế, nhưng có lẽ 50 năm là quãng thời gian đủ dài để ta có thể nhìn lại “Vòng tay học trò” cùng các tác phẩm của bà với sự khách quan và sự "lạnh" cần thiết, triệt tiêu được những dung sai không đáng có gây ra bởi sức nóng hầm hập của những vụ ồn ào, của vòng kim cô mà cái gọi là "thuần phong mỹ tục" đội lên đầu chúng ta hay những lời phán xét được buông ra một cách cẩu thả trong quá khứ.

Vậy thì ở thời điểm này, đọc “Vòng tay học trò” còn hay không? Còn hay. Nhưng nó còn liên quan gì tới thời đại này không và liệu nó có mang cái phẩm chất bất tử, vượt thời đại của những tác phẩm kinh điển? Có lẽ là cả có và không. Ở mặt nào đó, cuốn sách đã lỗi thời. Vẻ diêm dúa trong nội tâm các nhân vật và sự thiếu vắng tính sáng tạo cho những màn cút bắt ái tình khiến “Vòng tay học trò” khó mà hấp dẫn được những độc giả ngày nay vốn đã được bọc đường trong trí tưởng tượng phong phú nơi những cuốn sách ngôn tình "ngược luyến tàn tâm" của Trung Quốc, những series phim tình cảm hoa hòe hoa sói của Hàn Quốc hay những bộ tiểu thuyết của những ông hoàng, bà hoàng lãng mạn châu Âu như Marc Levy, Guillaume Musso hay Cecelia Ahern.

Kể cả cái bi kịch mối tình "sư đồ" hay rộng hơn là người đàn bà lớn tuổi đắm say bên người tình trẻ thì thời đó có thể mới mẻ, còn ngày nay cũng đã sáo mòn và bị khai thác đến cùng tận, không còn tạo nên cảm giác hưng phấn kích thích khi khám phá "vùng đất cấm” ít ai dám bén mảng như đã từng. Nói tóm lại, mong muốn “Vòng tay học trò” được tìm lại như tìm lại một đứt gãy bị lãng quên trong lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại, hay như tìm lại một toàn cảnh đầy đủ hơn về văn học nước nhà, thì sẽ khả thi hơn là mong muốn “Vòng tay học trò” được đón nhận nhiệt liệt, được trở thành sách gối đầu giường (hay sách chụp ảnh sống ảo) của những kẻ lãng mạn (hay ra vẻ lãng mạn) khăn gói lên Đà Lạt sống chậm (hay khoe sống chậm).

Nhưng, “Vòng tay học trò” có thể không còn phù hợp với thị hiếu đại chúng đương đại, nó lại nặng những tâm tư không bao giờ cũ với một tập hợp những người thuộc chủ nghĩa hư vô không mưu cầu sự đồng điệu với những giá trị chung của xã hội và có thể sẽ dần trở thành một "cult", nghĩa là một tác phẩm không dành cho tất cả nhưng lại được một nhóm người nhất định yêu thích điên cuồng. Thường xuyên trong “Vòng tay học trò” và các tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng, nhân vật hãi hùng bắt gặp mình lạc trong những vùng sương giá băng của thực tại, nơi không gì chờ họ, họ không chờ ai, họ chuội khỏi thế giới họ đang sống, chuội khỏi tình yêu, chuội khỏi vòng tay người tình, hay nói như Jean-Paul Sartre thì họ "không do ai tạo thành, không lý do, không có một tương quan nào với một hữu thể nào khác, hữu thể tự thân thực là thừa đến muôn đời".

Bìa tái bản năm 2021 của tác phẩm “Vòng tay học trò”

Văn chương của Nguyễn Thị Hoàng bỏ qua mọi sắp đặt lộ liễu khác, diễm lệ đến mức khiến cho sự chán chường, nỗi buồn u tối, sự lẻ loi triền miên, sự chơ vơ không lối thoát, sự sầu bi ngột ngạt cũng lấp lánh một vẻ cuốn hút khôn nguôi. Ta không thể ngăn mình muốn được thử một lần lao đầu vào đời sống như họ: tự chôn mình dưới cát như Điệp trong “Tiếng chuông gọi người tình trở về” hay vui một đêm cùng người tình trên chuyến đò xứ Huế như Ý Lan và Đông trong “Tuần trăng mật màu xanh”. Ngay cả cách họ tự dày vò chính mình cũng cám dỗ làm sao, như cái cách mà cô giáo Trâm của “Vòng tay học trò” lấy 200 đồng của mình đưa cho người tình trẻ, rồi chỉnh áo quần cho cậu, dù biết là để cậu đi gặp một người con gái khác, hay cách mà một người vợ trong “Tiếng chuông gọi người tình trở về” mường tượng về người tình năm xưa của người chồng biến mất. Cuộc đấu tranh duy nhất mà họ phải đấu tranh là cuộc đấu tranh để tìm ý nghĩa cho sự tồn tại, vốn cũng là cuộc đấu tranh chỉ xảy ra khi rốt cuộc, người ta không còn phải đấu tranh vì bất cứ điều gì thực tế hơn và thiết thực hơn. Họ có lẽ đã sung sướng đến nỗi không mưu cầu hạnh phúc mà lại "thích hưởng thú đau thương", một sở thích có thể bị gọi là "trưởng giả".

Giờ đây, nhìn lại vị trí của văn chương Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn, ta có thể thấy đó dường như là một trong những trường hợp đầu tiên của văn chương hiện đại bị phê phán và ngờ vực vì tính bi lụy, ướt át, quẩn quanh những huyễn tưởng tầm thường, mà sau này những nhà văn ngôn tình, diễm tình sẽ trở thành nạn nhân chịu trận tiếp theo. Chính Nguyễn Thị Hoàng cũng đã từng tự trào về văn chương phái nữ. Bà để một nhân vật của mình trong “Vòng tay học trò” nói thế này về nữ văn sĩ George Sand của văn học Pháp, "nổi tiếng cũng chỉ vì phụ nữ hiếm trong làng văn, chứ thật ra sự nghiệp của bà ta có đáng gì so với những tác phẩm vĩ đại của các văn hào nam giới".

Cũng có thể là chẳng đáng gì thật. Và số phận của những tác phẩm như “Vòng tay học trò” sẽ lại tiếp tục chìm trôi cùng thời gian, cũng có thể sẽ bị lãng quên, bị chối bỏ, nhưng trải qua một đời đã nếm trải hết "mê lầm, oan khiên, bạc đãi, ngộ nhận, của khổ nạn triền miên tâm và cảnh", nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng nhận chân điều đó hơn ai hết: "Thế hệ đọc những trang cũ ngày xưa đã già cỗi hoặc lụi tàn. Tuổi trẻ ngày nay sẽ hoàn toàn xa lạ và có thể vô cảm với mớ đồ cũ trên tay, nhưng qua dòng trôi chảy của thời gian và thế sự, biết đâu vẫn còn có ai vớt lại chút bọt bèo mong manh của quá khứ. Chút bọt bèo có thể sẽ là mầm xanh cho mùa hoa trái mới, cũng có thể là phiến hóa thạch vô tri vì cuộc đợi chờ vô vọng mấy mươi năm mà kỳ thực đã mấy nghìn năm bên bờ ảo hóa”.

Hiền Trang
.
.