Minh oan cho học thuộc lòng

Thứ Hai, 03/04/2017, 09:55
Gần đây, trên nhiều báo chí, diễn đàn, chúng ta hay nghe thấy những lời phê phán rất nặng nề đối với phương pháp học thuộc lòng. Nhiều ý kiến cho rằng đó là lý do khiến học sinh mất hứng thú học tập, kém đầu óc sáng tạo.

Nhưng, theo chúng tôi, đây là một sự phê phán cực đoan, phiến diện, do chưa thấy được bản chất và những điểm ưu việt của phương pháp học này. Chúng tôi viết bài này nhằm minh oan cho học thuộc lòng, một phương pháp học tập hiệu quả không chỉ trong nhà trường.

Trước hết, cần phải phân biệt rõ, học thuộc lòng khác với học vẹt. Nếu học vẹt là sự nhai lại một cách máy móc, không cần tư duy, không cần hiểu, thì học thuộc lòng là cách học nhập tâm cả nội dung và hình thức.

Cái mà chúng ta nên và có thể phê phán không phải là học thuộc lòng nói chung, mà là học vẹt, tức là học thuộc lòng máy móc - mặc dù ngay cả học vẹt cũng không phải lúc nào cũng dở. 

Trong một số trường hợp, nhất là đối với một số công việc đơn giản hoặc có mục đích không lâu dài, việc nhớ máy móc cũng có nhiều tác dụng tốt, như khi ta nhớ số nhà để tìm đường, số sinh viên của lớp để chuẩn bị tài liệu, hoặc khi ta nhập tâm bảng cửu chương, những mốc lịch sử quan trọng hay một số quy tắc thường dùng trong cuộc sống... 

Để hỗ trợ trí nhớ trong việc học thuộc lòng máy móc, người ta sáng tạo ra các thuật nhớ bằng cách liên hệ những thông tin cần nhớ với những thông tin khác quen thuộc hoan, như ngày sinh, địa danh, tên người thân… Trong lớp học, chúng ta cũng hay gặp loại thuật nhớ này. Chẳng hạn, các em học sinh "vỡ lòng" tập nhớ mặt chữ cái bằng những câu như:

"O" tròn như quả trứng gà
"Ô" thì đội mũ, "ơ" già có râu...

Ở lớp lớn hơn, nhiều các em sử dụng những câu lục bát để nhớ thuộc lòng các quy tắc toán học: “Muốn tính diện tích hình thang/ Đáy lớn đáy nhỏ ta mang cộng vào/ Rồi đem nhân với chiều cao/ Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra”.

Một ví dụ khác là cách nhớ máy móc dãy hoạt động kim loại trong môn hóa học: Khi(K) Nào(Na) Cần(Ca) May(Mg) Áo(Al) Giáp(Zn) Sắt(Fe) Nhớ(Ni) Sang(Si) Phải(Pb) Hỏi(H) Cửa(Cu) Hàng(Hg) Á(Ag) Phi(Pt) Âu(Au).

Thuật nhớ cũng được sử dụng rộng rãi trong văn hóa truyền miệng, chẳng hạn bài học về gia vị trong văn hóa Việt Nam:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng
Con trâu cười ngả cười nghiêng
Con chó có giềng để tỏi phần tôi...

Tương tự như vậy, Denys Thompson, trong Những công dụng của thơ (The Uses of Poetry) dẫn ra các bài hát ngư dân sử dụng để nhớ các mốc quan trọng trên tuyến hàng hải khi đi chạy tàu từ Lincolnshire đến Tune:

First the Dudgeon, then the Spurn,
Flamborough Head comes next to turn,
Scarborough Castle standing high,
Whitby Rocks lay northernly.
Sunderland lay in a bright, etc.

(Đầu tiên là Dudgeon, rồi Spurn xuất hiện,
Tiếp theo mũi Flamborough sẽ đến,
Lâu đài Scarborough sừng sững nhô cao,
Mỏm Whitby chếch về phía bắc
Sunderland có màu sáng quắc...)

Còn đây là bài "vè ngữ pháp" ("grammatical hymn") được sử dụng để trợ giúp học sinh học tiếng Latin:

Third nouns masculine prefer
Endings o, or, os and er
Third nouns feminine we class
Ending is, aus, x and as,
S to consonant appended,
Es in flexion unextended...

Việc ý thức được hiệu quả của cách học theo lối "chụp ảnh", "sao chép", đặc biệt đối với trẻ em, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải cẩn trọng trong ứng xử của mình: Nếu ông bố dạy con chấp hành luật giao thông mà chính mình lại vượt đèn đỏ thì đứa trẻ không chỉ "sao chép" hành động vượt đèn đỏ, mà cả hành động nói không đi đôi với là của bố.

Minh họa: Lê Phương.

Như ở trên đã nói, khi học thuộc lòng, hiểu theo nghĩa đúng đắn, người học không chỉ hiểu mà còn nhập tâm cả hình thức của học liệu. Nếu được áp dụng một cách thích hợp cho một học liệu phù hợp, học thuộc lòng là một phương pháp có nhiều điểm ưu việt. Xin lấy ví dụ là một bài ca dao trong môn văn học: 

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim trong lồng biết thuở nào ra.

Khi học thuộc lòng bài ca dao ấy, chúng ta không chỉ thuộc nội dung cụ thể của nó, một nội dung không mấy đặc sắc nếu không nói là khá nghèo nàn: một anh chàng nông dân thất tình lang thang trong vườn rau của mình, nhớ nhung người anh ta yêu nhưng không dám thổ lộ, nay đã đi lấy chồng. Nhưng đằng sau câu chuyện cụ thể này còn có câu chuyện khác: câu chuyện muôn thuở về tình yêu và hôn nhân.

Về mặt hình thức, bài ca dao là một bài thơ mẫu mực của thể lục bát - khi học thuộc lòng, người học sẽ nhập tâm cả nhịp điệu, luật bằng - trắc, nguyên tắc gieo vần. Nhưng sâu xa hơn, nó còn đem đến cho chúng ta một trải nghiệm nghệ thuật cụ thể, từ đó trong ta hình thành nhận thức khái quát hơn về logic của thể loại, nghệ thuật và thẩm mỹ nói chung. 

Điều này tương tự như sau khi học: "Một quả cam cộng một quả cam bằng hai quả cam" và "Một cái khăn cộng một cái khăn bằng hai cái khăn" chúng ta sẽ được quy luật chung: "Một cộng một bằng hai". Đây cũng là con đường của tri thức nói chung: từ cụ thể đến khái quát. Và từ đó, một vấn đề quan trọng được đặt ra: vấn đề học liệu.

Đối với môn văn học, vai trò của học thuộc lòng còn quan trọng hơn. Như chúng tôi đã viết trong một vài dịp khác, môn văn trong nhà trường không đơn thuần là một môn nghệ thuật học. Nền giáo dục đại chúng hiện đại không chỉ có nhiệm vụ đào tạo nghề, mà còn góp phần đào tạo ra những chủ thể văn hóa của dân tộc.

Vì thế, văn chương có một vai trò đặc biệt quan trọng. Lý do dễ nhận thấy là nếu như các môn học khác, chẳng hạn toán học và triết học, có xu hướng hướng tới tính phổ quát, thì văn chương lại gắn liền với ngôn ngữ và ký ức của cộng đồng, ở đây là cộng đồng dân tộc. 

Môn văn theo cách hiểu của chúng ta hiện nay là một môn học xuất hiện tương đối muộn. Môn văn học trong nhà trường ra đời như là hệ quả của sự hình thành nhà nước và nền "văn học học dân tộc".

Học trò ở Việt Nam hay Trung Quốc ngày xưa không học văn học Việt Nam hay văn học Trung Quốc mà học Tứ thư, Ngũ kinh. Trong Ngũ kinh có Kinh thi, nhưng ngay cả đối với người Trung Quốc thì đó cũng là một cuốn sách kinh điến chứ không phải là văn chương. Ở phương Tây cũng tương tự.

Trong hàng ngàn năm, ở châu Âu văn chương đích thực phải viết bằng tiếng Latin. Văn chương viết bằng tiếng bản địa (vernacular literature) khi đó bị coi là "nôm na", dân dã, không có giá trị. Thi hào Dante có lẽ là tác giả đầu tiên ở Italia (và có lẽ cả châu Âu) không chỉ sáng tác mà còn ra sức truyền bá những văn học viết bằng tiếng bản địa. 

Ở Việt Nam, cho đến thời cận đại, văn học đích thực phải viết bằng chữ Hán. Nguyễn Trãi, tác giả của những kiệt tác văn chương đầu tiên bằng tiếng Việt, đóng vai trò tương tự như vai trò của Dante trong văn học Italia.

Với sự ra đời và lớn mạnh của nhà nước dân tộc và sự tôn vinh văn học dân tộc, dạy văn trước hết là dạy văn học dân tộc: Người Pháp học văn học Pháp để trở thành người Pháp, người Việt học văn học Việt để trở thành nguời Việt. 

Hiểu được vai trò của môn văn, chúng ta sẽ hiểu tầm quan trọng của việc lựa chọn và học thuộc lòng các điển phạm (canon), tức là các văn bản văn chương tiêu biểu của dân tộc: đó chính là quá trình làm giàu hành trang văn hóa và tâm hồn của chúng ta.

Xin trở lại với chủ đề của chúng ta. Như vậy, học vẹt, nhất là học vẹt những học liệu không thích hợp, chứ không phải học thuộc lòng, là cách học nên tránh. Học thuộc lòng đúng cách không hề hạn chế tính sáng tạo của người học. Nhưng việc học thuộc lòng có phải là nguyên nhân khiến cho chương trình phổ thông của chúng ta quá tải hay không?

Câu trả lời của chúng tôi là không. Năng lực nhớ và cảm của con người có thể nói là vô tận. Vấn đề là nhớ cái gì, cảm cái gì. Nếu học liệu là những điều chúng ta yêu thích, thì việc học thuộc lòng là một niềm vui, hay ít nhất là một công việc tự nhiên như cách chúng ta hít thở.

Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi muốn nhắc đến một trải nghiệm cá nhân. Cách đây ít lâu, nhóm bạn từng du học ở Liên Xô chúng tôi có một cuộc gặp mặt. Rất nhiều người thành đạt, nhiều người là những nhà văn, nhà báo, giáo sư nổi tiếng, những nhà lãnh đạo cao cấp. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi có nhắc đến những thời học sinh phổ thông. Mọi người tranh nhau đọc lại những bài học thuộc lòng.

Chúng tôi có thể đọc vanh vách hàng trăm bài như thế, từ những bài "vỡ lòng" như "Cây hồng nho nhỏ/ Mới nhú chồi xinh/ Em cào sạch cỏ/ Cho cành tươi xanh..." và "Bố Tý là công nhân/ Ở bến tàu khuân vác/ Vừa làm lại vừa hát..." đến những bài ở các lớp lớn hơn như "Con chích chòe đậu xuống cành bưởi, cạnh cửa sổ. Nó hót một hồi dài như muốn đánh thức Tâm dậy...""Nghé hôm nay đi thi/ Cũng dậy từ gà gáy/ Người dắt trâu mẹ đi/ Nghé vừa đi vừa nhảy...". Và không chỉ có thơ văn, mà cả các định luật vật lý, các định lý toán học...

Ai nấy vẫn thuộc như in sau gần năm thập kỷ!

Ngô Tự Lập
.
.